Nữ Anh hùng Hồ Kan Lịch
Hồi còn học phổ thông, mỗi lần cô giáo kể chuyện về Hồ Kan Lịch - người nữ Anh hùng đầu tiên của dân tộc Pa Cô, những người ở giữa đại ngàn Trường Sơn - vinh dự được mang họ Hồ của Bác, tôi thầm mong một ngày được gặp chị.
Bây giờ, sau 37 năm chị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tôi được gặp chị Hồ Kan Lịch bằng xương bằng thịt tại thị trấn vùng cao A Lưới.
Nơi ngày xưa nuôi chị thành anh hùng
Ngôi nhà của anh hùng Hồ Kan Lịch có diện tích gần 60m2, nằm sát ngay mặt tiền con đường trải nhựa. Gặp tôi, chị ôm choàng như thể gặp đồng đội đi xa mới về. Cách đây vài năm chị đã tạm biệt ngôi nhà trên đồi cao, trở về sinh sống ở thị trấn A Lưới - mảnh đất ngày xưa nuôi chị trở thành anh hùng.
Ở tuổi 62, dường như Hồ Kan Lịch chẳng lúc nào có giây phút thảnh thơi. Dáng người chị như một nông dân rặt. Nước da đồng hun đỏ au, cái áo vải màu cỏ úa lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi.
Trong lúc nói chuyện, Hồ Kan Lịch rất ít khi kể về thành tích của mình trong những ngày đánh Mỹ, chị luôn xem đó là thành tích của tập thể. Kan Lịch chặc lưỡi: “Không hiểu vì sao lúc đó mình đánh giặc gan dạ đến thế”. Một khẩu súng trường trong tay, không có cơm ăn, không có nước uống, chị vẫn bắn rơi máy bay Mỹ.
Chị nhớ lại lần đánh giặc ấn tượng nhất trong đời mình, đó là vào tháng 6 năm 1967: “Khi tôi bắn loạt súng đầu tiên, một chiếc máy bay của Mỹ liền bốc cháy. Một lúc sau chúng tập trung hỏa lực kéo đến, tôi rút vào hang đá nằm chơi, đợi trời tối rồi trở về nhà an toàn”.
Ngồi nghe chị kể chuyện đánh giặc mà tôi thấy lạnh cả sống lưng. Đánh giặc Mỹ mà như chơi vậy. Năm 1967, sau những trận đánh lẫy lừng đó, Hồ Kan Lịch vinh dự được Bác Hồ phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Lúc ấy Hồ Kan Lịch vừa tròn 25 tuổi. Và chị trở thành nữ Anh hùng đầu tiên của dân tộc Pa Cô.
Người 7 lần gặp Bác
Từ vùng cao của tỉnh Thừa Thiên - Huế, chị Kan Lịch được ra miền Bắc dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua, khi đến tỉnh Quảng Bình bị sốt rét, người run cầm cập.
Sốt rét quá nặng tưởng chị đã chết, mọi người đưa chị vào nhà xác để chờ quan tài, nhưng sau đó chị tỉnh lại. Chị ngồi bật dậy nói trong thảng thốt: “Chưa được gặp Bác Hồ làm sao tôi chết được”.
Hành trình ra đến Hà Nội đêm đã khuya, nhưng Bác Hồ vẫn ngồi đó đợi chị. Biết Hồ Kan Lịch là người ở Thừa Thiên - Huế nên Bác bố trí nhà thơ Tố Hữu giới thiệu những món ăn của Huế để nhà bếp chuẩn bị.
Chị kể: “Trong cuộc đời, tôi vinh dự có bảy lần được gặp Bác Hồ, trong đó có năm lần được Bác mời cơm. Tôi nhớ một bữa cơm giữa năm 1968, Bác gắp cho vào bát của tôi đầu một con cá trê. Bác nói: Đầu cá tuy hơi cứng nhưng cháu cố gắng ăn, vì cháu là người anh hùng nơi đầu sóng ngọn gió, phải đứng mũi chịu sào”.
Trong câu chuyện hôm đó, Bác hỏi rất nhiều về bà con các dân tộc ở miền Nam. Bác nhắc Hồ Kan Lịch: “Khi cháu trở về trong ấy nhớ chuyển lời Bác thăm hỏi bà con, cháu nói với các dân tộc anh em rằng hãy chịu khó thêm một thời gian nữa, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta nhất định thắng lợi”.
Sau chuyến ra Hà Nội, Bác Hồ tặng Kan Lịch một chiếc đài bán dẫn để chị về Nam nghe tin tức thời sự. Nhằm bù đắp những thiệt thòi về văn hóa cho anh hùng Kan Lịch, Bác quyết định cho chị sang Liên Xô học tập, mai này trở về làm cán bộ cốt cán cho quê hương, xứ sở. Nhưng Hồ Kan Lịch đã thưa với Bác: “Đất nước đang còn chiến tranh, Bác cho cháu xin được trở về miền Nam chiến đấu, đợi đến ngày hai miền Nam - Bắc đoàn tụ cháu đi học cũng được Bác ạ!”.
Như ngọn đuốc dẫn đường
Anh hùng Kan Lịch cùng chú ruột là Anh hùng A Vai, con gái và cháu ngoại của mình.
Ảnh: Thiều Hạnh
Sau nhiều năm công tác tại Ban Chỉ huy quân sự huyện A Lưới, Hồ Kan Lịch được nghỉ hưu. Trở về cuộc sống đời thường, chị lại vận động bà con bản làng lên nương rẫy. Không mấy khi chị được nhàn rỗi ở nhà, chỉ trừ những hôm đón khách. Để bà con tin, chị luôn làm người đi đầu trong mọi công việc.
Ngày hai buổi chị băng suối, lặn lội giữa rừng để kiếm cái ăn, cái mặc cho cả gia đình. Lao động cật lực, Hồ Kan Lịch đã gây dựng được một gia đình đầy đủ và hạnh phúc. Ngoài ngôi nhà kiên cố ở mặt tiền đường, chị còn có mấy con trâu, con bò, hàng ngàn bụi chuối ngoài rẫy đang xanh tốt.
Vợ chồng Hồ Kan Lịch gương mẫu, chỉ sinh hai người con: con trai đầu sinh năm 1974, nay đã lập gia đình; con gái út của chị cũng đã lấy chồng. Tất cả cháu nội, ngoại đều được chị chăm giữ. Chị còn đưa thêm những đứa cháu là con người anh ruột (bị chết) về nhà mình nuôi ăn học. Các em nay đã trưởng thành và được Kan Lịch làm cho ngôi nhà riêng để an cư lạc nghiệp.
Mỗi lần lĩnh lương hưu về chị lại phân phát, chia sẻ cho những bà con khó khăn. Hồ Kan Lịch có cái gì thì bà con trong bản cũng có cái đó. Những điều sẻ chia tưởng như rất bình dị nhưng không phải ai cũng thực hiện được.
Chị Kan Lịch nói: “Đối với người phụ nữ, trong chiến tranh càng anh hùng bao nhiêu thì ngày nay trong thời hòa bình họ phải đảm đang việc nhà, việc xã hội bấy nhiêu. Do sống gần bà con dân tộc của mình nên tôi hiểu được tấm lòng của họ nhiều hơn”.
Chia tay, anh hùng Hồ Kan Lịch hát tặng tôi bài hát Cô gái Pa Cô của nhạc sĩ Huy Thục: ...Ơ, người con gái Pa Cô con cháu Bác Hồ, dù gian khổ vượt núi băng rừng. Dù mưa bom em không ngần ngại chi. Đi cứu nước, giữ núi rừng, gùi trên vai súng đạn ra hỏa tuyến, gạo ngàn cân em gùi ra chiến trường... Giặc chưa hết chưa về dù rừng thương núi nhớ, người con gái Pa Cô... Bài hát đã kết thúc từ lâu nhưng lời bài hát mãi rạo rực trong mỗi bước đường tôi trở về miền xuôi.
Một điều ít ai biết, những ngày ở A Lưới, có lúc bệnh tình ập xuống, Hồ Kan Lịch đã bán hết mọi thứ trong nhà để có tiền chữa bệnh. Chỉ riêng chiếc đài bán dẫn Bác tặng, chị không bao giờ bán, mặc dù đã có người trả giá chiếc đài này đến hàng triệu đồng. Mới đây, Kan Lịch đã trao chiếc đài bán dẫn cho Bảo tàng tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhờ họ trưng bày, gìn giữ. Chị nói thật lòng: “Tôi phải đem gửi trước thôi, sợ không may mình chết đi, người ta đem bán đài của Bác thì tội lắm”.
|
THIỀU HẠNH
Theo Báo Tuổi trẻ
Minh Thu (st)