Hệ thống Trợ năng

Thứ sáu, 24/01/2025

Năm nào cũng vậy, cứ trước những ngày trọng đại của dân tộc như 30-4 này, Phủ thờ Bác ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình, Cà Mau lại xuất hiện những vị khách đặc biệt. Lần này về thăm nơi đây, chúng tôi chứng kiến một vị khách đến viếng Bác mà nghe lòng ấm lạ, thêm tin lòng dân ta với Bác là vĩnh hằng.

Phủ thờ Bác hôm nay càng lộng lẫy, uy nghiêm. Những hàng cây nhớ Bác vừa thêm một tuổi, đứng ưỡn mình oai vệ như chàng lực sĩ đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu.

 Ông Sáu Tâm - quản trang - cười tươi đón khách. Và bao giờ cũng vậy, ông không quên “báo cáo” với mọi người về tình cảm của người dân với Bác Hồ. “Tình dân với Bác Hồ trước sau như một. Trong những bữa cơm đạm bạc, người dân vẫn luôn dành một chén cơm riêng cho Bác theo kiểu người ta cúng tế ông bà, cha mẹ mình”.

5. ky vay   anh 1
Bác Hồ tưới cây vú sữa miền Nam - một bức ảnh đi vào lịch sử

Anh Nguyễn Minh Khai, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Lực, huyện Thới Bình tự hào, tiếp lời Sáu Tâm: “Người dân trong xã này không bao giờ quên mời Bác dự tiệc vui với mình. Trong những ngày như sinh nhật Bác 19-5, ngày mất của Bác 2-9, ngày Tết, ngày lễ lớn… nhiều gia đình làm cơm cúng Bác. Việc làm này đã trở thành niềm vui, hạnh phúc của người dân quê hương này”. Cũng như gần nửa thế kỷ trước, chính nơi đây, với tấm chân tình của mình, người dân đã làm nên một câu chuyện động lòng Người. 

 Cây vú sữa huyền thoại

 Ông Sáu Tâm (Huỳnh Minh Tâm) nay đã 72 tuổi, lưng còng, răng rụng, nhưng trí não vẫn minh mẫn, đôi mắt sáng và tinh thần luôn sảng khoái. Tuổi già của lão thật ý nghĩa khi 5 năm trước, người dân trong xã thống nhất chọn lão là người trông nom Phủ thờ Bác Hồ. Một công việc mà dân trong xã luôn khắt khe. Người được chọn phải là người có công với cách mạng, tính tình kỹ lưỡng, siêng năng, có phẩm chất tốt…

 Được chọn là một niềm vinh dự, nhưng khi bước vào công việc, lão lại càng hạnh phúc hơn. Ông kể: “Thích nhất là được tụi học trò trong xã kéo đến năn nỉ kể chuyện về Bác Hồ, về cây vú sữa. Kể hàng trăm lần vẫn không nghe chán, mà tụi nhỏ cũng ngộ, cứ thích nghe hoài. Cứ rảnh là chúng nó kéo nhau vào đây nghe kể chuyện”.

Giọng kể của ông Sáu Tâm sống động, đầy tình cảm, nên dù đã biết nhiều về câu chuyện cây vú sữa miền Nam nhưng chúng tôi vẫn muốn nghe ông kể. Ông uống trà, nhìn lên tấm ảnh Bác đang tưới cây vú sữa treo trịnh trọng trên vách tường, từ từ kể.

 Cuối năm 1954, trong chuyến cuối cùng tập kết cho cán bộ, đảng viên miền Nam ra Bắc, nhân dân mang một tâm trạng bồn chồn khó tả. Xóm Trí Phải (nay được chia tách thành hai xã Trí Lực và Trí Phải) cũng rộn rịp người, xuồng ghe tấp nập.

Trên bến, dưới thuyền, người ta tiễn nhau bằng những cái ôm hôn, những lời thề nguyền thủy chung son sắt. Nước mắt phụ nữ trong những ngày này chảy nhiều trên những bến sông Chắc Băng, vì phải xa chồng, xa con, xa người yêu dấu nhất. Mà cuộc chia ly chưa ai dám hẹn ngày gặp lại.

 Trong không khí tiễn biệt nao lòng đó, má Tư, một bà mẹ chiến sĩ (tên thật là Lê Thị Sảnh, nhà ở bên bờ kinh Chắc Băng, xã Trí Phải) lại có một nỗi băn khoăn khác. Má Tư không rơi lệ, sướt mướt vì xa chồng con, chỉ lo biết lấy gì gửi tặng cho Bác Hồ. Và trong những giờ phút cuối cùng của chuyến tập kết chót, má Tư đã sai con gái là Nguyễn Thị Bảy đi sang nhà ông Năm Đương, ba nuôi của má Tư bứng cây vú sữa non, cao khoảng 4 tấc.

Má Tư và con gái đã dùng cái gáo dừa khô đựng cây vú sữa này và đưa tận tay cho ông Ba Kiên (lúc bấy giờ là Đại đội trưởng Đại đội pháo của Tiểu đoàn 307). Má căn dặn đoàn cán bộ bằng mọi giá phải bảo quản và chuyển cây vú sữa này tới tay Bác Hồ. Và cây vú sữa đã được đoàn cán bộ đưa xuống chuyến tàu tập kết ra Bắc.

 Ông Sáu Tâm lại uống trà, vẻ khó hiểu, bảo: “Đến bây giờ, nhiều người vẫn không hiểu vì sao má Tư chọn cây vú sữa tặng Bác Hồ. Nhưng có điều ai cũng biết là Bác quý cây vú sữa này dữ lắm”.

Lịch sử ghi lại rằng, vào ngày mùng 2 Tết năm 1955, trong buổi gặp mặt chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Kỉnh đại diện cho đồng bào miền Nam đã dâng tặng Bác cây vú sữa này. Bác xúc động nhận lấy cây vú sữa và chính tay Bác đã đem trồng ở gần nơi làm việc của mình. Hằng ngày, dù bận bịu, Bác vẫn không bao giờ quên dành chút thời gian chăm nom cây vú sữa miền Nam.

“Cây vú sữa đã sống và lớn lên trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Bắc là một điều kỳ lạ. Có lẽ chỉ có sự chăm sóc bằng cả tình yêu thương đồng bào miền Nam bao la như Bác Hồ mới làm được điều đó” - lão Sáu Tâm khề khà quả quyết.

 Và hình ảnh Bác Hồ tưới cây vú sữa miền Nam đã đi vào lịch sử - một minh chứng hùng hồn cho mối tình lớn miền Nam với Bác, Bác với miền Nam ruột thịt.

5. ky vat  anh 2
Bà Huệ thắp hương tại Đền thờ Bác, xã Trí Lực, huyện Thới Bình

 

 Bác bên mâm cơm đạm bạc

 Câu chuyện vẫn chưa kết thúc thì ngoài cửa Đền thờ Bác xuất hiện một cụ bà. Bà Trương Thị Huệ, 62 tuổi, người ở tận huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Cụ Huệ bảo rằng đã nghe nhiều về câu chuyện cây vú sữa miền Nam và muốn qua thăm nhiều lần nhưng nay mới có dịp. Cụ Huệ thắp nén hương cho Bác Hồ, ra sân sờ lên cây vú sữa rồi quay vào uống trà nghe lão Sáu Tâm kể chuyện.

Lão Sáu Tâm có vẻ hưng phấn hơn, thao thao bất tuyệt: “Nghe nhiều cán bộ Trung ương kể lại, trước khi mất, Bác Hồ đã căn dặn cơ quan Bảo tàng Việt Nam phải bảo quản thật tốt cây vú sữa của Bác và nhân giống ra gửi tặng lại cho đồng bào miền Nam. Đó, cây vú sữa mà cô Huệ vừa sờ vào là thế hệ thứ 2 của cây vú sữa Bác đang tưới nước trên ảnh. Một kỷ vật vô giá của chúng tôi”.

 Do việc động thổ trùng tu, nâng cấp Phủ thờ Trí Lực, cây vú sữa nhiều phen bị ảnh hưởng lớn. Mỗi lần như vậy, chính quyền địa phương và người dân nơi đây mất ăn mất ngủ, họp hành liên tục bàn cách cứu cây.

Ông Huỳnh Văn Huờn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trí Lực, xúc động kể: “Mỗi lần thấy cây vú sữa bị héo vài lá, dân chủ động báo chính quyền. Nhiều người còn bỏ công ăn việc làm để đeo theo các cuộc họp xem mấy ông cán bộ làm sao cứu cây, có nhiệt tình không. Sơ sẩy một tí là họ “mắng” liền. Người dân nơi đây đến bây giờ vẫn y một tình cảm với Bác Hồ như má Tư và các thế hệ đi trước vậy. Vẫn còn nhiều gia đình thờ Bác tại nhà riêng, nơi trịnh trọng nhất”.

 Vợ chồng anh Khai, chị Thúy đã góp thêm một câu chuyện đẹp về tấm chân tình của người dân quê hương này với Bác Hồ. Hơn 22 năm trước, anh Khai gặp chị Thúy. Chị Thúy cũng là cô thôn nữ trông hiền thục, nhu mì và bình thường như bao thôn nữ khác, nhưng lại đặt cho anh một điều kiện không giống ai.

Rằng nếu anh cho thờ Bác Hồ thì chị mới ưng thuận làm vợ anh. Mới nghe, anh Khai mừng rơn trong bụng, vì ngay từ khi hay Bác mất, cha anh là ông Nguyễn Văn Tân đã lập bàn thờ thờ phụng, nhang khói. Nhưng anh giả vờ thất vọng, thiểu não. Sau đó, anh tìm cách rủ chị Thúy đến nhà mình chơi một chuyến.

 Khi mới bước chân đến cửa, trông thấy bàn thờ Bác trang nghiêm giữa nhà anh Khai, với bức ảnh Bác thật to, hơn cả nhà mình, chị Thúy rơi nước mắt. Sau đó, anh chị đã làm đám cưới và sống hạnh phúc đến nay. Khi hai vợ chồng ra riêng, chị Thúy đã xin mẹ chồng cho thỉnh bàn thờ Bác về thờ phụng. “Bữa cơm gia đình, lúc nào bà xã tôi cũng dành một chén cúng Bác. Bà xã hay nói, nhờ có Bác nên vợ chồng mới được hạnh phúc và làm ăn khá lên” - anh Khai nói.

 Cũng như ông Sáu Tâm trông coi Đền thờ Bác, luôn giữ nguyên tắc Bác trước, cháu sau. Sáng nào cũng vậy, ông luôn có một tô mì hay tô bún mắm lót dạ trước khi tưới cây vú sữa và làm vệ sinh khung viên Phủ thờ Bác. Phần ăn này, ông luôn mời Bác trước.

Theo Thu Nguyệt (Báo Cà Mau)
Bùi Hảo (st)

 

Bài viết khác: