Trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang với Thông tấn xã Việt Nam về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, một lần nữa được xem là tiếng nói đồng lòng của người dân Việt Nam phản đối việc Trung Quốc (TQ) hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đó là tiếng nói thống nhất ý chí bảo vệ chủ quyền đất nước. 

Phát biểu của Thủ tướng ở ASEAN có câu quyết định: Không thể đánh đổi chủ quyền lấy thứ hòa bình hữu nghị lệ thuộc, viển vông. Đó là tiếng nói không chỉ của một người, mà của non sông. Lần này cũng vậy, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã nói lên tinh thần của chúng ta, chủ quyền là vô cùng thiêng liêng, là không thể mất. Chủ tịch đã nhắc lại lời của Vua Lê Thánh Tông xưa: Nếu để một tấc đất làm mồi cho giặc thì sẽ mắc tội tru di. Đó cũng không chỉ là tiếng nói của riêng Chủ tịch, mà là lời hịch non sông của 90 triệu người Việt trong nước và 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài.

Lời phát biểu của Chủ tịch có ý nghĩa kêu gọi đoàn kết mạnh mẽ. Chúng ta hãy luôn nhớ lời Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”. Lãnh đạo mà quán triệt tư tưởng đó, mọi người cùng đồng lòng, từ lãnh đạo đến người dân để bảo vệ non sông đất nước thì khó mấy thì khó, kẻ địch mạnh đến mấy, chúng ta cũng không thể bị khuất phục. Chúng ta chỉ sợ sự chia rẽ, lãnh đạo và nhân dân, nhân dân và lãnh đạo không thành một khối. 

Lịch sử đã cho thấy, từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê, hay trước hai đội quân xâm lược mạnh nhất thế kỷ 20 là Pháp và Mỹ ta đều đánh thắng. Bất kỳ kẻ địch nào tham vọng đến đâu hòng chiếm lãnh thổ Việt Nam đều sẽ thất bại trước sự đoàn kết của chúng ta. Lúc bình thường thì chúng ta đoàn kết xây dựng đất nước. Lúc đất nước bị xâm lăng, tinh thần đoàn kết càng phải cao hơn. Thời gian qua, ngay cả nhiều người Việt không cùng chính kiến đều đã gác lại những bất đồng, xem Tổ quốc là tối thượng, cùng chung tiếng nói bảo vệ Tổ quốc.

tieng noi chu quyen 1
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu IV, nguyên đại biểu Quốc hội: Phát biểu của Chủ tịch Nước có ý nghĩa kêu gọi đoàn kết.

Có nhiều đại biểu đã đề nghị Quốc hội cần ra một nghị quyết về biển Đông. Thủ tướng, Chủ tịch Nước đã có những tiếng nói về vấn đề này rồi. Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao cũng cần có tiếng nói để thể hiện ý chí thống nhất của người dân.

Về việc Chủ tịch Nước nhấn mạnh đến sự độc lập kinh tế với TQ, thực ra điều này các chuyên gia kinh tế, các nhà chính trị đã nói từ lâu, nhưng chúng ta mất cảnh giác, thuần túy tập trung phát triển kinh tế, nhưng chính là kinh tế đi đôi với chính trị. Chúng ta không được quên rằng nhiều thế hệ lãnh đạo đã nhắc đi nhắc lại về việc phải độc lập cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, hòa nhập nhưng không hòa tan. Quốc hội đang họp về các vấn đề kinh tế, tôi mong Quốc hội sẽ đề ra giải pháp khắc phục sự lệ thuộc đó. Cần nhớ rằng, hai nước làm ăn với nhau nhưng không để lệ thuộc. Lệ thuộc là mất chủ quyền.

Quan điểm về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của VN đã được khẳng định từ lâu rồi. Nhưng đặc biệt gần đây, khi TQ vi phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận DOC cũng như xu hướng chung của khu vực về đạt COC, giẫm đạp lên thành quả quan hệ hai bên, tung dư luận vu khống chúng ta, ngược lại những điều tai nghe mắt thấy…, những điều đó làm ta phải công khai mọi sự thật, bày tỏ quan điểm rõ ràng về lập trường của ta. 

tieng noi chu quyen 2
Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ: Để TQ thấy người Việt đồng lòng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.

Các phát biểu của những người đứng đầu Chính phủ, Nhà nước là một dấu hiệu tích cực trong việc thể hiện quyết tâm, thái độ của chúng ta, thể hiện chủ quyền chính đáng thiêng liêng của đất nước, dân tộc cần bảo vệ bằng bất cứ giá nào, không thể đánh đổi. Các phát biểu đó đã được sự đồng tình của dư luận, đáp ứng được nguyện vọng, yêu cầu của dân tộc. Đất nước đứng trước tình thế nguy hiểm, quyền và lợi ích chính đáng bị vi phạm mà người lãnh đạo không lên tiếng sẽ không đáp ứng được nguyện vọng của dân, không nhấn mạnh được chân lý mà ông cha ta bao đời đã hy sinh xương máu để bảo vệ.

Tuyên bố của Chủ tịch Nước lúc này có tác động lớn để kêu gọi người dân nỗ lực đóng góp thiết thực hơn nữa cho các lực lượng chấp pháp và ngư dân ngoài biển; người làm truyền thông, làm ngoại giao ý thức hơn hoàn thành việc mình đang làm. Tuyên bố đó cũng nhằm để nói cho TQ rằng người dân Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam từ trên xuống dưới không dễ thao túng, người Việt đồng lòng từ trên xuống dưới, trong ra ngoài, TQ không thể tiếp tục lấn tới, bắt nạt. Đó không phải tiếng nói của một cá nhân, mà tiếng nói chung của một tập thể lãnh đạo, của đất nước.

Chống lại sự uy hiếp của TQ bao gồm cả vấn đề kinh tế. Chủ tịch Nước đã nhắc nhở cần xem lại một số mặt quan hệ thương mại, kinh tế với TQ. Chúng ta coi trọng hợp tác với TQ, nhưng TQ muốn gây sức ép về kinh tế thì ta có những cách bảo vệ độc lập tự chủ về kinh tế. Thị trường bây giờ là toàn cầu hóa, Việt Nam đã là thành viên WTO, của ASEAN, là bạn hàng lớn và thiện chí với Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… Việt Nam có nhiều con đường rộng mở, sáng sủa để bước tiếp. Trước mắt có thể khó khăn, nhưng đó là khó khăn tạm thời. Ta không muốn tự mình phá vỡ quan hệ hai nước, nhưng nếu họ bất chấp thì ta sẽ có cách để tồn tại, phát triển, để đóng góp cho sự thịnh vượng ở khu vực.

Chủ tịch Nước cũng đã nhắc lại lời của Vua Lê Thánh Tông về chủ quyền đất nước. Đó là một tuyên ngôn sâu sắc cho muôn đời con cháu. 

Chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, không thể nhân nhượng!

Với lập trường trước sau như một, BCHTƯ Đảng và Bộ Chính trị luôn khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc - trong đó có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam - là thiêng liêng, không thể nhân nhượng. Nhân dân Việt Nam ta, Đảng và Nhà nước ta có đủ bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm cũng như có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Không thể chấp nhận tình trạng cứ nước mạnh là không tôn trọng đạo lý và lẽ phải. Nhân dân ta từng trải qua và kiên cường trong các cuộc đấu tranh chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc từ hàng nghìn năm nay…

Tôi xin nhắc lại lời của Vua Lê Thánh Tông từng nói với triều thần đã được ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”.

 
(Trích bài trả lời phỏng vấn TTXVN của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang)

Theo Báo Lao động

Huyền Trang (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: