Thứ năm, 19/12/2024

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương từ căn cứ địa Sơn Dương - Tuyên Quang về Thủ đô Hà Nội để thành lập Chính phủ Lâm thời. Để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện chỉ thị của Thường vụ Trung ương, đồng chí Nguyễn Lương Bằng với bí danh Sao Đỏ đã thành lập Đội cận vệ chính thức bảo vệ và phục vụ Bác gồm 8 đồng chí: Nguyễn Văn Lý, Vũ Long Chuẩn, Nguyễn Hữu Văn, Võ Chương, Trần Đình, Hoàng Văn Phức (tức Văn Lâm), Hồ Văn Trường và Năm Long, do đồng chí Nguyễn Văn Lý làm Đội trưởng. Địa điểm thành lập Đội là ngôi biệt thự của chủ trường đua ngựa ở Quần Ngựa - đường Bưởi.

4. nhung nguoi trong doi   anh
Các cán bộ của cơ quan CQ41 bên Nhà sàn Bác Hồ sau khi Người đi xa (13/9/1969)

Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Đầu năm 1947, để bảo toàn lực lượng, các cơ quan Trung ương của ta được lệnh trở về vùng căn cứ Việt Bắc. Bác và Đội cận vệ hành quân trở lại căn cứ địa Sơn Dương - Tuyên Quang. Đi với Bác là một bộ phận rất gọn nhẹ, gồm tám người gần Bác nhất, vừa làm cảnh vệ, công tác văn phòng, thư ký, liên lạc, vừa phục vụ hậu cần, với tinh thần một người thạo nhiều việc. Để đảm bảo bí mật, Đội cận vệ Bác được mang tên “Đội thanh niên tuyên truyền xung phong”. Cả Đội có 8 chiến sĩ và Bác. Ngoài ra còn có thêm đồng chí Lê Thị Thanh (tức Ngọc) làm cấp dưỡng, cũng được Bác đặt tên là cô Chín.

Ngày 5/3/1947, cả Đội hành quân đến xã Cổ Tiết - huyện Tam Nông - tỉnh Phú Thọ. Bác ở và làm việc tại nhà ông Hoàng Văn Nguyên (bố vợ đồng chí Đỗ Văn Mô - Phó Bí thư Huyện uỷ kiêm Chủ tịch huyện Tam Nông). Sáng sớm ngày 6/3/1947, Bác tổ chức hội ý với Đội, đại ý Bác nói: Từ đây về An toàn khu (ATK) đường sá khó đi, phần vì có đoạn chúng ta làm chưa kịp, phần vì có đoạn do ta tự phá để ngăn bước tiến của quân thù nên không thể dùng ô tô được nữa. Chúng ta phải hành quân bộ, các chú nên mang mỗi người một cái ba lô đeo vai để đựng các thứ cần thiết, và cũng cho Bác một cái để Bác đeo cái máy chữ và giấy tờ cần thiết. Cuối buổi hội ý, Bác nói về chủ trương cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta phải tiến hành trường kỳ.

Trong buổi hội ý đó, Đội cận vệ bảo vệ Bác ngồi thành vòng tròn vây quanh Người. Bác mỉm cười, nhìn một lượt cả 8 người, rồi nói: Đảng ta đã chủ trương và đặt khẩu hiệu “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi”, Bác là người đứng đầu Chính phủ phải thi hành khẩu hiệu đó. Bây giờ Bác dùng tám chữ trong câu khẩu hiệu đó để đặt tên cho các chú, vừa là để giữ bí mật, vừa là lời nhắc nhở hàng ngày để Bác nhớ mà thực hiện nhiệm vụ của mình. Nói xong, Bác chỉ tay vào từng người theo chiều kim đồng hồ và đặt tên mới cho từng người: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Tám chữ trong khẩu hiệu cũng vừa đủ cho 8 người trong Đội cận vệ bảo vệ Bác. Trong số 8 người được Bác đặt tên hôm đó, người ít tuổi nhất là đồng chí Nguyễn Hữu Văn mới 21 tuổi, người nhiều tuổi nhất là đồng chí Nguyễn Văn Lý đã ngoài 30 tuổi.

Trên chặng đường trường kỳ kháng chiến, 8 đồng chí được Bác đặt tên thì có 3 người được thay thế nhau mang tên Trường, có 2 lần thay thế người mang tên Nhất và Thắng. Sở dĩ có sự thay thế nói trên là do khi có đồng chí nào thay đổi công tác, nhận nhiệm vụ khác thì đồng chí mới đến thay được mang tên Bác đã đặt trước đấy.

Người mang tên Trường đầu tiên, tên thật là Võ Chương, quê gốc ở Huế, nguyên là giáo viên dạy học ở Hà Nội, tham gia cách mạng ở Hà Nội. Sau cách mạng Tháng Tám, đồng chí trở thành chiến sĩ trong Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu. Từng có kinh nghiệm trong hoạt động bí mật và có thành tích chiến đấu tốt nên tháng 10/1945 đồng chí được Xứ uỷ Bắc Kỳ, đặc biệt là anh Cả (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng), giới thiệu vào làm nhiệm vụ cận vệ Bác Hồ. Năm 1949, đồng chí bị ốm và qua đời ở Chiến khu Việt Bắc.

Người thứ hai mang tên Trường là đồng chí Hoàng Văn Phức, người dân tộc Tày, quê ở Chợ Chu - Thái Nguyên, được thay đồng chí Võ Chương mang tên Trường từ tháng 8/1947. Các đội viên cận vệ Bác có thời gian gọi đồng chí là “Trường Toóng”. Hoàng Văn Phức có thời kỳ đã đi làm lính dõng, sau được cách mạng giác ngộ đã đem vũ khí về theo cách mạng, chiến đấu trong đơn vị quân giải phóng ở Cao Bằng. Đồng chí có tài bắn súng bách phát bách trúng. Đầu năm 1948, đồng chí được chuyển công tác sang huấn luyện quân sự cho đơn vị bảo vệ kho lưu trữ Nhà nước.

Người thứ ba được mang tên Trường là đồng chí Phạm Văn Nền, là người lái xe cho Bác lâu nhất. Ngày khởi nghĩa (1945), đồng chí làm ở phòng thuế quan Hà Nội. Cuối năm 1946, đồng chí được chuyển sang lái xe phục vụ Bác Hồ. Ban ngày đồng chí chở đồng chí Lê Thị Thanh (cô Chín) đi khắp các đường phố Hà Nội để đánh lạc hướng theo dõi của mật thám. Buổi tối mới đưa Bác đi qua các cửa ô. Trên đường đi lên Chiến khu Việt Bắc, xe chạy được một thời gian ngắn, sau đó đường bị phá nhiều, xe không chạy được nữa, đồng chí được chuyển sang làm giao liên ở vòng ngoài. Đồng chí Nền là trạm liên lạc giữa Bác và cơ quan, công văn, thư từ từ chỗ Bác chuyển qua chỗ đồng chí và đồng chí có nhiệm vụ chuyển ra bên ngoài. Ngược lại, bên ngoài muốn gặp Bác hoặc chuyển thư cũng phải qua chỗ đồng chí. Thời gian sau, xe vẫn chưa chạy được, đồng chí Nền được điều sang nhà máy Trần Hưng Đạo và làm một số công việc khác. Giữa năm 1953 đường được sửa, ô tô có thể đi được, đồng chí Nền sang phục vụ đưa đón các cố vấn quân sự. Năm 1954, đồng chí được cử sang Liên Xô làm việc ở cơ quan đại diện Việt Nam, sau đó làm nhiệm vụ lái xe kiêm công tác bảo vệ cho phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Giơnevơ. Cuối năm 1954, đồng chí được quay về phục vụ Bác. Lúc ấy, khi ở Chiến khu về, Bác sống trong một gian phòng thuộc khu vực nhà thương Đồn Thuỷ, đồng chí vẫn ở bên Đoàn xe 12, lúc nào Bác cần đi đâu thì đồng chí mới sang đưa Bác đi. Khi Bác về ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch thì đồng chí mới chính thức sang lái xe cho Bác đến ngày Bác qua đời.

Người được mang tên Kỳ hay còn gọi là Vũ Kỳ, tên thật là Vũ Kỳ Ninh, còn có tên là Vũ Long Chuẩn, quê ở Thường Tín - Hà Đông cũ. Đồng chí là một thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào thanh niên phản đế từ khi còn là học sinh trường Bưởi (Hà Nội). Đồng chí giỏi tiếng Pháp, đã từng bị Pháp bắt giam ở Hoả Lò, năm 1943 đồng chí vượt ngục tiếp tục hoạt động trong phong trào Việt Minh. Tối ngày 27/8/1945, đồng chí được đồng chí Trần Đăng Ninh dẫn đến ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang, giao nhiệm vụ giúp việc Bác Hồ và được chọn làm Thư ký giúp việc Bác cho đến khi Bác qua đời. Đồng chí là người tiêu biểu trong số những cán bộ giúp việc cho Bác. Mọi người thường gọi đồng chí là Thư ký (hay Thư ký riêng) của Bác, nhưng đồng chí chỉ nhận mình là người phục vụ vô điều kiện của Bác Hồ. Được Bác đặt tên là Kỳ, từ đó tên Vũ Kỳ gắn liền suốt cuộc đời còn lại của đồng chí. Những năm tháng gian khổ nơi chiến khu kháng chiến, những lần sơ tán tránh giặc truy lùng, những bữa ăn “cháo bẹ rau măng” nơi Việt Bắc gió ngàn, những lần đi tìm đất làm lán cho Bác nghỉ, đồng chí luôn ở bên Bác. Có một thời gian, Bác giao nhiệm vụ mới cho đồng chí chuyển sang phụ trách Thanh niên xung phong Trung ương, nhằm lựa chọn trong số những thanh niên ưu tú, đào tạo, rèn luyện qua môi trường thực tiễn của cuộc kháng chiến gian khổ để sau này bổ sung làm nòng cốt cho đội ngũ cán bộ của các cơ quan Trung ương. Kháng chiến thành công, Bác về Thủ đô, đồng chí được trở lại phục vụ bên Bác. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương cho miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà, Bác đi nhiều nơi, đến với các địa phương, nhà máy, xí nghiệp, đơn vị, trường học… động viên, chỉ đạo mọi mặt, đồng chí cùng đi với Bác trên mọi dặm đường. Tập thể những người phục vụ Bác Hồ được gọi là cơ quan 41 (CQ41) gắn bó, đoàn kết như những người thân trong một gia đình đầm ấm, gần gũi bên Bác. Mọi người xem đồng chí là người anh cả, lo toan, điều hành các hoạt động thường ngày, phục vụ tốt nhất cho Bác. Bên Bác, được Bác chỉ bảo tận tình, chu đáo trong công việc, mọi người làm việc theo một nền nếp, sâu sát, cụ thể, chu toàn, khoa học. Tuy không được học tập ở các lớp chính quy, nhưng qua công việc và đặc biệt được Bác chỉ dẫn, đồng chí cần mẫn tự học, tự nâng cao trình độ, tự hoàn thiện mình. Trong con người đồng chí Vũ Kỳ luôn thường trực ý thức phục vụ Bác Hồ hết mình, vô điều kiện, từ việc báo cáo với Bác lịch công tác, lịch tiếp khách, vấn đề thời sự, đối ngoại, đối nội… đến việc lo toan vật dụng, tặng phẩm, tiếp khách sao cho phù hợp với các đối tượng khách quốc tế, trong nước. Đồng chí ghi nhật ký đều đặn hàng ngày. Phần lớn các trang nhật ký phản ánh hoạt động, nếp sinh hoạt, sức khoẻ của Bác Hồ. Từng trang nhật ký như những thước phim phản ánh sinh động về Bác và những người bên Bác. Đồng chí là người được biết quá trình Bác viết “Tài liệu tuyệt đối bí mật” (Di chúc) dặn lại cho muôn thế hệ mai sau. Trong giây phút lâm chung của Bác, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của đất nước túc trực bên Người, đồng chí tay cầm quạt đưa nhẹ làn gió mát cho Bác. Đồng chí không cầm nổi nước mắt trong phút giây đưa tiễn Bác như một người con hiếu nghĩa bên người cha gần phút chia ly. Sau khi Bác qua đời, đồng chí dành tất cả thời gian và tâm huyết giữ gìn và phát huy những di sản vĩ đại của Bác Hồ để lại. Đồng chí đóng góp tích cực vào việc giữ gìn nguyên dạng thi hài Bác, việc xây Lăng, xây Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ngày 19/5/1990, đúng ngày sinh lần thứ 100 của Bác Hồ, cũng là ngày khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, đồng chí xin được thôi chức Giám đốc Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh để nghỉ hưu, như đã trọn vẹn nguyện vọng phục vụ Bác Hồ.

Người được mang tên Kháng hay còn gọi là Hoàng Hữu Kháng, tên thật là Nguyễn Đăng Cao, quê ở Tiền Hải - Thái Bình. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào công nhân từ trước năm 1940. Năm 1940, đồng chí bị Pháp bắt trong khi đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Huyện uỷ viên Tiền Hải diễn thuyết nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, sau đó bị đày đi khổ sai ở nhà tù Sơn La và Chợ Chu - huyện Định Hoá - Thái Nguyên. Đồng chí được chi bộ nhà tù bố trí cho vượt ngục. Ra tù với tên gọi là Nguyễn Văn Lý (nhân dân vùng Chợ Đồn - Bắc Kạn còn gọi đồng chí là Đội Lý), đồng chí trở về hoạt động ở căn cứ địa Tân Trào - Tuyên Quang, tiếp tục tham gia quân giải phóng đánh Nhật. Là một võ sư giỏi, một thanh niên nhiệt tình, yêu nước, có sức khoẻ, năm 1944 đồng chí lên công tác tại căn cứ địa Sơn Dương - Tuyên Quang, được cử làm hiệu phó trường quân chính kháng Nhật. Tháng 10/1945, đồng chí được Trung ương giao trọng trách là cận vệ Bác Hồ. Năm 1947, Bác Hồ đặt tên cho đồng chí là Kháng. Khi Bác đặt tên không có họ nên cuối năm 1947 cần phải làm một số giấy tờ, đồng chí lấy họ của đồng chí Hoàng Hữu Nam (Thứ trưởng Bộ Nội vụ mất tháng 4/1947) làm họ của mình. Sau này, với cương vị là Cục trưởng Cục Cảnh vệ - Bộ Công an, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí tiếp tục giữ trọng trách chỉ huy lực lượng bảo vệ Bác Hồ cho đến khi Người đi xa.

Người được mang tên Chiến (Tạ Quang Chiến), tên thật là Nguyễn Hữu Văn, quê ở Hải Dương nhưng lại sinh ra ở Thanh Hoá, từ nhỏ sống ở Hà Nội, tham gia trong phong trào thanh niên cứu quốc Hà Nội và là đội viên Đội tự vệ thành Hoàng Diệu. Tháng 10/1945, cùng đồng chí Võ Chương được đồng chí Nguyễn Huy Khôi (tức Trần Quang Huy) – Bí thư Thành uỷ giới thiệu và đồng chí Nguyễn Lương Bằng tuyển chọn bổ sung vào Đội bảo vệ Bác Hồ. Từng giữ chức Trưởng phòng Bảo vệ 1, có nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ và Thủ tướng Chính phủ. Đầu năm 1957, đồng chí được cử đi học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, sau đó sang Liên Xô học chuyên ngành Sử, về nước làm công tác biên soạn lịch sử Đảng. Đồng chí đã từng là Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên. Trước khi nghỉ hưu đồng chí là Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao.

Đồng chí thứ nhất được mang tên Nhất, tên thật là Hồ Văn Trường, bí danh là Nhất Văn Lâm, người dân tộc Tày, quê ở Nước Hai - Cao Bằng. Là một trong những đội viên cứu quốc quân thuộc đơn vị vũ trang của đồng chí Đàm Minh Viễn bảo vệ căn cứ địa Tân Trào. Năm 1945, được đồng chí Phùng Chí Kiên chọn vào Ban Công tác đội làm nhiệm vụ bảo vệ Bác khi Người về Tân Trào. Đồng chí là một thanh niên khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, đã từng tham gia chiến đấu đánh Nhật nên có kinh nghiệm chiến trường. Đặc biệt, đồng chí có tài tìm phương hướng trong rừng khi phải hành quân ban đêm. Năm 1947, khi Đội cận vệ và Bác trên đường từ Sơn Dương trở lại Việt Bắc thì đồng chí được phân công ở lại làm nhiệm vụ trông coi và bảo vệ cơ quan. Nói là cơ quan nhưng thực chất chỉ là một cái lán mà các đội viên cận vệ đã làm cho Bác ở tạm tại rừng Tuyên Quang. Tài sản trong lán khi Bác và “Đội thanh niên tuyên truyền xung phong” rút đi chỉ để lại vài cái xe đạp hỏng và những cái nồi đồng để nấu ăn nay không dùng được nữa. Nhưng Hồ Văn Nhất không biết được rằng, tài sản của cơ quan không phải chỉ có thế mà có cả khối tài sản lớn của Chính phủ được cất giấu dưới hầm bí mật đào ngay dưới gầm lán. Sau này, mãi khi đồng chí Nguyễn Lương Bằng dẫn người quay lại để lấy đem đi phục vụ kháng chiến thì đồng chí Nhất mới hiểu ra rằng mình đã có vinh dự được Đảng, Chính phủ tin tưởng giao trông giữ một tài sản lớn của quốc gia.

Người thứ hai được mang tên Nhất, tên thật là Nông Văn Long, người dân tộc Tày, quê ở Ba Bể - Bắc Kạn. Là một thanh niên dân tộc trẻ, khoẻ, nhanh nhẹn, dũng cảm, bắn súng giỏi, có tài đi ngựa luồn lách ở đường rừng rậm, núi cao và sớm giác ngộ cách mạng. Năm 18 tuổi đồng chí đã từng là vệ sĩ bảo vệ đồng chí Võ Nguyên Giáp. Năm 1948, khi được sang phục vụ bảo vệ Bác và được mang tên Nhất thì đồng chí đổi tên là Long Văn Nhất (đồng bào dân tộc vùng Chợ Đồn, Bắc Kạn còn gọi đồng chí với cái tên “Nhất Tiên Phong"). Khi được trực tiếp làm nhiệm vụ cận vệ và phục vụ Bác, đồng chí Nhất được Bác rất tin tưởng. Những năm bảo vệ Bác ở Chiến khu Việt Bắc, đồng chí Nhất không những là chiến sĩ tìm đường, giao liên dẫn đường hiệu quả nhất mà còn chăm lo việc ăn uống của Bác rất chu đáo. Trên đường đi công tác, ngoài vũ khí chiến đấu khi cần thiết, bao giờ đồng chí Nhất cũng mang theo một khẩu súng săn. Gặp muông thú trong rừng, nhờ tài bắn súng “bách phát bách trúng” của đồng chí nên chất lượng bữa ăn của Bác trong lúc chiến sự ác liệt, đất nước khó khăn luôn được cải thiện. Hoà bình lập lại, đồng chí Nhất theo Bác về Hà Nội và tiếp tục được bảo vệ và phục vụ Bác. Năm 1958, đồng chí được vinh dự phục vụ bảo vệ Bác đi thăm 9 nước xã hội chủ nghĩa. Cũng chính năm 1958, đồng chí xin Bác cho về quê công tác. Năm 1969, khi Bác mất, đồng chí Nhất về Hà Nội viếng Bác, sau đó đồng chí về quê được một thời gian thì qua đời.

Người được mang tên Định hay còn gọi là Võ Viết Định, tên thật là Chu Phương Vương, người dân tộc Tày, sinh năm 1919, quê ở xã Hưng Đạo - huyện Hoà An - Cao Bằng. Đồng chí còn có bí danh là Ngọc Hà, là một thanh niên dân tộc rất giỏi cưỡi ngựa và đi rừng. Được đồng chí Trần Đăng Ninh chọn từ đơn vị vũ trang của đồng chí Đàm Minh Viễn ở Tân Trào vào Tổ bảo vệ, phục vụ Bác Hồ từ tháng 7/1945 đến tháng 5/1952. Năm 1947, được Bác Hồ đặt tên là Định. Đồng chí là người đi theo bảo vệ Bác trong suốt Chiến dịch Biên giới. Đoàn công tác theo Bác chỉ có một số người, rất gọn nhẹ. Chặng đường xa, cả đoàn có một con ngựa, nhưng Bác rất ít khi lên ngựa mà hay để ngựa cho đồng chí Định đi tiền trạm. Sáng sớm ngày 16/9/1950, tiếng súng mở màn Chiến dịch đã nổ, Bác lên núi đá Ngườm quan sát quân ta đánh vị trí Đông Khê. Đồng chí Định cũng được theo Bác đi lên quan sát trận đánh (trong bức ảnh chụp Bác tại mặt trận Đông Khê 1950, đồng chí là người cầm ống nhòm đứng cạnh Bác). Khi ở Thất Khê, Bác cho đồng chí Định về Cao Bằng trước. Hôm sau đồng chí Định cùng đồng chí Hồng Kỳ (Chủ tịch tỉnh) đến đón Bác. Chiến dịch thắng lợi, kết thúc chuyến đi lịch sử như dự định của Người, Bác trở về Tân Trào. Năm 1952, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng chí đã xin Bác cho về địa phương công tác để có điều kiện giúp đỡ gia đình và làm công tác Đảng ở Khu gang thép Thái Nguyên. Trước khi nghỉ hưu, người chiến sĩ cận vệ được Bác đặt tên Định là Phó Chủ nhiệm Công ty xây lắp cơ khí Thái Nguyên.

Đồng chí thứ nhất được mang tên Thắng, tên thật là Nguyễn Quang Chí hay còn có tên là Nguyễn Quang Huy, quê ở Tuyên Quang. Nguyễn Quang Chí được đồng chí Đàm Quang Trung giới thiệu vào bảo vệ và phục vụ Bác thay vị trí của đồng chí Năm Long đi Nam tiến và được Bác đặt tên là Thắng. Khi Bác và “Đội thanh niên tuyên truyền xung phong” hành quân đến Sơn Dương thì đồng chí Thắng được chuyển công tác khác.

Người thứ hai được mang tên Thắng hay còn gọi là Triệu Hồng Thắng, tên thật là Triệu Văn Cắt, dân tộc Dao, quê ở Định Hoá - Thái Nguyên. Đồng chí là thanh niên dân tộc, nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, gia đình có truyền thống cách mạng. Đồng chí tham gia cách mạng từ tháng 2/1940. Sau khi được giác ngộ cách mạng đồng chí đã quay về các bản Mường để phát triển thêm những người khác. Khi Nhật tấn công, đồng chí rút sang Tân Trào và được phân công lo lương thực cho anh em trong khu giải phóng, thỉnh thoảng đồng chí được cử mang trứng, đường vào chỗ Bác. Sau Cách mạng Tháng Tám, Triệu Văn Cắt còn ở lại Chiến khu làm nhiệm vụ giữ kho và công tác vận động đồng bào thiểu số ở Việt Bắc thực hiện đời sống mới. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cơ quan Trung ương lại chuyển lên Việt Bắc. Lúc này, đồng chí đang ở Ban vận động đồng bào các dân tộc thiểu số ở Võ Nhai được trở lại phục vụ bên Bác, được Bác đặt tên là Thắng. Khi được phục vụ Bác, đồng chí nhiều năm làm giao liên, liên lạc và dẫn đường cho Bác. Đến bất cứ địa điểm nào, đồng chí cũng chú ý tìm lối đi luồn rừng, chuẩn bị các lối tiến, lui, nắm vững địa hình để đề phòng bất trắc. Thực dân Pháp thường xuyên nhảy dù xuống Việt Bắc nhằm tìm ra nơi ở và làm việc của Trung ương Đảng và Chính phủ ta. Bác và Trung ương đã biết trước âm mưu của chúng nên Người thường thay đổi chỗ ở. Đi đến đâu Bác đều bảo đồng chí vào các bản ở xung quanh để nắm tình hình nhân dân. Thời kỳ Bác ở Tân Trào, đồng chí Triệu Văn Cắt làm nhiệm vụ cung cấp lương thực thực phẩm cho Bác. Năm 1954, đồng chí được phân công ở lại công tác tại địa phương phụ trách Tổ trinh sát của Công an Liên khu Việt Bắc. Sau đó, do yêu cầu của cách mạng, đồng chí được cử đi học và khi thành lập Khu Tự trị Việt Bắc, đồng chí giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Khu.

Người mang tên Lợi, tên thật là Trần Đình, người dân tộc Nùng, quê ở Cao Bằng. Trần Đình cũng từng là chiến sĩ của Cứu quốc quân trong đơn vị vũ trang của đồng chí Đàm Minh Viễn do đồng chí Hoàng Văn Thụ thành lập. Là người đầu tiên được chọn vào Ban Công tác đội làm nhiệm vụ bảo vệ Bác khi Bác từ nước ngoài trở về Pắc Bó, Cao Bằng (1941) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người đội viên của Ban Công tác đội ngày ấy một thời đã từng theo chân Bác khắp mọi nẻo đường Pắc Bó, một thời được cùng Bác “cháo bẹ, rau măng” bên suối Lê nin và những ngày tháng vinh dự được cầm súng bảo vệ Bác khi người từ căn cứ địa Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trên đường bảo vệ Bác trở lại chiến khu Việt Bắc, khi đến rừng Tuyên Quang, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Trần Đình với cái tên Lợi mà Bác đặt cho đã xin Bác được về gần nhà công tác. Từ đấy, mỗi khi có cán bộ tỉnh Cao Bằng đến làm việc, Bác đều hỏi thăm hoàn cảnh gia đình đồng chí Trần Đình và lần nào cũng vậy Bác đều dặn các cán bộ nói với địa phương cố gắng tìm cách giúp đỡ đồng chí Trần Đình.

Tám người trong “Đội thanh niên tuyên truyền xung phong” xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau, từ những địa phương khác nhau, đã tụ lại quanh Bác để bảo vệ và phục vụ Người. Vinh dự lớn nhất là mỗi người trong số họ đã được Bác đặt tên gắn với khẩu hiệu của cả dân tộc chống thực dân Pháp. Ngày nay, “Đội thanh niên tuyên truyền xung phong” người còn, người mất, nhưng những cái tên đã gắn bó với vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta, gắn với lịch sử của dân tộc, mãi mãi trường tồn với thời gian và con người Việt Nam.

Một vài đồng chí phần vì thời gian bảo vệ, phục vụ Bác quá ngắn rồi chuyển công tác khác, phần vì có đồng chí lại quá khiêm tốn, không ai muốn kể lại “chuyện riêng” của mình, nên những đồng chí đó có rất ít kỷ niệm, hồi ức về mình. Bởi vậy, tư liệu về các đồng chí có thể còn chưa đầy đủ, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm và giới thiệu thêm trong thời gian tới./.

Đặng Quang Huy

Phòng Sưu tầm - Kiểm kê – Tư liệu
Theo
http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Minh Thu (st)

Bài viết khác: