Có ý kiến cho rằng các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng ký vào đơn kiện Trung Quốc gửi Tòa án quốc tế.
Hành động trắng trợn của Trung Quốc khi ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã khiến hàng chục triệu dân Việt Nam cả trong và ngoài nước phẫn nộ, bất bình. Đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh, dân tộc Việt Nam phải chịu nhiều hy sinh, mất mát để giành độc lập chủ quyền đất nước. Cuộc sống hòa bình phải trả bằng rất nhiều máu xương của các thế hệ người Việt Nam những tưởng sẽ là vĩnh viễn nhưng đang bị đe dọa bởi chính người hàng xóm láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” trong hơn 60 năm qua.
Tàu cá Trung Quốc hung hăng tấn công tàu cá Việt Nam
Là con dân nước Việt, không ai có thể làm ngơ trước hành động vô nhân đạo, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển, ỷ thế một nước lớn lấn chiếm các nước nhỏ để thỏa mãn tham vọng làm chủ Biển Đông.
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - cơ quan đại diện cao nhất cho ý chí của toàn thể người Việt Nam đã ra Thông cáo mạnh mẽ phản đối hành động của Trung Quốc, thể hiện quan điểm chung của cả dân tộc Việt Nam trước sự hung hăng của Trung Quốc.
Bản Thông cáo được xem như Tuyên bố chung của Quốc hội Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước đó là kiên trì thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Quan điểm này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, cử tri cả nước, đồng thời góp phần giải tỏa, làm an lòng người dân trước hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Trung Quốc; thể hiện ý chí quyết tâm, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Ông Phạm Quốc Anh (Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam)
Ông Phạm Quốc Anh (Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam) đồng tình với nội dung bản Thông cáo của Quốc hội và cho rằng Quốc hội ra Thông cáo tại thời điểm này là rất đúng đắn, được nhân dân đồng tình và ủng hộ quan điểm nhất quán của Đảng, Chính phủ và Quốc hội trong việc phản đối, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đồng thời lên án mạnh mẽ hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan - Anh hùng của Không quân Việt Nam chia sẻ: “Trong tình hình hiện nay, nội dung bản Thông cáo số 2 là vừa đủ, chưa cần phải gây căng thẳng. Qua bản Thông cáo này, Quốc hội Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm không để một tấc đất, tấc biển nào của Việt Nam bị xâm lấn; Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế nhưng vẫn kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc bao đời nay”.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cử tri cho rằng trong trường hợp Trung Quốc ngày càng hung hãn, Quốc hội cần thể hiện thái độ cứng rắn hơn. Với tư cách là một cử tri, bà Ninh Thị Hồng (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) bày tỏ sự đồng tình với quan điểm trên và cho rằng “chúng ta đã rất mềm mỏng, hạn chế va chạm giữa các tàu chấp pháp của Việt Nam với tàu của Trung Quốc ngay trong vùng biển của chúng ta, nhưng chúng ta càng kiềm chế thì Trung Quốc lại càng hành động hung hăng, vô nhân đạo. Vậy chúng ta cũng phải có cách ứng phó khác, cứng rắn hơn, quyết liệt hơn chứ không thể dĩ hòa mãi được”.
Bà Ninh Thị Hồng cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam có chủ trương, biện pháp kịp thời và quyết liệt đối với Trung Quốc. Đồng thời mong muốn bạn bè quốc tế tiếp tục có tiếng nói ủng hộ Việt Nam và có các biện pháp để Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, ra khỏi khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Những diễn biến vừa qua cho thấy, căng thẳng trên Biển Đông sẽ còn kéo dài. Ông Phạm Quốc Anh cho rằng, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục kiên trì để giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình lâu dài, kiên trì từng bước một, và giải pháp này cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế.
Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan
Theo dõi sát tình hình trên biển Đông, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan đánh giá hành động của Trung Quốc hoàn toàn sai trái và ngang ngược. Tham vọng của Trung Quốc không chỉ bây giờ mới bộc lộ mà từ nhiều triều đại trước đây của Trung Quốc nên ông không ngạc nhiên lắm với hành động lần này của Trung Quốc. Dẫn chứng câu nói của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi tự nhận “Trung Quốc là con sư tử hòa bình, dễ mến và văn minh”, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan cho rằng những hành động của Trung Quốc thời gian qua trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam không phải là hành động của một nước văn minh, mà đó là những hành động côn đồ. Trong khi đó, đáp lại những hành động sai trái của Trung Quốc, Việt Nam đã hành xử rất văn minh, không làm ảnh hưởng tới tình hữu nghị lâu đời giữa hai nước đã gây dựng.
Bà Ninh Thị Hồng - Ủy viên thường vụ Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Ảnh: Ngọc Phương)
Bà Ninh Thị Hồng (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) cho rằng, Việt Nam đã cố gắng hết sức sử dụng các biện pháp đấu tranh hòa bình nhưng phía Trung Quốc vẫn ngày càng có động thái leo thang căng thẳng, đã đến lúc chúng ta phải khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. “Chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử để chứng minh, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của mình và nhận được sự ủng hộ quốc tế. Chúng ta đã yêu cầu phía Trung Quốc đàm phán hòa bình nhưng phía họ không đáp ứng”, bà Hồng nhấn mạnh.
Theo bà Hồng, để có thêm sức mạnh toàn dân tộc, mỗi tổ chức, cơ quan, người dân và đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài hãy cùng ký vào đơn kiện Trung Quốc gửi tòa án quốc tế (như đã từng ký đơn kiện Công ty sản xuất chất độc hóa học DIOXIN của quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trước đây)./.
Theo Thanh Hà-Kim Anh/VOV.VN
Huyền Trang (st)