65 năm trước, tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (tổ chức 5/1/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Đảng ta thật là vĩ đại!” khi mở đầu bài phát biểu và kết thúc trong niềm tự hào: “Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao,/Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình./Đảng ta là đạo đức, là văn minh,/Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no./Công ơn Đảng thật là to. /Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”[1]. Từ đó cho đến nay, trong trái tim mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam, lòng tin, niềm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh - một Đảng Mácxít Lêninnít kiểu mới, cách mạng, chân chính - “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” - “Đảng ta là một Đảng phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của giai cấp vô sản, chứ không vì lợi ích nào khác”[2] vẫn tràn đầy, vẹn nguyên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu
“Đảng ta là đạo đức, là văn minh”
Đảng Cộng sản Việt Nam là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc” như Điều lệ Đảng đã ghi rõ. Vì thế, Đảng ta “không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề, nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”[3]. Đồng thời, Đảng cũng luôn nhận thức sâu sắc rằng: “Hễ còn một người dân Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên, Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của Nhân dân”[4]... để xứng đáng với niềm tin tưởng và sự kỳ vọng của Nhân dân.
“Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, bởi đó là một Đảng Mácxít Lêninnít kiểu mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng; luôn thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng và chỉnh đốn Đảng (tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất; gắn bó mật thiết với Nhân dân; kiểm tra và giám sát; chú trọng rèn luyện đạo đức cách mạng; thường xuyên tự chỉnh đốn…) trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh. Đó là Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng không chỉ kiên định lý tưởng cộng sản, kiên định con đường cách mạng, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết, trước hết khi thấu triệt sâu rắc rằng “mục đích của người cách mạng là để làm đầy tớ cho Nhân dân, một người đầy tớ xứng đáng, trong sạch, trung thành chứ không phải là mục đích thăng quan phát tài”[5], mà còn “phải giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng tham muốn về vật chất”, đòng thời coi việc thường xuyên thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, để “Giàu sang không thể quyến rũ, - Nghèo khó không thể chuyển lay, - Uy lực không thể khuất phục”[6] là lẽ sống, lối sống nhằm phòng, tránh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đảng ta là đạo đức, là văn minh” là bởi từ khi ra đời cho đến nay là 95 năm xây dựng, phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đều hiểu rõ rằng “Đảng không phải làm quan, sai khiến quần chúng mà phải làm đầy tớ cho quần chúng và phải làm cho ra trò, nếu không quần chúng sẽ đá đít. Muốn như thế phải gần quần chúng, học quần chúng, lãnh đạo quần chúng, cái gì lợi cho quần chúng thì làm, hại cho quần chúng thì tránh. Xa quần chúng là hỏng, cần phải nhớ nhiệm vụ của Đảng là làm đầy tớ cho quần chúng”[7] để hoàn thành trọng trách mà Nhân dân đã tin tưởng giao phó. Đó chính là Đảng không chỉ đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn (độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội), phù hợp yêu cầu của đất nước, của lịch sử (trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, tháng 2/1930; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng…), mà còn nỗ lực trong từng quyết sách để kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng và phát triển đất nước ngày một phồn vinh, hạnh phúc; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
"Đảng ta là đạo đức, là văn minh" là bởi Đảng không chỉ nhận thức rõ rằng “là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu”, mà còn thấm nhuần chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[8], để thường xuyên tự chỉnh đốn về tư tưởng, tổ chức, tác phong, lề lối làm việc, thiết thực sửa chữa những nhược điểm, khuyết điểm và phát huy ưu điểm, làm cho từng cấp ủy, từng tổ chức cơ sở Đảng, từng cán bộ, đảng viên luôn thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm, giữa nội dung nghị quyết và tính hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết vào cuộc sống... Đó chính là một Đảng không phải chỉ đề ra tuyên ngôn chính trị đúng đắn, phù hợp điều kiện cụ thể của đất nước, mà còn bằng hành động chính trị, thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm để đưa từng nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng vào cuộc sống, dù tình hình thế giới, khu vực và trong nước luôn có những biến động. Đó cũng chính là một Đảng cách mạng, bản lĩnh đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để khởi xướng và tiến hành sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng thành công, để sau 35 năm đổi mới thì “với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[9]; và đến nay thì “cơ sở định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là những thành tựu vĩ đại đạt được sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định ngày 31/10/2024 tại Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Vì thế, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” không chỉ khẳng định bản chất, lý tưởng, mục đích của Đảng khác với các chính đảng khác; không chỉ khẳng định vị thế, vai trò của Đảng trong tiến trình cách mạng Việt Nam như Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã hiến định, mà còn đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn, sâu sắc hơn đối với Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; không chỉ là niềm tự hào đã tạc vào trái tim, khối óc của mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, mà còn lan tỏa trong toàn xã hội sứ mệnh thiêng liêng của Đảng là phụng sự Tổ quốc và Nhân dân với tinh thần liêm chính; phấn đấu vì lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc và sự tiến bộ xã hội trong từng quyết sách.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới
Hơn 6 thập niên sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta thật vĩ đại” và "Đảng ta là đạo đức, là văn minh", có thể thấy rằng bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận thì trong Đảng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, sa vào cá nhân chủ nghĩa - “ít nghĩ đến lợi ích chung của cách mạng, của nhân dân, mà thường lo cho lợi ích riêng của mình. Tham danh lợi, hay suy tị. Có chút thành tích thì tự cao, tự đại, kiêu ngạo, công thần, gây lủng củng trong nội bộ"[10]. Đó là những người khi được trao trọng trách; khi “ở cương vị phụ trách thì tự cho mình có quyền hơn hết thảy, định đoạt mọi việc; ở ngành nào, địa phương nào thì coi đó như một giang sơn riêng, không biết đến lợi ích toàn cục. Họ coi thường những quyết định của tổ chức, họ là những "ông quan liêu", chỉ thích dùng mệnh lệnh đối với đồng chí và nhân dân”. Đó là những người “coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi"[11]… Trong khi đó, “sức mạnh của Đảng, của mỗi đảng bộ và đảng viên không chỉ ở ưu điểm mà còn ở chỗ nhận rõ và sửa chữa bằng được những vấn đề tồn tại, những sai lầm, khuyết điểm và tự vượt lên chính bản thân mình”[12], cho nên xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ cách mạng luôn được toàn Đảng xác định là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài.
Thực tế, trên hành trình xây dựng và phát triển, để "Đảng ta là đạo đức, là văn minh", xứng đáng với vai trò tiền phong, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cưc, lãng phí, quan liêu trong cả hệ thống chính trị luôn được chú trọng để Đảng được trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân. Trong những nhiệm kỳ gần đây, cùng với việc tăng cường tự chỉnh đốn gắn với đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực là việc các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu coi việc tự soi, tự sửa, tự vạch ra khuyết điểm, tự sửa chữa, tự vượt lên chính mình một cách tự giác, nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định lý tưởng cách mạng, giữ vững đạo đức cách mạng đã trở thành nhu cầu tự thân. Đó chính là thấm nhuần sâu sắc chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích”[13] là: “Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác, ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi”; là “sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, có được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”…
Vì thế, việc gắn thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; Chỉ thị số 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" với Nghị quyết Trung ương 4 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" với Kết luận số 21-KL/TW về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiên "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"” và Quy định số 37-QĐ/TW về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 144-QĐ/TW về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”… không chỉ được triển khai sâu rộng, tạo sự chuyển biến tốt trong nhân thức và hành động, mà còn góp phần chỉ ra những con sâu mọt; đưa những con sâu mọt này (những người đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật) ra khỏi đội ngũ, để làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị.
Trong không khí đón mừng Xuân mới Ất Tỵ 2025; kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng; chuẩn bị và tổ chức Đại hội XIV của Đảng thành công thì hơn bao giờ hết toàn Đảng, từng cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị; từng cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức rõ rằng “tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước”[14], để tự chỉnh đốn và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; đồng thời phải tiếp tục tự soi và điều chỉnh, kiên định và bản lĩnh để “vươn mình” trong vị thế người lãnh đạo – người đày tớ trung thành của Nhân dân; để vững vàng bước vào kỷ nguyên mới/kỷ nguyên tăng tốc, bứt phá, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.401…
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.469
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.50
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.402
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 2
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.50
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.367
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.301
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.29
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.469
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.64
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.28
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.28
Văn Thị Thanh Mai - TS. Trần Thị Kim Ninh
Theo Hochiminh.vn
Thanh Huyền (st)