Trước những hành động vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông, cộng đồng quốc tế một lần nữa hối thúc nước này tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh những động thái có thể làm leo thang căng thẳng.
Sau cuộc gặp ngày 20-6 ở thủ đô Oa-sinh-tơn, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma (Barack Obama) và Thủ tướng Niu Di-lân Giôn Ki (John Key) đã cùng tuyên bố hối thúc Trung Quốc tuân thủ những nguyên tắc và quy định của các thỏa ước quốc tế mà nước này đã tham gia, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh minh họa
Phát biểu sau cuộc hội đàm tại phòng Bầu Dục với Thủ tướng Niu Di-lân Giôn Ki, hiện đang ở thăm Oa-sinh-tơn, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma nhấn mạnh cần phải giải quyết một cách hòa bình bất đồng nảy sinh sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan thăm dò dầu khí tại Biển Đông và tránh leo thang căng thẳng. Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma nói: “Điều quan trọng với chúng ta là có thể giải quyết những tranh chấp trên biển theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan duy trì khuôn khổ luật pháp để giải quyết những vấn đề tranh chấp. Chúng tôi phản đối hành động làm leo thang căng thẳng mà có thể làm ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và thương mại”.
Về phần mình, Thủ tướng Niu Di-lân cũng bày tỏ quan điểm tương đồng với Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma về vấn đề Biển Đông. Ông nói: “Niu Di-lân có quan điểm rất rõ ràng rằng, tất cả các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Luật Biển. Điều này rất quan trọng đối với hòa bình và ổn định tại khu vực trên thế giới”.
Đài ABC của Ô-xtrây-li-a hôm 20-6 đã đăng bình luận về các hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông, ngay sau khi nước này thông báo về việc di chuyển thêm 4 giàn khoan vào Biển Đông, ngoài giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc đã triển khai sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng 5-2014. Theo bài báo, thông báo của Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh nhiều nước tại Châu Á "đang tức giận” trước những động thái sai phạm của Trung Quốc trên Biển Đông. Bài báo dẫn lời ông X.Đa-linh (Scott Darling), thuộc Trung tâm nghiên cứu dầu mỏ và khí đốt châu Á của ngân hàng JP Morgan tại Hồng Công (Trung Quốc) cho rằng, theo dõi những động thái vừa qua của Trung Quốc thì thấy, việc nước này triển khai thêm nhiều giàn khoan ở Biển Đông, đặc biệt là trong giai đoạn mùa hè, mùa cao điểm của hoạt động khoan dầu là không bất ngờ. Điều này một lần nữa cho thấy, tham vọng thâu tóm toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc.
Trong khi đó, Tiến sĩ G.Uyn (Gerhard Will), chuyên gia Đông Nam Á và châu Á của Quỹ khoa học và chính trị (SWP), Viện Chính trị và An ninh quốc tế Đức, cho rằng với những hành động đơn phương trên Biển Đông vừa rồi, Trung Quốc vừa muốn tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông để thể hiện sức mạnh của một cường quốc quân sự, lại vừa muốn có mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với các nước láng giềng. Tuy nhiên, chuyên gia Đức khẳng định rằng, Trung Quốc không thể có cùng lúc cả hai điều này.
Còn tờ Thời báo Tài chính của Anh dẫn lời ông R.Kếp-lan (Robert Kaplan), nhà phân tích chính trị hàng đầu của hãng phân tích thông tin toàn cầu Stratfor nhận định, hành động của Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên so với những gì mà nước này đã từng làm trong suốt 2 thập kỷ qua. Trên thực tế, nước này đang tìm cách tranh giành quyền kiểm soát Biển Đông với các nước nhỏ và yếu hơn, nhằm thỏa mãn các lợi ích về dầu và khí đốt.
Tờ USNews của Mỹ hôm 19-6 thì đưa ra bình luận nhấn mạnh rằng, cái gọi là “chủ quyền không thể chối cãi” mà Trung Quốc luôn tuyên bố với thế giới khi đề cập đến các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông lại rất đáng tranh cãi, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đưa ra yêu sách và chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông và chỉ dựa trên “đường lưỡi bò” phi lý mà nước này đơn phương tuyên bố. Yêu sách này không được bất kỳ nước nào khác chấp thuận trừ… Trung Quốc.
Hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước có liên quan. Chính phủ Phi-líp-pin ngày 19-6 cho biết, sẽ hối thúc tòa án Liên hợp quốc nhanh chóng ra phán quyết về vụ nước này kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” phi lý của Bắc Kinh. Ngoại trưởng Phi-líp-pin A.Đen Rô-xa-ri-ô (Albert del Rosario) cho rằng, việc thúc đẩy quá trình vụ kiện là cần thiết bởi tình hình trên Biển Đông ngày một trở nên căng thẳng./.
Theo NGỌC HÀ
Báo Quân đội nhân dân
Huyền Trang (st)