gia dình toi   ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi Việt Nam
và quốc tế nhân dịp năm mới (12/1955)

"Người ta thấy Bác Hồ là một người cũng như mọi người: Cũng có khát vọng tình yêu, cũng mong muốn có mái ấm gia đình. Nếu ai đó cho rằng những điều nhỏ bé này làm Bác Hồ kém vĩ đại đi là không đúng, vì chính những cái đó làm cho Bác càng thêm vĩ đại, nhất là trong thời buổi hiện nay, một số đông người đã tha hoá do chạy theo cuộc sống hưởng thụ vật chất, bất chấp cả nhân phẩm đạo đức, coi sự hưởng thụ là mục đích của cuộc sống... Cho nên, Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương về nhân cách một con người thời đại cho mọi thế hệ tiếp sau” (sử gia người Mỹ J. Stension).

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những trang đặc biệt của lịch sử hiện đại, thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế: Giáo sư triết học Becnard Fall (Pháp) đã hoàn thành bản luận án tiến sỹ đầu tiên với đề tài Hồ Chí Minh; nhà văn Kôbêlep (Nga) viết cuốn Đồng chí Hồ Chí Minh; nhà báo David Halberstam (Mỹ) thì viết cuốn Hồ - tổng hợp những tài liệu nói về cuộc đời của Người; nhà sử học Hoàng Tranh (Trung Quốc) lại đi sâu vào phân tích mối quan hệ Hồ Chí Minh với Trung Quốc... Nước ta cũng có một số sử gia, nhà nghiên cứu viết về đề tài Hồ Chí Minh. Nhà văn Sơn Tùng từng nổi tiếng với cuốn Búp sen xanh khi xây dựng nhân vật Út Huệ, người yêu đầu tiên của anh Tất Thành tại Sài Gòn, câu chuyện này sau còn được chuyển thể kịch bản đưa lên màn ảnh và hiện nay ông đang viết tiếp cuốn Bông huệ trắng... Tất cả những cuốn sách, tư liệu, công trình nghiên cứu đều đưa ra một số giả thuyết về những mối tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước và trong thời gian hoạt động ở nước ngoài. Khi ở cương vị Chủ tịch nước, vẫn còn rất nhiều người quan tâm đến chuyện riêng của Bác Hồ, ví dụ một số thắc mắc điển hình như:

Sau khi mời cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia vào Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Bác đối với cụ Huỳnh như một người thân trong nhà, ngay cả trong những câu chuyện thường ngày giữa hai người cũng hóm hỉnh, thân tình. Một lần tâm sự đầu năm 1946, cụ Huỳnh ứng tác hai câu thơ có ý nhắc nhở Bác: Năm mươi sáu tuổi vẫn chưa già; Cụ ông thấy, Cụ bà không? Lúc ấy Bác chỉ cười, không trả lời. Nhưng rồi trong thời gian sang thăm Pháp, ngoài những bức điện văn gửi về nước hỏi thăm tình hình và sức khoẻ mọi người, Bác còn gửi riêng cho cụ Huỳnh một bài thơ:

Nghĩ chẳng ra thơ để trả lời

Nhớ ơn cụ lắm cụ Huỳnh ơi

Non sông một mối chung nhau gánh

Độc lập xong rồi cưới vợ thôi.

Ngày 7-2-1948, trong đêm lửa trại đón năm mới tại Việt Bắc, Bác cùng Hội đồng Chính phủ họp và liên hoan văn nghệ tự biên tự diễn. Đồng chí Phan Mỹ - Chánh Văn phòng Chính phủ đã xin liều đọc bài thơ do anh em sáng tác để tặng Bác:

Năm mươi tám tuổi vẫn chưa già

Răng rụng rồi răng lại mọc ra*

Dân đã có cha, chưa có mẹ

Bao giờ cậu cụ lấy cô bà?

Mọi người hò reo ầm ĩ tán thưởng, Bác liền đứng dậy trả lời: "Các chú hỏi bao giờ Bác lấy vợ phải không? Có hỏi thì có trả lời nhé. Không lâu nữa đâu! Bao giờ dân ta toàn thắng, Bắc Nam sum họp một nhà".

Ngày 24-5-1948, sau giờ làm việc, buổi tối Bác mời cơm một số thành viên Hội đồng Chính phủ. Trong lúc vui vẻ, một đồng chí Bộ trưởng mạnh dạn nhắc khéo Bác về chuyện gia đình riêng, Bác trả lời: "Mình chẳng phải thần thánh gì, cũng như tất cả mọi người thôi. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay thì còn điều kiện nào mà nghĩ đến gia đình", rồi Bác cười vui: "Thôi, gia đình nhỏ không thể được thì ta cứ lo xây dựng gia đình lớn vậy!".

Đầu năm 1950, trong lúc chờ các thành viên đến họp Chính phủ bên bếp lửa hồng, Bác bỗng buột miệng nói: "Thật là ấm cúng!", đồng chí Phan Anh thưa với Bác: "Đúng vậy ạ, ấm lửa hồng nhưng trước hết ấm tình người" Bác nói vui với đồng chí: "Nếu có thím ở đây hay chú về với thím thì còn ấm hơn nhiều!". Nhân dịp nói về đề tài chuyện gia đình, đồng chí Phan Anh đã hỏi Bác: "Thưa, sao Bác không lập gia đình?", Bác cười: "Chú tưởng tôi là ông thánh sao? Như mọi người, tôi cũng quý cuộc sống gia đình lắm chứ!".

Tháng 4-1950, khi Bác đến tham dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ I, chị em phụ nữ đã hỏi Bác về việc tại sao Người chưa lập gia đình và tiêu chuẩn người vợ của Bác như thế nào, Bác vui vẻ trả lời rất thoải mái: “Người đó phải đẹp và là người có thể giúp Bác trong công việc”.

Sau Chiến dịch Trung du tháng 1-1951, Bác đến thăm và nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn Sông Lô. Trước lúc chia tay, Bác hỏi xem ai có muốn thêm ý kiến gì không, lúc ấy bỗng một chiến sĩ buột miệng: "Thưa Bác, sao Bác không có vợ ạ?". Nghe thấy vậy, các cán bộ Đại đoàn lo lắng, anh em xôn xao, nhưng Bác vui vẻ trả lời: "Bác chưa lấy vợ đấy chứ! Có phải là Bác không có vợ đâu? Tuy vậy, Bác đã có cả một gia đình rất đầm ấm, đó là nhân dân cả nước, trong đó có Đại đoàn của các chú!". Anh em chiến sĩ vỗ tay hoan hô ầm vang.

Giáp Tết Âm lịch 1951, Bác đến thăm Văn phòng Phủ Thủ tướng đang ở bản Vèn (Bắc Cạn). Trong lúc mọi người đang quây quần nói chuyện, bỗng một đồng chí đứng dậy xin phép phát biểu: "Thưa Bác, tại sao Bác không lập gia đình?", Bác trả lời: "Bác cũng là người như các chú, Bác cũng muốn có đời sống gia đình đầm ấm. Nhưng các chú xem hoàn cảnh của Bác không cho phép Bác lập được gia đình, đó là điều thiệt thòi cho Bác mà Bác đâu có muốn thế!", rồi Bác cười: "Bây giờ thì muộn rồi. Bây giờ gia đình Bác là tất cả các cô, các chú, là tất cả bà con đồng bào. Không có gia đình riêng thì Bác lấy gia đình chung làm cái vui của Bác...".

Trong thời gian tập kết ra Bắc, luật sư người Nam bộ Nguyễn Thành Vĩnh được gặp Bác Hồ nhiều lần. Một buổi tối, anh mạnh dạn: "Bác cho con hỏi một việc riêng tư của Bác?", Bác trả lời: "Trí thức rào đón ghê quá! Muốn hỏi gì thì chú cứ hỏi đi, Bác sẽ trả lời". Luật sư nói rõ ý: "Thưa, Bác bôn ba nhiều nơi, chắc không phải không gặp một người phụ nữ nào vừa ý Bác. Tại sao Bác không lấy vợ?". Bác Hồ nhìn luật sư hồi lâu rồi hỏi lại: "Tôi biết chú có vợ và ba con. Hàng ngày chú có phải lo cho vợ con chú không?", luật sư đáp có, Bác cười rồi nhỏ nhẹ nói: "Bác cũng chỉ là con người bình thường. Có vợ sẽ phải lo cho vợ, có con sẽ phải lo cho con. Mà như vậy thì còn ngày giờ đâu lo cho dân được nữa, chú hiểu không?". Câu trả lời ấy làm luật sư Vĩnh ngẹn ngào trào nước mắt.

Tháng 5-1957, người anh họ của Bác Hồ, ông Nguyễn Sinh Mại, ra Hà Nội gặp Bác Hồ có được sự uỷ nhiệm của thân tộc dòng họ Nguyễn Sinh, chuyển đến Bác một câu hỏi rằng: “Bà con trong họ muốn biết chuyện vợ con, chú có ý định thế nào?”. Bác nhẹ nhàng đáp: “Thưa anh! Lúc trẻ lo hoạt động, người ta không chờ mình được, nay em già rồi, thôi nghĩ chuyện đó”.         

Không chỉ có nhân dân Việt Nam chúng ta đặt câu hỏi này với Bác Hồ mà những người bạn quốc tế tỏ ra rất quan tâm đến chuyện phu nhân Cụ Hồ:

Tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Biên Giới tại Cao Bằng ngày 23-10-1950, trong không khí phấn khởi và hữu nghị, đồng chí cố vấn Trung Quốc Trần Canh đã phát biểu rất chân thành: "Hồ Chủ tịch là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, là một lãnh tụ xuất sắc của cách mạng thế giới, là người bạn lớn của nhân dân Trung Quốc, nhưng đến nay Hồ Chủ tịch vẫn chưa lập gia đình. Trong Hội nghị này có đông đủ cán bộ Việt Nam và Trung Quốc, tôi đề nghị các đồng chí biểu quyết Hồ Chủ tịch lập gia đình, các đồng chí có đồng ý không?". Cả hội trường vang dậy tiếng hoan hô, vỗ tay hồi lâu và nhất loạt giơ tay tán thành. Bác tươi cười đứng dậy nói: "Các chú rất chủ quan! Nếu đây là hội nghị cán bộ phụ nữ thì nghị quyết mới thành hiện thực!". Cả hội trường cười phá lên và náo nhiệt vỗ tay hồi lâu vì cách ứng đối nhanh và hóm hỉnh của Bác.

Tháng 7-1957, Vụ Lễ tân CHDC Đức tổ chức chiêu đãi Bác. Trong bữa tiệc, Bác gặp lại đồng chí Mac Phrideman từng quen biết Bác từ năm 1922 ở Pháp, lúc bấy giờ là Quốc vụ khanh ngành Khai thác luyện kim. Hai người bèn xưng hô cậu, mình một cách thân mật. Đồng chí Phrideman hỏi: "Sao cậu không lấy vợ?". Bác cười đáp: "Chưa lấy chứ không phải không lấy. Bây giờ mình dành tình yêu cho nhân dân. Khi nào thống nhất đất nước, mình sẽ cưới người vợ cùng là bạn chiến đấu như cậu!".

Tháng 01-1959, Thủ tướng Đức Ôttô Grôttơvôn và phu nhân sang thăm Việt Nam. Chiều ngày 19-01-1959, phu nhân Thủ tướng vào thăm nơi ở và làm việc của Bác và được câu cá tại Ao cá Bác Hồ. Trong lúc vui câu chuyện, bà hỏi Bác: "Thưa Chủ tịch, sao Chủ tịch không lập gia đình?". Bác trả lời: "Cô ạ, tôi không còn thì giờ để nghĩ đến chuyện riêng nữa. Tôi phải sống vì dân tộc. Cả đất nước Việt Nam này là gia đình tôi".

Nhân dịp ngày 8-3-1960, chị Êkatêrina Iznôpva người Nga (lúc đó là Liên Xô) đã gửi cho vợ của Chủ tịch Hồ Chí Minh một bức thư thăm hỏi và chúc mừng vì chị nghĩ rằng Người đã có gia đình riêng. Bác đã viết thư cảm ơn chị, trong thư có đoạn: "Tôi chưa có gia đình riêng, gia đình của tôi là đại gia đình các dân tộc Việt Nam".

Trong thời gian sang thăm Việt Nam năm 1959, Tổng thống Indônêsia Xucacno đã cùng Bác Hồ kết nghĩa anh em. Xucacno gọi Bác là Paman Ho, còn Bác gọi Xucacno là Bung Hactô. Năm 1963, Đoàn thể thao Việt Nam do Trưởng đoàn Ngô Luân dẫn đầu đi dự Hội nghị Thể thao quân đội tại Giakarta đến gặp TT Xucacnô để chuyển thư thăm hỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xucacnô hỏi ông Luân xem Paman Hô đã cưới vợ chưa, ông Luân trả lời rằng chưa thì Xucacnô đã nói theo kiểu Bác Hồ: "Nếu các chú không lo được vợ cho Paman Hô thì vợ chồng chúng tôi sẽ đứng ra lo vậy!". Phu nhân tổng thống cũng tiếp lời chồng: "Chúng tôi sẽ tìm một cô gái Indônesia thật đẹp, thật dịu dàng!". Về nước, ông Luân báo cáo lại với Bác đề nghị của vợ chồng Bung Hactô và cũng xin nói luôn ý của mình: "Thưa Bác, nhà Bác neo người, trống vắng quá, cháu xin tán thành ý kiến của ông Xucacno ạ!". Bác gật đầu bảo: "Xucacno quan tâm tới Bác cháu ta như vậy là họ quý trọng mình lắm. Nhưng nay Bác đã già rồi, nhân dân miền Nam lại đang phải kháng chiến chống Mỹ, Bác không lấy vợ thì cách mạng sẽ có lợi nhiều hơn".

Hồi 17h, ngày 12-1-1967, tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ tiếp các ông Amôrơ, giáo sư - chủ bút tờ Akansat nhật báo; Back - chủ bút tờ Tin tức Maiami và Dôn Lux- giáo sư, nhà văn, nhà báo Mỹ. Trong buổi gặp, Người đã nói rõ: "Tôi chưa có thời gian để lấy vợ và lập gia đình. Tôi nói với thanh niên Việt Nam rằng họ là con cháu tôi, vì vậy tôi sống rất thoải mái và giản dị".

Chúng ta đều biết tháng 01-1947, trong lá thư chia buồn gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt mất đoạn ruột”. Tuy nhiên, nữ sử gia người Mỹ J. Stension đã tự bỏ tiền túi ra đi vòng quanh thế giới theo dấu chân Nguyễn Ái Quốc và tìm được khá nhiều tư liệu gốc về những năm tháng Người bôn ba ở nước ngoài. Đặc biệt bà cũng rất chú ý thu thập thông tin về người yêu của anh Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh? Và cuối cùng bà kết luận: "Người ta thấy Bác Hồ là một người cũng như mọi người: Cũng có khát vọng tình yêu, cũng mong muốn có mái ấm gia đình. Nếu ai đó cho rằng những điều nhỏ bé này làm Bác Hồ kém vĩ đại đi là không đúng, vì chính những cái đó làm cho Bác càng thêm vĩ đại, nhất là trong thời buổi hiện nay, một số đông người đã tha hoá do chạy theo cuộc sống hưởng thụ vật chất, bất chấp cả nhân phẩm đạo đức, coi sự hưởng thụ là mục đích của cuộc sống... Cho nên, Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương về nhân cách một con người thời đạicho mọi thế hệ tiếp sau”./.

(*Ý nói về việc Bác vừa được nha sỹ thay cho 2 chiếc răng cửa đã gãy từ lâu).

Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: