Bác Dương Đình Phượng trước chiếc mâm được trưng bày tại Di tích nhà số 5D Hàm Long (Ảnh: Vietnam+)
“Đây là những tài liệu vô giá giúp công chúng tìm hiểu về quá trình hình thành Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, bạn bè quốc tế hiểu hơn về cuộc sống, quá trình hoạt động cách mạng của những nhà cách mạng Việt Nam".
Vị khách già bỗng lặng đi trước chiếc mâm (vật dụng được hai nhà cách mạng Ngô Gia Tự và Ngô Gia Hưởng dùng để đổ thạch in tài liệu trong thời gian từ năm 1928 đến 1929, được trưng bày tại Di tích Nhà số 5D Hàm Long (Hà Nội) - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam (tháng 3/1929).
Bác Dương Đình Phượng (80 tuổi, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) kể, từ những kỷ vật, câu chuyện chung được lưu giữ, truyền lại cho hậu sinh, bác tìm thấy những ký ức của riêng mình.
“Nơi này vẫn vậy!”
“Vật dụng sinh hoạt giản đơn ấy đã bao lần cứu sống chúng tôi - thế hệ sinh ra và lớn lên trong những năm tháng chiến tranh ác liệt,” bác Phượng nghẹn lời.
Hai bàn tay nắm chặt, giơ cao quá đỉnh đầu để minh họa cho câu chuyện, bác kể: Khi máy bay địch xuất hiện, không ít người đã dùng những chiếc mâm như vậy che lên đầu để tránh bom trong thời gian di chuyển xuống hầm trú ẩn.
Mạch truyện nối dài, vị khách già kể: Lúc còn thơ ấu, bác sống cùng gia đình tại số 20 Lò Đúc và vẫn thường đi ngang qua ngôi nhà số 5D Hàm Long. Tuy nhiên, từ năm 20 tuổi, bác chuyển vào miền Nam.
Nhà số 5D Hàm Long (Hà Nội) - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.
(Ảnh tư liệu)
“Sau bao năm tháng với những biến thiên lịch sử, giữa những cuộc đi về, tôi thấy nơi này vẫn vậy: Ngôi nhà gạch một tầng giản đơn, phía bên trái giáp một con hẻm nhỏ thông sang phố Lê Văn Hưu… Các kỷ vật trưng bày kể những câu chuyện quen, mang đến cho người xem cảm giác gần gũi, thân thuộc,” người đàn ông ở tuổi bát tuần trải lòng.
Nói rồi, bác dõi đôi mắt hằn in dấu thời gian về những bức truyền đơn kêu gọi, tuyên truyền đấu tranh của Đảng được lưu giữ tại đây: “Tôi như được sống lại một giai đoạn quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc; để tự hào về quá khứ và trân trọng hiện tại hơn.”
Kỷ vật vô giá
Bà Hoàng Hạnh (Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội) cho biết, tại ngôi nhà lịch sử này, chân dung, hiện vật, bút tích… của các nhà cách mạng được sắp xếp, trưng bày theo các chủ đề chính như: Bối cảnh lịch sử của việc thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên, quá trình hình thành và phát triển của nhóm cộng sản đầu tiên và sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930).
Cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc (xuất bản năm 1927 tại Quảng Châu, Trung Quốc), lá cờ của Đông Dương Cộng sản đảng và hồi ký của hai nhà cách mạng (Trần Văn Cung và Trịnh Đình Cửu)… là những hiện vật, tài liệu tiêu biểu được trưng bày tại Di tích này.
Cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc (xuất bản năm 1927 tại Quảng Châu, Trung Quốc) được trưng bày tại Di tích nhà số 5D Hàm Long (Ảnh: Vietnam+)
Bên cạnh đó, một số vật dụng sinh hoạt trong thời gian được bố trí ở tạm căn nhà 5D Hàm Long (như bộ tràng kỷ, bộ ấm chén, hòm đựng tài liệu…) của những nhà cách mạng vẫn được lưu giữ.
“Đây là những tài liệu vô giá giúp công chúng tìm hiểu về quá trình hình thành Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, bạn bè quốc tế hiểu hơn về cuộc sống, quá trình hoạt động cách mạng của những nhà cách mạng Việt Nam,” bà Hạnh bày tỏ.
Lật giở lại những trang sử, từ cuối năm 1928, phong trào đấu tranh của công nhân ngày càng lên cao. Tháng 3/1929, những thành viên trong ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đã bí mật họp tại nhà số 5D Hàm Long để thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại Việt Nam.
Nhà số 5D Hàm Long được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá vào năm 1964.
Truyền đơn kêu gọi đấu tranh được trưng bày tại Di tích nhà số 5D Hàm Long
(Ảnh: Vietnam+)
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các trường học, đơn vị trên địa bàn Thủ đô tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống tại Di tích này; nhằm ôn lại lịch sử, phát huy giá trị Di tích tốt hơn,” đại diện Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội cho biết./.
Theo An Ngọc (Vietnam+)
Huyền Trang (st)