Bao nhiêu năm rồi vậy mà mỗi lần đến ngày 27-7, nghĩ về hai người con, nước mắt của mẹ cứ trào ra. Tình thương của người mẹ dành cho những đứa con hy sinh ở tuổi mười tám, đôi mươi chẳng khi nào nguôi ngoai…

Gia đình mẹ có 8 người anh trai, chỉ có mình mẹ là gái nên được ba đặt giống tên con trai là Nguyễn Thanh Tùng. Ba má của mẹ hy sinh sớm, các anh của mẹ theo kháng chiến từ nhỏ. Và rồi, bốn người anh hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và 4 người anh hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ còn nhỏ nên làm giao liên, đưa thư cho cơ sở cách mạng. Lớn lên mẹ vào Đội biệt động thành Sài Gòn hoạt động. Trong quá trình công tác, mẹ gặp và kết hôn với người bảo vệ của đồng chí Phạm Hùng là ông Phạm Văn Tám. Niềm vui đến với gia đình khi mẹ sinh hạ hai người con trai tuấn tú khỏe mạnh là Phạm Quốc Nam (1955) và Phạm Quốc Trung (1957). 

n²c mat me Tng a
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thanh Tùng
.

Mẹ Tùng bồi hồi nhớ lại: “Mẹ sinh hai đứa con đều trong lòng địa đạo, nhờ có các cô chú ở đó chăm sóc. Đứa đầu ở địa đạo Phú Thọ Hòa, đứa thứ hai ở địa đạo Củ Chi. Ông Tám nằm trong Đội biệt động 66 ít được về gặp con lắm. Cơ sở của mẹ ở Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) và Củ Chi nên cứ đi lại thường xuyên, mỗi lần đi công tác thì đem mấy đứa nhỏ theo”. Mẹ kể trong niềm tự hào: “Hai người con của mẹ rất ngoan, luôn biết tự chăm sóc bản thân vì mẹ không được ở cạnh con thường xuyên do sợ bị lộ. Năm các con lên 7 tuổi, mẹ đưa về cơ sở ở Sài Gòn để học. Rồi như tiếp bước truyền thống gia đình, mới 10 tuổi, các anh đã theo cách mạng, trở thành giao liên quan trọng trong nội thành. Còn mẹ do nhiệm vụ nên ít được gặp chồng và hai người con. Tuy nhiên, mẹ rất hạnh phúc vì cả gia đình đều phụng sự cho cách mạng”.

Nhưng có hạnh phúc nào trọn vẹn khi kẻ thù xâm lược còn hiện diện trên đất nước. Nỗi đau của mẹ đến đầu tiên khi chồng hy sinh trong đợt tiến công đầu tiên mùa Xuân 1968. Phạm Văn Tám cùng anh em đã chiến đấu kiên cường đến viên đạn cuối cùng. Đến đợt tiến công thứ hai năm 1968, hai người con của mẹ bị lộ hoạt động khi tham gia đánh đài phát thanh. Các anh buộc phải chuyển về tuyến sau. Anh lớn Phạm Quốc Nam ở đơn vị Đặc công 316. Anh út Quốc Trung ở đơn vị Đặc công 1. Và cũng từ đó, mẹ không được gặp các anh nữa. Đến năm 1970, mẹ được điều về xây dựng cơ sở ở quận 9.

Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, hai đơn vị của các anh mới họp lại cùng làm nhiệm vụ chốt giữ cầu Rạch Chiếc, cửa ngõ đông bắc Sài Gòn. Hai anh em sau 7 năm mới gặp nhau vui mừng khôn xiết. Người con út liền viết thư gửi về cho mẹ. Đến bây giờ, mẹ vẫn còn nhớ như in những dòng thư đó, bởi đó là khoảnh khắc mẹ còn hình dung được giọng nói, nụ cười của các anh. Bức thư của người con thứ hai viết: Con được gặp anh Hai rồi. Mẹ có khỏe không? Chừng nào đánh hết Mỹ, anh em con mới về gặp mẹ được. Mẹ vui chứ đừng có buồn nghen, ba con hy sinh rồi thì còn anh em con chiến đấu. Con xin lỗi mẹ con không gặp được mẹ bây giờ đâu. Mẹ vui, mẹ khỏe, mẹ ráng cố gắng, thế nào tụi con cũng về gặp mẹ… Lúc đó, mẹ mừng lắm, đưa thư cho các chú, các bác thủ trưởng xem. Mẹ đâu ngờ, đó là bức thư cuối cùng mẹ nhận được từ hai người con.

Cuối tháng 1-1975, ta đã chủ động mở nhiều đợt tấn công nhằm đánh chiếm cầu Rạch Chiếc. Nhưng địch ra sức đánh phá chiếm lại cầu nhằm không cho quân ta có đường tiến vào trung tâm Sài Gòn. Ngày 1-2-1975, hai người con của mẹ cùng hy sinh khi địch tấn công cầu bằng pháo lớn. Các đồng chí ở mặt trận biết tin hai anh mất nhưng không dám cho mẹ hay. Họ chỉ nói với nhau vì sợ mẹ buồn. Mẹ biết chuyện, mím môi chặt để không thể hiện cái buồn ra ngoài và nói: “Mấy chú ráng cố gắng, mấy chú mất đi hai chiến sĩ dũng cảm còn tôi thì mất hai đoạn ruột, nhưng mà ở trận địa bây giờ còn đang chờ tiếng nói của mấy chú, ráng lên”. Nói xong, mẹ ngất xỉu. Tỉnh dậy, nước mắt mẹ ướt đầm…

Hòa bình lập lại, mẹ đi tìm mộ của các anh, của chồng và hai con. Những kỷ vật về họ, mẹ hiến tặng tất cả cho bảo tàng. Mẹ tâm sự: “Chồng và các con đều hy sinh nhưng mẹ còn may mắn hơn người khác là tìm được mộ. Tết vừa rồi, mẹ ngồi thấy mấy người đi chợ Tết về, ngó tới, ngó lui thấy có một mình, nước mắt mẹ tự dưng chảy ra không ngăn lại được vì nhớ hai đứa nhỏ”. Mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân. 83 tuổi đời, 53 tuổi Đảng, mẹ hiện còn khỏe mạnh đang sống ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Mỗi lần đơn vị cũ có việc cần làm, mẹ vui vẻ đến phụ giúp ngay không nề hà khó khăn. Mẹ nói rằng, mẹ không muốn nghỉ ngơi, muốn làm một thứ gì đó có ích dù tuổi tác và sức khỏe không cho phép. Tấm lòng và nhiệt huyết cách mạng vẫn chảy đều trong cơ thể của mẹ, thôi thúc mẹ tìm đến với công việc, với mọi người.

Bài và ảnh: Hùng Khoa
Theo Báo Quân đội nhân dân
Kim Yến (st)

Bài viết khác: