Tháng 3, sương mù giăng lối. Trong hành trình của Đoàn Cựu chiến binh Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 về thăm lại đơn vị cũ và chiến trường Điện Biên Phủ, tôi có dịp trò chuyện với bác Nguyễn Hiền, nguyên Chính trị viên Đại đội 263, Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ Đô, Đại đoàn 308) về những ngày ông cùng đồng đội vượt núi, trèo đèo, băng rừng tiêu diệt địch, trong đó có câu chuyện về Đại đội 263 trong đội hình đơn vị truy kích địch ở Mường Khoa...

 “Quân lệnh như sơn”

Nhà truyền thống Sư đoàn 308, Quân đoàn 1 hôm ấy đón một đoàn khách đặc biệt - đó là những cựu chiến binh của Đại đoàn Quân Tiên Phong năm xưa, từng tham gia chiến đấu, đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”.

60 năm đã qua, thời gian đã làm những chàng lính trẻ năm xưa như các đồng chí Nguyễn Hiền, Tô Lạc, Nguyễn Quốc Thịnh... già yếu đi nhiều, tóc bạc trắng; đôi chân thoăn thoắt vượt rừng ngày nào giờ là những bước đi chậm chạp… Nhưng thời gian không thể nào xóa được những kỷ niệm thời kháng chiến, những cảm xúc tự hào và bi thương...

muong-khoa-bqllang.gov.vn
Cựu chiến binh Nguyễn Hiền (thứ ba, từ trái sang) cùng đồng đội thăm
Nhà truyền thống Sư đoàn 308

Đứng bên những kỷ vật chiến tranh được trưng bày tại Nhà truyền thống, bác Nguyễn Hiền kể cho chúng tôi nghe về ngày đơn vị được lệnh hành quân lên Tây Bắc, chuẩn bị tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp. Đó là những ngày đầu tháng 11-1953, cả Đại đoàn 308 hừng hực khí thế lên đường giết giặc, chỉ một hướng hành quân là đi thẳng ra chiến trường. Để tránh địch phát hiện sự di chuyển của quân ta, đơn vị được lệnh: Đêm đi, ngày nghỉ. Nói là nghỉ, nhưng không được chợp mắt nhiều, vì chế độ học tập, huấn luyện được bố trí gần như khép kín. Cán bộ thì họp, nghiên cứu tình hình địch, chuẩn bị các phương án tác chiến; chiến sĩ thì ôn luyện kỹ, chiến thuật, sinh hoạt tổ ba người… Khi sương buông xuống, báo hiệu màn đêm về, đơn vị tổ chức cho bộ đội ăn cơm, chuẩn bị hành quân vượt đèo cao, suối sâu. Liên tục như vậy nên hầu hết anh em ai cũng “đói ngủ”. Giấc ngủ đến bất cứ lúc nào khi đôi chân dừng bước. Chính vì vậy, trên đường hành quân, anh em phải thay nhau kể chuyện tiếu lâm, hay cùng hát những bài ca cách mạng để xua đi cơn “đói ngủ" kéo dài.

Khi đơn vị hành quân đến điểm tập kết, từ sở chỉ huy mặt trận, quyết tâm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được truyền đi khắp đơn vị. Mọi công việc được khẩn trương triển khai. Đại đoàn 308 được cấp trên giao nhiệm vụ mở đường kéo pháo vào Điện Biên Phủ. Mệnh lệnh được thi hành. Một con đường mới được vạch ra trên bản đồ, vượt qua núi cao, xuyên rừng sâu không vết chân người. Thế nhưng, với ý chí và quyết tâm nhanh chóng xốc tới chiến trường, tiêu diệt quân thù, các chiến sĩ của Đại đoàn 308 cùng lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hăng hái mở đường. Những nhát cuốc, xẻng thoăn thoắt bổ, xúc, gạt, san; mồ hôi thấm ướt cả áo trấn thủ của những chiến sĩ mở đường trong những ngày mưa rét. Núi cao, rừng rậm lùi dần và con đường kéo pháo vươn dài ra mặt trận được hình thành nhanh chóng.

Mọi công tác chuẩn bị cho giờ nổ súng tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã đến. Các đơn vị bộ binh được lệnh vào vị trí chiến đấu. Đại đội 263, tất cả đã sẵn sàng, ai cũng quần áo gọn gàng, bộc phá ống, bộc phá cối và lựu đạn đầy đủ. Nhưng thật bất ngờ, cấp trên quyết định hoãn cuộc tiến công cứ điểm Điện Biên Phủ và lệnh cho bộ đội kéo pháo ra. Riêng Đại đoàn 308 được lệnh khẩn trương hành quân tiến công địch trên phòng tuyến sông Nậm Hu, nhằm cắt đứt đường tiếp tế lương thực, thực phẩm của quân Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ.

Bác Nguyễn Hiền nhớ lại: “Lúc này, mọi người trong đơn vị thắc mắc ghê lắm, vì trong tư tưởng anh em, chúng ta chuẩn bị trong 3 ngày, 3 đêm thì nhất định thắng, hơn nữa, địch chỉ có 6 đến 7 tiểu đoàn, ta có tới 5 đại đoàn, như vậy thì chắc ăn rồi, tại sao lại dừng lại? Tại sao lại đi? Mà đi đâu, sao giặc trước mặt mà không đánh? Mọi câu hỏi cứ đổ dồn về tôi. Trong lúc chưa biết giải thích thế nào, tôi đành nói: “Quân lệnh như sơn!”. Vậy là anh em trong đại đội lẳng lặng cất bước, mặc dù nhiệm vụ chưa thật rõ ràng”.

Gặp địch, một người cũng đánh!

“21 giờ ngày 29-1-1954, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân - bác Nguyễn Hiền kể tiếp. Đêm, màn sương xuống lạnh, núi rừng chìm trong bóng tối. Mọi người bước đi mà đôi chân nặng trĩu. Cả tiểu đoàn không còn đủ gạo ăn một ngày, nhưng không ai sợ đói, chỉ sợ không được đánh đuổi quân thù. Ai cũng nghĩ: Đại đoàn Quân Tiên Phong mà không được đánh địch thì buồn lắm, vì thế tốc độ hành quân giảm nghiêm trọng. Cả đêm, đơn vị chỉ vượt được một con dốc”.

Mờ sáng 30-1-1954, khi đơn vị vừa đặt chân đến sông Nậm Hu thì được lệnh: Địch đang đốt bỏ đồn Mường Khoa rút chạy, phải lập tức truy kích ngay. Toàn Trung đoàn 102 vượt sông bằng thuyền độc mộc và bè mảng tự làm. Quyết tâm của toàn trung đoàn tập trung truy kích địch, ai khỏe chạy lên trước; gặp địch, một người cũng đánh, các đơn vị ghép nhau lại mà đánh.

Qua câu chuyện các cựu chiến binh kể lại, chúng tôi được biết, trong đội hình hành quân truy kích địch năm đó, Tiểu đoàn 18 nhận lệnh đi đầu, trong đó Đại đội 263 là mũi đi đầu của tiểu đoàn. Đến ngày thứ tư, đội hình đi đầu gồm 10 người (trong đó có đồng chí Nguyễn Hiền, Chính trị viên Đại đội 263, đồng chí Nhạn là Đại đội phó Đại đội 6, chiến sĩ của các Đại đội 263, 261 và Tiểu đoàn bộ) đã gặp địch.

Bác Nguyễn Hiền kể: “Lúc này, tôi là chỉ huy toàn đội, đồng chí Nhạn là chỉ huy phó. Về sức khỏe, mọi người ai cũng mệt, nhưng khi nghe trinh sát báo về, tốp địch cuối cùng đang dừng lại ăn cơm, tôi liền phân công một tổ 3 người, di chuyển qua đỉnh đồi xuống ngang sườn, chặn đường rút chạy của địch. 15 phút sau, khi các tổ vào vị trí chiến đấu, chúng tôi dùng K50 bắn trực diện vào tốp địch, tiêu diệt một số tên và bắt sống được 1 tên. Khi nghe tiếng súng K50, các tổ đồng loạt xông lên. Suốt chiều tối hôm đó, chúng tôi truy kích địch. Anh em xác định tư tưởng: Ta mệt, đói, nhưng địch còn mệt, đói gấp nhiều lần, vì chúng ở trạng thái bỏ chạy, tâm tư rất hoang mang, cần tiếp tục đuổi diệt”.

Ngày thứ 5 truy kích địch, tốp đi đầu do Chính trị viên Nguyễn Hiền phụ trách đến gần bản Sa Kông, một bản của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bác Nguyễn Hiền kể: “Tại đây, anh em thấy có nhà dân mổ lợn. Khi chúng tôi hỏi thì bà con nói mổ lợn ăn Tết, nhưng quan sát thái độ người chủ nhà có vẻ run sợ. Chúng tôi nghĩ ngay có điều gì còn ẩn khuất”.

Toàn đội không di chuyển vào bản mà nằm ở ngoài rừng, Chính trị viên Nguyễn Hiền cử đồng chí Nghệ là Tiểu đội trưởng trinh sát cùng một số chiến sĩ cải trang vác ống nứa vào bản xin nước uống và các chiến sĩ đã phát hiện thấy dấu giày của lính Pháp. Nắm lại thông tin thì được biết không phải đồng bào mổ lợn ăn Tết mà quân Pháp vào bản bắt bà con thịt lợn làm cỗ để chúng ăn. Tổ trinh sát về đội báo cáo. Biết rõ có địch, toàn đội họp phân tích tình hình và lên kế hoạch chiến đấu, đồng chí Nguyễn Hiền tổ chức các tổ bao vây ngôi nhà, nơi tình nghi có địch ẩn náu. Khi các tổ vào vị trí chiến đấu, Chính trị viên Nguyễn Hiền nói bằng tiếng Pháp, truyền cho quân địch biết: Tất cả đã bị bao vây, lệnh cho quân Pháp ra đầu hàng. Tiếng hô của người Chính trị viên vừa dứt, lính Pháp lần lượt buông súng, giơ tay ra hàng.

Những tên lính Pháp về quấy phá dân làng bị bắt, đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Sa Kông vui mừng lấy thịt lợn, cơm nếp mời bộ đội. Mặc dù ai cũng đói mệt, nhưng anh em không nghĩ đến ăn mà lại tiếp tục lên đường truy kích, tiêu diệt địch.

Khi toàn trung đoàn truy kích địch gần đến Mường Sài thì gặp hỏa lực của địch ở Mường Sài bắn chặn đội hình tiến quân của ta. Tất cả các đơn vị của trung đoàn được lệnh rút quân, củng cố lực lượng, kết thúc thắng lợi nhiệm vụ truy kích, tiêu hao sinh lực địch và đập tan tuyến phòng ngự sông Nậm Hu của địch nối với Luông Phra-băng (Lào) trên chiều dài gần 200km, tạo khí thế xốc tới chiến trường Điện Biên Phủ./.

Bài và ảnh: Duy Thành

Theo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: