Từ Quốc lộ 38, qua thị trấn Dần khoảng 1km, chúng tôi có mặt tại ngôi nhà của chị Đoàn Thị Mỳ và anh Thương binh 1/4 Trần Văn Minh ở thôn Bái, xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trong ngôi nhà 3 gian xây bằng gạch vôi vữa, mái ngói đã xỉn màu, trên đốc nhà còn ghi rõ “Hoàn thành tháng 5-1999” đang quây quần một gia đình hạnh phúc. Nghe tiếng xe máy vào sân, chị Mỳ từ cửa bước ra chào và mời tôi vào trong nhà.

phu-nu-nuoi-chong-a
Chị Đoàn Thị Mỳ và chồng, anh Trần Văn Minh Thương binh 1/4.

Trò chuyện hồi lâu rồi được nghe anh Trần Văn Minh kể: “Sau ngày miền Nam được giải phóng 1 năm thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra. Không mảy may suy nghĩ hơn thiệt, tôi cũng như bao thanh niên thời bấy giờ viết tâm thư, xin được vào các “điểm nóng” để hoàn thành nghĩa vụ. Tháng 2-1976 nhập ngũ, tôi được biên chế vào đơn vị xe tăng thiết giáp thuộc e96/QK9, tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam. Tháng 2-1978, trong một lần đi làm nhiệm vụ (ở Tinh Biên, An Giang), xe chúng tôi vấp phải mìn của địch. Mìn nổ, tôi ngất đi, một tuần sau tỉnh dậy, xung quanh tối om, sờ lên đầu thấy quấn băng kín mít". Mãi về sau, bác sĩ mới nói: “Anh bị nhiều mảnh mìn găm vào mặt và mắt. Dù đã cố gắng nhưng chúng tôi vẫn phải khoét bỏ đôi mắt thì mới cứu anh được”. Từ đó anh mù hai mắt và gần như điếc hoàn toàn rồi được đưa ra điều trị tại trại thương binh ở Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Anh chị biết nhau và xây dựng gia đình thông qua hai người anh trai của mình nhân một ngày mà hai anh vào thăm Minh ở trại thương binh. Vốn hai anh cùng công tác trong một cơ quan và chơi rất thân.

Ngày đó, ai cũng can chị, đời con gái không nên rước họa vào thân! Nhưng thấy sức khoẻ và gia cảnh anh Minh, tôi quyết vượt qua mọi trở ngại để trở thành vợ anh, chị Đoàn Thị Mỳ tâm sự: “Năm 1980 khi 24 tuổi, mặc dù được nhiều chàng trai trong làng để ý, nhưng vẫn quyết tâm lấy anh Trần Văn Minh 24 tuổi, Thương binh hạng 1/4".

Lúc đầu, chị Mỳ tưởng chừng không vượt qua nổi, nhưng không tuyệt vọng vì anh Minh đã trở thành tàn phế. Chị Mỳ luôn tự nhủ đây cũng là hoàn cảnh chung trong thời chiến tranh, cả nước có nhiều gia đình cũng chịu những hy sinh mất mát còn to lớn hơn. Với tâm niệm đó, chị Mỳ đã thường xuyên động viên, an ủi để anh Minh có thêm nghị lực tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Hằng ngày, chị dành thời gian chăm sóc anh, tập cho anh có thể tự đi lại bằng chính đôi chân của mình, tập cho anh làm được những việc nhỏ trong nhà như quét dọn nhà cửa, giặt giũ… để anh có thêm niềm vui, lạc quan vượt qua nỗi đau thể xác đang hành hạ từng ngày, từng giờ. Những hôm trái nắng trở trời, vết thương tái phát, chị luôn ở bên cạnh động viên, an ủi chồng. Chị thường xuyên tâm sự, kể cho anh nghe mọi chuyện trong nhà ngoài ngõ, giúp anh khuây khoả và cảm thấy mình không còn lạc lõng trong cuộc sống.

Ngày mới xây dựng gia đình kinh tế gặp nhiều khó khăn, bố mẹ già yếu, chồng Thương binh nặng mù cả hai mắt, lại đau yếu nên mọi công việc trong gia đình đều đè nặng lên đôi vai chị. Hằng ngày chị thức dậy từ 3 giờ sáng lo bữa ăn sáng cho chồng, con, 6 giờ đạp xe chở hai con đến trường rồi tranh thủ về làm đồng. Chị tâm sự: “Nhiều hôm đi làm đồng về bụng dạ cồn cào, nhưng nhìn nồi cơm lưng lẻo, tôi giả bộ ra ngoài đuổi gà, quát lợn để cho mấy bố con ấm bụng... Hay những lúc trong túi có tiền nhưng không dám mua bộ đồ mới, nhỡ các con cần mua sách vở, nộp tiền trường thì lấy đâu ra”.

Mặc dù hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng chị vẫn cố gắng làm lụng để các con ăn học đến nơi đến chốn. Công việc đồng áng chị đều tự làm chứ không hề thuê một ai. Các con khi lớn lên bắt đầu phụ giúp, đỡ đần mẹ làm việc. Thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ, các con chị đều ngoan ngoãn, chịu khó học tập và thành đạt, đã xây dựng gia đình và có công ăn việc làm ổn định. Hiện nay anh chị đã có 2 cháu nội và 3 cháu ngoại. Mỗi khi có dịp thuận lợi, cả nhà lại đoàn tụ khiến anh chị thêm phần vui mừng, phấn khởi.

Sau gần hai mươi năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chị Mỳ trả xong nợ vay của anh em trong họ để làm nhà và gia đình bắt đầu có của để dành. Mặc dù sức khoẻ yếu nhưng chị vẫn nhận cấy khoán hơn một mẫu ruộng, nuôi hai con lợn nái, 25 đến 30 con gà mái đẻ và hai sào ao thả cá. Ngoài ra, chị còn tích cực tăng gia trồng rau sạch bán ra thị trường. Bình quân, hằng năm kinh tế gia đình chị thu nhập từ 50 đến 100 triệu dồng.  Bên cạnh công việc gia đình, chị còn tích cực tham gia công việc xã hội. Năm 1995 đến năm 2013, chị là ỷ viên BCH Hội phụ nữ xã khoá XIX, XX, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Bái, là Đại biểu hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 1994 - 2000. Chi hội cũng như bản thân chị năm nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp Uỷ, Chi bộ thôn đánh giá cao trong khối đoàn thể tham gia vận động các hội viên hưởng ứng phong trào của Hội Phụ nữ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng và phát triển kinh tế hộ gia đình nên bà con trong xã, thôn thường gọi chị với cái tên trìu  mến “chị 4 giỏi.”

Hơn 30 năm vất vả nhưng chị Mỳ lúc nào cũng tâm niệm chỉ cần chồng chị có sức khoẻ, các con chính là niềm an ủi là vốn của hai vợ chồng; các cháu học tốt, có công ăn việc làm ổn định, thành đạt thì dù cho có khó khăn hơn nữa chị vẫn vượt qua được. Còn anh Minh rất tự hào và luôn thấy mình được hạnh phúc vì cuộc đời đã ban cho anh người vợ đã sống hết mình, suốt đời hy sinh cho chồng con và cống hiến cho xã hội.

 

Trần Thông

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: