Trong cuốn Đường Kách Mệnh (1927), Bác Hồ nêu 23 điều cần phải có về tư cách một người cách mạng, trong đó “cần kiệm” được đặt lên hàng đầu. Từ đó đến cuối đời, Người liên tục giáo dục cán bộ phải thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong Di chúc, Người viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(1). Nói riêng về tiết kiệm, Bác cho rằng tiết kiệm bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó tiết kiệm thời giờ cũng rất quan trọng.

 Trong tác phẩm “Cần Kiệm Liêm Chính” (1949), Bác viết: “Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải. Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được. Có ai kéo lại ngày hôm qua được không? Muốn tiết kiệm thời giờ, thì việc gì ta cũng phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Không nên chậm rãi. Không nên “nay lần mai lữa”… Tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người. Không nên ngồi lê, nói chuyện phiếm làm mất thời giờ người khác. Thánh hiền có câu: “Một tấc bóng là một thước vàng”. Tục ngữ Âu nói: “Thời giờ tức là tiền bạc”. Ai đưa tiền bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại”(2).

Khi nói về tệ lãng phí, Bác Hồ cũng phê phán lãng phí thời giờ. Người viết: “Lãng phí thời giờ: Việc gì có thể làm trong một ngày một buổi, cũng kéo dài đến mấy ngày. Thí dụ: Những cuộc khai hội, vì người phụ trách chuẩn bị chương trình không đầy đủ, người đến dự hội thì không chuẩn bị ý kiến, đáng lẽ chỉ một ngày thì bàn bạc và giải quyết xong vấn đề, song cuộc khai hội kéo dài đến 5, 3 ngày”(3). Người yêu cầu mọi người phải “thi đua tiết kiệm thời giờ”; tổ chức, sắp xếp khéo léo để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc của mình.

Trong sinh hoạt và công tác, Bác Hồ rất chú trọng tiết kiệm thời giờ. Người làm việc miệt mài, cả ngày lẫn đêm. Xong việc, Bác lại đọc sách báo. Hầu như không lúc nào Bác bỏ trống thời gian. Người luôn tận dụng thời giờ vào hoạt động cách mạng và các công việc có ích. Ngay những lúc “khốn cùng”, bị tù đày trong điều kiện khắc nghiệt, Bác vẫn không bỏ phí thời giờ. Luật sư Loseby kể rằng trong thời gian bị cảnh sát Anh bắt giam ở Hồng Kông (1931-1932), Bác Hồ có gửi cho ông một cuốn sổ ghi chép; nhưng vì để giữ an toàn cho ông và cho Bác nên ông phải đốt đi. Trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Trung Quốc (1942-1943), Bác cũng tận dụng thời giờ, viết tác phẩm thơ bằng chữ Hán nổi tiếng: Ngục trung nhật ký. Trọn cuộc đời, Bác dành hết thời giờ để vừa đạt được mục tiêu giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và đem lại  ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, vừa không ngừng tự học tập, thâu tóm tinh hoa văn hóa nhân loại và góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới, xứng đáng với tôn vinh của UNESCO: Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Hiện nay, tệ trạng lãng phí thời giờ biểu hiện dưới nhiều hình thức và mức độ, nhưng phổ biến nhất là: Một việc, một công trình theo lẽ làm xong sớm thì lại kéo dài quá lâu; hội họp quá nhiều, có những cuộc họp không cần thiết, nội dung kém chất lượng, làm mất thời giờ nhiều người khác; bày ra những cuộc vui chơi thái quá, vô bổ, thậm chí nguy hại. Thời Đảng chưa cầm quyền, các bậc tiền bối và nhiều đảng viên của Đảng khi bị thực dân đế quốc cầm tù, vẫn biết tận dụng thời giờ để học chính trị, văn hóa, ngoại ngữ. Còn hiện nay, điều kiện sống rất thuận lợi, thế mà nhiều người không chịu tận dụng thời giờ để thực hiện phương châm học tập suốt đời. Cuộc sống rất cần có vui chơi, giải trí; nhưng chỉ biết vui chơi, giải trí quá mức thì uổng phí thời giờ biết chừng nào! Đáng buồn nữa là, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng tiết kiệm chỉ là tiết kiệm tiền bạc, của cải; thời giờ là chuyện tự nhiên của trời đất, ai cũng có, cần gì phải tiết kiệm; cho nên, ngoài những sinh hoạt và công việc thiết yếu phải làm, họ cứ để mặc quỹ thời giờ của mình mất đi một cách lặng lẽ, không thương tiếc! Có thể nói đây là lãng phí thời giờ thường xuyên nhất, nhiều nhất trong các loại lãng phí thời giờ mà ít ai nhận biết hoặc chịu khó sửa chữa.

Trong xã hội, mỗi người có một vị trí, hoàn cảnh, tính cách, sở thích, nghề nghiệp và công việc khác nhau. Nhưng nếu mọi người cố gắng làm theo lời dạy và tấm gương của Bác, biết quý trọng thời giờ, tiết kiệm thời giờ, ngoài thời gian sinh hoạt, nghỉ ngơi và giải trí, biết sử dụng hết thời giờ vào công tác, sản xuất, học tập, rèn luyện và những hoạt động có ích thì chắc chắn nhân cách của bản thân mình sẽ không ngừng hướng tới hoàn thiện, góp phần làm giảm bớt tha hóa và tiêu cực, đất nước và xã hội phát triển bền vững hơn, chất lượng hơn, tốt đẹp hơn!

 (1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 510

(2) Sđd, tập 5, trang 637 

(3) Sđd, tập 6, trang 489

Trần Thư Trung
Theo Báo Hậu Giang
Kim Yến (st)

Bài viết khác: