Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

“Lấy ít địch nhiều" là truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong chiến thắng trận đầu, Hải quân nhân dân Việt Nam đã cùng với quân và dân miền Bắc hiện thực hóa ý chí quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của cả dân tộc.

Quyết bám tàu, giữ biển

Ngôi nhà nhỏ tại Khu tập thể X70 Hải quân của Đại tá, cựu chiến binh (CCB) Trần Bạch, nguyên Thuyền trưởng tàu 120, Căn cứ 1, tham gia đánh thắng trận đầu còn lưu giữ nhiều bức ảnh quý về những lần ông được đón Bác Hồ về thăm Bộ đội Hải quân. Nói về chiến thắng 50 năm trước, ông xúc động đọc lại lời dạy của Người: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó". Theo Đại tá, CCB Trần Bạch: Thắng lợi trận đầu, yếu tố quan trọng, quyết định nhất bắt nguồn từ sự lãnh đạo chủ động, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ.

dam-danh-1
Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Chủng (bên trái) kể chuyện đánh thắng trận đầu.

Hiện thực hóa lời dạy của Bác Hồ, đầu tháng 4-1964, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm làm chuyển biến nhận thức, tư tưởng trong toàn quân chủng trước tình hình, yêu cầu nhiệm vụ mới. Đầu tháng 5-1964, Đảng ủy Quân chủng Hải quân tiếp tục ra nghị quyết lãnh đạo nhằm chủ động chuẩn bị tốt mọi mặt, từng bước đưa quân chủng chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu với quyết tâm cao nhất.

Toàn bộ công tác chuẩn bị, nhất là việc giáo dục, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu được các đơn vị tiến hành khẩn trương, liên tục, với nhiều cách làm sáng tạo, sục sôi khí thế chiến đấu và chiến thắng. Thượng tá, CCB Nguyễn Quốc Chủng, nguyên chiến sĩ tàu 124, trực tiếp chiến đấu tại Cửa Lục, nhớ lại: Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ tàu 124 chúng tôi đã quyết tâm thi đua, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi ấy, tôi là chiến sĩ, đoàn viên được tham gia các buổi sinh hoạt quán triệt nhiệm vụ, dân chủ quân sự của đơn vị để bàn bạc cách đánh máy bay địch. Chỉ huy đơn vị đã phân tích kỹ tình hình tàu, vũ khí của ta và tìm giải pháp để đánh máy bay địch, nên chúng tôi rất yên tâm, tin tưởng. Trong trận đánh, tàu của chúng tôi hai lần bị máy bay địch bắn trúng, nhiều đồng chí bị thương, hy sinh, khi đó, tôi nghĩ phải gắng hết sức mình tiêu diệt máy bay địch, trả thù cho đồng đội. Kết thúc trận đánh, tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đây là phần thưởng do anh em bình bầu sau trận đánh. Tối đó, tôi đi làm nhiệm vụ canh gác nên không biết, do vậy khi nhận được phần thưởng tôi rất bất ngờ, xúc động...

Biến ý chí quyết tâm thành sức mạnh chiến đấu, Bộ đội Hải quân đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu không quản gian khổ, hy sinh. Đang ở trên đất liền thuộc khu vực Bãi Cháy, khi thấy báo động phòng không, chiến sĩ Đồng Quốc Bình đã tìm cách quay trở về tàu cùng đồng đội chiến đấu. Tuy bị thương đến lần thứ ba nhưng anh vẫn nén đau, một tay giữ ruột không cho lòi ra ngoài, một tay liên tục tiếp đạn cho đồng đội chiến đấu đến phút cuối cùng. Còn trong trận đánh ác liệt của tàu T175 ở Hòn La, chiến sĩ Nguyễn Văn Vinh chưa đầy một tuổi quân, đã băng mình dưới làn lửa đạn để cấp cứu thương binh, tiếp đạn cho đồng đội. Khi tàu bị trúng đạn, có nguy cơ bị chìm, thuyền trưởng cho phép rời tàu nhưng Vinh đã báo cáo: "Tàu còn thì tôi còn, đề nghị thuyền trưởng cho tôi được ở lại chiến đấu tới cùng"... Nhớ về hành động của đồng đội, Đại tá, CCB Nguyễn Xuân Bột, nguyên Thuyền trưởng tàu 333, xúc động nói: "Đối mặt với quân thù, anh em rất vững vàng, không hề nao núng, trụ vững tại các vị trí chiến đấu, bình tĩnh, mưu trí, dũng cảm phóng lôi, quyết tiêu diệt quân thù...".

Chủ động để thắng

Đại tá, CCB Trần Bạch khá bận rộn đón tiếp các đoàn phóng viên, báo chí và tham gia những hoạt động kỷ niệm đánh thắng trận đầu của Quân chủng Hải quân tổ chức, nhưng vẫn dành tâm huyết phân tích, nhìn nhận về trận đánh 50 năm trước từ góc độ của người chỉ huy dày dạn. Trưởng thành từ người chiến sĩ của Sư đoàn 308, từng tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ, sau khi đi học ở nước ngoài về, Trần Bạch đã phát triển trở thành Thuyền trưởng tàu T120, trực tiếp tham gia đánh trận đầu. Ông Bạch nhớ lại: Khoảng 11 giờ ngày 5-8, đơn vị đang ăn cơm thì có báo động phòng không, cán bộ, chiến sĩ được lệnh nhanh chóng về tàu, cơ động, thả neo ở Cửa Lục theo đội hình quả trám, cách nhau khoảng 2 liên để chi viện, bảo vệ nhau. Đây là đội hình phòng không đánh máy bay địch đã được đơn vị tổ chức huấn luyện, luyện tập kỹ từ nhiều tháng trước đó. Khi đạn, pháo trên các tàu đã lên nòng sẵn sàng thì máy bay của địch từ ngoài biển ầm ầm kéo đến. Chúng nối nhau bổ nhào bắn rốc-két vào tàu của ta. Các tàu đồng loạt nổ súng, kết hợp cùng với các trận địa pháo của Bộ đội Phòng không-Không quân và dân quân tự vệ địa phương tạo thành lưới lửa dày đặc đánh trả địch. Các tàu của Khu tuần phòng 1 và Căn cứ Hải quân Bãi Cháy đã phối hợp với Tiểu đoàn Phòng không 217 và lực lượng phòng không của dân quân tự vệ, công an địa phương bắn rơi hai máy bay Mỹ, bắt sống tên giặc lái An-vơ-rét.

dam-danh-2
Cán bộ, chiến sĩ tàu S225 biểu thị quyết tâm tiếp tục chiến đấu sau khi đánh thắng trận đầu.
Ảnh tư liệu

Để có được chiến công này, theo Đại tá, CCB Trần Bạch: Bộ đội ta khi đó được huấn luyện rất cơ bản, thuần thục, nắm chắc kỹ thuật, chiến thuật, làm chủ vũ khí trang bị trên tàu. Các chiến sĩ rất “đa năng”, giỏi một ngành, biết nhiều ngành, người này hy sinh thì có người khác thay thế. Tình huống chiến đấu trên biển diễn biến nhanh chóng, thông tin liên lạc khó khăn, chỉ huy các tàu đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo chiến đấu, vừa chỉ huy tàu cơ động tránh hỏa lực của địch, vừa phát huy khả năng chiến đấu của vũ khí trên tàu để đánh trả địch.

CCB Trương Thế Hùng, nguyên Tổ trưởng Tổ Trợ lý vũ khí dưới nước, Phòng Quân giới, là người được giao nhiệm vụ phụ trách xây dựng trạm ngư lôi để bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên cho các tàu, nhớ lại: "Đầu năm 1964, khi nhận nhiệm vụ lắp ngư lôi phục vụ sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi gặp phải 3 vướng mắc lớn: Một là, dầu nghi khí dùng cho máy lai hướng của ngư lôi đã cạn hết. Trong khi máy lai hướng phải có đủ dầu nghi khí mới có thể tự động điều chỉnh hướng trúng mục tiêu. Khó khăn thứ hai, là muốn biết chất lượng ngư lôi như thế nào thì phải phóng thử trước khi đưa vào sử dụng, trong khi cơ số ngư lôi của ta có hạn, không tự sản xuất được. Bên cạnh đó, thời kỳ này, các tàu Hải quân ta đã phân tán để tránh hỏa lực địch, khí nén cao áp trên tàu phải luôn bảo đảm lớn hơn 180 át-mốt-phe, nếu không bổ sung thì sẽ bị tiêu hao dần, trong khi việc di chuyển tàu rất dễ lộ bí mật. Sau nhiều ngày nghiên cứu, chúng tôi đề xuất lên cấp trên giải pháp mua dầu nghi khí ở nước ngoài cho máy lai hướng; dùng bè nứa để vớt kéo ngư lôi bắn thử và cuối cùng là đề nghị Xưởng 46 lắp máy nén khí DK2 lên tàu để bảo đảm khí nén cho ngư lôi trên các tàu.

Ông Đinh Xuân Tòng, khi đó được giao nhiệm vụ phụ trách cơ điện, bảo đảm sức sống của tàu 339 bồi hồi nhớ lại ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đến thăm Phân đội 3 tàu phóng lôi khi vừa đánh đuổi tàu Ma-đốc trở về. Đồng chí biểu dương: “Tinh thần chiến đấu dũng cảm của các đồng chí thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, dám đánh và biết đánh thắng kẻ thù hơn ta về nhiều mặt, biểu hiện tinh thần kiên quyết chấp hành mệnh lệnh, thực hiện nhiệm vụ triệt để, dũng cảm và mưu trí của Bộ đội Hải quân, giáng một đòn vào uy thế của Hải quân Mỹ, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ ý chí dám đánh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân cả nước ta”./.

VŨ XUÂN DÂN

Bài 3: Đi lên từ truyền thống

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: