Cuộc đời hoạt động của Nguyễn Ái Quốc -  Hồ Chí Minh ở Thái Lan chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, từ năm 1928 đến năm 1930. Nhưng tình cảm, ảnh hưởng của “Thầu Chín” - Nguyễn Ái Quốc trong cộng đồng bà con Việt kiều sâu đậm. Hình ảnh và uy tín Hồ Chí Minh trong nhân dân Thái Lan sâu sắc. Trên đất Thái, nói đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là nói đến sự kính trọng như nói với một người Thầy, một lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân. Ở Thái Lan, với báo chí truyền thông, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là nhà văn hóa lớn, nhà lãnh đạo lỗi lạc, gần gũi, giản dị. Nói đến Hồ Chí Minh là nói đến Việt Nam, nói đến Việt Nam là nói đến Hồ Chí Minh.

bac-ho-trong-long-thai-1
Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Udon Thani

Khi chúng tôi có nguyện vọng muốn đến các địa phương ở Thái Lan, theo dấu chân Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, các đồng nghiệp Hội Báo chí địa phương Thái Lan đã  nhiệt tình giúp đỡ. Chủ tịch Hội báo chí địa phương Thái Lan, ông Anan Ninmanont lập tức lên kế hoạch cho cuộc hành trình, dành thời gian sưu tầm tài liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Lan bằng tiếng Thái, tiếng Anh để chuyển cho chúng tôi. Ông Anan Ninmanont nói: “Bác Hồ của Việt Nam cũng là Bác Hồ của chúng tôi. Người là nhà báo lớn, là lãnh tụ kính yêu”. Ông đề nghị cuộc hành trình “tìm đến cội nguồn” nên diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam, và chúng tôi đã chấp nhận lời đề nghị rất có ý nghĩa này.

 Ngày 18.08.2014, chúng tôi rời TP. Hồ Chí Minh để bắt đầu cuộc hành trình. Một ngày sau, đúng ngày kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám ở quê nhà, chúng tôi đã vượt hơn 500 km đường bộ từ huyện Si Thep, tỉnh Phetchabun đến Udon Thani. Đại diện bà con kiều bào ở Udon Thani, Chủ tịch hội Vũ Duy Chính, Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Huyền, Tổng Thư ký Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hội Doanh nhân Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch Lê Thanh Uyên và Chủ tịch, cố vấn Hội Báo chí địa phương tỉnh này đã có mặt đông đủ  đón đoàn nhà báo Việt Nam. Theo kế hoạch và lịch hẹn của đồng nghiệp Thái Lan, đại diện bà con kiều bào - các bà, các chị trong bộ áo dài truyền thống Việt Nam - chờ đón chúng tôi từ 15 giờ tại khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng vì “sự cố kỹ thuật” không  lường trước được, rất tiếc chúng tôi đã không đến kịp theo giờ hẹn. Ông Vũ Duy Chính, Chủ tịch Hội người Việt tại Udon Thani bồi hồi nhớ lại:

 -  Hôm nay cũng là dịp Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam. Thời điểm bùng nổ cách mạng ở quê nhà, nhiều bà con Việt kiều chúng tôi hoặc đã định cư tại đây, hoặc lúc đó đang ở Lào, đã xuống đường reo vui mừng cho Tổ quốc thoát khỏi ách đô hộ của đế quốc Pháp, Nhật. Vui lắm.

 Ngừng lại giây phút, như nhớ lại quá khứ xa xăm, tình cảm nhớ nước, nhớ nhà, ông Vũ Duy Chính tiếp lời:

 -  Mỗi lần có đoàn công tác từ bên nhà qua Thái Lan, đến Udon Thani, bà con Việt kiều rất vui, niềm vui thật sự từ trái tim, từ tấm lòng của những người con xa xứ. Bà con Việt kiều ở Thái có khoảng 150.000 người, riêng tại Udon Thani là 20.000 người, ở Nakhonpanom khoảng 12.000 người. Bà con định cư lâu nhất đã hơn 90 năm, số đông bà con đến định cư đã được 70 năm. Đội văn nghệ “cây nhà lá vườn” với những bài ca về Bác Hồ, về quê hương, đất nước, nhiều khi thức thâu đêm ca hát mà vẫn vui như tết.

Giây phút đầu tiên gặp mặt, chị Trần Thị Bạch Vân, thành viên câu lạc bộ văn hóa văn nghệ kiều bào đã hát bài Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý; Câu hò bên bờ Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp; Bác Hồ, một tình yêu bao la của nhạc sĩ Thuận Yến. Trên đất Thái, giọng hát của chị Bạch Vân du dương trầm bổng tình cảm thiết tha “Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa, Bác yêu đàn cháu nhỏ trung thu gửi cho quà. Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng, Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương ...”. Tiếng hát của chị có sức truyền cảm và quyến rũ đặc biệt, mọi người bồi hồi xúc động, cảm xúc dâng trào. Nhà báo Hữu Minh, người đã nhiều lần tới Udon Thani cảm động: “Tôi đến đây như về nhà mình vậy. Tình cảm bà con kiều bào lan sang cả người Thái nơi đây đậm đà, sâu lắng, kính yêu Bác Hồ đến lạ.”

bac-ho-trong-long-thai-2
Đoàn Nhà báo Việt Nam cùng các đồng nghiệp Thái Lan trước bàn thờ của Bác tại Udon Than

Sáng sớm ngày 20.8.2014, chúng tôi đến khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Nỏng Hang (Nỏng Ôn), xã Xiêng Phin. Chủ tịch Hội kiều báo Vũ Duy Chính; thành viên hội Trần Thị Bạch vân; Chủ tịch Hội doanh nhân Thái - Việt Nguyễn Quang Trung; Trưởng ban quản lý Khu Di tích Vũ Ngọc Thành... đã có mặt. Thay bằng mở cửa Khu Di tích vào 8 giờ sáng hằng ngày, hôm nay 7 giờ sáng bà con đã đến đây tưởng niệm Bác Hồ cùng chúng tôi. Giờ phút trang trọng đầu tiên, mọi người thắp hương, dâng hoa lên tượng Bác. Đúng lúc ấy, giọng hát của chị Trần Thị Bạch Vân, người con gái mang quốc tịch Thái gốc Việt, quê ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình lại du dương trầm bổng ca khúc Trồng cây lại nhớ ơn Người đậm chất dân ca hò ví dặm xứ Nghệ của nhạc sĩ Đỗ Nhuận:  “A ơi ... (chứ) trồng cây (à) ... tôi lại nhớ Người (chứ) rừng bao nhiêu (à)… cây mọc thì tôi ơn Người (à) bấy nhiêu. Nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa, Bác tuy già nhưng mạnh khỏe vì thương dân. Bác dặn dò cặn kẽ nên màu xanh ta như mẹ thương con, cả một đời vì nước vì non...”

Làm sao có thể diễn tả hết được hình ảnh Bác Hồ kính yêu sống động trong lòng bà con kiều bào ở Udon Thani. Chủ tịch hội, ông Vũ Duy Chính xúc động kể lại, khi mọi người kính cẩn đứng trước tượng Bác:

- Ngài tỉnh trưởng Xaydaphon Rắtanakha, một người có tình cảm tốt đẹp với Việt Nam, với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi sự việc phục hồi, xây dựng lại Khu Di tích. Ngày 29.10.2002, tỉnh trưởng chính thức ký phê duyệt bản tóm tắt dự án phát triển Trung tâm giáo dục và du lịch lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Nỏng Hang (Nỏng Ôn), xã Xiêng Phin. Theo đó Ban huy động vốn, Ban sưu tầm tư liệu, hiện vật; Ban Thiết kế xây dựng, Ban Quản lý dự án Khu Di tích ra đời. Ban quyên góp vốn vận động được 600.000 bat. Số tiền này, với sự giúp đỡ của ông huyện trưởng huyện Mương, Ban Quản lý dự án cho mua ngay 1 ha đất đề xây dựng Khu Di tích.

 Chủ tịch Hội doanh nhân Thái - Việt Nguyễn Quang Trung tiếp lời ông Vũ Duy Chính:

-  Sau một thời gian vận động quyên góp tài chính trong bà con Việt kiều, và các doanh nhân người Việt, người Thái, ngày 21.09.2003, chính quyền huyện Mương chính thức làm lễ động thổ xây dựng Khu Di tích trên khu đất 10.000m2 này. Đầu tiên là xây dựng mô hình nhà Bác Hồ trước đây theo lời kể của nhiều già làng, những nhân chứng đã từng chứng kiến những ngày Nguyễn Ái Quốc - Thầu Chín hoạt động ở đây hơn 80 năm trước, gồm nhà nghỉ, nhà bếp, chuồng lợn, chuồng gà, kho thóc và khu vực khuôn viên như vườn rau, vườn hoa, vườn cây, tường rào. Tiền quyên góp đến đâu, chúng tôi cho triển khai thực hiện dự án đến đó. Được sự hỗ trợ của ngài tỉnh trưởng Udon Thani, huyện trưởng huyện Mương, chính quyền và bà con người Thái ở xã Xiêng Phin, cơ quan Tổng lãnh sự Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, Ban quản lý dự án thực hiện việc xây dựng, tôn tạo công trình công khai, minh bạch, chặt chẽ, đâu ra đấy. Khu Di tích chia làm 3 phần: Khu Nhà ở của Bác (mô phỏng nhà ở và làm việc trước đây của Bác); Khu Nhà đa năng, phòng trưng bày hiện vật, phòng thờ, phòng chiếu phim; khu công viên. Khu Di tích lịch sử đẹp đẽ khang trang, tư liệu hiện vật khá phong phú.

Trưởng ban quản lý Khu Di tích Vũ Ngọc Thành xúc động kể lại:

- Bà con kiều bào, bà con người Thái ở Udon Thani và nhiều địa phương khác, kể cả nhiều nam nữ thanh niên, sinh viên, học sinh thường đến Khu Di tích để tưởng niệm Bác, thắp hương dâng hoa lên Bác, báo cáo với Bác kết quả những việc làm có ý nghĩa trong công việc, trong cuộc sống đời thường. Khu Di tích trở thành địa chỉ giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc rất có ý nghĩa. 

bac-ho-trong-long-thai-3
Nhà “Hợp tác” tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Panom, nơi Thầu Chín
(bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sống và hoạt động trong những năm 1928-1929

Gần 1000 tài liệu, hiện vật, tranh ảnh, sách báo  trưng bày tại Khu Di tích Hồ Chí Minh khắc họa đậm nét chân dung của Bác, trong đó có quãng thời gian Bác Hồ hoạt động tại Thái Lan, những năm 1928-1930. Để phát triển phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam, tháng 07.1928, Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu về Thái Lan hoạt động. Khoảng đầu tháng 8.1928, Nguyễn Ái Quốc đã đến Udon Thani sống và hoạt động. Udon Thani thuộc vùng Đông Bắc nước Thái, vùng có đông Việt kiều sinh sống. Ở Udon Thani, Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên, Hội Thân ái, Hội Hợp tác lần lượt ra đời.

Thời kỳ ở Thái Lan, Bác Hồ  có nhiều tên gọi khác nhau như ông Thọ,  Nam Sơn... Tại Udon Thani, Người lấy tên Chín - Thầu Chín. Khi mới tới Udon, Thầu Chín trú chân một thời gian khu vực Nỏng Bùa, gần ga xe lửa Udon ngày nay. Sau đó Thầu Chín chuyển về ở tại làng Nòng Ổn, xã Xiêng Phin thuộc huyện Mương. Tại đây, Thầu Chín sống, làm việc, sinh hoạt, đào giếng, cuốc vườn, gặt lúa, chăn nuôi lợn gà, lập trại cưa như mọi người; thường tổ chức các buổi nói chuyện về cuộc sống, kinh nghiệm làm ăn, chủ trương vận động sâu rộng tinh thần yêu nước, hướng về cố hương, mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Người cho rằng, phải làm cho người Xiêm (người Thái) quan tâm nhiều hơn phong trào yêu nước chống thực dân Pháp giành độc lập của nhân dân Việt Nam; nhắc nhở giáo dục bà con Việt kiều học chữ quốc ngữ, giỏi tiếng Việt - nhất là thế hệ trẻ, người Việt thông thạo tiếng Thái, tôn trọng phong tục tập quán, truyền thống của người bản địa ...

bac-ho-trong-long-thai-4
Việt kiều Trần Thị Bạch Vân (bên phải), “giọng ca vàng” các bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani

(Còn tiếp)

Bài và ảnh: BẰNG LINH

Theo Tạp chí Người làm báo

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: