5. Đại đoàn kết làm sao có lợi cho sự nghiệp chung
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mới thành công, chính quyền nhân dân chưa vững chắc và còn gặp nhiều khó khăn. Sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập và ra mắt Chính phủ lâm thời ít lâu, một lần Bác gọi tôi và hỏi:
- Chú có quen cụ Trần Trọng Kim và biết cụ ở đâu không?
- Ai cũng biết Trần Trọng Kim là một học giả đứng đầu chính phủ do Nhật dựng lên sau cuộc đảo chính Pháp ở Đông Dương ngày 9-3-1945, tôi ít gặp nhưng có quen, vì trước cùng là nhà giáo, mặc dù ông ta nhiều tuổi hơn tôi.
Bác hỏi tiếp:
- Nhà cụ ấy có ngõ để xe ô tô vào không?
Tôi xin Bác để tôi trực tiếp đi xem xét lại, chưa thể trả lời chính xác chi tiết này. Tôi hiểu Bác muốn có một cuộc gặp khá kín đáo để tránh mọi sự hiểu lầm hoặc bọn phản động phá rối về sau.
Tôi đến phố Nhà rượu quan sát, về báo cáo Bác: Không có cổng cho xe vào! Tôi không chắc Bác Hồ có dịp gặp cụ Trần Trọng Kim lần nào không, vì ít lâu sau có tin cụ biến mất khỏi Hà Nội không dấu viết gì. Và rồi cụ mất âm thầm nơi xứ lạ quê người.
Cùng thời gian đó, Bác Hồ đã chủ động gặp cả Ngô Đình Diệm ra ẩn náu ở Hà Nội, bàn chuyện hợp tác giành độc lập cho nước nhà. Nhưng họ Ngô vốn nuôi đầu óc chống cộng kịch liệt, đã từ chối.
Hoặc lúc cuộc kháng chiến chống Pháp vừa bùng nổ, Bác không quên cử đồng chí Phan Mỹ phụ trách Văn phòng Phủ Chủ tịch về tận quê đón cụ Phan Kế Toại, khâm sai đại thần cũ, mời ra làm việc. Cụ Phan mừng lắm, đã đi theo kháng chiến.
Tôi cũng còn nhớ buổi tiễn đưa Bác từ Paris đi Toulon để đáp tàu biển về nước sau khi ký Tạm ước ngày 14-9-1946, khi xe lửa chuyển bánh, Bác Hồ nhắc tôi lần cuối:
- Chú nhớ tìm gặp các bạn quen, giữ quan hệ tốt với họ. Tôi hiểu lời nhắn của Bác, vì trước đó Bác đã dặn dò kỹ. Chính quyền Pháp lúc bấy giờ thuộc về những người xã hội như Léon Blum, Moutet, thế lực không mạnh và còn do dự không muốn tiến hành chiến tranh ở Đông Dương, phải tìm cách tranh thủ.
Có thể nói, Bác Hồ là một con người một lòng vì nước, vì dân, mạnh dạn khai thác những khả năng nhỏ nhất để tháo gỡ tình trạnh phức tạp, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc. Bác khoan dung không hề định kiến quá khứ, tìm đến từng con người cụ thể, với ai cũng thử thuyết phục và dám dùng, kể cả lớp quan lại cũ, tất cả nhắm đạt mục đích cuối cùng là làm sao có lợi ích cho sự nghiệp chung
Hoàng Minh Giám kể
(Trích theo báo Đại đoàn kết, số ra ngày 22-1-1990)
6. Bác quan tâm đến việc tổ chức hoạt động của Hội Nhi đồng cứu quốc
Trong khoảng thời gian từ năm 1941 cho đến Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ luôn quan tâm và nhắc nhở các cháu thiếu nhi tham gia Hội Nhi đồng cứu quốc. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường và Trung thu năm 1945, Bác Hồ lại khuyên các cháu thiếu niên, nhi đồng: "Nên tham gia vào các Hội Nhi đồng cứu quốc để tập luyện cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc gìn giữ đất nước".
Để giúp đỡ các cháu thiếu niên, nhi đồng thực hiện tốt việc xây dựng Hội Nhi đồng cứu quốc trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có lần Bác Hồ đã gọi đồng chí phụ trách nhi đồng Hà Nội lên hỏi trực tiếp:
- Chú là phụ trách nhi đồng Hà Nội?
- Thưa vâng!
- Các cháu nhi đồng đang hoạt động như thế nào?
- Dạ, thưa chúng con đang tổ chức các cháu lại, hướng dẫn các cháu vui chơi, ca hát, tập thể dục, tập quân sự.
- Như thế là tốt. Thế các chú lo cho các cháu học tập như thế nào?
Đến lúc này, đồng chí phụ trách nhi đồng Hà Nội không trả lời được suôn sẻ nữa vì chưa coi việc học tập một hoạt động quan trọng nhất của đội. Đồng chí nhớ mãi lời căn dặn có ý nghĩa như phê bình, nhắc nhở của Bác:
- Các chú cần chăm lo cho các cháu học tập. Chớ cho các cháu tuần hành nhiều vừa bêu nắng, vừa hít bụi.
Đồng chí ấy hứa với Bác sẽ thực hiện tốt lời Bác dặn. Bác tươi cười, gật đầu rồi hỏi tiếp một câu, làm đồng chí rất bất ngờ:
- Các chú đã tổ chức cho các cháu bán báo, đánh giày, đánh mũ vào Đội chưa?
- Dạ, thưa gần đây chúng con có ý định tổ chức trẻ em mồ côi ở Dục Anh Đường và Bảo Anh Đường.
Nghe vậy Bác nói:
- Tổ chức Đội ở mấy nơi đó là cần thiết, song chưa cấp bách bằng việc tổ chức Đội cho trẻ em bán báo, đánh giày, đánh mũ. Ở những cơ sở do các nhà từ thiện lập ra như trên đã có những người trông nom các cháu rồi, nay cần lo cho các cháu được ăn tốt hơn. Còn các cháu bán báo, đánh giày, đánh mũ đang sống tự lập cần được dìu dắt. Cho nên, phải xem việc tổ chức Đội ở nơi nào cần làm trước sẽ tốt hơn, ví như "Con trâu phải đi trước cái cày".
Thực hiện lời chỉ đạo của Bác, chỉ một tuần sau Đội trẻ bán báo Hoàng Văn Thụ đã ra đời. Đội trẻ bán báo này về sau chính là nòng cốt của đội giao thông liên lạc Hoàng Cường - đội thiếu niên giao thông liên lạc dũng cảm của Thủ đô.
Phong Nhã kể
(Trích trong hồi ký "Lời Bác chỉ bảo", báo Phụ nữ Việt Nam, số 21-22, ra ngày 24-5-1989).
7. Những ngày được gần Bác
Vào khoảng tháng 10-1945, tôi cùng một số đồng chí được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ. Gần Bác, mới thấy Bác hồi này thật vất vả. Cách mạng đang trong thời ký trứng nước, lại gặp biết bao khó khăn trở ngại. Mặc dầu bận rộn ngày đêm, Bác vẫn chú ý chăm sóc anh em cảnh vệ chúng tôi. Thấy anh em chúng tôi trình độ văn hóa còn thấp, Người liền đặt chương trình cho chúng tôi học, giáo viên thì phân công người khá dạy người kém. Bác lại dạy cả cách đọc báo, nghiên cứu tài liệu và trực tiếp giảng dạy lý luận cách mạng cho chúng tôi.
Hồi này chúng tôi rất căm bọn quân Tưởng sách nhiễu dân mình, nhưng được Bác giảng giải, nên hiểu rằng chưa thể diệt lũ giặc này. Riêng với bọn "Việt quốc" tay sai bọn Tưởng thì tôi vẫn cho rằng quyết ngay đi. Một hôm, trong buổi học thời sự tôi hỏi Bác:
- Thưa Bác, tại sao chúng ta cứ để mãi cái bọn bán nước giết người độc ác ấy? Cháu tưởng Bác cứ ra lệnh là chỉ một đêm chúng cháu sẽ quét sạch chúng.
Bác cười, chỉ gian phòng làm việc rồi bảo tôi:
- Bây giờ có một con chuột nó vào phòng, các chú lấy gạch đá ném hay khéo tìm cách bắt nó, hoặc đuổi nó đi?
- Dạ, lấy gạch đá ném sẽ làm vỡ mất các đồ quý trong phòng ạ.
Bác kết luận:
- Đối với bọn phản cách mạng hiện nay cũng thế, nó lú nhưng chúng nó khôn. Muốn làm việc lớn phải biết trông xa, nhìn rộng.
Hiểu được rõ vấn đề, từ đó chúng tôi không thắc mắc nữa.
K.M.T. kể
(Trích theo sách: Chúng ta có Bác Hồ, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1990)
8. Bác Hồ với học sinh miền Nam tập kết
Chúng tôi nghe kể lại, một trong những điều khoản của Hiệp định Giơnevơ năm 1954 là bộ đội và cán bộ miền Nam (từ vĩ tuyến 17 trở vào) phải tập kết ra miền Bắc. Trong điều khoản, không nói đến lực lượng tập kết là thiếu nhi, học sinh. Nhưng nhìn xa, hiểu rộng, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xuất đưa học sinh, thiếu nhi con bộ đội và cán bộ miền Nam được tập kết ra miền Bắc học tập trong thời gian đấu tranh hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhiều đồng chí còn kể lại, khi đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ vào Nam để nắm tình hình chuyển quân, Bác đã dặn đồng chí Hoàng Quốc Việt là nhắc nhở các cấp, các ngành, quân, dân, chính ở miền Nam thực hiện nghiêm túc và chuẩn bị chu đáo việc đưa thiếu nhi, học sinh miền Nam tập kết theo đúng tiêu chuẩn, chính sách, khẩn trương và bảo đảm an toàn. Bác dặn đi dặn lại đồng chí Hoàng Quốc Việt là phải thi hành triệt để quyết định của Trung ương và của Bác. Lúc bấy giờ, nhiều đồng chí chưa thông (đơn giản nghĩ rằng tập kết chỉ có hai năm, khí hậu miền Bắc giá rét), nên chưa làm tốt công tác này, nhất là các tỉnh Nam Bộ.
Cuối năm 1954, tất cả thiếu nhi, học sinh miền Nam đều tập kết an toàn lên biển Cửa Hội (Nghệ An) và Sầm Sơn (Thanh Hóa). Mặc dù mới về Thủ đô và bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác quan tâm và thăm hỏi tình hình tập kết của cán bộ, bộ đội và các cháu thiếu nhi, học sinh miền Nam. Các đoàn đại biểu Trung ương từ Hà Nội vào thăm nơi điều dưỡng, an dưỡng miền Nam đều chuyển quà bánh và lời thăm hỏi ân cần của Bác, nhất là đối với thiếu nhi, học sinh miền Nam lần đầu tiên xa gia đình.
Tết 1955, không thể vào Thanh Hóa và Nghệ An để thăm và chúc Tết cán bộ, bộ đội và học sinh, thiếu nhi miền Nam vừa tập kết. Bác gửi thư chúc Tết và cho người chuyển quà bánh vào tặng. Thư chúc Tết của Bác viết trên giấy trắng, lời lẽ ngắn gọn, nhưng tình cảm nồng hậu bao la. Bác hỏi thăm sức khỏe các cháu thiếu niên và nhi đồng miền Nam tập kết.
Sau một thời gian điều dưỡng, đầu năm 1955, theo gợi ý của Bác, Bộ Giáo dục quyết định thành lập các trường nội trú dành riêng cho con em cán bộ, bộ đội miền Nam, gọi là Trường học sinh miền Nam. Cũng theo gợi ý của Bác, các trường học sinh miền Nam đều phải chuyển ra các tỉnh thuộc Bắc Bộ cũ và gần Hà Nội, Hải Phòng. Phần lớn các trường học sinh miền Nam đều không trực thuộc Ty và Sở Giáo dục, mà do Khu Giáo dục học sinh miền Nam, trực thuộc Bộ Giáo dục quản lý. Bên cạnh Trường học sinh miền Nam có Trại nhi đồng miền Nam, do cụ bà Nguyễn An Ninh phụ trách. Trại có gần 300 cháu từ 3 đến 6 tuổi, đều là con em cán bộ miền Nam tập kết, trong đó có những cháu “đặc biệt” là con có ba má đang trực tiếp chiến đấu ở miền Nam.
Mấy năm đầu hòa bình được lặp lại ở miền Bắc, mặc dù bận công việc quốc gia đại sự, nhưng có thể nói Bác Hồ là người đặc biệt quan tâm đến cán bộ, bộ đội và thiếu nhi, học sinh miền Nam nhiều nhất. Sự quan tâm rất lớn của Bác đối với học sinh miền Nam tập kết thể hiện ở thư từ, công văn, chỉ thị ở từng việc làm cụ thể, sâu sắc, chu đáo, làm ai nấy đều xúc động.
Hơn 30 năm trước, Bác Hồ đã nghĩ đến việc bồi dưỡng và đào tạo thế hệ cán bộ cách mạng cho miền Nam từ lúc còn ấu thơ. Hơn 20 năm trước, Bác Hồ ước mong “phải đào tạo cán bộ cho miền Nam”, “để đến ngày nước nhà thống nhất, các cháu ấy về góp phần xây dựng miền Nam thân yêu”... Tất cả ước muốn đó của Bác đến nay đã trở thành hiện thực. Có ai ngờ, mới ngày nào một thế hệ học sinh miền Nam tuổi lên chín, lên mười, quần sọc, áo cánh, với chiếc ba lô, đôi dép cao su từ các vùng Khu V, Nam Bộ, Tây Nguyên theo các chú bộ đội xuống tàu tập kết, hoặc còn bỡ ngỡ trong bộ quần xanh áo trắng, chiếc nón lá và bộ đồ bà ba ngang vai, đến nay, sau mấy mươi năm được Đảng, Bác và nhân dân miền Bắc nuôi dạy, thế hệ học sinh miền Nam đã trưởng thành và trở về xây dựng miền Nam ruột thịt.
Có học sinh miền Nam hôm nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch, Phó Giám đốc, Phó Hiệu trưởng, các giáo sư, các nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng hiện đang công tác trong các lĩnh vực ở miền Nam... Công lao đào tạo “vốn quý”, “hạt giống đỏ” đó cho miền Nam đó chính là do Đảng, Bác Hồ, nhân dân miền Bắc, nhưng phải nói người tâm huyết, dày công vun xới, chăm lo là Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta. Bác không còn nữa, nhưng hôm nay, các cháu học sinh miền Nam tập kết của Bác đã trưởng thành và đang độ sung sức, đã và đang mang hết tài năng và trí tuệ để xây dựng miền Nam như Bác hằng mong muốn./.
Hồ Sĩ Hiệp kể
(Trích theo sách: Bác Hồ với miền Nam - miền Nam với Bác Hồ,
Nxb. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1987)
Mỹ Linh (Tổng hợp)