Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, để triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 Quốc hội đã xem xét, thông qua những 11 dự án Luật quan trọng là: Luật Tổ chức Chính phủ 2015; Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015; Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam 2015; Luật Nghĩa vụ quân sự 2015; Luật Thú y 2015; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2015; Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi 2015; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015; Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.

Sau đây là những điểm mới nổi bật của 11 Luật vừa được thông qua:

1. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Ngày 22/6/2015 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đã biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi xem xét lần cuối dự thảo đã có 439 đại biểu (88,87%) trên tổng số 446 (90,28%) đại biểu Quốc hội có mặt nhất trí biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Luật này quy định rõ nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Trong đó, về văn bản quy phạm pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ là: Văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này. Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định của Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Luật quy định gồm:

- Hiến pháp

- Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật)

- Nghị quyết của Quốc hội

- Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội

- Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ

- Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

- Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

- Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

- Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

- Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

- Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

- Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

- Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh)

- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện)

- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã)

- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Luật này cũng quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm là: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, trái văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 của Luật này nhưng chứa quy phạm pháp luật. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này. Quy định thủ tục hành chính trong Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp được giao trong luật.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.

2. Luật Tổ chức chính phủ 2015

Sáng 19/6/2015 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đã biểu quyết thông qua Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Sau khi xem xét lần cuối dự thảo đã có 433 đại biểu tham gia biểu quyết, bằng 87.65% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu Quốc hội tán thành là 410 (tỷ lệ 83%), số đại biểu không tán thành là 6 (tỷ lệ 1.21%) và số đại biểu không biểu quyết là 17 (tỷ lệ 3.44%).

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gồm 7 Chương và 50 Điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 và sẽ thay thế Luật Tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 hết hiệu lực.

Sau khi dự thảo Luật được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Thành viên của Chính phủ gồm có Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước và do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ có một số nhiệm vụ và quyền hạn như: lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia...

Về số lượng cấp phó, Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập Bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ, số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục và đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3; số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4.

Luật này cũng phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chức năng và phạm vi quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.

Chính phủ tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, năng động, hiệu quả; bảo đảm nguyên tắc cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan cấp trên.

Cùng với đó, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Minh bạch, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp; bảo đảm thực hiện một nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, phục vụ nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân…

Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015

Sáng 19/6/2015 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Sau khi xem xét lần cuối dư thảo đã có 89,27% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 8 chương 143 điều, quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính. Luật này được thông qua vào ngày 19/6/2015 và có hiệu lực từ 01/01/2016, sẽ thay thế cho Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Về cấp chính quyền địa phương luật quy định gồm có các đơn vị hành chính là: Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện); xã, phường, thị trấn (cấp xã) và đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Luật quy định đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) có không quá 5 Phó Chủ tịch, loại I có không quá 4 phó chủ tịch, loại II và loại III có không quá 3 Phó Chủ tịch UBND; đơn vị hành chính cấp huyện loại I có không quá 3 Phó Chủ tịch, loại II và loại III có không quá 2 Phó Chủ tịch UBND; đơn vị hành chính cấp xã loại I có không quá 2 Phó Chủ tịch, loại II và loại III có 1 Phó Chủ tịch UBND.

Về số lượng đại biểu luật quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ 95 đại biểu lên 105 đại biểu để phù hợp với quy mô dân số, đặc điểm, tính chất của các đô thị lớn này (Điều 39).

Luật đã xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của tập thể và của cá nhân Chủ tịch Ủy ban nhân dân, theo đó, Ủy ban nhân dân chủ yếu tập trung vào thảo luận tập thể để quyết định những nội dung trình Hội đồng nhân dân cùng cấp, còn việc chỉ đạo, điều hành giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

3. Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam 2015

Chiều ngày 09/6/2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đã biểu quyết thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sau khi xem xét lần cuối dư thảo đã có 422 (chiếm 85,25%) biểu quyết tán thành thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Luật này được thông qua vào ngày 09/6/2015 và có hiệu lực từ 01/01/2016.

Luật mới này sẽ xây dựng thiết chế cho Mặt trận tổ quốc Việt Nam với tư cách là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các sửa đổi, bổ sung mới tập trung vào một số nhiệm vụ, quyền hạn mới cũng như tổ chức của Mặt trận, mối quan hệ giữa Mặt trận với Nhà nước, phương thức tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phối hợp với tổ chức tiếp xúc cử tri của các cơ quan quyền lực.

Hai vấn đề quan trọng là tiếp dân và hoạt động giám sát, phản biện xã hội cũng được đạo luật đưa vào nhiều chế định mới và quy định cụ thể.

4. Luật Nghĩa vụ quân sự 2015

Chiều ngày 19/6/2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đã biểu quyết thông qua Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) với 433/433 đại biểu có mặt tại Hội trường tán thành.

Luật này có hiệu lực từ 01/01/2016.

Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng (quy định cũ gồm hai mức 18 tháng và 24 tháng).

Đạo luật vừa được Quốc hội thông qua quy định công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Công dân theo học cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi (tuổi gọi nhập ngũ theo quy định cũ là từ 18 đến 25).

Về nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, Luật Nghĩa vụ quân sự vừa được Quốc hội thông qua quy định công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân. Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.

5. Luật Thú y 2015

Chiều ngày 19/6/2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đã biểu quyết thông qua Luật thú y với 85,43% đại biểu tán thành.

Luật Thú y gồm 7 chương, 116 điều, quy định về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y.

Đối tượng áp dụng của Luật là: Tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động thú y tại Việt Nam.

Luật Thú y nêu rõ nguyên tắc hoạt động là: Bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động thú y từ trung ương đến địa phương nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe động vật, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, tính bền vững trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái;

Thực hiện việc phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời, chống dịch khẩn trương; phát hiện nhanh, chính xác, xử lý triệt để các ổ dịch, nguồn lây dịch bệnh; ngăn chặn kịp thời sự lây nhiễm, lây lan của đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật;

Phòng, chống dịch bệnh động vật trước hết là trách nhiệm của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả;

Bảo đảm thuận lợi trong giao dịch thương mại đối với động vật, sản phẩm động vật; hài hòa lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, kết hợp khoa học và công nghệ hiện đại với kinh nghiệm truyền thống của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh, chữa bệnh động vật.

Luật Thú y sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: