50. Trả lời các nhà báo trong nước và nước ngoài

- Về kết quả của cuộc Tổng tuyển cử bên Pháp, nhất là ảnh hưởng của nó đối với nước Việt Nam?

- Người ta đã bàn tán nhiều rồi về sự thắng lợi của phái tả hay phái hữu trong cuộc Tổng tuyển cử này. Nhưng dù là phái hữu thắng hay phái tả thắng, nhân dân Pháp bao giờ cũng vẫn như trước: Nghĩa là ủng hộ nền độc lập và thống nhất của Việt Nam. Điều đó tôi đã nhận thấy hồi tôi qua Pháp. Còn dân Việt Nam, thì dù phái hữu thắng hay phái tả thắng trong cuộc tuyển cử ở Pháp, dân Việt Nam cũng phải đòi cho được độc lập và thống nhất, tuy vẫn ở trong khối Liên hiệp Pháp. Người ta nói sự liên hợp làm nên sức mạnh. Vào trong khối Liên hiệp Pháp, cái đó vừa lợi cho nước chúng tôi và lợi cho cả nước Pháp nữa.

- Về sự thi hành bản Tạm ước 14-9?

- Như các ngài đã biết, chúng tôi nhất định thi hành thành thật những điều chúng tôi đã ký. Bản Tạm ước ấy sẽ dọn đường cho hai nước đi tới một sự hợp tác trên lập trường tự do có lợi cho cả hai nước. Tôi nhắc lại rằng những quyền lợi kinh tế, vǎn hoá, v.v. của người Pháp, chúng tôi đã hứa tôn trọng và chúng tôi sẽ tôn trọng. Cốt nhiên, chúng tôi mong rằng các bạn người Pháp hiểu cho như vậy và sự tôn trọng ấy phải có lợi cho cả hai bên. Một chứng cớ tỏ ra nhân dân Việt Nam muốn thân thiện với nhân dân Pháp đó là Hội Việt – Pháp vừa được thành lập. Mấy hôm nay, giọng các báo Pháp và của Đài phát thanh Sài Gòn có hơi thay đổi: Tôi nghĩ rằng trong “tình yêu” cũng có khi có những nhịp điệu lên xuống như vậy.

- Những kết quả của sự thi hành Tạm ước từ 30 tháng 10 tới giờ?

- Một vài kết quả nào đó, nhưng không phải những kết quả mà chúng ta chờ đợi. Thí dụ, chúng tôi đã đề nghị cử một vị đại diện Việt Nam ở bên cạnh viên Thượng sứ Pháp quốc Cộng hoà, nhưng chưa được trả lời. Chúng tôi đã sẵn sàng làm việc, vậy mà trừ tiểu ban quân sự, các tiểu ban khác đã định trong Tạm ước vẫn chưa thấy tới. Ngoài ra, trong vài bức thư của ông Thượng sứ Pháp mới đây có những câu mà thường thường từ trước tới giờ ông chưa dùng bao giờ. Ông nói những là “đình chỉ sự thi hành bản Tạm ước”, những là “các nhà cầm quyền Pháp ở Nam Bộ sẽ bắt buộc phải trừng trị, nếu …”. Tất cả những câu ấy không được. Người ta có thể là bạn với nhau được, nhưng không phải những câu như thế có thể giúp cho sự hiểu nhau. Có những thí dụ khác nữa mà tôi rất tiếc phải kể ra đây. Sự khủng bố ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ vẫn chưa dứt. Ngày 3 tháng 11, ở Gia Định trong miền Tân Sơn Nhất, quân đội Pháp đến vây dân chúng Việt Nam và giết mất hai người. Ngày 4 ở Gò Công, dân chúng Việt Nam đương biểu tình đòi thi hành đúng bản Tạm ước thì quân Pháp đến bắn sả vào, một người chết và nhiều người bị thương. Bà Rịa cũng chuyện như vậy, hai người chết. Nha Trang cũng thế, nhưng nghiêm trọng hơn: Dân chúng mất bảy người chết. Còn nhiều việc đáng tiếc khác nữa. Sự giải phóng các chính trị phạm vẫn ngừng trệ và chỉ như có một tính cách tượng trưng, còn một số rất đông vẫn bị bắt bớ, giam cầm, vẫn bị đày đi ra Côn Đảo và các nơi khác. Bắc Bộ, việc hàng hoá ra vào bị ngǎn trở. Điều ấy không những có hại cho dân Việt Nam mà cho cả các bạn người Pháp và người Trung Hoa nữa. Tôi tin rằng những sự hiểu lầm ấy sẽ hết. Nếu sự buôn bán, làm lụng được dễ dàng hơn, cái đó không phải chỉ chúng tôi được hưởng không thôi, mà cả các bạn Pháp và Trung Hoa nữa.

Còn về Liên bang Đông Dương, chúng tôi cũng muốn gia nhập vào đó như vào khối Liên hiệp Pháp. Nhưng chúng tôi vào đấy là để cùng giữ lợi ích chung, chứ không phải để chết ngạt trong đó. Nếu người ta muốn dùng chữ Liên bang Đông Dương để làm thành một cái gì giam trói, ràng buộc quyền tự do, quyền sinh hoạt của chúng tôi, nhất định không thể xong được. Bởi vì ai cũng muốn sống tự do. Và không ai nên tìm cách lừa bịp lẫn nhau.

- Về sự giao thiệp giữa Việt Nam và Trung Hoa?

- Tôi lấy làm lạ rằng sao người ta lại còn phải hỏi một câu tôi đã trả lời bao nhiêu lần rồi. Về lịch sử, địa dư, vǎn hoá, kinh tế, Việt Nam và Trung Hoa bao giờ cũng vẫn có quan hệ với nhau, như môi với rǎng. Nhưng nếu các nhà cầm quyền Trung Hoa đã bàn về vấn đề có can dự đến Việt Nam mà dân Việt Nam không được biết thì chúng tôi không chịu trách nhiệm. Tôi tin rằng theo chủ nghĩa của bác sĩ Tôn Dật Tiên và ý tưởng của Thống chế Tưởng Giới Thạch, không người Trung Hoa nào sẽ làm gì phạm tới chủ quyền và quyền lợi nước Việt Nam.

- Sự giao thiệp của Việt Nam với n Độ?

- Rất thân thiện. Mới đây, tôi nhận được lời mời tham dự vào Hội nghị Liên Á họp ở n Độ sang nǎm. Khi tôi qua n Độ, các bạn n đã tiếp đón tôi một cách rất thân mật.

Để kết luận, tôi mong rằng những hiểu lầm giữa hai bên Việt – Pháp sẽ được tiêu tán đi, để cho hai bên sau đây sẽ cùng bước mau đến một sự hợp tác mà ai cũng muốn. Tôi yêu cầu các bạn Pháp tin ở chúng tôi; Chúng tôi nhất quyết giữ lời hứa. Có người hỏi: Tại sao những giao tiếp cá nhân giữa người Pháp và người Việt Nam bây giờ rất hiếm? Chúng tôi không bao giờ làm gì ngǎn trở, gây khó khǎn cho những cuộc gặp gỡ ấy. Trái lại, chúng tôi còn muốn khuyến khích những sự tiếp xúc đó nữa. Vì những cuộc đó dễ làm tan những mối hiểu lầm và làm nảy nở tình thân thiện. Tôi mong rằng sau đây những cuộc giao thiệp gặp gỡ nhau ấy sẽ có luôn. Cái đó chỉ do các bạn người Pháp thật tâm muốn là được.

Trả lời ngày 16-11-1946.

Báo Cứu quốc, số 408, ngày 17-11-1946.

51. Trả lời đại biểu các báo Việt Nam về chính kiến của Lêông Blum

Cụ Lêông Blum chẳng những là lãnh tụ chính trị của Đảng Xã hội, mà lại là lãnh tụ đạo đức của nhân dân Pháp, mà có thể nói là của thế giới. Lời cụ nói rất có giá trị và ảnh hưởng. Cụ Lêông Blum nói: “Muốn giữ vững ảnh hưởng vǎn minh, chính trị và vǎn hoá Pháp, muốn giữ gìn lợi ích vật chất của người Pháp ở Việt Nam thì có một phương pháp và chỉ một phương pháp mà thôi. Phương pháp đó tức là hợp tác thật thà trên nền tảng độc lập, tức là lòng tin nhau và nghĩa thân thiện”.

Lời của cụ Lêông Blum chẳng những đại biểu cho tâm lý nhân dân nước Pháp, mà cũng có thể nói đại biểu cho tâm lý nhân dân Việt Nam.

Việt Nam quyết lòng thật thà cộng tác với nhân dân Pháp như anh em, trên nền tảng độc lập, bình đẳng, quyết lòng tôn trọng lợi ích vǎn hoá và vật chất của nước Pháp ở đây.

Nhưng Việt Nam cũng quyết lòng không để cho ai chinh phục bằng âm mưu hoặc bằng vũ lực.

Vậy tôi rất tán thành chính sách thân thiện của cụ Blum và cảm ơn cụ Blum đã hiểu rõ tâm lý của nhân dân Việt Nam. Chính sách đó thay thế cho chính sách thực dân sớm ngày nào thì lợi ích cho hai dân tộc Việt – Pháp ngày ấy!

Trả lời ngày 12-12-1946.
Báo Cứu quốc, số 434, ngày 13-12-1946.

52. Trả lời các nhà báo (2-1-1947)

Hỏi: Thưa Chủ tịch, Bộ trưởng Mutê sẽ ra gặp Chủ tịch không?

- Đáp: Xin anh em hỏi Bộ trưởng Mutê thì rõ hơn. Dù sao, tôi với Bộ trưởng là bạn cũ. Tôi sẽ rất hoan nghênh gặp người bạn tôi.

Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết ý nghĩa của cuộc chiến tranh này?

- Đáp: 1. Việt Nam không chiến tranh chống nước Pháp và dân Pháp vì ta muốn hai dân tộc Việt – Pháp cộng tác thật thà.

2. Nhưng tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc. Bọn thực dân phản động dùng vũ lực phá hoại quyền thống nhất và độc lập của dân ta, cho nên dân ta phải kháng chiến để giữ gìn đất nước.

- Hỏi: Thực dân phản động và thực dân không phản động khác nhau chỗ nào?

- Đáp: Có những người tài chính và kinh tế Pháp muốn kinh doanh ở xứ ta. Họ hiểu rằng muốn kinh doanh sinh lợi, thì phải thật thà cộng tác với ta. Muốn cộng tác, thì phải để ta độc lập và thống nhất. Đó là hạng thực dân không phản động. Còn những bọn cứ muốn dùng âm mưu hoặc vũ lực để dìm ta xuống, đó là thực dân phản động.

- Hỏi: Cuộc kháng chiến sẽ kết liễu thế nào?

- Đáp: Lịch sử thế giới và lịch sử nước ta tỏ cho ta biết rằng:

1. Hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết tranh đấu cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng được họ. Dân Việt Nam muốn hoà bình, nhưng vì vận mệnh của Tổ quốc, của giống nòi, thì sẽ kháng chiến đến cùng, kháng chiến đến thắng lợi.

2. Chúng ta hiểu biết và kính trọng dân tộc Pháp. Nếu Chính phủ và nhân dân Pháp không để bọn thực dân phản động phá hoại hoà bình, phá hoại lợi ích và danh dự Pháp, phá hoại tình thân thiện giữa hai dân tộc Việt – Pháp, nếu Chính phủ Pháp dàn xếp theo cách hoà bình, tôn trọng chủ quyền của ta, thì ta vẫn sẵn sàng đàm phán.

3. Mỹ đã nhận Phi Luật Tân độc lập, Anh đã hứa n Độ độc lập. Không lẽ một nước tiền tiến như nước Pháp, vì bọn thực dân phản động, mà cam chịu tiếng bất nhân không công nhận Việt Nam độc lập.

Trả lời ngày 2-1-1947.

Sách Lời Hồ Chủ tịch, Nha Thông tin Việt Nam, 1948, t.1, tr.19-20.

53. Điện trả lời một nhà báo Mỹ (12-1-1947)

1- Hồ Chí Minh xin gửi tới nhân dân Mỹ vĩ đại tình hữu nghị tốt đẹp nhất của nhân dân Việt Nam và hy vọng nhân dân Mỹ sẽ ủng hộ Việt Nam đấu tranh giành độc lập.

2- Không có liên lạc từ bên ngoài. Vẫn hy vọng nhưng không biết Mỹ có thiện ý giúp Việt Nam giành độc lập hay không. Có muốn kêu gọi nước Mỹ, nhưng chưa biết làm cách nào.

3- Cuộc chiến sẽ tiếp diễn chừng nào Pháp chưa thừa nhận nền độc lập và thống nhất của nước Việt Nam.

4- Đúng. Chính phủ Việt Nam sẽ ở gần Hà Nội.

5- Pháp bắt đầu xâm lược bằng cuộc bao vây Hải Phòng, ngày 20-11, sau đó là những vụ khiêu khích hàng ngày và việc tǎng cường các lực lượng đồn trú.

6- Việt Nam hy vọng Mỹ sẽ giúp các dân tộc nhỏ giành độc lập như Tổng thống Rudơven đã thường nói.

7- Kể từ ngày 19-12, Pháp không hề có sự nỗ lực nào để đàm phán mà chỉ tǎng quân. Thậm chí ông Mutê không muốn gặp Hồ Chí Minh.

8- Việt Nam chưa có liên hệ gì với các phóng viên Mỹ.

9- Việc Pháp buộc tội quân Nhật Bản ở Việt Nam là để tuyên truyền. Không phải quân Trung Quốc, quân Anh, quân Pháp đã quét sạch quân Nhật khỏi Đông Dương. Điều chắc chắn là đội quân Lê Dương của Pháp ở đây chủ yếu gồm bọn phát xít.

10- Các phóng viên Mỹ có quốc tịch Mỹ sẽ được đón tiếp khi họ đến gặp các nhà chức trách Việt Nam.

11- Việt Nam thu được một máy bay của Pháp, nhưng nó không tốt lắm. Hy vọng Mỹ sẽ gửi giúp chúng tôi vài chiếc.

12- Việt Nam muốn giữ mối liên hệ với nước Mỹ.

Trả lời ngày 12-1-1947.

Tiếng Anh, bản gốc lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I,
bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

54. Trả lời phỏng vấn của báo Chiến đấu (2-1947)

1. Hỏi: Từ ngày kháng chiến bùng nổ, Chủ tịch luôn luôn mạnh khoẻ không?

Trả lời: Cảm ơn! Như các bạn trông thấy, bây giờ tôi béo đỏ hơn trước, mặc dầu tôi luôn luôn đi thǎm mặt trận này đến mặt trận khác, nhiều khi đi mấy chục cây số, mưa ướt dầm dề, đường trơn như mỡ, mà cũng không thấy mệt.

2. Hỏi: Vì sao Pháp chưa điều đình với ta?

Trả lời : Vì thực dân Pháp đang mơ tưởng có thể dùng vũ lực mà chinh phục ta. Vì họ chưa hiểu rằng: Toàn thể dân ta đã kiên quyết kháng chiến, để tranh lại quyền thống nhất và độc lập.

3. Hỏi: Nếu Pháp điều đình với một nhóm người khác, thì thái độ của Chính phủ ta sẽ thế nào?

Trả lời: Bất kỳ Pháp điều đình với ai, nếu Tổ quốc ta được thống nhất độc lập thật thà, đồng bào ta được tự do dân chủ thật thà, thì Chính phủ ta và quốc dân ta sẽ thoả thuận. Bất kỳ ai mà phản bội quyền lợi của Tổ quốc và của đồng bào, thì Chính phủ và nhân dân ta sẽ coi họ là những người phản quốc. Và cứ kháng chiến.

4. Hỏi: Đối với cuộc kháng chiến của quân và dân miền biển, Chủ tịch có cảm tưởng như thế nào?

Trả lời: Tuy trình độ chiến đấu mỗi nơi có khác nhau ít nhiều. Nhưng lòng yêu nước và chí kiên quyết của toàn thể quân và dân miền biển thì đều rất cao. Trong lịch sử kháng chiến cứu quốc, đồng bào miền biển đã viết một trang rất vẻ vang. Tuy vậy, càng gần đến thắng lợi, càng nhiều bước gian nan. Cho nên đồng bào miền biển, quân cũng như dân, phải gắng sức thêm, phải gắng sức mãi, cho đến cuộc thắng lợi hoàn toàn.

Tôi nhận được rất nhiều thơ các bộ đội, cơ quan, đoàn thể và cá nhân đồng bào miền biển gửi cho tôi. Tiếc vì bận việc quá, không thể trả lời khắp. Vậy nhờ báo Chiến đấu chuyển lời cảm ơn và lòng thân ái của tôi cho toàn thể đồng bào miền biển và hôn các cháu nhi đồng.

Trả lời tháng 2-1947.

Bản đánh máy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu tại Cục lưu trữ Trung ương Đảng, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh. 

55. Trả lời các nhà báo về cuộc tranh luận về vấn đề Việt Nam tại Quốc hội Pháp (25-3-1947)

- Trả lời câu hỏi thứ nhất:

Trong cuộc tranh luận đó tiếc rằng nhiều vị đại biểu Pháp không hiểu rõ tình hình Việt Nam mà lại cố ý bịa đặt những điều sai hẳn sự thực, làm cho Nghị viện và nhân dân Pháp thêm bối rối, một vài thí dụ:

1. Dân Việt Nam nổi lên tranh lấy chính quyền, cử ra Chính phủ Dân chủ Cộng hoà, thế mà ông cựu Thủ tướng Pháp Pôn Râynô dám nói rằng Chính phủ Việt Nam do Nhật lập ra.

2. Từ 6-3, đại biểu Pháp ở Việt Nam luôn luôn thi hành những chính sách âm mưu và vũ lực. Họ tiếp tục tấn công và khủng bố Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ. Họ lập ra “nước Nam Kỳ” và chính phủ bù nhìn để chia rẽ dân tộc ta. Họ tự tiện đặt ra những cơ quan thống trị mà họ gọi là cơ quan liên bang. Họ phong toả Hải Phòng, chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn. Họ gửi tối hậu thư để uy hiếp Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Họ dung túng lính Pháp khiêu khích cả ngày lẫn đêm. Họ cho lính Pháp tàn sát nhân dân Hà Nội ngày 17-12-1946, họ dùng vũ lực đuổi nhân viên Việt Nam khỏi Sở tài chính ngày 18-12, họ gây hấn tại Hà Nội đêm 19-12. Sự thật là rõ ràng như thế mà Chính phủ và nhiều ông nghị Pháp lại đổ lỗi rằng Việt Nam khiêu khích.

3. Từ ngày 19-12, đã mấy lần tôi kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp ngǎn trở sự chiến tranh, thí dụ những bức thư gửi ngày 21-12-1946, 23-12, 1-1-1947, 7-1, 10-1, 25-1, 18-2, 5-3, có khi nhờ các lãnh sự ngoại quốc chuyển lời cho Chính phủ Pháp, thế mà Thủ tướng Ramađiê bảo rằng chữ trong bức thư của tôi gửi cho cựu Thủ tướng Lêông Blum là chữ ký giả mạo và từ đó đến nay, Chính phủ Pháp không nhận được thư gì của tôi. Nếu những đại biểu Pháp ở đây có ý dìm những tin tức ấy, không cho Chính phủ Pháp biết, đó là trách nhiệm của họ.

4. Ông bạn lão thành của tôi, Bộ trưởng Mutê nói rằng từ ngày 19-12-1946, không ai thấy tôi hết và người ta không biết tôi còn sống hay không! Nhưng may tôi vẫn còn sống và mạnh khoẻ để chờ gặp bạn lần sau.

- Trả lời câu hỏi thứ hai

Các ông nghị và Chính phủ Pháp chỉ bàn đến nửa vấn đề thôi, còn nửa vấn đề phải do dân ta quyết định. Nếu nước Pháp ưng thuận để nước ta thống nhất và độc lập đủ quyền kinh tế, quân sự, ngoại giao như Mỹ đã ưng thuận với Phi Luật Tân, Anh đã ưng thuận với n Độ thì dân ta rất sẵn sàng hợp tác thân thiện trong khối Liên hiệp Pháp. Nếu nước Pháp không ưng thuận như vậy và cứ mong đặt lại chế độ thuộc địa, thì dân ta cương quyết trường kỳ kháng chiến cho đến ngày hoàn toàn thống nhất và độc lập. Dân ta rất muốn hoà bình, nhưng vì vận mệnh của Tổ quốc hiện tại, vận mệnh của con cháu muôn đời nên phải quyết kháng chiến đến cùng.

Tôi muốn nhân dịp này cảm ơn những ông nghị Pháp đã chủ trương hoà bình dàn xếp với ta.

Chính sách đó mới đúng là nhân đạo, mới lợi ích cho hai nước Việt – Pháp, mới gây tình thân thiện giữa hai dân tộc Việt – Pháp, vì dân tộc Việt Nam rất yêu kính dân tộc Pháp là một dân tộc tôn trọng bác ái, bình đẳng và tự do.

Trả lời ngày 25-3-1947.

Sách Lời Hồ Chủ tịch, Nha Thông tin Việt Nam, 1948, t.1, tr.61-62.

56. Trả lời các nhà báo Việt Nam về Hội nghị Mạc Tư Khoa và tình hình nước Pháp (3-5-1947)

Hỏi: Thưa Chủ tịch, cảm tưởng của Cụ đối với cuộc Hội nghị Mạc Tư Khoa thế nào?

Trả lời: Các nước dân chủ nhờ đoàn kết mà đánh tan phát xít, nay đã thắng lợi cũng nên đoàn kết để giữ gìn hoà bình. Mặc dầu, cuộc hội nghị đó chưa có kết quả thiết thực, nhưng theo ý tôi, thì mặt trận dân chủ thế giới vẫn luôn luôn lạc quan.

Hỏi: Thưa Chủ tịch, theo ý Cụ, thì kết quả của Hội nghị Liên Á thế nào?

Trả lời: Kết quả rất tốt, lần này là lần đầu tiên trong lịch sử, mà đại biểu các dân tộc châu á gặp mặt nhau, để gây cảm tình hiện tại và mở đường liên lạc tương lai.

Hỏi: Xin hỏi ý kiến Chủ tịch đối với tình hình nước Pháp thế nào?

Trả lời: Chính trị, kinh tế, tài chính của Pháp đều gay go. Nhưng dân Pháp là một dân quật cường, tôi chắc họ sẽ cố gắng giải quyết những sự khó khǎn đó.

Hiện nay khó khǎn nhất là vấn đề bánh mì và vấn đề các nước hải ngoại. Theo lời Thủ tướng Ramađiê, thì Pháp không đủ tiền mua lúa mì. Chắc nhân dân Pháp sẽ hỏi: Không có tiền mua lúa để nuôi sống nhân dân Pháp, sao lại có hàng muôn triệu mua bom để giết hại dân Việt Nam và dân Mađagátxca ?

Nếu nước Pháp muốn phục hưng và muốn giải quyết mọi vấn đề khó khǎn thì không gì bằng cộng tác một cách thật thà và bình đẳng với các dân tộc hải ngoại. Nếu cứ dùng chính sách vũ lực ở hải ngoại, thì hoàn cảnh trong nước Pháp càng ngày càng khó khǎn.

Hỏi: Theo tin tức Pháp thì Tổng Liên đoàn Lao động Pháp, Hội Phụ nữ Pháp, Hội Pháp – Việt, v.v., yêu cầu phái đại biểu các Đoàn thể dân chủ qua nước ta để điều tra và để dàn xếp.

Xin hỏi ý kiến Chủ tịch đối với vấn đề đó thế nào?

Trả lời: Nhân dân ta và Chính phủ ta, bao giờ cũng rất hoan nghênh những người Pháp dân chủ. Mặc dầu hoàn cảnh chiến tranh, nếu các đại biểu ấy đến, thì chúng ta sẽ tiếp đãi họ một cách thân ái như anh em, như bạn cũ.

Hỏi: Trước khi cảm ơn Chủ tịch đã cho chúng tôi nhiều thì giờ quý báu, chúng tôi xin phép hỏi thêm một câu: Tinh thần các chiến sĩ ta thế nào?

Trả lời: Mặc dầu dầm mưa dãi nắng, khi đói, khi no, bom nổ tứ tung, đạn kêu váng óc, mà tướng sĩ vui vẻ kiên quyết, tinh thần rất cao. Họ rất xứng cái tên: Đội xung phong của dân tộc.

Trả lời ngày 3-5-1947.

Sách Lời Hồ Chủ tịch, Nha Thông tin Việt Nam, 1948, t.1, tr.68-69.

Theo cpv.org.vn

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: