Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 27/01/2025

Giáo sư Trần Hữu Tước kể: “Nhiều năm trôi qua, mỗi khi nhớ về thuở ấy giữa rừng Việt Bắc, tôi lại thấy như hiện lên bức tranh cảm động, đẹp tuyệt vời: Bác Hồ cưỡi ngựa hồng đến tận nơi, tiễn tôi ra nước ngoài chữa bệnh”.

GS tran huu tuoc 1
           
Giáo sư Trần Hữu Tước và Giáo sư Tôn Thất Tùng

Lời giới thiệu

Giáo sư Trần Hữu Tước là một trong những vị giáo sư đầu ngành của nền y học Việt Nam hiện đại. Ông sinh năm 1913 tại phố Bạch Mai, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú các bệnh viện Pa-ri với luận văn Phương pháp tạo hình tự thân tai, áp dụng sau khi nạo vét xương chũm, ông thi đỗ và trở thành một cán bộ Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi khoa Necker ở Pa-ri.

 Từ năm 1940 đến năm 1946, ông được bổ nhiệm làm Trợ lý thứ nhất Khoa Tai - Mũi - Họng. Trong mười năm từ năm 1936 đến năm 1946, ông đã công bố nhiều công trình nghiên cứu về Tai - Mũi - Họng trên các tạp chí chuyên ngành ở Pháp, có công trình được đưa vào Bách khoa toàn thư y học Pháp. Ông cũng là một trong những người đầu tiên mổ điếc theo phương pháp Lempert ở Pa-ri.

 Năm 1946, do thiết tha mong muốn được đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, bác sĩ Trần Hữu Tước tình nguyện trở về nước trên chuyến tàu thủy cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với một số trí thức Việt kiều nổi tiếng khác như Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa), Võ Quý Huân, v.v. Từ đó cuộc đời người thầy thuốc nổi tiếng ấy gắn liền với đất nước, quê hương.

 Ngay từ tháng 11 năm 1946, vừa mới về tới Hà Nội, ông đã bắt tay xây dựng chuyên ngành Tai - Mũi - Họng của Trường Đại học Y Hà Nội, do Giáo sư Hồ Đắc Di làm Hiệu trưởng. Ông chứng kiến những ngày đầu cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra tại Hà Nội, tham gia chiến đấu cùng Trung đoàn Thủ đô và ghi lại thiên bút ký rất chân thật và cảm động nhan đề Thủ đô kháng chiến.

Rời khỏi Thủ đô, chỉ mang theo 30kg dụng cụ y tế, bác sĩ Trần Hữu Tước đi tham gia cuộc kháng chiến ba nghìn ngày, lúc ở Liên khu III, Liên khu IV, khi ở Việt Bắc, đi đầu xây dựng nền móng cho ngành Tai - Mũi - Họng ở nước ta.

Năm 1946, khi từ Pa-ri về tới Hà Nội, bác sỹ nặng 75kg, đến năm 1951, chỉ còn nặng 42 kg vì bị bệnh đường ruột rất nặng! Bạn bè ướm hỏi ông có nên quay lại Hà Nội chữa bệnh một thời gian, nhưng ông kiên quyết từ chối. “Có ra sao thì cũng ở trên mảnh đất tự do, thật chưa bao giờ tâm hồn thảnh thơi như vậy, chỉ hơi chút bực mình vì bị bệnh, chưa làm gì được như ý muốn”, bác sỹ Trần Hữu Tước ghi lại.

Mấy lần Bác Hồ và “anh Tô” điện vào Thanh Hóa giục ông rời Nông Cống lên Tân Trào để sang nước bạn chữa bệnh, ông mới chịu đi bộ, mỗi ngày chỉ được 5 - 6 km, lên Tuyên Quang. Sau đó, ông được xe Jeep chở lên biên giới, rồi đi tàu hỏa sang Bắc Kinh mổ cắt khối u ở ruột, chữa lành bệnh đại tràng.

