Thứ năm, 19/12/2024

Chúng tôi được vào thăm nhà riêng của Đại tướng trong một ngày giữa tháng Chín, nắng rót mật vàng trên phố phường Hà Nội xao xác lá thu bay. Nằm trên đường Hoàng Diệu, khuất trong một khu vườn xanh mát bóng cây, ngôi biệt thự Pháp được xây dựng theo lối kiến trúc Đông Dương này là một địa chỉ quá nổi tiếng, nơi sinh sống của Đại tướng và gia đình suốt hơn nửa thế kỷ nay. Kể từ ngày Đại tướng đi xa (4-10-2013), ngôi nhà số 30 trên đường Hoàng Diệu càng trở thành nơi cần phải đến ít nhất một lần trong đời, trong tâm nguyện của tất cả những người dân đất Việt; để thắp một nén tâm nhang hướng về vị Tướng của nhân dân, như một lẽ tự nhiên thôi thúc của tình người và nghĩa cử. Và hình như, cũng là để có được một đôi phút lặng trầm suy ngẫm, nương theo những giá trị bất tử của một nhân cách lớn mà gạn lắng và làm dày dặn thêm nhân tính cho mình…

noi-ky-uc-dung-chan-1
Tác giả (bên trái) dâng hương trước bàn thờ Đại tướng tại nhà 30 Hoàng Diệu.

Được sự cho phép của người nhà Đại tướng, chúng tôi khẽ khàng bước vào không gian tâm linh tưởng nhớ Người, trước kia vốn là phòng khách của gia đình. Giờ đây, cùng với di ảnh treo bên trên hương án trang nghiêm mà giản dị, trên vách tường bên còn dựng một bức hình khổ lớn của Đại tướng với nụ cười nồng hậu. Trong không khí tĩnh mịch và nghiêm cẩn, quả chuông đồng, bình hoa sen đặt dưới nền phòng như một nét ký họa, phác thêm vào những vô vàn xúc cảm, mà tôi biết từ đây đã trở thành một ký ức, quý giá đến không thể phai mờ.

Nhiều lắm, đã có biết bao con người, cũng như tôi hôm nay, lòng bồi hồi xúc động khi đứng tại nơi này. Và những giọt nước mắt, những nghẹn ngào, những cảm xúc… không thể gọi thành tên của tất thảy chúng tôi trong khoảnh khắc được thắp hương cho Đại tướng, có lẽ cũng rưng rưng như sợi khói trầm mảnh nhẹ, bảng lảng, vấn vít quanh di ảnh Người một mùi hương thanh khiết, nguyên sơ trong thành kính tột cùng.

Rời gian phòng thờ, chúng tôi trở ra bên ngoài, nán lại với đôi câu thăm hỏi người thân của Đại tướng trước khi đi thăm toàn cảnh khu nhà rợp trong bóng mát của những tán cây. Một điều dễ nhận thấy trong vườn nhà Đại tướng, từ những thân cổ thụ cao lớn đến những bồn hoa, lùm cỏ đều còn vẹn nguyên dáng nét tự nhiên, gợi nhớ đến nếp nhà và mảnh vườn mộc mạc bên bờ sông Kiến Giang, tại làng An Xá-xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình-nơi chôn rau cắt rốn của Người. Và dù đã được đọc, được nghe kể rất nhiều về đức khiêm cung, giản dị của Đại tướng, tôi vẫn không khỏi bất ngờ và chạnh lòng khi tận mắt nhìn thấy sự đơn sơ trong nội thất của ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, cùng với những dấu vết của thời gian hiện diện tại đây trong suốt 60 năm qua. Nền nhà vẫn là loại gạch men cách đây hơn nửa thế kỷ, mạch vữa xỉn màu, có một vài viên đã bị vênh. Cũng như vậy, khoảnh sân trước cửa chính quay ra hướng nam của ngôi nhà, là những viên gạch lá dừa đã bị gồ lên nhiều chỗ, rất dễ vấp chân nếu không để ý. Bất giác, trong tôi lại trào lên một cảm xúc khó tả, cay cay mắt khi hình dung đến hình ảnh một cụ già ngoại cửu tuần, hằng ngày đi lại nơi mảnh sân này, rồi bước lên những bậc thang khá cao, không có tay vịn ở mé trước để lên phòng làm việc.

noi-ky-uc-dung-chan-2
Nơi đây trở thành địa chỉ ngày ngày đón đồng bào, đồng chí, bè bạn và du khách gần xa…
Ảnh: Hà Đông

Dù đã hơn 5 năm vắng bóng Đại tướng trong ngôi nhà này, nhưng từ bộ bàn ghế cũ, những cuốn sách, nụ cười ngưng đọng trong những bức hình và nơi từng nhánh cây, ngọn cỏ… vẫn như phảng phất một nỗi đợi chờ cố nhân ngày trở lại. Trước cửa nhà và trong khu vườn nhỏ nằm kề bên bể cá, những giò phong lan vẫn rười rượi mắt nhìn, đàn cá chép vẫn tung tăng bơi lội và lá mùa thu rơi trên những lối đi, bậc thềm… Tất cả dường như vẫn mong ngóng một cuộc tương phùng, dẫu đã chỉ là trong tưởng tượng.

Trong những đồ đạc đơn sơ ở đây, quý giá nhất có lẽ là những món quà mà đồng bào yêu quý Đại tướng thành tâm kính tặng, như chiếc ghế dài chạm khắc tứ linh, những bức tượng khắc tạc chân dung ông, hay những bức tranh chữ, trướng thêu chúc thọ... còn đang được lưu giữ tại hai căn phòng liền kề nhau, nơi hiện giờ những người giúp việc tận tụy của Đại tướng vẫn ngày đêm trông coi, làm việc. Đối với một Con Người tài đức, uy dũng và suốt đời cao khiết, thanh bạch như Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì đó chẳng khác nào những tấm huân chương, huy chương cao quý nhất, cùng với những giọt nước mắt kính tiếc khôn nguôi của nhân dân thành thực và công tâm, trong những ngày Tổ quốc và dân tộc đưa tiễn Người trở về đất Mẹ…

Điều ấy lại một lần nữa như len vào tâm khảm, khi tôi đứng trước cổng nhà, nhìn ra vườn hoa Kính Thiên trước mặt, ngoài kia là con đường Hoàng Diệu rợp bóng xà cừ. Sức sống tiềm tàng của những vạt cỏ rậm rạp và xanh mướt trong rười rượi ánh chiều nơi đây, phải chăng cũng bền bỉ và mãnh liệt như câu nói nôm na, giản dị của Ức Trai tiền nhân "Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi"; bình dị như câu chuyện của người lao công quét lá tôi gặp trước cổng, kể rằng: Hôm trước là sinh nhật thứ 104 của Cụ, nhân dân đến đây sớm lắm, đông kín lề đường. Tận đêm vẫn có nhiều người đến, nến thắp sáng rực cả lối vào, cả ngoài vườn này... Và bình dị như hình ảnh người mẹ già ở Gia Lộc - Hải Dương lên chơi với con trai là một chiến sĩ cảnh vệ, đang tha thẩn dắt cháu bé con anh đi dạo trong khuôn viên ngôi nhà của Đại tướng…

Bên cạnh những lừng lẫy chiến công và cao vời phẩm tiết của một đức độ xứng đáng là bậc “võ công truyền quốc sử, văn đức quán nhân tâm” (chữ của Giáo sư Vũ Khiêu) còn có những gần gũi và thân thương như thế, gắn với cuộc đời cả sau khi đã mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sự dung dị đọng lại trong ký ức của người dân mỗi lúc nghĩ về ông, thiết tưởng đâu dễ gì có được giữa cuộc đời này…

HOÀNG LAM BÌNH

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: