Cây đa Tân Trào
Trong những ngày Tháng Tám lịch sử, cả nước đang nô nức chào mừng kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, mỗi người dân Việt Nam không khỏi bồi hồi nhớ tới Bác, nhớ tới Thủ đô kháng chiến - Thủ đô Khu giải phóng khi xưa, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Cũng vào mùa Thu năm 1945, Bác Hồ đã từ Cao Bằng trở về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào, huyện Sơn Dương làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng. Tại nơi đây ngày 13 tháng 8 năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành Hội nghị toàn quốc để quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền; ngày 16 tháng 8 năm 1945 Đại hội Quốc dân cũng đã họp thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ, sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca và bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt nam tức là Chính phủ Lâm thời do Hồ Chí Minh làm chủ tịch; chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945 dưới bóng Cây đa Tân Trào, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1 và sau đó tiến quân về giải phóng Hà Nội; sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945 thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Bác Hồ đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân tại nơi đây và có câu nói bất hủ “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Hòn đá thề, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã đọc lời thề quyết tâm dành được độc lập dân tộc
Khi cả dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, một lần nữa Tân Trào lại được Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi làm việc của các Bộ, ngành Trung ương lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc suốt 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Từ năm 1945 đến năm 1954, căn cứ địa cách mạng mãi ghi dấu những năm tháng Bác Hồ đã ở và làm việc, những ân tình sâu nặng, son sắt đồng bào Tân Trào - ATK Sơn Dương đối với Bác.
Lán Nà Lừa nơi Bác Hồ đã ở và làm việc
Vì những ý nghĩa lịch sử lớn lao với toàn thể dân tộc Việt Nam, ngày 10 tháng 5 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg đã xếp Khu Di tích Tân Trào thành Khu Di tích Quốc gia đặc biệt. Khu Di tích lịch sử Tân Trào nằm trong một thung lũng nhỏ thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Là vùng đồi núi thấp có độ cao khoảng từ 95 đến 814m, nằm trong lưu vực sông Đáy, cách thành phố Tuyên Quang khoảng 41 km, cách Hà Nội khoảng 150 km, với diện tích khoảng 6.633 ha. Tân Trào hiện nay có 17 Di tích. Với các địa danh nổi tiếng như:
Đình Tân Trào là một đình nhỏ được xây dựng vào năm 1923 theo kiểu nhà sàn, cột gỗ, ba gian hai chái, mái lợp lá cọ, sàn lát ván, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng. Đình thờ 8 vị thành hoàng làng đại diện cho các thần sông, thần núi của làng Tân Lập, xã Tân Trào. Dưới mái đình này, ngày 16 tháng 8 năm 1945 đã họp Quốc dân Đại hội.
Đình Hồng Thái cách Đình Tân Trào gần 1 km trên đường đi Sơn Dương, đình được xây dựng tại địa phận của làng Cả, xã Tân Trào. Năm 1919, đình có tên là đình Làng Cả hay đình Kim Trận. Đình Hồng Thái còn là trạm giao liên và là nơi huấn luyện quân sự trong suốt thời kỳ kháng chiến. Đình còn là điểm dừng chân của các đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội, là trạm thường trực của "An toàn khu của Trung ương đóng ở Tân Trào".
Lán Nà Lừa đây là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Lừa, cách làng Tân Lập gần 1 km về hướng đông, lán được dựng bằng tre theo kiểu nửa sàn, nửa đất của người miền núi, dưới các đám cây rậm rạp. Lán do đơn vị giải phóng quân dựng để Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ tháng 6 năm 1945 đến cuối tháng 8 năm 1945. Lán Nà Lừa có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Người nghỉ ngơi, còn gian ngoài là chỗ Bác làm việc và tiếp khách. Tại đây, ngày 4 tháng 6 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập Khu giải phóng và Quân giải phóng, chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.
Cây đa Tân Trào cách đình Tân Trào khoảng 500 mét về phía Đông. Dưới bóng Cây đa này, chiều 16 tháng 8 năm 1945, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân và Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1.
Hang Bòng là nơi làm việc của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc trong thời kỳ chống Pháp (1946-1954). Hang cách không xa Hồng Thái, Tân Trào. Từ 1950 đến 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở hang này, trực tiếp đi chỉ đạo Chiến dịch Biên Giới (1950) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (tháng 2 năm 1951).
Ngoài ra, Khu Di tích Tân Trào còn có những di tích có giá trị lịch sử và du lịch khác như: Bản Khuổi Kịch, đình Thanh La, Vực Thia, làng Tân Lập, lán Cảnh Vệ - Điện Đài, lán Đồng Minh, sân bay Lũng Cò, đèo Chắn, Đồng Man - Lũng Tẩu, Khấu Lẩu - Vực Hồ, Ban Tuyên huấn Trung ương, hang Thia, hang Bòng, thôn Lập Binh, xã Trung Yên, hầm An toàn của Bác, hầm Trung ương Đảng, hầm Chính phủ và Bảo tàng Tân Trào.
Mặc dù đã trải qua 68 mùa Thu, kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công nhưng mỗi khi đến thăm Tân Trào, về lại chiến khu xưa, mỗi người dân Việt Nam dường như vẫn cảm nhận được không khí hào hùng của những ngày Thu Tháng Tám lịch sử năm xưa. Tại ở nơi đây vẫn còn những di tích lịch sử tồn tại mãi với thời gian như: Mái Đình Hồng Thái, Cây đa Tân Trào, Lán Nà Lừa, Hang Bòng…mỗi địa danh, mỗi di tích ở đây đều có ý nghĩa lịch sử quan trọng nơi khởi nguồn của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam khi xưa và hiện nay đã trở thành địa chỉ đỏ để nuôi dưỡng tinh thần cách mạng cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau./.
Kim Yến (Tổng hợp)