Thứ năm, 19/12/2024

            Trước lúc đi xa, Người đã để lại bản Di chúc trong đó có vài dòng viết về phụ nữ như sau: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”( Di chúc).

          Những lời tâm huyết này trước lúc đi xa, phải chăng là sự đúc kết ngắn gọn của sự trăn trở cả cuộc đời Người về vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng con người và giải phóng phụ nữ - thực hiện quyền bình đẳng cho mỗi dân tộc, mỗi con người và quyền bình đẳng thật sự của phụ nữ so với nam giới.

Mục đích làm cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Cả cuộc đời Người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng cao cả; đó. Trong xã hội và trong sự nghiệp giải phóng con người, phụ nữ chiếm một nửa. Người dạy: Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng CNXH chỉ một nửa. Người còn nhấn mạnh : Phụ nữ chiếm một nửa trong tổng số nhân dân. Để xây dựng CNXH thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ.

DC bac ho  anh1
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu nữ tại
 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, tháng 9-1960

Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, viết năm 1921, Người đã lên án bọn thực dân: Chế độ thực dân là chế độ ăn cướp; và xin nói thêm chế độ hãm hiếp đàn bà và giết người.

Năm 1950, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức, đại biểu các nơi lần lượt tập trung về dự. Mặc dù lúc này mùa đông rét mướt, nhưng Bác đã lặn lội đến để thăm hỏi các chị em. Đêm tối, đường đi vất vả, có người xin Bác đừng đi, sáng mai rồi hãy đến; và Bác đã có lời: Dưới chế độ cũ, các cô ấy chịu thiệt thòi nhiều rồi, bây giờ Đảng, Chính phủ và Bác phải quan tâm nhiều hơn các cô ấy. Và phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội LHPN VN, Bác đã nhắc đến truyền thống đầy tự hào của người phụ nữ Việt Nam: Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

DC bac ho  anh2
Bác Hồ và đại biểu phụ nữ dân tộc ít người tại
Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3-1961

Nói chuyện với Đại hội Liên hoan Phụ nữ Năm tốt (năm 1964), Bác Hồ đã so sánh đời sống phụ nữ trong hoàn cảnh nước nhà còn nằm trong tay giặc ngoại xâm với đời sống hiện tại, để giúp cho chị em nhận thức rõ hạnh phúc lớn lao của thời đại mình đang sống: Dưới chế độ thực dân phong kiến, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột, thì phụ nữ ta bị áp bức bóc lột nặng nề hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang. Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông. Bác không chỉ quan tâm đến quyền bình đẳng của nữ giới trong mối quan hệ xã hội mà còn lo cho hạnh phúc của nữ giới, phê phán những quan niệm coi thường phụ nữ, xử lý bất công với phụ nữ.

Trong dịp gặp gỡ cán bộ tỉnh Hà Tây vào tháng 02/1967, Người nói: Một điều Bác cần nói là: Phải kính trọng phụ nữ, chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền, bình đẳng cho phụ nữ... nhưng Bác còn nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ. Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng. Như thế là phạm pháp. Bác mong rằng từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa và Bác đã nghiêm khắc phê phán những thành kiến hẹp hòi ở một số cán bộ: Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến hẹp hòi đối với phụ nữ. Và Bác cũng khuyên chị em: Phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu, phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ tự ti, phải phát triển chí khí tự cường, tự lập, không nên ngồi chờ Đảng, Chính phủ ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà cần phải tự lực, phải đấu tranh và Bác đã biểu dương những đóng góp to lớn của phụ nữ trong công cuộc kháng chiến giữ nước: Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và họ gọi là đội quân tóc dài. Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta. Ngoài những thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, phụ nữ Việt Nam ta cũng được Bác khen tặng bởi những thành tích trong học tập, rèn luyện và đóng góp trong mọi lĩnh vực: Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo. Theo gương các bà, các chị, nhiều cháu thiếu niên, nhi đồng gái cũng rất ngoan như thế là từ xưa đến nay, từ Nam chí Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chị em phụ nữ Việt Nam đã góp phần xương máu vào thắng lợi huy hoàng của dân tộc. Tên tuổi các nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Mạc Thị Bưởi, Trần Thị Lý, Mẹ Suốt, Lê Thị Hồng Gấm và rất nhiều người khác là những biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta. Lịch sử sẽ còn mãi mãi ghi lại những hình ảnh chói ngời của những "đội quân tóc dài", những nữ chiến sĩ bất khuất trong tù, những mẹ già đào hầm bảo vệ cán bộ, cất giấu thương binh, những đội nữ dân quân bắn rơi máy bay phản lực, bắn cháy tàu chiến của địch, những nữ thanh niên xung phong "sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm". Hàng triệu người mẹ, người vợ đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ, động viên chồng con đi chiến đấu, đảm đang việc nước, việc nhà, vững vàng gan dạ vừa sản xuất, vừa chiến đấu.

Vâng theo những lời chỉ giáo vàng ngọc của Bác, trong thời gian qua, Phụ nữ Việt Nam rất tự hào, xứng đáng với lời khen của Đảng và Nhà nước "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang chống Mỹ, cứu nước"./.

Theo hoilhpn.org.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: