Ai sống ở trên đời này chắc cũng đều có những mặt tốt và cả những cái xấu. Làm được nhiều việc tốt, chống những cái xấu xa, và sửa dần cái xấu của chính bản thân mình chính là cách thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Đạo đức Hồ Chí Minh là một nội dung cơ bản của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, bắt nguồn từ sự kết hợp hài hoà truyền thống đạo đức, nhân văn của dân tộc Việt Nam với tinh hoa của chủ nghĩa nhân văn trong văn hóa nhân loại. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức mới, hình thành và nhằm phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; đáp ứng sự ứng xử văn minh của con người trong thời đại mới. Bản thân Người chính là tấm gương mẫu mực về đạo đức mới trong sáng.
Đạo đức là cái gốc của người cách mạng. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” .
Đạo đức luôn gắn liền với năng lực. Chính nhờ có đạo đức mới mà mỗi người tự phấn đấu, hoàn thiện mình, tạo thành năng lực để hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó. Do vậy, đạo đức mới, theo Hồ Chí Minh, chính là nền tảng vững chắc để mỗi con người hoàn thành được nhiệm vụ của mình.
Tư tưởng đạo đức đó nhất quán và xuyên suốt trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Và chính bản thân Người là một tấm gương về đạo đức mới.
Tư tưởng đạo đức mới ấy rất phong phú, bài này chỉ có thể nói đến một số nội dung chủ yếu sau đây:
Một là: Trung với nước, hiếu với dân.
Trung, hiếu là những khái niệm đạo đức truyền thống của phương Đông. Nó đã ăn sâu, bám rễ trong con người Việt Nam và biến đổi phụ thuộc vào điều kiện xã hội, với nội dung cốt lõi gắn với trách nhiệm, bổn phận của người dân trong xã hội. Hồ Chí Minh đã sử dụng các phạm trù này với nội hàm mới, phản ánh đạo đức mới cao rộng hơn, mang tính người. Đây không phải là trung với vua và chỉ hiếu đễ với cha mẹ mình, mà là trung với nước, hiếu với dân.
Trung với nước, theo Hồ Chí Minh, thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân với Tổ quốc, với dân tộc. Chính sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta trong mấy nghìn năm lịch sử đã hun đúc nên lòng yêu nước thương nòi, xả thân vì nước, gắn con người với cộng đồng dân tộc, với sự hưng vong của Tổ quốc. Trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc thì trung với nước thể hiện sự xả thân vì vận mệnh của dân tộc, chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do và sự thống nhất của Tổ quốc. Trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới đất nước hiện nay, Trung với nước chính là trung thành với sự nghiệp đổi mới đất nước vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trung với nước chính là sự thể hiện nghĩa vụ, bổn phận của mỗi người trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Trong thập kỷ cuối của thế kỷ XX, với những biến động của thế giới, chúng ta đã trụ được trong bão táp, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới để đi lên, là đã thể hiện được chữ TRUNG mà Bác Hồ đã dạy. Ngày nay, trong điều kiện toàn cầu hoá kinh tế hiện đại, trong điều kiện thế giới đầy biến động và phức tạp, chúng ta đang chủ động hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu của chúng ta, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, cũng chính là đang thực hiện chữ TRUNG theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Về chữ hiếu, theo Hồ Chí Minh, là hiếu với dân. Hiếu không chỉ là hiếu với cha mẹ mình - một thành phần của dân, mà là hiếu với dân, với toàn dân tộc. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nước lấy dân làm gốc”. Dân chính là toàn dân tộc, không phân biệt nòi giống, trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, miễn là yêu nước thương nòi, không đi ngược lại quyền lợi của dân tộc Việt Nam.
Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc, những người cách mạng Việt Nam đã tập hợp được toàn dân tộc đánh giặc giữ nước, thoát khỏi cái nhục mất nước, thống nhất giang sơn về một mối. Đó chính là đã thực hiện được nội dung Hiếu với dân. Ngày nay, chúng ta đang phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, thoát khỏi cái nhục nghèo đói và lạc hậu. Đây chính là thực hiện nội dung chủ chốt nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh về chữ Hiếu với dân.
Hai là: Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Đây là nội dung đạo đức mới để mỗi người cán bộ, những người lãnh đạo nhân dân phải lấy bản thân mình làm đối tượng điều chỉnh.
Người nói: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ” .
Người còn nói: Cần kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, là cái cần để làm việc, làm người, làm cán bộ, phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc, nhân loại. Trong điều kiện mới hiện nay, càng phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chống chủ nghĩa cá nhân, vì như Hồ Chí Minh nói: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí” . Người còn nói: “Cán bộ các cơ quan, đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét” , làm hại đến lợi ích của nhân dân.
Tất nhiên, chúng ta cần phải hiểu sự khác biệt giữa chủ nghĩa cá nhân và lợi ích cá nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người từng nói: Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự khác nhau về lợi ích đa dạng và phức tạp, vấn đề đặt ra là phải giải quyết sao cho hài hoà các lợi ích, hài hoà lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích toàn xã hội, vì sự phát triển chung của đất nước. Phải đặc biệt quan tâm đến lợi ích thiết thân của người lao động, tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội. Song phải đảm bảo sự công bằng và bình đẳng xã hội; phát huy dân chủ xã hội và chủ nghĩa yêu nước trong nhân dân, tạo động lực to lớn cho sự phát triển đất nước.
Ba là: Lòng nhân ái, yêu thương con người.
Triết lý sống của Hồ Chí Minh là lòng nhân ái, yêu thương con người. Người cho rằng: “Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề… là vấn đề ở đời và làm người, là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”. Triết lý sống ấy bắt nguồn từ truyền thống nhân ái của dân tộc ta, từ lòng thương yêu đùm bọc, chung lưng đấu cật, đồng cam cộng khổ trong cuộc đấu tranh gian khổ với thiên tai và chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Triết lý ấy cũng bắt nguồn từ tình thương yêu đồng loại với cùng cảnh ngộ bị áp bức bóc lột bởi chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Lòng nhân ái, thương con người ấy ở Người không phải là sự thương hại “bề trên” nhìn xuống; không phải là sự “động lòng trắc ẩn” của người đứng ngoài cuộc. Lòng nhân ái, thương yêu con người ở Hồ Chí Minh biểu hiện sự đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ, trước hết từ tình cảm của người dân mất nước, bị nô dịch; của người lao động bị áp bức bóc lột, tìm con đường giải thoát khỏi những đoạ đày đau khổ.
Tình thương yêu con người đó của Người gắn với lòng tin tưởng ở sức mạnh, tính chủ động, sáng tạo của con người, của nhân dân; tôn trọng nhân dân, kính trọng nhân dân. “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” .
Tin tưởng ở sức mạnh của con người, theo Người, là phải chăm lo, bồi dưỡng, sử dụng, phát động được sức mạnh của con người, của nhân dân, để “đem tài, sức, của cải của dân làm lợi cho dân”.
Thương yêu con người, theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, phải gắn với việc xây dựng con người, giải phóng con người về mặt phẩm chất, nhân cách cũng như về tài năng trí tuệ, phát huy mặt tốt, mặt mạnh của con người; sửa đổi những tính xấu, những mặt tiêu cực của con người. Người nói: “Người ta ai cũng có tính tốt và tính xấu. Mỗi con người đều có thiện và ác trong lòng”. Tuy nhiên, “thiện” và “ác” không phải tự nhiên mà có mà “phần lớn do giáo dục mà ra”. Vì vậy, thái độ của chúng ta là “phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”. Chăm lo đến những tấm gương “người tốt việc tốt” là hết sức quan trọng trong việc xây dựng con người mới.
Người còn nói: “Do nhiều người nhóm lại mà thành làng. Do nhiều làng nhóm lại mà thành nước… Nếu mỗi người đều tốt thì thành làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường” . Người cũng đặc biệt quan tâm và tôn trọng “tính cách riêng”, “sở trường riêng”, “đời sống riêng”, quyền lợi riêng của mỗi người nhằm phát huy đến mức cao nhất vai trò, khả năng của từng người, vì lợi ích riêng chính đáng của mỗi người và lợi ích của cả cộng đồng. Đối với những người lầm đường lạc lỗi, có sai lầm và ngay cả đối với binh sỹ đối phương, lòng thương yêu của Người mở rộng thành “lòng khoan dung”. “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người, cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ” .
Đạo đức mới Hồ Chí Minh thật trong sáng. Song, như Người đã chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” .
Rèn luyện đạo đức mới đòi hỏi phải tự giác, phải tự nguyện, dựa vào lương tâm của mỗi người và dư luận của xã hội. Nói đi đôi với làm và việc nêu gương trong hoàn thiện đạo đức xã hội có tầm quan trọng đặc biệt. Một tấm gương còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn thuyết văn hoa. Nêu gương người tốt việc tốt và đề cao việc tự rèn luyện mình là đặc biệt quan trọng.
Xây dựng đạo đức mới phải gắn liền với chống lại những cái xấu, loại bỏ cái xấu, cái sai, cái vô đạo đức. Các phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, thực hành tiết kiệm; chống tham nhũng… chính là thể hiện những nguyên tắc xây dựng và rèn luyện đạo đức mới của Bác Hồ.
Như vậy, trừ những kẻ chống lại dân tộc, phản lại Tổ quốc và những kẻ sa đọa, bất chính, đối với chúng ta, việc thấm nhuần tư tưởng đạo đức mới Hồ Chí Minh không phải là việc xa vời, “kính nhi viễn chi”. Làm tròn bổn phận, nghĩa vụ của người dân Việt với Tổ quốc; thực hiện những lẽ phải thông thường ở đời; sống thân ái bao dung vốn vẫn là những nét đẹp trong mỗi người chúng ta, trong đời sống xã hội và truyền thống Việt Nam./.
PGS. TS. Lê Doãn Tá
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản
Huyền Trang (st)