Thứ năm, 19/12/2024

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Hà Nội tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Theo Người, "thủ" là "đầu", nên Thủ đô phải đi đầu, phải kiểu mẫu". Hà Nội phải làm gương mẫu "để dẫn đầu nhân dân cả nước trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta".                

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2014), chúng ta nhìn lại chặng đường thực hiện Lời Bác dạy qua cuộc trò chuyện của phóng viên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng với ông Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Phóng viên (PV): Thưa ông! 60 năm trong lịch sử 1000 năm là thời gian rất ngắn nhưng lại rất đặc biệt, chứng kiến một trong các giai đoạn hào hùng, vàng son nhất trong lịch sử dân tộc và Thăng Long - Hà Nội, cảm xúc của ông khi Thủ đô bước tới cột mốc 60 năm Ngày Giải phóng như thế nào?

thuc-hien-loi-bac-1
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Ảnh: Anh Tuấn

Ông Nguyễn Thế Thảo: Như các bạn đã biết, năm 1010, vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô về Thăng Long, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi có "thế rồng cuộn, hổ ngồi"- nơi đây thực sự là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước. Sau khi nhà Nguyễn lên nắm quyền trị vì, kinh đô được chuyển vào Huế, thành Thăng Long bắt đầu mang tên Hà Nội vào năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng.

Ngày 19-8-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Niềm hạnh phúc sống trong một nước độc lập tự do chưa lâu, thì cuối năm 1946, thực dân Pháp lại gây hấn hòng chiếm nước ta một lần nữa. Thủ đô Hà Nội đã trở thành điểm nóng nhất trong cuộc đối đầu với kẻ thù xâm lược. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Hà Nội anh dũng đứng lên chiến đấu bảo vệ Thủ đô, bảo vệ thành quả độc lập của Tổ quốc. Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, nhất là sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “Vang dội năm châu, chấn động địa cầu”,ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội lại trở về với Tổ quốc độc lập, tự do, kết thúc một chặng đường lịch sử đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất oanh liệt vẻ vang của nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước.

Ngày 10-10-1954 đã trở thành một mốc son chói lọi, một trang sử mới trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cũng như công cuộc xây dựng trong hòa bình, Hà Nội luôn là "trái tim hồng” của cả nước.

Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tôi nghĩ rằng mỗi người dân Hà Nội đều có chung một cảm xúc thật tự hào và xúc động. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, tinh hoa và sức mạnh của đất nước. Dù vẫn còn những điều chưa hài lòng, những khó khăn, tồn tại, song mỗi người dân Hà Nội và bạn bè trong nước, quốc tế có thể cảm nhận Thủ đô Hà Nội đang “thay da đổi thịt” từng ngày; vóc dáng của Thủ đô đang lớn lên, đang đẹp lên và hứa hẹn một tương lai tươi sáng.

PV: Trong lịch sử Việt Nam, cũng như thế giới khi chọn đất dựng đô, hầu như tất cả các bậc đế vương, những người đứng đầu đất nước đều có chung nguyện ước là mong cho vùng đất ấy muôn đời giữ được vị thế trung tâm chính trị của cả nước. Với Thăng Long - Hà Nội, dù trải qua biết bao biến cố, thăng trầm qua hơn một nghìn năm tuổi nhưng vẫn ngời sáng truyền thống anh hùng và văn hiến. Đến thời điểm hiện tại, vị thế của Thủ đô Hà Nội được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Hà Nội là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tập trung đầu tư về mọi mặt trong quá trình phát triển. Bộ Chính trị đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về Hà Nội (Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) “Về nhiệm vụ, phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 – 2010” và Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 – 2020). Quốc hội ban hành Pháp lệnh Thủ đô (năm 2000) và nay là Luật Thủ đô (có hiệu lực từ 1-7-2013), tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế-xã hội, quản lý đô thị…

Hà Nội hiện là một trong 17 Thủ đô có quy mô lớn và cũng là một trong những Thủ đô lâu đời nhất trên thế giới với dân số hơn 7 triệu người. Cùng với sự lớn mạnh của đất nước trong quá trình phát triển và hội nhập, vị thế, tầm vóc, diện mạo của Thủ đô Hà Nội đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Những năm gần đây, trong bối cảnh tình hình có nhiều biến động, khó khăn và thuận lợi đan xen, Thành phố tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng khá cao, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm qua đạt 9,51%, cao hơn 1,5 lần so với mức bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách bình quân tăng 19,2%/năm và chiếm hơn 20% tổng thu ngân sách cả nước; Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch ngày càng rõ nét theo hướng hiện đại. Quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị có bước tiến bộ đáng kể; kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn được đẩy mạnh. Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, bảo tồn và phát huy các di sản và giá trị văn hóa truyền thống, phát triển giáo dục-đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, khoa học-công nghệ, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Chính trị xã hội ổn định, an ninh, trật tự được bảo đảm; quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển quốc tế được mở rộng; vị thế, uy tín của Thủ đô tiếp tục được nâng cao. Có thể thấy rõ, Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ, dần trở thành một thành phố văn minh, hiện đại và thanh bình.

PV: Những thay đổi và tác động trong nhịp sống hiện đại hôm nay có ảnh hưởng như thế nào đến phẩm chất và nét hào hoa, thanh lịch của người Tràng An?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Hào hoa, thanh lịch là một trong các đặc trưng nổi bật của người Thăng Long - Hà Nội. “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Điều này thể hiện ở sự thanh nhã, là sự thanh cao trong tư duy, tình cảm, tâm hồn, là sự lịch lãm trong cách ứng xử, tinh tế  trong cuộc sống thường nhật, cũng như những hoạt động văn hóa đỉnh cao… Phẩm chất ấy được kết tinh từ những đặc tính tiêu biểu của người Việt Nam và được ăn sâu, thấm vào trong tác phong của người Hà Nội, trở thành đặc trưng của người Tràng An – Hà Nội.

Phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã và đang có tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới lối sống truyền thống, nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Đã xuất hiện một bộ phận thanh niên có lối sống “vọng ngoại”, ăn chơi phóng túng, thực dụng; một bộ phận dân cư có những biểu hiện không lành mạnh như thói kiêu bạc, xa xỉ, cơ hội, xu nịnh, thói chơi trội, chuộng lạ quá mức, chạy theo lợi nhuận kinh tế, bất chấp tình nghĩa…

Dù lo lắng, băn khoăn khi thấy những chuẩn mực văn hóa, nhất là nét hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội đang bị ảnh hưởng bởi có xu hướng xuống cấp nhưng tôi cho rằng, bản chất, truyền thống anh hùng và văn hiến vốn được lưu giữ, bảo tồn từ lâu đời, đã làm nên diện mạo, cốt cách người Hà Nội không thể mất đi, không thể bị hủy hoại. Tuy nhiên, để khắc phục được những yếu tố và biểu hiện tiêu cực, gìn giữ được thương hiệu, uy tín của người Hà Nội cần sự vào cuộc quyết liệt, giải pháp đồng bộ và tiến hành thường xuyên liên tục cả với những nhà quản lý và mỗi người dân Hà Nội.

PV: Với cá nhân ông, trên cương vị trọng trách được giao, điều gì làm ông tâm đắc nhất, cũng như vấn đề gì còn làm ông trăn trở nhất mỗi khi nghĩ về Hà Nội - Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình của chúng ta?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Trải qua hơn nghìn năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế lớn, là nơi hội tụ, kết tinh, giao lưu, lan tỏa tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Sự trường tồn của Thủ đô gắn liền với sự trường tồn của đất nước. Sau 60 năm chiến đấu và xây dựng, Thủ đô Hà Nội luôn phát huy vị thế là một trung tâm về chính trị, một trong hai đầu tàu về kinh tế của cả nước, là nơi lưu giữ văn hóa, là Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

Nói là tâm đắc thì cũng không hoàn toàn đúng, nhưng có thể nói là mình thấy hài lòng với những thành tựu quan trọng mà Thủ đô đã đạt được trong hơn 5 năm qua, thể hiện là Hà Nội từng bước vươn lên trở thành một đô thị hiện đại, có quy mô tầm vóc xứng đáng là một thành phố lớn trong khu vực, Thủ đô của một đất nước gần trăm triệu dân.

Tuy nhiên, thực tế cũng đang đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi các ngành, các cấp phải tập trung giải quyết, đặc biệt là bài toán bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn - đây có lẽ cũng là điều khiến tôi trăn trở nhất!

thuc-hien-loi-bac-2
Lãnh đạo thành phố Hà Nội thăm cán bộ, thủy thủ và tàu ngầm mang tên Thủ đô Hà Nội.
Ảnh: TRỌNG THIẾT

Như các bạn đã biết, không chỉ là một trung tâm về chính trị, kinh tế, rộng lớn về không gian, Hà Nội còn là nơi có bề dày lịch sử, văn hóa hàng ngàn năm. Đây là những yếu tố góp phần lôi cuốn nhiều du khách đến với Hà Nội ngàn năm văn hiến nhưng cũng chính là thách thức rất lớn để Hà Nội xây dựng hình ảnh một đô thị lịch sử, văn hóa truyền thống, cảnh quan, kiến trúc đặc trưng, phát triển và bảo tồn được đặc thù riêng của Hà Nội trong quá trình phát triển. Thống kê sơ bộ, Hà Nội đã có hơn 5000 di tích (chiếm tới 40% số di tích của cả nước) với gần 1000 di tích trong số đó được cấp bằng di tích cấp quốc gia. Ngoài di tích, các làng nghề truyền thống trên mảnh đất Thủ đô văn hiến, Hà Nội sau khi mở rộng đã có gần 1.300 làng nghề… Thực tế cho thấy, công tác bảo tồn trước sức ép của đô thị hóa đang gặp không ít khó khăn và thách thức. Những thách thức trong công tác bảo tồn di sản có thể kể ra như: Nhiều công trình cổ bị phá bỏ, trùng tu, tu bổ sai phạm, thiếu dữ liệu lịch sử, khai thác chưa hiệu quả… Bên cạnh đó, bê tông hóa, nhà ống, ngập úng, ô nhiễm đang bủa vây các kiến trúc, các di sản của đô thị. Sự phát triển của kinh tế thị trường đã và đang là sức ép cho việc bảo tồn di sản ở Hà Nội, nhất là ở khu phố cổ và khu phố cũ. Như vậy, bảo tồn di sản không chỉ vì lợi ích kinh tế trước mắt, mà còn phục vụ cho khai thác lâu dài về sau, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của cả cộng đồng từ đó tạo cơ hội cho phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng sống của mỗi người dân thành phố.Và để Hà Nội ngày một đẹp hơn mà vẫn giữ được những bản sắc, đặc trưng vốn có,vừa giữ được sức sống kinh tế của một đô thị hiện đại thì cần sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, các ngành cũng như sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.

Với tầm vóc, thế và lực mới, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Thủ đô quyết tâm phấn đấu, xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng đáng với danh hiệu Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN HOÀNG (thực hiện)

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: