Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện đại là tất yếu khách quan, phù hợp với tính chất hòa bình, tự vệ của nền quốc phòng Việt Nam và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, là cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Xuyên tạc chủ trương này nhằm “phi chính trị hóa” Quân đội, hướng lái xây dựng “quân đội nhà nghề” - một thủ đoạn xảo trá của các thế lực thù địch cần kiên quyết bác bỏ.
Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện đại là nội dung quan trọng, tiếp theo trong chiến lược xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Điều này được nêu rõ trong các nghị quyết của Đảng, trong Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc,... được thể chế hóa trong chính sách, pháp luật của Nhà nước và được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực thực hiện. Hiện nay, trước sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thì vấn đề xây dựng Quân đội hiện đại càng trở nên quan trọng và bức thiết, mang tính chiến lược cơ bản, lâu dài. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”1.
Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp và cần thiết, phản ánh sâu sắc tư duy mới của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Quân đội. Nhưng với dã tâm phá hoại sự nghiệp xây dựng Quân đội, các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn xuyên tạc, công kích chủ trương đúng đắn ấy bằng các luận điệu: “muốn hiện đại hóa quân đội, thì trước hết phải đổi mới xây dựng quân đội”; rằng, phải nghiên cứu, thực hiện xây dựng theo “mô hình quân đội của phương Tây”. Họ còn “khuyên nhủ”, để hiện đại hóa quân đội, nên liên minh, liên kết với cường quốc có nhiều vũ khí, trang bị hiện đại và đang “mong muốn giúp đỡ” Việt Nam. Thâm hiểm hơn, chúng còn rắp tâm quy kết: Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng quân đội hiện đại là “cuốn theo cuộc chạy đua vũ trang”, là “khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực” và để “chống lại một nước thứ ba”; xuyên tạc rằng “Việt Nam đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mới”, làm cho tình hình khu vực và Biển Đông trở nên phức tạp và “nóng” hơn, nhằm phá hoại mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực. Để chống phá, các thế lực thù địch tấn công trực diện, công khai, liên tục với cường độ mạnh bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; họ triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội để phát tán những thông tin, tài liệu, luận điệu xuyên tạc, công kích trắng trợn và kêu gọi, lôi kéo sự phụ họa của những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn tham gia chống phá chủ trương xây dựng Quân đội hiện đại của Đảng, Nhà nước ta.
Những thủ đoạn đó đặc biệt nguy hiểm, tác động tiêu cực đến quá trình hiện đại hóa và sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân trong thời kỳ mới. Bởi, nó gây nhiễu, kìm hãm và cản trở sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tạo bất lợi cho nước ta trong quan hệ quốc tế và đối ngoại quân sự, quốc phòng, nhất là với các nước lớn, các nước trong khu vực, cũng như bảo đảm hòa bình cho ổn định và phát triển đất nước. Họ cũng toan tính rằng, nếu chưa thể làm chệch hướng quá trình hiện đại hóa Quân đội Việt Nam, thì thủ đoạn đó cũng dễ tạo nên mối nghi ngờ, tâm lý hoang mang nhất định, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào đường lối quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và phương hướng xây dựng Quân đội hiện đại của Đảng, Nhà nước ta; từ đó tin và mong muốn xây dựng quân đội theo mô hình phương Tây; khơi dậy sự “mong ngóng” trong xã hội về sự liên kết, hỗ trợ, “giúp đỡ” của cường quốc để hiện đại hóa quân đội.
Chúng ta đều biết, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội vững mạnh là đòi hỏi tất yếu đối với mỗi quốc gia; việc hiện đại hóa cũng là yêu cầu cần thiết đối với bất cứ lực lượng vũ trang, quân đội của quốc gia nào. Đó là sự thật hiển nhiên mà không có tổ chức và quốc gia nào phủ nhận. Theo đó, mỗi nước, căn cứ vào đặc điểm, tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể; tính chất, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nước mình mà thực hiện hiện đại hóa, trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật cho phù hợp với khả năng của mình. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, tranh chấp biên giới, lãnh thổ, chủ quyền biển đảo,… diễn ra ở nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp, thì vấn đề xây dựng và hiện đại hóa quân đội để tự vệ chính nghĩa, bảo vệ hòa bình lại càng trở nên quan trọng và bức thiết hơn bao giờ hết. Như vậy, việc Đảng, Nhà nước ta chủ trương xây dựng Quân đội hiện đại, ưu tiên một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại là tất yếu. Chủ trương này tuyệt nhiên không phải là “chưa cần thiết”, “không phù hợp”, ảnh hưởng tiêu cực đến “đời sống của nhân dân” như sự công kích của các thế lực thù địch. Thậm chí, đây còn là chủ trương cho thấy rõ tầm quan trọng mang tính chiến lược của việc xây dựng Quân đội hiện đại trong bối cảnh mới; đồng thời, khẳng định Việt Nam đã có đủ điều kiện, khả năng và sự đồng thuận, sự mong muốn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong xây dựng Quân đội hiện đại.
Mặt khác, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với sự xuất hiện của các hình thái chiến tranh hiện đại và phương thức tác chiến mới đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, v.v. Những vấn đề đó đòi hỏi chúng ta phải đẩy nhanh lộ trình hiện đại hóa Quân đội, tập trung xây dựng một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”. Đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta xác định là một nội dung quan trọng trong phương hướng xây dựng Quân đội. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, cùng những kết quả bước đầu đạt được từ quá trình hiện đại hóa Quân đội thời gian qua bảo đảm cho chúng ta những điều kiện cần và đủ để xây dựng Quân đội hiện đại như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Chủ trương đó cũng chỉ rõ, bên cạnh việc phát huy, nâng cao hiệu quả vũ khí, trang bị hiện có, cần phải có vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước.
Bên cạnh đó, tăng cường sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội là nhằm chủ động giữ vững hòa bình, ổn định, ngăn ngừa mọi nguy cơ xung đột, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để đất nước xảy ra chiến tranh. Đồng thời, bảo đảm cho Quân đội có đủ sức mạnh, sẵn sàng đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống. Đó là mục đích tự vệ, thể hiện tính chất hòa bình, chính nghĩa, độc lập, tự chủ, không liên kết trong chủ trương xây dựng Quân đội hiện đại, không phải là “khơi mào” cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, để “chống lại một nước thứ ba” nào đó, làm cho tình hình trở nên phức tạp và “nóng” hơn như sự xuyên tạc xảo trá theo kiểu “gắp lửa bỏ tay người” của các thế lực thù địch.
Hiện nay, không ít phần tử tuy bày tỏ sự “ủng hộ” chủ trương hiện đại hóa quân đội của Đảng và Nhà nước ta, song lại hướng lái quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc, không chịu sự lãnh đạo của Đảng; rằng, chỉ cần trang bị vũ khí hiện đại thì quân đội ắt sẽ mạnh lên, khiến các nước khác phải e dè, v.v. Đây là thủ đoạn rất tinh vi, nham hiểm, hòng che đậy mưu đồ “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, làm cho Quân đội ta mất phương hướng chính trị, mục tiêu chiến đấu để dễ bề thao túng. Ở đây, cần phải khẳng định rằng, cùng với các nội dung xây dựng khác, việc xây dựng Quân đội hiện đại, tinh, gọn, mạnh còn nhằm không ngừng tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội ta hiện nay, làm cho Quân đội ta thực sự là của dân, do dân và vì dân; là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, Tổ quốc, Nhân dân và đủ sức hoàn thành phận sự trung thành ấy, chứ không phải theo mô hình “quân đội nhà nghề” phương Tây như sự hướng lái của các thế lực thù địch. Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội ta luôn nêu cao ý chí, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường để xây dựng quân đội hiện đại. Vì vậy, không thể từ bỏ chính sách quốc phòng “4 không” như sự “khuyên nhủ” của các thế lực thù địch. Tuy nhiên “Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế”2.
Cùng với đó, cần nhận thức đúng: chúng ta xây dựng Quân đội hiện đại không chỉ về vũ khí trang bị, mà hiện đại trên tất cả các nội dung cấu thành sức mạnh chiến đấu của Quân đội trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó còn là sự quán triệt sâu sắc quan điểm “người trước, súng sau”, giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người và vũ khí, trang bị trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Nếu xa rời những nguyên tắc, yêu cầu trên, thì xây dựng Quân đội hiện đại sẽ mất phương hướng, không những không tăng cường được sức mạnh chiến đấu và bản chất giai cấp công nhân của Quân đội, mà có thể dẫn đến những nguy hại khôn lường.
Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện đại là tạo nên một cốt lõi vững chắc trong các “trụ cột” của sức mạnh tổng hợp: “kinh tế vững”, “quốc phòng mạnh”, “thực lực cường”, “lòng dân yên”, “chính trị - xã hội ổn định”, “cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất” như Đảng ta xác định trong Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc. Đó là chủ trương đúng đắn, phù hợp của Đảng, Nhà nước ta và là nguyện vọng, mong muốn xây dựng Quân đội nhân dân thực sự hùng mạnh, đủ sức bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Mạnh Hưởng - Nguyễn Văn Hà
* Trường Sĩ quan Lục quân 1
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Đức Thi (st)
1. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 157 - 158.
2. Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb CTQGST, H. 2019, tr. 25.