Việc xử lý, ngăn chặn các trang thông tin xuyên tạc, bịa đặt không dễ dàng bởi với sự phát triển của internet, các trang này được “nhân bản” rất nhanh chóng. Nhưng đây cũng là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, quan tâm và không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý.
Xác lập quan điểm quản lý đúng
Ảnh minh họa: dangcongsan.vn.
Internet là thế giới ảo và quản lý đối với các trang web là việc rất khó. Nhưng ngay cả những quốc gia phát triển cũng không buông lỏng, thả nổi quản lý thông tin trên Internet. Theo một nghiên cứu của TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung Quốc đã tiến hành ngăn chặn các mạng xã hội bên ngoài nếu xét thấy nó nguy hại cho công chúng trong nước, không để các trang mạng nước ngoài chi phối dư luận. Tại Nga, mạng xã hội chủ yếu là của các công ty trong nước, Chính phủ Nga kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội từ nước ngoài. Tại Bê-la-rút, các cơ quan chức năng rất quan tâm đến thông tin trên các trang mạng xã hội. Nhiều quốc gia như: Các tiểu Vương quốc A-rập thống nhất; Mi-an-ma; Băng-la Đét; Pa-ki-xtan; I-ran; Xy-ri; CHDCND Triều Tiên … đã chặn các mạng xã hội nước ngoài Facebook, Flickr, Twitter… , đồng thời đề ra chính sách và giải pháp tăng cường kiểm soát thông tin trên mạng xã hội. Ngay cả nước Mỹ cũng không thả nổi quản lý. Các nghị sĩ Mỹ từng tranh cãi gay gắt về một dự luật Internet mà Tổng thống Mỹ muốn ban hành.
TS Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, người vừa hoàn thiện công trình nghiên cứu “Báo điện tử ở Việt Nam- định hướng và giải pháp” cho biết, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành các biện pháp quản lý đồng bộ đối với trang tin điện tử, mạng xã hội. Một dẫn chứng để tham khảo là Tổng thống Nga và các cơ quan lập pháp-Hạ viện (Đu-ma quốc gia), Thượng viện (Hội đồng Liên bang) và Chính phủ Nga đã ban hành nhiều đạo luật có liên quan đến hoạt động của internet, của Facebook, của các website, các trang blog, Twitter, YouTube. Từ năm 2013, “mạng xã hội Facebook và Google từng bị Nhà nước Nga yêu cầu loại bỏ "thông tin cấm”. Theo luật, các trang web sẽ bị chặn nếu “thông tin cấm” không được gỡ bỏ trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận thông báo. Trước đó, luật về "Danh sách các trang web đen" đã có hiệu lực ở Nga từ ngày 1-11-2012.
Ở nước ta, Đảng, Nhà nước coi internet là một tiến bộ văn minh của nhân loại, luôn tạo điều kiện cho công nghệ thông tin và internet phát triển với quan điểm “phát triển đến đâu, quản lý đến đó”. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu phát triển mạnh mẽ, hoạt động của báo chí, truyền thông cũng bộc lộ một số vấn đề cần chấn chỉnh, đòi hỏi tăng cường quản lý hơn nữa. Theo nhiều nhà nghiên cứu và quản lý, đối với lĩnh vực cụ thể, đã đến lúc cần thay đổi quan điểm quản lý theo hướng “quản lý đến đâu, phát triển đến đó”. Theo PGS, TS Đào Duy Quát, nên quản lý chặt chẽ hơn báo điện tử và các trang thông tin điện tử.
Hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường quản lý
Đây là vấn đề được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh khi đề cập các giải pháp quản lý thông tin điện tử trên internet. Theo ông Trương Minh Tuấn, hiện nay, ngoài Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT đã ban hành, bộ đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở cho việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, chủ trì xây dựng Luật An toàn thông tin để đưa ra thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội tháng 5-2015. Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp liên ngành với các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… để phối hợp xử lý, đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Bộ cũng nâng cao hiệu quả thực thi quản lý thuê bao di động trả trước để hạn chế sim rác, tin nhắn rác, tăng cường quản lý các loại hình dịch vụ nội dung trên mạng, cương quyết loại bỏ các dịch vụ nội dung không lành mạnh, vi phạm quy định của pháp luật. Với việc thành lập Cục An toàn thông tin, các tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử có đuôi .vn nếu để xảy ra vi phạm đều bị xử lý nghiêm, xử phạt hành chính, thậm chí đình bản tạm thời, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền vĩnh viễn. Với những hành vi tội phạm liên quan tới máy chủ đặt ở nước ngoài, ông Trương Minh Tuấn cho biết, bộ sẽ phối hợp, hỗ trợ Cục An ninh mạng (Bộ Công an) và các cơ quan liên quan xử lý theo đúng pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn cần những cơ chế quản lý, xử phạt mạnh hơn. Trung tá Hoàng Xuân Phóng (Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) khi trả lời phỏng vấn báo chí cho biết, trước đây mức xử lý các hành vi vi phạm là từ 10-20 triệu đồng, theo nghị định mới sẽ là từ 20-30 triệu đồng. Còn theo luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn Luật sư Hà Nội), Nghị định 174 của Chính phủ quy định xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng hành vi tán phát thông tin bịa đặt, xuyên tạc ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân nhưng chưa đến mức truy cứu hình sự. Tuy nhiên, mức nào thì truy cứu hình sự lại không được quy định rõ. Đây là nguyên nhân có đối tượng sẵn sàng nộp phạt, để tung tin bịa đặt, xuyên tạc với mục đích bất chính.
Cùng chung điểm trên, PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh: Nghị định 72 đã có nhiều điều chỉnh, quản lý cả về nội dung thông tin chứ không chỉ quản lý kỹ thuật, đường truyền như các văn bản trước; cụ thể hóa được nhiều vấn đề. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực quản lý phức tạp, cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định quản lý cho chi tiết và sát thực hơn nữa để bảo đảm hành lang pháp luật cho một loại hình thông tin rất nhạy cảm và có sức lan tỏa nhanh.
Vẫn theo ông Trương Minh Tuấn, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu, tổ chức triển khai hệ thống giải pháp kỹ thuật phù hợp với thông lệ, kinh nghiệm quốc tế để phục vụ việc đấu tranh ngăn chặn, xử lý các nguồn tán phát thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên internet. Đây là vấn đề cần được quan tâm theo hai khía cạnh: Thiết lập “bức tường lửa” để ngăn chặn, vô hiệu hóa thông tin xấu độc và chủ động cung cấp, định hướng thông tin đúng. Kinh nghiệm trong xử lý thông tin liên quan tới các vụ kích động gây rối, phá tài sản ở một số khu công nghiệp hồi năm 2014 cho thấy, nhờ giải pháp kỹ thuật của các nhà mạng, chúng ta đã kịp thời chuyển tải những thông tin chính xác qua hệ thống tin nhắn, góp phần định hướng dư luận, ổn định tình hình. Ở góc độ kỹ thuật, Đại tá Nguyễn Đình Chiến, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Viettel (Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel) cho biết, cần quan tâm đến các giải pháp vô hiệu hóa âm mưu sử dụng mạng viễn thông, mạng xã hội phát tán thông tin kích động bạo loạn lật đổ, “Diễn biến hòa bình”.
Tạo "sức đề kháng", “hệ miễn dịch”
Đấu tranh với thông tin xuyên tạc, bịa đặt cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chứ không dừng lại ở trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chỉ đạo. Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam cho rằng, phải phát huy được vai trò, sức mạnh của các cơ quan, đoàn thể xã hội. Trong đó, những tổ chức lớn như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội CCB Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… có vai trò rất quan trọng. Cách làm ở Hội CCB Việt Nam để lại nhiều kinh nghiệm quý. Hội CCB Việt Nam rất chủ động trong vấn đề này. Khi xuất hiện những thông tin xuyên tạc, thông tin nói xấu về Đảng, Nhà nước trên mạng, hội đã kịp thời đi trước, xây dựng các văn bản hướng dẫn cho các cấp hội, nói rõ bản chất vấn đề, nói rõ nội dung xuyên tạc. Ngoài các kênh thông tin chính thống của Nhà nước, cứ hai tháng một lần, Hội tổng hợp các thông tin, phân tích các sự kiện, xây dựng thành các bản tin chuyên đề để tuyên truyền cho hội viên. Hội còn có hàng chục vạn CCB được bầu vào cấp ủy, giữ các chức danh ở xã, phường. Đây chính là lực lượng bảo vệ Đảng từ cơ sở và thông tin chính xác từ họ có sức lan tỏa rất lớn trong nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhấn mạnh quan điểm “xây để chống”, tăng sức đề kháng cho thanh niên; chú trọng tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt việc tốt, xây dựng các đội xung kích tuyên truyền chống “Diễn biến hòa bình” trên mạng, thu hút những người nổi tiếng trên cộng đồng mạng (văn nghệ sĩ, blogger…) cùng tham gia. Còn theo đồng chí Vũ Đình Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cần phát huy vai trò tuyên truyền, ảnh hưởng, uy tín của các nhân sĩ, trí thức, người tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài vào “cuộc đấu tranh” này…
Trung tướng Phùng Khắc Đăng kiến nghị, để tạo hệ miễn dịch trước thông tin xấu độc thì phải vũ trang kiến thức đấu tranh, giúp quần chúng hiểu các vấn đề sai trái để không mơ hồ, mắc mưu kẻ xấu. Một kinh nghiệm cần được phát huy là việc Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam từng cho biên tập các bộ sách chuyên đề liên quan tới chống “Diễn biến hòa bình”, nêu cách thức đấu tranh. Tuy nhiên, những sách báo đề cập nội dung này thời gian qua còn ít.
Đề xuất giải pháp đấu tranh, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) cũng chia sẻ kinh nghiệm phát huy kênh tuyên truyền miệng. Từng tham gia đối thoại với kiều bào nước ngoài, đồng chí cho biết sau khi được thông tin cụ thể, rõ ràng quan điểm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đồng bào rất phấn khởi, xóa đi tâm lý nghi ngờ do những thông tin bịa đặt mà những kẻ xấu gieo rắc. Theo Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, chúng ta phải tỏ rõ thái độ kiên quyết đấu tranh với những hành vi chống phá của các thế lực thù địch. Phải coi đây là cuộc chiến đấu bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước XHCN, bảo vệ nhân dân. Cần sử dụng công nghệ thông tin tham gia vào cuộc đấu tranh và tổ chức đấu tranh một cách có hiệu quả. Trong cuộc đấu tranh này cần có “lửa” nhiệt tình và bản lĩnh nhưng cũng cần phải có kiến thức, vì kẻ địch hết sức tinh vi, thâm độc và xảo quyệt.
Còn theo Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương, chúng ta cần hình thành lực lượng “phản ứng nhanh” để phản bác, đấu tranh với thông tin sai trái, bịa đặt. Khi cần thiết có thể mở các “chiến dịch” tiến công, đấu tranh phê phán các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng. Các cơ quan nghiên cứu, xuất bản và báo chí Quân đội cần phối hợp và xuất bản những ấn phẩm, sách báo chuyên sâu, phát hành số lượng lớn, tiến tới thành lập “tủ sách phê phán các quan điểm sai trái” trong toàn quân.
Quản lý trang tin điện tử và mạng xã hội trên thế giới Nga: Các trang web sẽ bị chặn nếu “thông tin cấm” không được gỡ bỏ trong thời hạn ba ngày kể từ khi nhận thông báo. Năm 2013, mạng xã hội Facebook và Google đã nhận được văn bản yêu cầu và gỡ bỏ thông tin cấm từ cơ quan quản lý. Pháp: Kêu gọi sự thay đổi căn bản trong cách quản lý các mạng xã hội như Facebook hay Twitter sau hai vụ khủng bố vào tờ báo biếm họa Charlie Hebdo ở Pa-ri và ở siêu thị Kosher. Trung Quốc: Cấm các blogger đăng tải những thông tin chính trị tại quốc gia này mà không được phép và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến phải đánh dấu rõ những tài khoản nào được phép đăng tải các thông tin chính trị. Cấm sử dụng mạng xã hội Facebook. |
(Còn nữa)
NGUYÊN MINH, HỒNG HẢI, NGUYỄN HÒA,
NGUYÊN THẮNG, TIẾN DŨNG
Theo Báo Quân đội nhân dân
Tâm Trang (st)