1. Thông tư số 105/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày ngày 7 tháng 8 năm 2014 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 153/2013/TT-BTC,  ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/10/2014.

Thông tư có nội dung như sau:

- Theo Thông tư, thời hạn nộp phạt không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

- Cũng theo đó, định mức chi phí mua tin báo vi phạm hành chính được tính theo giá trị tang vật thu được nộp ngân sách và mức xử phạt hành vi. Trước đây thì chi phí mua tin này chỉ được tính theo mức xử phạt.

- Theo quy định mới này,số tiền cơ quan xử lý vi phạm có thể trả cho người báo tin sẽ lên đến 10% tổng số tiền xử phạt và giá trị tang vật phương tiện vị phạm bị tịch thu xung công quỹ. Tuy nhiên, mức chi trả tối đa cho mỗi tin báo vẫn không thay đổi và giới hạn ở mức 5 triệu đồng.

- Đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mức chi trả tối đa là 50 triệu.

- Trong trường hợp không ra quyết định xử phạt, không bán được tang vật thì vẫn thực hiện chi trả tiền mua tin theo mức trên.

2. Quyết định số 45/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15/08/2014 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Bộ Khoa học và Công nghệ. Có hiệu lực ngày 01/10/2014.

Theo Quyết định đối tượng áp dụng là công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp được tính trên mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) gồm 4 mức sau đây: 1- Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với người làm việc trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với nguồn bức xạ; 2- Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với người làm việc hành chính, phục vụ trực tiếp tại các cơ sở mà có nguy cơ nhiễm xạ; 3- Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với người làm việc gián tiếp, không thường xuyên tiếp xúc với nguồn bức xạ; 4- Mức phụ cấp 20% áp dụng với người làm việc hành chính, phục vụ không thuộc đối tượng quy định tại mức 2 nêu trên.

3. Thông tư số 111/2014/TT-BTC Bộ Tài chính ban hành ngày 18/8/2014 về sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng cao su thuộc nhóm 40.01, 40.02, 40.05 quy định tại Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013. có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/10/2014.

Thông tư quy định mức thuế suất của các mặt hàng sau sẽ là 0% (hiện hành là 1%):

- Cao su tự nhiên, nhựa cây balata, nhựa két, nhựa cây cúc cao su, nhựa cây họ sacolasea và các loại nhựa tự nhiên tương tự dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải được cô đặc bằng ly tâm hoặc loại khác;

- Cao su tổng hợp và chất thay thế cao su dẫn xuất từ dầu dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải; hỗn hợp của một sản phẩm bất kỳ của nhóm 40.01 với một sản phẩm bất kỳ của nhóm này, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải;

- Cao su hỗn hợp, chưa lưu hóa, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải.

4. Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT củaBộ Thông tin và Truyền thông Ngày ban hành 19/08/2014 quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội chính thức. Ngày có hiệu lực 03/10/2014.

Theo Thông tư quy định trang thông tin điện tử (TTĐT) tổng hợp phải có quy trình quản lý thông tin công cộng: Xác định phạm vi nguồn thông tin khai thác, cơ chế quản lý, kiểm tra thông tin trước và sau khi đăng tải; Có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải phải chính xác theo đúng thông tin nguồn; Có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP chậm nhất sau 03 (ba) giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bằng văn bản, điện thoại, email);

Đối với mạng xã hội: Có thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội phù hợp theo các quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và được đăng tải trên trang chủ của mạng xã hội; Bảo đảm người sử dụng phải đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội; Có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP chậm nhất sau 03 (ba) giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bằng văn bản, điện thoại, email); Có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người  sử dụng; Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng trong việc cho phép thu thập thông tin cá nhân của mình hoặc cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác.

Thông tư cũng quy định điều kiện về nhân sự và điều kiện về tài chính, kỹ thuật cấp giấy phép thiết lập trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội; Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thiết lập trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội; Thẩm quyền, quy trình, thủ tục, cấp giấy phép thiết lập trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội; Sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép thiếp lập trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội; Chế độ báo cáo; Các biểu mẫu trong quá trình thực hiện hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang TTĐT và mạng xã hội.

5. Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binhvà Xã hội ban hành 15/08/2014 Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình.

Thông tư quy định cụ thể nhiều nội dung trong quan hệ lao động giữa người thuê và người giúp việc gia đình.

Theo đó, người giúp việc gia đình làm thêm ngày thường ít nhất được hưởng 150% tiền lương; làm thêm vào ngày nghỉ hưởng ít nhất 200% tiền lương. Nếu làm thêm ngày lễ, Tết hưởng 300% tiền lương; làm thêm ngày lễ phải được hưởng 300% tiền lương.

Việc tính lương của người giúp việc gia đình được tính theo tháng, tuần, ngày và giờ.

Thông tư quy định, người sử dụng lao động sẽ thực hiện trách nhiệm bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người lao động thông qua chỉ trả bằng tiền. Theo đó, số tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc theo tháng thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội cho người lao động cùng với kỳ trả lương. Bảo hiểm y tế tương đương với mức đóng BHYT bắt buộc theo tháng thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật bảo hiểm y tế.

Kỳ hạn trả BHXH, BHYT cùng với kỳ lương, có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Về chấm dứt HĐLĐ, người lao động phải báo trước 15 ngày khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Nếu đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật, người lao động thì không được nhận trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng…

6. Thông tư số 22/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn quy trình xác định hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2014-2015. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2014.

Thông tư quy định hộ gia đình có mức sống trung bình là những hộ có thu nhập bình quân đầu người từ 521.000 đồng/người/tháng đến 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và từ 651.000 đồng/người/tháng đến 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

Hộ gia đình có mức sống nêu trên có nhu cầu tự nguyện đăng ký tham gia bảo hiểm y tế làm Giấy đề nghị nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến UBND cấp xã thẩm định. Nếu thu nhập của hộ gia đình nhỏ hơn hoặc bằng tiêu chí nêu trên, UBND cấp xã xác nhận hộ gia đình có mức sống trung bình, là đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật hiện hành.

7. Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/08/2014 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Ngày có hiệu lực 15/10/2014.

Theo Quyết định thì Ngân sách Nhà nước (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ; mỗi hộ gia đình đang đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ thì Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.

Hộ gia đình thuộc diện đối tượng theo quy định của Quyết định này có nhu cầu vay vốn thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 5 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay.

Các hộ gia đình được hỗ trợ phải đang cư trú tại vùng thường xuyên xảy ra bão, lụt thuộc khu vực nông thôn hoặc tại các thôn, làng, buôn, bản, ấp, phum, sóc (thôn) trực thuộc phường, thị trấn; xã trực thuộc thị xã, thành phố thuộc 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Chính sách này sẽ được thực hiện trong 3 năm, góp phần thay đổi cuộc sống của hàng nghìn hộ dân thuộc 14 tỉnh, thành phố với lộ trình như sau:

Năm 2014: Thực hiện hỗ trợ khoảng 20% số đối tượng;

Năm 2015: Thực hiện hỗ trợ khoảng 40% số đối tượng;

Năm 2016: Thực hiện hỗ trợ khoảng 40% số đối tượng.

8. Thông tư số 128/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 05/09/2014 về hướng dẫn về việc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân làm việc tại Khu kinh tế. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2014.

Thông tư mở rộng thêm đối tượng được giảm thuế là cá nhân ký hợp đồng với tổ chức tại Khu kinh tế và làm việc tại Khu xử lý chất thải đặt ngoài Khu kinh tế.

Cách xác định số thuế được giảm như sau:

- Đối với cá nhân cư trú, có 2 trường hợp là tạm nộp và phải nộp, tính theo thu nhập chịu thuế tại khu kinh tế; nếu có thu nhập khác ngoài khu kinh tế thì tính theo tỷ lệ thu nhập tại khu kinh tế/tổng thu nhập.

- Đối với cá nhân không cư trú, xác định số thuế được giảm theo tổng thu nhập chịu thuế.

Mức giảm là 50% cho tất cả các đối tượng tại Thông tư này.

Người nộp thuế kê khai và quyết toán thuế theo quy định hiện hành./.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: