Chỉ cần đến huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế, hỏi bất cứ người dân nào cũng đều biết đến một cụ già tóc trắng như tiên ông, tay chống nạng gỗ đi khắp mọi nơi trong xã, huyện để truyền lửa cho các thế hệ con cháu.

Đấy chính là người thương binh nặng hạng ¼ Nguyễn Xuy, người mà khi nhắc đến tên cụ ở địa phương ai cũng kính nể...

nguoi-thuong-binh-cao-tuoi-truyen-lua-cho-the-he-tre-0
Cụ Nguyễn Xuy

Có một người thầy dạy sử như thế

Cụ Nguyễn Xuy, sinh năm 1926, một cán bộ tiền khởi nghĩa đã trải qua hơn 30 năm quân ngũ, từng nếm trải qua các nhà tù Pleiku, Biên Hòa, Phú Quốc, 3 lần bị địch cưa chân; 15 năm làm Giám đốc trường Đảng Nguyễn Chí Thanh (Bình- Trị- Thiên), đã đào tạo được gần 1 vạn cán bộ Đảng cho địa phương; hàng chục năm chống cây nạng gỗ đi khắp mọi nơi trong xã Quảng Vinh và huyện Quảng Điền để xây dựng phong trào khuyến học. Cứ đều đặn như vậy, mỗi năm cụ đứng lớp không lương tới 300 tiết học chỉ để truyền lại nhiệt huyết cho thế hệ trẻ qua các bài giảng lý luận, lịch sử, truyền thống dân tộc. Cụ Xuy chia sẻ: “Mỗi bài học mà tôi giảng là cả một câu chuyện về xương máu mà thế hệ chúng tôi đã đánh đổi để giành lại độc lập cho đất nước, nên các cháu rất hăng say tiếp thu”. 

Sau Hiệp định Paris, năm 1972, ngày 18-2-1973, cụ Nguyễn Xuy cùng 800 thương binh, tù binh được trao trả tại bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Tuy chỉ còn lại một chân với hàng chục vết thương trên người, tưởng đã có thể sống những ngày tháng an nhàn để bù đắp lại những hy sinh mất mát quá lớn đối với một người như cụ Xuy, nhưng cụ không thể nào yên tâm khi có lần nghe trên đài truyền thanh huyện đưa tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử với hơn một nửa số em không vượt quá điểm trung bình. Cụ Xuy nghĩ, dường như mình vẫn còn một việc gì đó cần phải làm cho các em, những thế hệ tương lai của đất nước. Cụ vẫn thường tâm niệm: “Lịch sử là hào khí cha anh không thể quên, không có quá khứ hào hùng sẽ không có hiện tại thanh bình và tương lai tươi sáng, thế hệ trẻ cần được giáo dục, hun đúc dòng chí khí xưa để tạo ra cái gốc của quan niệm sống sau này...”.

Cụ nhớ lời dạy của Bác, việc gì có lợi cho cách mạng, cho dân, cho nước thì nên làm. Vậy là ngay ngày hôm sau, cụ Xuy chống đôi nạng gỗ ra trường tiểu học Quảng Vinh tìm gặp thầy hiệu trưởng để bàn bạc việc giúp các em học sinh nâng cao kiến thức môn Lịch sử. Cụ phải thức trắng nhiều đêm liền để nghiên cứu và biên soạn ra những bài giảng về lịch sử địa phương. Sau khi soạn xong bài giảng và được nhà trường đồng ý, ngày nào cụ cũng chống nạng đi đến các trường tiểu học và trung học ở địa phương để giảng về lịch sử cho các em nghe với mong ước không để cho thế hệ trẻ hôm nay quên cội nguồn dân tộc, quê hương, quên đi những hy sinh xương máu của thế hệ cha ông vì nền độc lập tự do của tổ quốc. 

Cùng với các Trường Tiểu học và Phổ thông cơ sở xã Quảng Vinh, cụ Xuy tiếp tục mở rộng bài giảng của mình ra các trường ở những xã khác trong huyện Quảng Điền. Vừa để khuyến khích phong trào thi đua học tập của các em học sinh, vừa để hỗ trợ con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, trong khi toàn xã có gần 500 liệt sĩ, chưa kể con em thương, bệnh binh, cụ Xuy đã nảy ra sáng kiến thành lập Hội khuyến học xã Quảng Vinh vào năm 1994, trước khi Hội khuyến học Việt Nam ra đời. 

Ngày đầu thành lập Hội cụ Xuy bàn với thầy Quý, Hiệu trường Trường Tiểu học Quảng Vinh hồi ấy, bỏ tiền túi góp 2 tháng lương, thầy hiệu trưởng cũng góp 1 tháng lương để xây dựng quỹ Hội. Tính từ ngày thành lập đến nay gần 20 năm, tổng số tiền vận động cho Quỹ khuyến học xã Quảng Vinh đạt 2,1 tỉ đồng, đã sử dụng 1,85 tỉ đồng vào khen thưởng và giúp đỡ các cháu con em gia đình nghèo. 

Với tấm Huân chương Lao động hạng 3 năm 2005 của Hội Khuyến học xã Quảng Vinh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng, công đầu thuộc về người Chủ tịch Hội, cụ Nguyễn Xuy. Từ đó, phong trào khuyến học lan tỏa ra nhiều xã khác trong huyện, chất lượng học tập, đặc biệt là môn Lịch sử được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ các em đỗ tốt nghiệp và cao đẳng, đại học cũng ngày càng tăng lên theo năm tháng.

Người thương binh kiên cường

Năm 1947, cụ Xuy đã tham gia trận chống càn của địch ở Cù Hoan (tỉnh Quảng Trị). Cụ bị trúng một mảnh đạn cối làm gãy ba xương sườn, nát thùy phổi trái, thủng ruột và nhiều mảnh đạn ở cổ và trên người. Khi ấy, cụ được đồng đội đưa lên BV Quân y K42 (Bình-Trị-Thiên) để điều trị. Sau hơn 6 tháng nằm viện, những vết thương dần hồi phục và cụ được giữ lại phục vụ tại Quân y viện. Trong thời gian ấy, cụ Xuy đã dành phần lớn thời gian đến các phòng thương binh nặng nằm sâu trong rừng để động viên thăm hỏi và nói chuyện thời sự, chính sách cho thương binh nghe, tạo thêm luồng sinh khí mới, tạo lòng tin để anh em yên tâm điều trị, mau chóng bình phục vết thương. Năm 1960, đúng đêm tân hôn với một nữ chiến sĩ biệt động, cùng quê hương, cụ được lệnh vào Nam, công tác tại Ban Tuyên huấn Quân khu V, hoạt động ở chiến trường Phú Khánh (cũ). Vợ cụ cũng vào Nam ngay sau đó, hoạt động tình báo tại TP Huế. Trong chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), cụ trực tiếp chỉ huy một đội quân đánh vào TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. 

nguoi-thuong-binh-cao-tuoi-truyen-lua-cho-the-he-tre-1

Trong trận đánh đó, cụ và hơn 30 đồng chí khác bị thương nặng, nên trong lúc rút quân ra khỏi trận địa, cả 30 chiến sĩ bị thương đều bị địch bắt rồi đưa lên giam tại nhà tù Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tất cả anh em trong tù một lòng, một dạ kiên quyết không khai báo, dù bị hành hạ, tra tấn hết sức dã man. Cuối cùng không moi được tin tức gì, bọn chúng chuyển cụ và một số anh em khác về nhà lao Biên Hòa. Tại đây, bọn địch áp dụng hình thức biệt giam đối với cụ, sử dụng nhiều hình thức tra tấn vô cùng tàn ác. 

Bọn chúng đã cưa chân trái cụ đến 3 lần, lên tận khớp háng, nhưng cụ vẫn không khai báo. Đến năm 1971, bọn địch đưa cụ ra giam tại “địa ngục trần gian” Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Điều đáng nói là sau mỗi lần vượt qua nỗi đau tưởng như không thể ấy, cụ Xuy lại tiếp tục tập hợp anh em dạy chính trị và phổ biến các chủ trương hoạt động của chi bộ Đảng trong nhà tù với phương châm “biến nhà tù thành trường học” của những người cộng sản.  Ngay tại nhà tù Phú Quốc, cụ vẫn kiên cường hoạt động bí mật và được bầu làm Bí thư Đảng ủy Phú Quốc.

Với những đóng góp to lớn của mình, cụ Nguyễn Xuy được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Năm 2008, cụ vinh dự được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm hỏi tặng quà trong chuyến công tác tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Với tinh thần cách mạng tiến công của người cộng sản chân chính và truyền thống tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, cụ Nguyễn Xuy năm nay tuy đã già yếu, gần 90 tuổi, nhưng chưa một ngày ngừng nghỉ trách nhiệm “trồng người” cho đất nước mai sau, qua việc giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc cho thế hệ trẻ. Cụ những mong “dân ta phải biết sử ta”, đấy là nguồn cội của mọi sự thành công và phát triển bền vững. 

          Hoan Ca
Theo Báo Tiền phong
Kim Yến (st)

 

Bài viết khác: