Đã là mùa Xuân thứ 55 kể từ ngày Bác Hồ lên thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc - Sơn La. Hành trình theo chân Bác, chúng tôi về lại từng nơi Bác đã đến thăm; trao đổi với những nhân chứng được gặp Bác và làm việc với các đồng chí lãnh đạo địa phương về những thành tích của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc học tập và làm theo lời Bác dạy.
Bác Hồ thổi khèn do đồng bào Yên Châu kính tặng. Ảnh: Tư Liệu
Lần theo tấm ảnh lịch sử chụp tại Lễ mít tinh ở Thuận Châu, chúng tôi gặp ông Lường Văn Thành, ở bản Pán, xã Chiềng Ly, Thuận Châu. Lúc ấy, trên kỳ đài, ông Thành là thiếu niên quàng khăn quàng đỏ đứng bên phải Bác. Bên cạnh là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà thơ Tố Hữu và Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch. Ông Thành xúc động kể: Lúc bấy giờ, tôi là học sinh lớp 4 của Trường Đào tạo con em cán bộ dân tộc, là 1 trong 4 học sinh được chọn đến dự lễ và tặng hoa đại biểu. Thật may mắn, lên Kỳ đài tặng hoa xong, tôi được Bác cầm tay bảo ở lại, ân cần hỏi tên và hỏi tôi học lớp mấy.
Ngược thời gian 55 năm trước, ngày 7-5-1959, tại sân vận động Thuận Châu (thủ phủ của Khu Tây Bắc), hơn 10 nghìn đồng bào đại diện cho 430 nghìn nhân dân các dân tộc Tây Bắc đi bộ hàng chục km đường rừng, vượt qua đèo dốc náo nức mang theo cờ, hoa chờ đón Bác Hồ và đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ lên thăm nhân dịp kỷ niệm 5 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi Bác Hồ và Đoàn đại biểu tiến vào lễ đài, cả sân vận động đồng thanh: “Pú Hồ, Pú Hồ xen pi; Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác giơ tay vẫy chào đồng bào. Bác khen ngợi trước kia bộ đội, cán bộ và đồng bào Tây Bắc đã có công lớn trong kháng chiến chống Pháp, chống phong kiến và truy quét phỉ, ngày nay, đồng bào lại có nhiều thành tích trong sự phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Thay mặt Chính phủ, Bác trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Người căn dặn: “Đồng bào, bộ đội, cán bộ Tây Bắc cần ra sức thi đua sản xuất và tiết kiệm, đưa Tây Bắc lên chủ nghĩa xã hội, làm cho đời sống ngày càng ấm no và vui tươi hơn nữa”.
Khi nói xong, Bác hỏi một câu bằng tiếng Thái: Pi noọng hụ báu (Đồng bào có hiểu không?). Một phút ngỡ ngàng, rồi cả rừng người sôi động: - Thưa Bác, hiểu ạ! Nhiều người nghẹn ngào xúc động, không cầm được nước mắt trước tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với đồng bào.
Trải qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, nhân dân các dân tộc Thuận Châu luôn phát huy truyền thống yêu nước, một lòng theo Đảng, Bác Hồ, đoàn kết xây dựng huyện ngày càng phát triển. Đồng chí Lường Thị Chum, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy trao đổi: Thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng bộ huyện Thuận Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa. Trong giai đoạn 2011-2013 tổng sản phẩm giá trị đạt 9.585 tỷ đồng, mức tăng bình quân đạt 9,92%/năm. Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; giải quyết hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, huyện đã tập trung ưu tiên đầu tư làm thay đổi diện mạo nông thôn ở các vùng căn cứ cách mạng, vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số; hàng nghìn hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm, góp phần quan trọng làm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Với những thành quả đạt được, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thuận Châu có quyền tự hào với bước phát triển vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi vinh dự đón Bác Hồ về thăm.
Xuôi quốc lộ 6 về Yên Châu, tôi đến thăm bản Khoóng, xã Chiềng An - nơi Bác Hồ nói chuyện với đồng bào 55 năm về trước (nay là tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu). Tại đây, mới xây dựng Di tích lịch sử Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc Yên Châu, bề thế, trang nghiêm. Được sự chỉ dẫn của cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy, chúng tôi gặp lại một nhân viên Ủy ban Hành chính châu năm xưa, vinh dự được giao ghi tốc ký lời nói của Bác tại buổi nói chuyện với cán bộ và đồng bào Yên Châu, đó là ông Vi Quang Thịnh, bản Nghè, xã Sặp Vạt. Năm nay, ông đã bước vào tuổi 77 nhưng vẫn rất minh mẫn. Ông kể: “... Sáng ngày 8-5-1959, tại sân bản Khoóng, cuộc mít tinh lớn đón Bác và phái đoàn diễn ra, hơn 2.000 cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc huyện lỵ mặc những bộ quần áo đẹp nhất đi đón Bác. Rừng người, rừng cờ sôi động hẳn lên khi Bác xuất hiện trên lễ đài. Những tràng vỗ tay vang lên không ngớt. Bác giơ tay vẫy chào mọi người, cả rừng người lặng đi trong tiếng nói ấm áp, ân tình của Người. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe của cán bộ và chiến sỹ nhân dân các dân tộc trong châu. Bác dặn đồng bào hăng hái vào tổ đổi công, vào hợp tác xã... Ông Thịnh kể tiếp, được ngồi ở hàng ghế đầu để ghi chép, tôi nhớ nhất hình ảnh Bác xòe bàn tay và nhấn mạnh: Nếu chúng ta không đoàn kết thì mỗi ngón tay sẽ bị kẻ địch bẽ gãy. Rồi Bác nắm chặt bàn tay, giơ lên và nói đoàn kết như bàn tay nắm chặt thì không kẻ địch nào phá được. Thể hiện tấm lòng kính yêu Bác, đồng bào Yên Châu kính tặng Bác chiếc khèn. Trước mọi người, Bác vui vẻ nâng chiếc khèn lên thổi.
55 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Yên Châu luôn tạc dạ, ghi tâm lời Bác dạy, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói nghèo, xóa mù chữ cho nhân dân; giữ vững an ninh chính trị từ vùng thấp, đến vùng cao biên giới. Điểm nhấn quan trọng là đã đưa huyện vươn lên thành huyện khá của tỉnh. Đặc biệt, Đảng bộ nhân dân các dân tộc trong huyện đã tích cực thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng những việc làm cụ thể. Một việc nhỏ, nhưng minh chứng rất rõ việc làm theo lời Bác là Yên Châu vừa ra mắt HTX Thổ cẩm Huổi Nga ở xã Chiềng Hặc. Quyết tâm giữ nghề, chị Hà Thị Phớ ở bản Huổi Nga vận động chị em góp vốn mở HTX. Nhóm hợp tác lúc đầu gồm 10 thành viên, do chị Phớ làm nhóm trưởng. Chị em góp vốn, dệt vải làm khăn piêu, chăn, gối... sản phẩm bán đi, trừ chi phí, trích một phần vào quỹ của nhóm, còn lại chia theo công làm và năng lực của mỗi thành viên. Bây giờ, nhóm có vốn pháp định trên 2 tỷ đồng, chị Phớ trở thành Giám đốc của 22 xã viên. sản phẩm thổ cẩm làm ra đến đâu bán hết đến đấy, thu nhập mọi người tăng lên gần 200 nghìn một ngày. Chị Phớ bảo: Thế là thoát nghèo, giữ được nghề, làm đúng lời Bác dạy rồi.
Yên Châu hôm nay đã khác xưa. Phố xá, giao thông, điện, đường, trường, trạm thêm rộng mở; từng nếp nhà sàn vững chãi, xum xuê cây trái. Nền kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá. Chất lượng, hiệu quả, tính bền vững trong kinh tế được nâng lên một bước. Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt hơn 10 triệu đồng. Từ chỗ thiếu lương thực, đến nay toàn huyện đã giải quyết đủ cái ăn tại chỗ và trao đổi trên thị trường.
Ở Mộc Châu, nơi Bác từng ngồi nói chuyện hiện đã xây dựng một công trình lưu niệm quy mô, đẹp đẽ, thu hút đông đảo du khách đến thăm. Di tích nằm trên sườn đồi thấp, trước đây là đồi cỏ thuộc Đội chăn nuôi 77 của Nông trường Mộc Châu, phía trước mặt có hồ nước rộng 2,5ha. Công trình gồm các hạng mục: sân hành lễ gồm 2 cấp, phía trong có mái che, đặt tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới chân tượng khắc 16 chữ vàng ghi lời dạy của Bác. Ngoài ra còn có sân đỗ xe, đường đi dạo. Gặp ông Ngô Văn Phán, Tiểu khu 19-8 thị trấn Nông trường Mộc Châu đang vào dâng hương Bác, ông bồi hồi: Tôi may mắn được gặp Bác ngay chính nơi này. Chỉ cây đa trước cửa, ông bảo: “trước đây có một gốc đa to lắm, Bác ngồi trên một tảng đá dưới gốc đa và trò chuyện với mọi người. Giọng nói ấm áp, Bác ân cần thăm hỏi sức khoẻ, đời sống cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc. Bác khen: “Các cô, các chú chăn nuôi bò là rất tốt, đã có con bò vắt được 7 lít sữa 1 ngày, nhưng khi xây dựng CNXH khá thì nhất định không phải là 7 lít mà phải 27 lít hoặc hơn nữa”. Bác ân cần khuyên nhủ: ”Mọi người phải ăn ở sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ và phải chú ý chăm sóc dạy dỗ các cháu. Những người chủ tương lai”. Trước khi chia tay, Bác lưu lại trong sổ truyền thống của nông trường 16 chữ vàng:
“Luôn luôn cố gắng
Khắc phục khó khăn
Tiến lên thật hăng
Làm tròn nhiệm vụ”.
Cảm động trước tình yêu thương và sự quan tâm sâu sắc của Bác, ai cũng ghi lòng tạc dạ những lời dạy bảo của Người. Với khối óc và bàn tay lao động của những cán bộ, chiến sỹ, công nhân nông trường và nhân dân các dân tộc, Mộc Châu giờ đã trở thành một khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao với các công ty, xí nghiệp hiện đại, qui mô lớn, sản xuất kinh doanh có lãi và tích lũy.
Đến thăm mỗi một địa danh, từ Thuận Châu, Yên Châu, đến Mộc Châu, đều là những nơi ghi dấu sự kiện lịch sử: Bác Hồ về thăm. Mỗi nơi Bác đến thăm và nói chuyện, nay đều trở thành di tích lịch sử, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ mãi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống của Bác, xây dựng Sơn La thành hòn ngọc miền Tây Bắc thân yêu./.
Hải Nam
Theo Báo Sơn La
Minh Thu (st)