cong nhan a
Bác Hồ gặp gỡ công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Hà Nội năm 1955 (Ảnh: Tư liệu).

Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một di sản vô giá, đó là hệ thống các quan điểm, tư tưởng của Người trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự, ngoại giao... Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân (GCCN) và tổ chức Công đoàn Việt Nam được hình thành trong quá trình đi tìm đường cứu nước, tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và ngày càng được khẳng định trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Trong di sản tư tưởng của Người, có thể nhận thấy điều đặc sắc này: Đặt GCCN không tách rời lực lượng đông đảo những người lao động và tổ chức chính trị - xã hội của GCCN là công đoàn; tổ chức và hoạt động công đoàn luôn được gắn với bản chất và vai trò của GCCN dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo tư tưởng của Người, GCCN là lãnh đạo cách mạng thông qua chính đảng của giai cấp mình, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. GCCN là lực lượng chủ yếu, là gốc của cách mạng Việt Nam. Xây dựng GCCN lớn mạnh tạo thành lực lượng to lớn, quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

cong nhan b
Bác Hồ thăm công nhân

Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ về mục đích và tổ chức, hoạt động của công hội: Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có tình cảm; để nghiên cứu với nhau; để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn; để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới (...); công hội cần phải được tổ chức theo ngành nghề và theo địa phương. Ở những năm đầu mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, bài đăng trên báo Cứu Quốc (số 390, ngày 29.10.1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“1) Ở thế giới, công nhân nước nào có tổ chức mạnh thì được địa vị hơn; nếu tổ chức yếu thì địa vị kém.

2) Các công đoàn Việt Nam phải là một tổ chức đơn giản, vững vàng.

3) Công đoàn có nhiệm vụ gìn giữ quyền lợi cho công nhân và giúp Chính phủ trong việc xây dựng đất nước.

4) Chính phủ Việt Nam là một chính phủ dân chủ, sẽ hết sức giúp đỡ về tinh thần cho công đoàn. Bộ luật Lao động Việt Nam sẽ nhận cho công nhân Việt Nam có quyền tự do tổ chức, quyền tự do bãi công...”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, GCCN không chỉ có sức mạnh sáng tạo to lớn, mà còn là giai cấp lãnh đạo toàn dân tộc đi lên, thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Để có lực lượng và sức mạnh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, GCCN cần liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, làm nòng cốt cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, Người luôn khẳng định: Xây dựng GCCN lớn mạnh là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của mỗi người công nhân, mà còn là nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Trong quá trình trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng GCCN và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Người chỉ rõ, phải chú ý phát triển các tổ chức công hội và nông hội nhằm tăng cường khối liên minh công - nông, làm nòng cốt của lực lượng cách mạng. Tư tưởng này được đi vào thực tiễn và thể hiện sức sinh động trong quá trình xây dựng lực lượng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền về tay công - nông trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam sau này.

Để xây dựng GCCN ngày càng tiến bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý tới vai trò và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam - là nơi tập hợp, đoàn kết, giáo dục, giác ngộ GCCN; đại diện, bảo vệ lợi quyền cho công nhân; quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, lao động; góp phần cùng Chính phủ và Nhân dân xây dựng đất nước.

Trong tổ chức và hoạt động, Người căn dặn: Tổ chức Công đoàn phải được phát triển thành hệ thống thống nhất và phải giữ được sự đoàn kết; trong nội bộ tổ chức công đoàn cũng phải thực hành dân chủ thực sự, đi đối với tôn trọng sự lãnh đạo tập thể. Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết cán bộ công đoàn phải đoàn kết nhất trí. Phải kiên quyết xây dựng cho được sự đoàn kết nhất trí trong các hệ thống công đoàn. Để hoàn thành trách nhiệm to lớn của mình, các tổ chức công đoàn phải được công nhân lựa chọn, bầu ra một cách dân chủ - phải thật sự dân chủ trong việc bầu cử các ban chấp hành công đoàn, bầu những người đại diện thực sự cho họ. Mỗi khi ra một chỉ thị, nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của quần chúng...

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn cho phong trào công đoàn mạnh, cần có cán bộ công đoàn tốt. Theo Người, cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hiểu biết về quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật. Cán bộ công đoàn phải giỏi cả về chính trị, thạo về kinh tế, lại phải có trình độ cả về tư tưởng, văn hoá, kỹ thuật thì mới lãnh đạo được đội ngũ công nhân ngày càng phát triển.

Với bản chất giai cấp công nhân Việt Nam, thấm nhuần quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công đoàn Việt Nam luôn luôn là một tổ chức công đoàn cách mạng, gắn liền lợi ích giai cấp công nhân với lợi ích toàn dân tộc, đồng hành cùng sự phát triển đất nước qua các thời kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Công đoàn Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết và phát huy tinh thần yêu nước, ý thức giác ngộ giai cấp. Mọi hoạt động của Công đoàn Việt Nam đều phục vụ lợi ích của công nhân, lao động, của đất nước và xã hội.

Nghiên cứu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta những bài học giá trị, có tính lý luận và thực tiễn cao của cả ngày hôm nay. Công nhân, lao động và tổ chức công đoàn đang cùng với toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và tấm gương đạo đức của Người. Trên cơ sở đó, ra sức đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn theo hướng trí tuệ - dân chủ - đoàn kết - sáng tạo, tạo ra động lực thực sự cho sự phát triển của GCCN và tổ chức công đoàn Việt Nam; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn vì quyền và lợi ích của người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước./.

 TS. Vũ Minh Tiến

Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Theo http://laodong.com.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: