Ảnh internet
1. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
Với mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Ngày 17/11/2020, Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, gồm 16 chương, 171 điều; được bố cục lại so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường khác. Như vậy, Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14, Luật số 39/2019/QH14 và Luật số 61/2020/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Nhiều nội dung chính sách, quy định mới như: (1) Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; (2) Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính; (3) Đã định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước; (4) Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; (5) Lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương; (6) Lần đầu chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp; (7) Cụ thể hóa các quy định về ứng phó BĐKH, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước; (8) Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế; (9) Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.
Một số vấn đề sửa đổi, bổ sung như: (1) Sửa đổi, bổ sung làm rõ một số từ ngữ tại Điều 3; (2) Sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm tại Điều 160, 161; (3) Sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật có liên quan đến bảo vệ môi trường tại Điều 169; (4) Sửa đổi, bổ sung các điều khoản chuyển tiếp tại Điều 171.
2. Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 (sau đây gọi là Luật số 67/2020/QH14).
Luật số 67/2020/QH14 được thông qua đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, với mục tiêu hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều (trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện), sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 04 điều, bãi bỏ 03 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, bố cục thành 03 điều, cụ thể:
- Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (có 75 khoản).
- Điều 2: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 và Luật số 23/2018/QH14).
- Điều 3: Hiệu lực thi hành.
3. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 được Quốc hội khoá XIV kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, theo đó Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Về phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Về đối tượng áp dụng: (1) Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (2) Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (3) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp) được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (4) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Về bố cục: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm 8 chương, 74 điều, cụ thể:
- Chương I: Những quy định chung gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7) quy định: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Chương II: Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm 05 Mục với 36 điều (từ Điều 8 đến Điều 43).
- Chương III: Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm 4 Mục với 18 điều (từ Điều 44 đến Điều 61).
- Chương IV: Bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động gồm 04 điều (từ Điều 62 đến Điều 65) quy định: Mục đích bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giáo dục định hướng.
- Chương V: Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước gồm 03 điều (từ Điều 66 đến Điều 68) quy định: Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; nhiệm vụ và nguồn hình thành của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
- Chương VI: Quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm 03 điều (từ Điều 69 đến Điều 71) quy định: Nội dung quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trách nhiệm của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
- Chương VII: Giải quyết tranh chấp gồm 01 điều (Điều 72) quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp.
- Chương VIII: Điều khoản thi hành gồm 02 điều (Điều 73, Điều 74) quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
4. Luật Biên phòng Việt Nam 2020
Ngày 11/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, theo đó Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng số 02/1997/PL-UBTVQH9 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và ngày 25/11/2020, Chủ tịch nước có Lệnh số 11/2020/L-CTN công bố Luật.
Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 là văn bản pháp lý rất quan trọng, đã thể chế đầy đủ quan điểm, tư tưởng của Đảng về bảo vệ Tổ quốc; về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia như:“Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, đó là “Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Luật Biên phòng Việt Nam quy định đầy đủ, toàn diện, cụ thể về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Tổ quốc; đặc biệt là quy định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và của cả hệ thống chính trị trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đáp ứng hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, gồm 06 chương và 36 điều, cụ thể:
- Chương I. Những quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8);
- Chương II. Hoạt động cơ bản về biên phòng, gồm 04 điều (từ Điều 9 đến Điều 12);
- Chương III. Lực lượng bộ đội biên phòng, gồm 12 điều (từ Điều 13 đến Điều 24);
- Chương IV. Bảo đảm biên phòng và chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, gồm 03 điều (từ Điều 25 đến Điều 27);
- Chương V. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về biên phòng, gồm 07 điều (từ Điều 28 đến Điều 34);
- Chương VI. Điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 35 và Điều 36).
5. Luật Phòng, chống ma túy 2021
Ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Phòng, chống ma tuý, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 và Luật Phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2008/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy, trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy và tội phạm về ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Đồng thời mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy. Ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
Luật gồm 08 chương, 55 điều, cụ thể:
- Chương I. Những quy định chung, gồm 05 điều;
- Chương II. Trách nhiệm phòng, chống ma tuý, gồm 06 điều;
- Chương III. Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý, gồm 10 điều;
- Chương IV. Quản lý người sử dụng trái phát chất ma tuý;
- Chương V. Cai nghiện ma tuý, gồm 17 điều;
- Chương VI. Quản lý nhà nước về phòng, chống ma tuý, gồm 07 điều;
- Chương VII. Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma tuý, gồm 03 điều;
Chương VIII. Điều khoản thi hành, gồm 02 điều./.
6. Luật Thống kê sửa đổi năm 2021
Ngày 12/11/2021, tại chương trình kỳ họp thứ 2, với 462/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,59%, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021./.
Huyền Trang (tổng hợp)