Từ nhiều năm nay, với nhiều người dân Sóc Trăng, Khu Di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc tại xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung) là điểm đến thường xuyên của họ. Đây không chỉ là nơi gửi gắm niềm tin tâm linh mà còn là cách để người dân thể hiện tấm lòng kính yêu với Bác.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh toạ lạc tại ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông (trước đây là ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú), trên khu đất có diện tích 6.678m2. Từ TP. Sóc Trăng đến Đền thờ Bác có thể đi bằng hai con đường: Đến thị trấn Long Phú qua phà Đại Ân hoặc theo Quốc lộ 60 qua phà Đại Ngãi; còn ở Cần Thơ thì xuôi theo đường Nam sông Hậu qua phà Đại Ngãi đến Cù Lao Dung đều rất thuận tiện.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhân dân xã An Thạnh Đông nói riêng, nhân dân Long Phú và Sóc Trăng nói chung đã chịu biết bao gian lao, khổ cực, đóng góp nhiều công sức, máu xương của mình cho sự nghiệp kháng chiến, góp phần đi đến thắng lợi cuối cùng. Chiến công ấy đã đi vào thơ ca qua bài hát “Du kích Long Phú” của cố nhạc sĩ Quốc Hương. Lời bài ca có đoạn nói về hình ảnh và tiếng tăm của du kích Long Phú xưa, Cù Lao Dung nay:
“Ai về Cù Lao Dung
Nhớ ghé viếng Rạch Già
Nhớ về An Thạnh Nhứt
Hỏi Tây đã chết mấy thằng…”.
Theo lời kể của các cụ lão thành cách mạng, giữa lúc kháng chiến của quân dân miền Nam nói chung, của dân Long Phú và Sóc Trăng nói riêng đang ở thời kỳ đọ sức quyết liệt với kẻ thù, tình thế cách mạng ở các vùng cù lao gặp phải vô vàn khó khăn, thì một tin buồn ập tới: Bác Hồ không còn nữa. Đây là nỗi đau không gì bù đắp được.
Là người dân ở vùng sông nước cù lao, lại là vùng kháng chiến mang ơn Đảng, ơn Bác Hồ nên nỗi đau này hơn ai hết, nhân dân An Thạnh Nhì vô cùng thấm thía. Huyện uỷ, Mặt trận giải phóng dân tộc huyện, dân quân xã An Thạnh Nhì cũng như đồng bào, chiến sỹ vùng đất này đã tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ.
Tại buổi lễ này có hàng ngàn người đến dự, đồng chí Bí thư Huyện ủy đọc bài điếu văn nói về công ơn trời biển của Người và kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sỹ biến đau thương thành hành động cách mạng. Sau lời tuyên thệ và quyết tâm đó, đã có hàng trăm ý kiến yêu cầu lãnh đạo huyện, xã cho nhân dân lập ngay một đền thờ trên đất Cù Lao Dung để tưởng nhớ và phụng thờ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Việc lập đền thờ đã khó, nhưng việc gìn giữ, bảo vệ đền còn khó hơn. Cuối cùng, hội nghị thống nhất giao cho xã ủy An Thạnh Nhì vận động quyên góp tiền bạc, phương tiện vật liệu và khởi công xây dựng đền thờ Bác, đồng thời có kế hoạch cho quần chúng chuẩn bị tinh thần đấu tranh chính trị, võ trang để gìn giữ bảo vệ.
Ngay sau khi đi dự họp huyện ủy mở rộng về, xã ủy An Thạnh Nhì mở hội nghị bàn sâu về vấn đề này. Xã ủy tham khảo ý kiến của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc về việc chọn địa điểm và mô hình xây dựng, đại đa số đại biểu chọn xóm 6, ấp Nguyễn Công Minh, vì đây là trung tâm của xã, có địa hình phức tạp, giặc khó đánh phá… Ban xây dựng đền thờ Bác được thành lập do ông Trần Văn Dẫn, xã uỷ viên làm trưởng ban; ông Nguyễn Huy Hoàng, Chi bộ ấp làm Phó ban. Thợ mộc phục vụ dựng đền thờ Bác là các ông Phùng Văn Lợi, Trần Văn Hận, Phạm Ngọc Nâu, Huỳnh Hữu Lộc, Lý Văn Trông, Hồng Văn Hiệp. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 3/2/1970 - 40 năm ngày thành lập Đảng, công trình chính thức được thi công.
Việc xây dựng đền thờ Bác phải qua nhiều khó khăn gian khổ, máy bay, tàu chiến của địch liên tục đánh phá nên phải làm vào buổi chiều và ban đêm. Dù vậy, anh em thợ và nhân dân trong ấp làm việc với tinh thần nhiệt tình, khẩn trương.
Xuất phát từ lòng kính yêu Bác Hồ, bà con An Thạnh Nhì không quản gian khổ hy sinh, gian lao vất vả để hoàn thành đền thờ Bác đúng vào ngày sinh nhật Người, 19/5/1970.
Thời điểm này, Mỹ Nguỵ mở các cuộc càn quét lấn chiếm, tái chiếm những vùng nông thôn căn cứ cách mạng. Người dân Long Phú - Cù Lao Dung - An Thạnh Nhì đã cương quyết, khôn khéo, mưu trí, dũng cảm đương đầu với kẻ thù để bảo vệ an toàn cho ngôi đền thờ Bác.
Một lần, giặc kéo đến và hết sức ngạc nhiên khi thấy ở đây có đền thờ Bác Hồ nên chúng quyết phá bỏ. Khi giặc hỏi: “Ai đứng ra xây cất?”, bà con đồng thanh trả lời: “Dân trong ấp đồng lòng”. Nghe bà con trả lời cứng cỏi, bọn giặc nhào tới đánh đập nhưng không ai nao núng tinh thần.
Không đàn áp, hù doạ được, chúng xoay qua đòi đốt đền thờ, bà con cương quyết ngăn lại, với lý lẽ: “Đền ở đây sát bên nhà chúng tôi, các ông đốt rồi cháy lan đến nhà cửa rồi sao? Với lại từ xưa đến nay không có ông quan nào lại đốt đền, miếu, nơi thờ thần thánh…”. Cuối cùng, giặc đuối lý phải rút lui.
Sau đó, kẻ thù lại nhiều lần kéo đến hăm dọa đốt phá đền, nhưng với sự mưu trí và lý lẽ đấu tranh sắc bén, người dân nơi đây đã ngăn chặn âm mưu của kẻ thù, giữ trọn vẹn đền thờ Bác cho đến ngày giải phóng. Năm 1990, đền thờ Bác được trùng tu theo dạng kiên cố, hoàn thành đúng dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Bác.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng theo kiến trúc cổ dân gian: “Một gian, hai chái, bát dần, tứ tượng”, trong đền, trên 4 cột chính có hai câu đối, nền sơn chữ đen trắng, cặp ngoài viết:
“Chí khí tráng sơn hà anh hùng cứu nước duy hữu nhất,
Minh tinh quang vũ trụ Á Âu hào kiệt thị vô song”.
Cặp đối ở hai cột trong viết:
“Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu,
Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Ở mảng tường chính, sau bệ thờ Bác là hai lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc, kẻ bằng sơn liền nhau, hai đà dọc hai bên có hai tấm biển đề hai khẩu hiệu: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị đặc biệt - đó là tấm lòng của người dân, cán bộ và chiến sỹ huyện Long Phú - Cù Lao Dung và tỉnh Sóc Trăng đối với Bác. Ngày 28/12/2001, Đền thờ Bác Hồ được Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định công nhận là Di tích lưu niệm danh nhân cấp quốc gia theo Quyết định số 53/2001/QĐ – BVHTT.
Trải qua nhiều lần tôn tạo, sửa chữa, đến năm 2010, UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định đầu tư, tôn tạo đền thờ Bác Hồ với kinh phí trên 30 tỷ đồng, gồm các hạng mục: nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà hội, sân lễ, ao sen, tường rào, đường nội bộ… trên diện tích rộng hơn 2,2ha.
Sau gần 3 năm thi công, ngày 02/6/2013, Đền thờ Bác Hồ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng lòng mong đợi và là niềm tự hào của nhân dân Sóc Trăng. Ngôi đền mới được xây dựng cạnh ngôi đền cũ. Ngoài khu đền chính và sân lễ, còn có nhà truyền thống trưng bày các hiện vật lịch sử, cổng chào, công viên cây xanh… Bây giờ, Đền thờ Bác Hồ đã trở thành địa chỉ văn hóa, lịch sử thu hút đông đảo người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến tham quan, thể hiện lòng yêu kính với vị cha già dân tộc./.
Cao Xuân Lương
Theo kinhtenongthon.com.vn
Minh Thu (st)