1. Thông tư số 87/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 7/11/2012 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ.
Theo Thông tư quy định các đối tượng sau đây khi làm hồ sơ cấp đổi Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET không phải nộp Giấy chứng nhận sức khỏe:
- Người có giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3.
- Người có giấy phép lái xe hạng A4, giấy phép lái xe ô tô còn thời hạn sử dụng trên 03 tháng.
Thông tư 87/2014/TT-BGTVT có hiệu lực từ 15/02/2015.
2. Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin & Truyền thông ban hành ngày 29/12/2014 quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Thông tư có hiệu lực kể từ 12/02/2015.
Để tăng cường công tác quản lý việc cung cấp cũng như sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, bảo vệ người chơi trước những tác động tiêu cực của loại hình dịch vụ này, Thông tư số 24 đã quy định chi tiết những nội dung về: Phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi; Cung cấp thông tin cá nhân người chơi; Không mua, bán vật phẩm ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau và Quản lý thời gian của người chơi.
Thông tư quy định chặt chẽ về việc cung cấp thông tin cá nhân của người chơi như: Khi tạo tài khoản sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp, người chơi phải cung cấp những thông tin cá nhân gồm: Họ và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Địa chỉ đăng ký thường trú; Số CMND hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; Số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp người chơi dưới 14 tuổi và chưa có CMND hoặc hộ chiếu, người giám hộ hợp pháp của người chơi quyết định việc đăng ký thông tin cá nhân của mình để thể hiện sự đồng ý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký đó.
3. Thông tư số 47/2014/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 11 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Thông tư quy định cụ thể về Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận, Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận, Cấp đổi Giấy chứng nhận, Thu hồi Giấy chứng nhận, Phân cấp cấp Giấy chứng nhận, Kiểm tra cơ sở và nhiều quy định quan trọng khác.
Việc phân cấp cấp Giấy chứng nhận được thực hiện như sau:
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận cho: Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Bộ Kế hoạch Đầu tư và Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Ủy ban nhân dân (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện,thị xã và thành phố thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh từ 200 suất ăn/lần phục vụ trở lên.
Ủy ban nhân dân (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Ủy ban nhân dân (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh dưới 200 suất ăn/lần phục vụ.
Căn cứ vào tình hình thực tế và năng lực quản lý tại địa phương, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể điều chỉnh việc phân cấp cấp Giấy chứng nhận đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cho phù hợp.
Để tránh xáo trộn cho các cơ sở kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận trước thời điểm ban hành Thông tư 47, Thông tư cũng quy định rõ:
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hết thời hạn 3 năm kể từ ngày cấp phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư này.
Cơ sở dịch vụ ăn uống không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hết thời hạn 3 năm kể từ ngày cấp phải thực hiện việc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Thông tư này.
Người kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được cấp Giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm trước khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày cấp phải làm thủ tục cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2015.
4. Thông tư số 80/2014/TT-BGTVT do Bộ Giao thông vận tải ban hànhngày 30 tháng 12 năm 2014quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa.
Theo quy định, hành khách có vé nhưng đến chậm sau khi phương tiện đã xuất bến theo lịch chạy tàu đã công bố mà không thông báo cho người kinh doanh vận tải hoặc người bán vé biết thì phải đóng thêm 50% giá vé và được bố trí đi chuyến kế tiếp. Nếu không đi chuyến kế tiếp sẽ không được hoàn vé.
Hành khách có vé, đến chậm sau khi phương tiện đã xuất bến, đã thông báo cho người kinh doanh vận tải hoặc người bán vé qua điện thoại, điện tín, fax hoặc email 02 giờ trước khi tàu xuất bến, sẽ được bố trí đi chuyến kế tiếp và phải đóng thêm 20% tiền vé; trường hợp không muốn đi chuyến kế tiếp, trả lại vé sẽ được hoàn 90% tiền vé.
Cũng theo Thông tư này, trẻ em dưới 01 tuổi sẽ được miễn vé, nhưng phải ngồi chung với hành khách; việc miễn, giảm vé được thực hiện căn cứ vào điều kiện thực tế và theo quy định của pháp luật.
Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về công khai giá vé. Cụ thể, giá vé khi công bố mới hoặc thay đổi phải được công khai trên website của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hoặc các phương tiện thông tin đại chúng 03 ngày liên tục và 15 ngày sau khi áp dụng giá vé mới; niêm yết công khai tại cảng, bến đón, trả hành khách.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2015.
5. Nghị định số 02/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 02 tháng 01 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về chế độ tiền lương, chế độ trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức Kiểm toán Nhà nước và chế độ ưu tiên đối với kiểm toán viên nhà nước.
Tăng mức trích khen thưởng cán bộ Kiểm toán Nhà nước lên 5%. Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định. Cụ thể, từ ngày 16/02/2015, căn cứ vào kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, hàng năm, Kiểm toán Nhà nước sẽ được trích 5% số tiền đã phát hiện và kiến nghị (bao gồm: Các khoản tăng thu ngân sách Nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác đã thực nộp vào ngân sách Nhà nước; các khoản thực chi ngân sách sai chế độ đã nộp lại ngân sách Nhà nước hoặc đã xử lý giảm chi, giảm thanh toán vào ngân sách năm sau) để chi khuyến khích, thưởng cán bộ, công chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước thay cho mức trích 2% như trước đây. Trong đó, mức chi thưởng không được vượt quá 0,8 lương cấp bậc, phụ cấp chức vụ, vượt khung và phụ cấp nghề nghiệp; số kinh phí còn lại sau khi chi khuyến khích, thưởng sẽ được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động của ngành.
Căn cứ để trích 5% kinh phí của Kiểm toán Nhà nước là số tiền đã thực nộp ngân sách Nhà nước từ năm 2011 theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/02/2015 và bãi bỏ Nghị định số 32/2011/NĐ-CP ngày 16/05/2011./.
Kim Yến (Tổng hợp)