Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc.
Tiếp theo bài 5 "Trung Quốc phái MiG oanh tạc dữ dội, Hoàng Sa thất thủ" trong loạt bài "Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ của Việt Nam" do Tiến sĩ Trần Công Trục gửi tới độc giả báo Điện tử Giáo dục Việt Nam dịp 40 năm Trung Quốc (TQ) thôn tính toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Trong bối cảnh cuộc kháng chiến thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam bước vào giai đoạn nước rút, TQ đã lợi dụng hoàn cảnh đó để dùng vũ lực đánh chiếm nốt phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Nhìn nhận sự kiện này dưới bình diện của luật pháp quốc tế có thể khẳng định:
Một là, hành động đánh chiếm các đảo trong quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng điều 2 khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác.
Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên hợp quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên hợp quốc, trong đó có TQ, phải tuân thủ.
Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong đó quy định: “Các quốc gia có nghĩa vụ không đe doạ hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, hay (coi đe doạ hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.
Hải chiến Hoàng Sa 1974 khai hỏa.
Hai là, hành động TQ dùng vũ lực đánh chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo này năm 1974 thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam.
Ba là, theo luật pháp quốc tế việc TQ sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của TQ đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt.
Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.
Hành động xâm lược nói trên không bổ sung vào bộ hồ sơ pháp lý về yêu sách chủ quyền của TQ ở Biển Đông. Những hành động như vậy đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và chắc chắn sẽ bị các toà án quốc tế bác bỏ một khi chúng được đưa ra tòa án quốc tế nhằm minh chứng cho yêu sách chủ quyền của TQ ở Biển Đông./.
Đón đọc Bài 7: Ts Trần Công Trục: Muốn giữ chủ quyền phải đoàn kết dân tộc, tự lực cánh sinh.
Hồng Thủy
Theo giaoduc.net.vn
Tâm Trang (st)