Cách đây đúng tròn 60 năm về trước, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong suốt thời gian diễn ra Chiến dịch, Bác Hồ luôn theo dõi sát sao tình hình ngoài trận địa, quan tâm, săn sóc và cổ vũ, động viên kịp thời các chiến sĩ Điện Biên - những người anh hùng đang ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” chiến đấu vì độc lập tự do của nước nhà. Tình cảm đặc biệt của Người đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ Điện Biên quyết chí xông pha giành thắng lợi vẻ vang.
Bác Hồ gắn Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ cho cán bộ chiến sĩ lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch
Mùa hè năm 1953, Tướng Hăngri Nava (Henri Navarre) được Chính phủ Pháp cử sang làm Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, mang theo “Kế hoạch quân sự Na-va” mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và bình định cả Nam Đông Dương. Chúng ra sức xây dựng Điện Biện Phủ thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ. Na-va coi Điện Biên Phủ như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta.
Trước tình hình đó, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Quyết tâm của ta là: “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh".
Ngay khi các đơn vị ta tiến lên Tây Bắc, tháng 12-1953, Người đã có “Thư gửi cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ”:
“Thân ái gửi cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ,
Thu Đông nǎm nay, các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm cǎn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào còn bị giặc đè nén.
Nǎm ngoái, các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch, đã thắng lợi to. Bác rất vui lòng
Năm nay, sau những cuộc chỉnh huấn chính trị và quân sự, các chú đã tiến bộ hơn. Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh… Bác và Chính phủ chờ tin thắng lợi để khen thưởng các chú.
Chào thân ái và quyết thắng
Tháng 12 nǎm 1953
Hồ CHÍ MINH”(1)
Quyết tâm chiến lược tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ của Đảng, của Bác Hồ đã biến thành ý chí và hành động của quân và dân ta. Đúng 17 giờ ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, mở đầu cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để kịp thời cổ vũ, động viên và tiếp thêm sức mạnh cho quân ta quyết đánh thắng địch ngay ở trận mở đầu, Bác viết “Thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ”. Trong thư, Người căn dặn: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất”(2).
Thư Bác như tiếng kèn xung trận tạo nên khí thế vô cùng phấn khởi tràn ngập khắp các chiến hào trận địa, các đơn vị quyết tâm thi đua lập công mừng thọ Bác.
Trận Him Lam toàn thắng, Bác liền gửi điện khen ngợi: “Bác và Trung ương Đảng được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và Trung ương Đảng có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một Chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng Chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng...”(3).
Trước tình cảm của Bác, cán bộ chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ đã khắc phục mọi khó khăn, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lập công xuất sắc: Tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, phất cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” trên nóc hầm De Castries vào 5 giờ 30 phút, chiều ngày 7/5/1954. Tin vui nhanh chóng lan truyền đi khắp nơi, ngay ngày 8/5/1954, Bác đã có “Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ”: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một ách vẻ vang”(4).
Sau đó vài ngày, Bác gửi tiếp thư chúc mừng đến toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Bác viết:
Trước hết Bác gửi lời thân ái thăm các chú thương binh.
Toàn thể các chú cũng như cán bộ và chiến sĩ ở toàn quốc đã quyết tâm tranh được thắng lợi lớn để chúc thọ Bác.
Bác quyết định khao các chú. Khao thế nào tùy theo điều kiện, nhưng nhất định khao.
Thế là Bác cháu ta cùng vui. Vui để cố gắng mới, để khắc phục khó khăn mới và để tranh thắng lợi mới.
Bác và Chính phủ định thưởng cho tất cả các chú Huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ". Các chú tán thành không?
Bác dặn các chú một lần nữa:
Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng làm trọn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho các chú.
Bác hôn các chú!
Bác
HỒ CHÍ MINH(5)
Vui mừng trước chiến công của quân ta, Bác biểu lộ tình cảm thân thương yêu quý của Bác đối với các chiến sĩ bằng cách đón nhận tấm lòng kính yêu của các chiến sĩ dâng lên Bác qua những câu thơ giản dị mà xúc động trong bài thơ “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” do chính Người sáng tác:
“Thế là quân ta đã toàn thắng,
Toàn thắng là vì rất cố gắng.
Chiến sĩ viết thư dâng Cụ Hồ:
“Xin Bác vui lòng mà nhận cho
Món quà chúc thọ sinh nhật Bác
Chúng cháu cố gắng đã sắm được”(6).
Để chúc mừng những chiến công hiển hách của các chiến sĩ Điện Biên, trong cuộc gặp đoàn cán bộ chiến sĩ đã lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ thay mặt cho các chiến sĩ toàn quân đến chúc mừng sinh nhật Bác, Người nói: “Hôm nay, Bác thay mặt Đảng và Chính phủ trao cho các chiến sĩ lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ Huân chương Chiến công. Riêng Bác còn tặng thêm mỗi cháu một ngôi sao đỏ và một tấm Huy hiệu”. Trong tâm trí các chiến sĩ Điện Biên lúc ấy, họ không bao giờ quên những lời dặn dò của Bác, đặc biệt là bữa cơm thân mật với Bác. Mở đầu bữa cơm, Bác nói vui: “Đây là bữa cơm riêng Bác mời các cháu, chứ không phải Nhà nước mời đâu. Toàn cây nhà lá vườn cả, nhưng các cháu phải ăn no. Các cháu ăn nhiều. Bác sẽ vui, sẽ khỏe”. Một bữa cơm đơn giản, không sơn hào hải vị nhưng cũng khiến các chiến sĩ xúc động nhớ mãi không quên. Bởi họ đã cảm nhận được tình yêu thương sâu sắc Bác dành cho mọi người. Khi kể lại kỷ niệm buổi gặp đó với Bác, ông Nguyễn Quang Thuận - một trong năm chiến sĩ Điện Biên hôm ấy luôn nghĩ rằng: “Vinh dự này không phải Bác chỉ dành riêng cho năm chiến sĩ. Đây là vinh dự lớn lao mà Bác dành cho toàn quân, cho tất cả cán bộ, chiến sĩ vừa qua đã góp sức làm nên Chiến thắng”(7).
Các chiến sĩ thi đua của mặt trận Điện Biên Phủ mang theo tin thắng trận về chúc mừng sinh nhật Bác (19-5-1954)
Dù bận rất nhiều công việc, song lúc nào Bác cũng theo dõi sát sao tình hình chiến sự ở Điện Biên Phủ. Dù là trước giờ xuất trận hay khi đã ca khúc khải hoàn chiến thắng, cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ vẫn luôn cảm nhận được ánh mắt hiền từ, trái tim bao la và hình bóng yêu thương của Bác đang ở bên cạnh. Bác như đang cùng chia ngọt sẻ bùi với toàn quân, toàn dân. Sự quan tâm, động viên của Bác dành cho các chiến sĩ Điện Biên đã tiếp thêm sức mạnh cho họ để vượt qua mọi gian khổ, quyết chí một lòng, chiến đấu anh dũng, lập nên chiến công vĩ đại. Từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, quân và dân ta đã tiến tới giành thắng lợi trong trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày C hiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Những ngày này, trong không khí cả nước náo nức chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta càng nhớ tới Bác Hồ kính yêu - Người đã dành trọn cả cuộc đời mình vì nước, vì dân./.
ThS. Hoàng Thị Thu Hiền (Tổng hợp)
-------------
(1, 2, 3, 4, 5, 6). Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 8, tr.378, 433, 434, 466, 470, 473).
(7). Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (2013), Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr.132.