 Chúng tôi trân trọng giới thiệu sau đây một đoạn trích trong thiên hồi ký dài của Giáo sư Trần Hữu Tước kể lại sự quan tâm săn sóc nghĩa nặng tình sâu của Bác Hồ dành cho ông trong những ngày bị trọng bệnh giày vò.

 Hàm Châu  

GS tran huu tuoc 2
         Bác Hồ và GS Trần Hữu Tước sau Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954

Mấy lần Trung ương và Bác điện vào Thanh Hoá, giục tôi lên Việt Bắc để ra nước ngoài điều trị. Khó nghĩ làm sao! Đi thế nào từ Nông Cống lên Châu Tự Do (tức huyện Sơn Dương, Tuyên Quang hiện nay). Lại điện nữa, giục đi. Thôi, quyết ra đi, dù khó nhọc, nhưng mấy năm nay rồi chưa gặp Bác, có lẽ là dịp hiếm có, nên thu xếp để đi. Đi bộ, mỗi ngày 5 - 6 cây số, chỉ đi buổi sớm hay chiều, vì suốt ngày Pháp cho máy bay bắn phá các đường giao thông chính. Kể cũng ung dung, tranh thủ mệt thì nghỉ, khỏe lên tý chút thì lại đi. Nhiều quãng đường thật đẹp, hấp dẫn, nên thơ.

 Dốc Đoan Hùng sao mà cao và trơn thế! Đã đến Việt Bắc, sắp sửa được gặp Bác. Bao nhiêu vất vả, đường trường gần như giảm nhẹ. Bắt đầu đi vào những con đường rừng rậm rạp, quanh co, khó có thể tưởng tượng được, ngoặt trái, rẽ phải, lại đi chếch, lội suối, rồi  trèo đèo... Một chặng rừng âm u!

 Một cái máy bay "Bà già" vè vè trên đầu, đang thòng móc xuống để tìm phá đường dây điện thoại của ta. Rồi một máy bay khu trục “Nhả Lửa” đột nhiên xuất hiện, nhào xuống xả một băng đạn. Cứ nấp vào một gốc cây to, và theo dõi. Chúng quay lại, thì ta chạy quanh gốc cổ thụ. Chán rồi, chúng bỏ đi. Ta lại thủng thẳng lần bước.

 Vào ATK, một buổi chiều. Một ngôi nhà tre nứa, nhưng khá đàng hoàng, bên bờ suối, ẩn hiện dưới hàng cây vài ba chục thước cao! Từ mấy năm nay, chưa bao giờ nhìn thấy một căn nhà cao ráo, thoáng rộng như vậy. Cái giường tre nứa cũng dài rộng, đơn sơ nhưng ra vẻ khang trang. Trên mặt bàn vuông lát nứa, thấy có mấy chai rượu vang trắng, đỏ, lại có cả rượu mạnh, cùng một số đồ hộp chiến lợi phẩm Bác đã gửi sang cho.

 Đêm hôm đó, tuy như xong một cuộc hành trình kéo dài gần một tháng rưỡi, thấm mệt, nhưng không sao ngủ ngay được, trằn trọc với biết bao cảm xúc và suy nghĩ. Chắc Bác cũng ở gần đâu đây, có lẽ ngày hôm sau sẽ được gặp. Trời đã về khuya, nước suối chảy ngay bên, rì rào trong thanh vắng, và như to dần về sáng...

 Rừng bao phủ xung quanh, rạt rào cơn gió sớm đột nhiên thủ thỉ thù thì như trò chuyện riêng tư ngay dưới tán rừng Việt Bắc. Tôi vừa bước vào một khoảng sân nhỏ, thì Bác đã nhanh nhẹn từ trong một cái nhà gần đấy đi ra! Chắc Bác ngạc nhiên lắm khi thấy tôi nay chỉ còn đôi mắt kính cận gọng đen, với một cái cổ dài lêu nghêu, chân tay da bọc xương trong bộ quần áo nâu rộng!

 Bác giơ tay bắt, và còn ôm lấy! Phút khó quên và đôi chút nghẹn ngào. Bác bớt gầy hơn mùa đông năm 1946, và rất nhanh, mạnh. Vẫn đôi mắt sáng chói, dịu hiền, nhưng râu tóc đã thoáng nhiều sợi bạc. Với một giọng ấm áp, ân cần, Bác hỏi kỹ về bệnh tật, rồi về công tác phát triển chuyên khoa Tai - Mũi - Họng. Bác cũng nói qua tình hình trong nước và nước ngoài.    Cuối cùng Bác dặn:

 - Có điều kiện, chú nên ra nước ngoài điều trị. Còn bao nhiêu công việc để mà làm...

 Bác ra về.

 Những ngày nằm chờ thu xếp, làm thủ tục xuất cảnh, và chuẩn bị phương tiện để ra đi, thật thanh thản! Đọc một số báo chí trong và ngoài nước, vài cuốn sách ngoại văn.

 Anh Tô một buổi tối mời tôi đến ăn cơm, nhưng chỉ nói chuyện được một lúc, sau cơn đau dội lên, ôm bụng đi về, không sao ngồi ăn được nữa.

 Rồi chiều hôm đó, từ trong rừng Việt Bắc, còn ánh mặt trời trên đầu ngọn cây, lại ra đi lần nữa... Sau bao nhiêu năm, lại nhìn thấy chiếc xe Jeep nhỏ ở giữa rừng âm u, cây cỏ um tùm. Sắp lên xe để ngồi cạnh anh lái xe, bỗng nghe vang lại một tiếng ngựa phi nhịp nhàng đang phi nước đại...

 Trời! Bác đến tiễn tôi đi Trung Quốc chữa bệnh!

 Cũng có lẽ Bác thấy tôi gầy còm như vậy, chắc gì đã có ngày gặp lại, nên Bác đến. Cảm động nghẹn ngào!

 Bác trao cho tôi phong thư do chính tay Bác viết bằng chữ Hán để chuyển cho một cán bộ đại diện Chính phủ ta ở nước bạn. Bác dặn tôi chớ nói mình là thầy thuốc và ân cần khuyên luôn cố gắng yên tâm chữa bệnh.

 Thấy tôi dô cả xương mà chỗ ngồi, chỗ tựa, ghế xe Jeep rất cứng, Bác gọi lấy ra hai cái gối cỏ để chèn cho khỏi xóc đường trường. Rồi thấy đầu tôi dễ va vào khung sắt nơi mui xe, Bác lấy ngay cái mũ vàng của Bác chụp lên đầu tôi, và lần nữa Bác dặn phải chú ý!

 Xe chuyển bánh. Bác đứng một lúc, vẫy tay theo. Rồi Bác nhảy lên ngựa. Lúc ngoái đầu lại, tôi chỉ còn thoáng thấy bóng con ngựa hồng trong ánh chiếu toả rạng. Và trên lưng con ngựa đang phóng, Bác gò cương phi về phía trước, tóc bạc tung bay ra phía sau, trong trùng điệp núi rừng của Tổ quốc thiêng liêng. Đó là một cảnh đẹp tuyệt vời! Bác phi ngựa hồng trong chiều tà Việt Bắc như một ảo ảnh huyền bí nhiều lần hiện lên trong óc tôi trước khi chìm vào giấc ngủ.

 Sáu tháng sau, vào lúc 9 giờ đêm, tôi phải mổ cấp cứu, tại một bệnh viện ở Bắc Kinh.

 Nhiều năm trôi qua, mỗi khi nhớ về thuở ấy giữa rừng Việt Bắc, tôi lại thấy như hiện lên bức tranh cảm động, đẹp tuyệt vời Bác Hồ cưỡi ngựa hồng đến tận nơi tiễn tôi ra nước ngoài chữa bệnh....

 GS. Trần Hữu Tước
Theo dantri.com.vn
Thu Hiền (st)

Bài viết khác: