Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển cao nhất nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954), trong đó, nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng là một yêu cầu tất yếu để tiêu diệt các tập đoàn cứ điểm và khu vực phòng ngự kiên cố của địch.
Từ sau Chiến dịch Biên giới năm 1950, trước sự lớn mạnh về mọi mặt của lực lượng vũ trang ta, quân đội Pháp phải từng bước co cụm về phòng ngự, hình thái chiếm đóng của địch ở nhiều nơi đã từ diện biến thành tuyến và điểm. Bên cạnh sự tồn tại của các hình thức phòng ngự cứ điểm, cụm cứ điểm, quân Pháp tổ chức phòng ngự tập đoàn cứ điểm như một biện pháp cứu cánh, một hình thức phòng ngự có hiệu lực trong những năm 1952-1953. Hệ thống phòng ngự tập đoàn cứ điểm được Pháp thiết lập ở các vùng rừng núi Tây Nguyên, Tây Bắc, Thượng Lào, cố giữ các địa bàn chiến lược xung yếu, các vùng đông dân, thành thị, trở thành biện pháp tác chiến giữ đất chủ yếu trong nghệ thuật quân sự của địch vào những năm cuối chiến tranh.
Tập đoàn cứ điểm là loại đối tượng tác chiến cứng và phức tạp. Trong điều kiện lực lượng ta còn yếu hơn địch, khả năng đánh công sự vững chắc còn kém, tập đoàn cứ điểm là hình thức phòng ngự có hiệu quả trong việc ngăn chặn các cuộc tiến công trực tiếp của ta. Trận đánh vào Tập đoàn cứ điểm Nà Sản trong Chiến dịch Tây Bắc không thành công năm 1952 đặt ta trước những vấn đề cần giải quyết về vũ khí, trang bị kỹ thuật và cách đánh công sự vững chắc của quân đội.
Nhận rõ những điều kiện cơ bản quyết định sự thay đổi phương thức tác chiến, chúng ta đã dày công nghiên cứu và ra sức huấn luyện bộ đội, chuẩn bị tốt về tổ chức trang bị, tăng thêm thành phần binh chủng, đặc biệt là pháo mặt đất có tầm bắn xa hơn, uy lực lớn hơn và pháo cao xạ cùng các loại pháo bắn thẳng và hỏa lực khác. Ta từng bước kiện toàn các đại đoàn chủ lực thành các đơn vị binh chủng hợp thành; coi trọng huấn luyện, nâng cao trình độ chiến thuật, kỹ thuật của các đại đoàn chủ lực, nhất là tập luyện đánh tập đoàn cứ điểm, đáp ứng yêu cầu tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch. Chính nhờ vậy mà khi địch nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ, dần dần biến Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh, gồm 49 cứ điểm, các căn cứ hỏa lực và sân bay, tổ chức thành các trung tâm đề kháng hỗ trợ lẫn nhau trong thế trận chung trên một khu vực rộng lớn, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ta và Bộ Tổng Tư lệnh có cơ sở thực tế nhanh chóng hạ quyết tâm tập trung lực lượng tiêu diệt quân địch ở Điện Biên Phủ.
Trận địa pháo binh của ta đồng loạt tiến công địch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là một bài học kinh nghiệm quý về sự vận dụng phương thức tác chiến hiệp đồng binh chủng phù hợp với trình độ chiến thuật, kỹ thuật của quân đội ta, phát huy hiệu quả sức mạnh hiệp đồng binh chủng trong cách đánh của chiến dịch theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến dịch tiến công trận địa quy mô lớn, diễn ra trong một thời gian khá dài gồm một loạt trận đánh địch trong công sự vững chắc, riêng lẻ hoặc đồng thời kế tiếp nhau cho đến khi quân địch bị tiêu diệt hoàn toàn. Đánh chắc từng bước, ta sẽ có điều kiện tạo ưu thế tuyệt đối về binh hỏa lực trên từng không gian, thời gian nhất định, bảo đảm chắc thắng cho từng trận chiến đấu, từng đợt chiến dịch, do đó, bảo đảm chắc thắng cho toàn chiến dịch. Đánh chắc từng bước ta có điều kiện tập trung pháo binh để kiềm chế hỏa lực pháo binh và binh lực cơ động của địch để tiêu diệt từng trung tâm đề kháng trong một đợt tiến công. Trong chiến dịch, pháo binh ta tuy không nhiều, đạn pháo ta càng ít hơn địch nhưng do ta tạo được thế trận hiểm hóc, liên hoàn, sử dụng lực lượng phù hợp nên trong từng trận, đã tập trung ưu thế hơn địch từ 3 đến 5 lần để chi viện đắc lực cho bộ binh chiến đấu. Hỏa lực pháo mặt đất, pháo cao xạ, các loại pháo bắn thẳng, hỏa lực khác đều có tác dụng lớn trong tác chiến hiệp đồng binh chủng và gây nên sự bất ngờ lớn đối với địch trong Chiến dịch.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh, hình thức tác chiến hiệp đồng binh chủng là hình thức tác chiến tất yếu và có hiệu quả để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm và khu vực phòng ngự kiên cố của địch. Tác chiến hiệp đồng binh chủng với những trang bị, vũ khí hiện có và từng bước hiện đại là một yêu cầu khách quan trong quá trình trưởng thành của quân đội ta. Ta phải từng bước xây dựng các binh chủng, quân chủng kỹ thuật ngày càng hiện đại, có khả năng phát huy sức mạnh của khoa học kỹ thuật, có kỹ năng tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân chủng quy mô ngày càng lớn để đánh bại mọi biện pháp tác chiến của địch./.
Đại tá, TS Nguyễn Thành Hữu
Theo Quân đội nhân dân
Kim Yến (st)