QĐND - Căn cứ vào các lý thuyết và thông qua quá trình xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà các bên nêu ra (như đã đề cập ở 4 kỳ trước), có thể đưa ra nhận xét: Trung Quốc đã và đang cố gắng viện dẫn tài liệu địa lý, lịch sử để chứng minh, bảo vệ cho quan điểm của mình về quá trình xác lập, thực thi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam - PV). Điều này là sai trái, Việt Nam và cộng đồng quốc tế không công nhận.
Không chứng minh được bằng pháp lý thì sử dụng sức mạnh
Sự thật là Trung Quốc đã dùng vũ lực để xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1956, lợi dụng sau hội nghị Geneve, hai miền Nam - Bắc Việt Nam cần một khoảng thời gian để luân chuyển quyền quản lý, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1974, lợi dụng thời điểm Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, quân đội Việt Nam Cộng hòa đang trên đà suy sụp, sự quản lý đối với khu vực Hoàng Sa bị yếu đi, Trung Quốc sử dụng không quân, hải quân đánh chiếm nốt cụm phía Tây quần đảo Hoàng Sa, hoàn thành việc chiếm đóng, biến nó trở thành một căn cứ làm bàn đạp tiến tiếp xuống phía Nam.
Năm 1988, khi Việt Nam đang trong thời điểm khó khăn về kinh tế, chính trị, ngoại giao, Trung Quốc đem quân chiếm một số bãi cạn ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa. Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm phi pháp các đảo là hành động không thể biện bạch trước dư luận quốc tế và luật pháp quốc tế đương đại.
Rõ ràng, quan điểm cũng như hành động của Trung Quốc đưa ra từ xưa đến nay hoàn toàn sai trái. Tiến sĩ Trục nhấn mạnh, các nước trên thế giới từ xưa đến nay có nhiều nhà hàng hải tài ba. Họ cũng đã đi qua rất nhiều vùng đất, vẽ hải đồ, đặt tên cho những vùng đất đã đi qua. Như vậy, cứ lấy luận điểm đã từng đặt chân đến vùng đất nào để đòi chủ quyền vùng đất đó thì rất mơ hồ, có tính ngụy biện.
Độc chiếm Biển Đông là mưu đồ từ rất lâu của Trung Quốc. Quốc dân Đảng mượn cớ quân đồng minh ra tiếp quản, giải giáp vũ khí quân Nhật sau khi đại chiến thế giới lần thứ 2 kết thúc, đưa một hạm đội do Lâm Tuân chỉ huy gồm 4 con tàu, lợi dụng nhiệm vụ giải giáp quân Nhật để chiếm hai quần đảo. Tại Hoàng Sa, hạm đội này đã tùy tiện lấy tên của bốn con tàu để đặt tên cho các đảo mà trước đó Việt Nam đã đặt tên.
Sau đó đến những năm 50 của thế kỷ 20, Quốc dân Đảng bị thất thủ. CHND Trung Hoa ra đời và Quốc dân Đảng chạy ra Đài Loan, đồng thời rút toàn bộ quân ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam về. Trung Quốc đã lợi dụng tình thế để chiếm nhóm đảo ở phía đông và Đài Loan quay trở lại chiếm đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, mà họ gọi là Thái Bình, chúng ta gọi là Ba Bình.
Còn một chuyện cũng liên quan tới sau này là việc trong hạm đội của Quốc dân Đảng, có một ông Vụ phó Vụ Mỏ và Địa chất của Trung Hoa dân quốc. Ông này đi theo và khi đó đã vẽ nghịch ra đường biên giới chữ U gồm 11 đoạn. Một sơ đồ không có cơ sở gì sau này đã bị Trung Quốc lợi dụng để hiện thực hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc đưa ra lập luận rằng đây là con đường đã tồn tại trong lịch sử, có trước Công ước Luật Biển năm 1982, và điều này hết sức phi lý, không được bất kỳ quốc gia nào trên thế giới thừa nhận.
Về ý kiến của ông Dương Trạch Vỹ cũng như lời phát ngôn của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương viện dẫn lời lẽ trong Công thư 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng để đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, Tiến sĩ Trần Công Trục chỉ rõ: Trung Quốc đang cố tình hiểu sai, xuyên tạc để biện hộ cho việc họ đã sử dụng lực lượng, lợi dụng cơ hội để chiếm đóng phi pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và một số khu vực ở Trường Sa.
Thanh niên xem các bản đồ khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. |
Đánh lận thông tin với âm mưu độc chiếm
“Việc Trung Quốc nhắc đến văn bản của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958, nhưng đó không phải là công hàm. Trung Quốc viện dẫn điều này để cố chứng minh cho lập luận của Trung Quốc là phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa (Hoàng Sa - PV) và Nam Sa (Trường Sa - PV) là vô lý.
Tôi nói rõ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công thư chứ không phải công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai. Họ thì nói rằng chúng ta đã thừa nhận nhưng đi sâu vào nội dung đó thì không hề có một câu nào nói đến việc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thừa nhận Tây Sa (Hoàng Sa - PV) và Nam Sa (Trường Sa - PV) là của Trung Quốc, mà chỉ nói rằng chính phủ và nhân dân Việt Nam tán thành và ủng hộ lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc theo tuyên bố năm 1958 của Trung Quốc. Rõ ràng chúng ta chỉ dừng lại ở thừa nhận và ủng hộ chiều rộng lãnh hải 12 hải lý”.
Tiến sĩ Trục giải thích rõ bối cảnh: Thời điểm đó, Trung Quốc đưa tuyên bố 12 hải lý cũng là một sự kiện khá nổi bật liên quan tới việc thế giới đang có quá trình đấu tranh giữa các nước có nền hàng hải phát triển và các nước ven biển có nền hàng hải kém phát triển hơn, một bên thì muốn thu hẹp lãnh hải của các quốc gia ven biển vào càng sát bờ càng tốt, không cho phép mở rộng đến 12 hải lý. Các quốc gia khác, đặc biệt các quốc gia ở thế giới thứ ba, các nước đang phát triển muốn mở rộng chủ quyền của mình ra ở phạm vi lớn hơn. Trong bối cảnh đó Trung Quốc là nước tiên phong tuyên bố điều đó thì với một quan hệ về mặt hữu nghị giữa hai nước thì chúng ta lên tiếng ủng hộ cũng chính là chúng ta ủng hộ tiếng nói chung của cộng đồng các nước đang phát triển, là vấn đề hoàn toàn hết sức thiện chí.
Trở lại vấn đề Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) sâu trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Tiến sĩ Trục đã chỉ rõ ý đồ sâu xa của Trung Quốc: Bằng việc Trung Quốc lý giải đặt giàn khoan ấy cách bãi Trung Kiến (tức Tri Tôn của Việt Nam - PV) là 17 hải lý, có nhiều người lầm tưởng khu vực ấy là của Trung Quốc. Nhưng sau khi Việt Nam nói rõ quần đảo Hoàng Sa bao gồm cả đảo Tri Tôn là chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép, công luận quốc tế đã quay ra ủng hộ Việt Nam vì biết Trung Quốc sai.
Nhấn mạnh tới chính nghĩa của Việt Nam, ông Trục nhấn mạnh: Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Trung Quốc đã cố tình lập lờ trong cách vận dụng những quy định của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 để đặt giàn khoan ở vị trí dễ làm cho người dân thế giới và người dân Trung Quốc hiểu lầm rằng vùng biển đó thuộc chủ quyền của Trung Quốc, từ đó mà quay ra ủng hộ cho sự sai trái của họ. Cách “đánh lận” kiểu này, nếu ta không tỉnh táo, không phân tích cho thế giới hiểu, Việt Nam sẽ sa vào cái bẫy đã giăng sẵn. Do đó, cần hết sức tỉnh táo, không mắc mưu của Trung Quốc./.
Theo NGUYỄN HÒA (ghi)/ Báo Quân đội nhân dân
Tâm Trang (st)