bai viet le Leptonxoi anh

Năm 1960, Tòa soạn báo Văn học ở Moscow đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bài về văn hào Nga vĩ đại Lev Tolstoi. Khi đó vừa tròn 50 năm Tolstoi rời bỏ ngôi nhà của mình ở Yasnaia Poliana và qua đời. Năm 1960 được tuyên bố là "Năm Tolstoi". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đáp lại lời đề nghị của tòa soạn.

Bài báo nhỏ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan trọng ở nhiều phương diện. Thứ nhất, đó là một tư liệu quý giá của nhân loại, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh kể về bản thân mình, về tuổi trẻ của mình, về sự trưởng thành về tinh thần và nghệ thuật của mình với tư cách là một nhà văn, nhà báo. Người kể lại một cách rõ ràng với phong cách giản dị, sáng sủa, giàu hình ảnh, với sự chân thành sâu sắc, có lúc thoáng chút hài hước khi Người nhớ lại thời gian đầu làm quen với sáng tác của Tolstoi. Thứ hai, bài báo là một cứ liệu hiếm hoi về vai trò của các nhà văn cổ điển Nga và của Tolstoi trong sự hình thành văn học cách mạng Việt Nam, về sự tiếp nhận văn học hiện thực phê phán Nga của nhà hoạt động văn hóa vĩ đại Việt Nam và về nhiều điều khác. Bài báo nhỏ nhưng rất nhiều thông tin.

Đầu tiên bản dịch sang tiếng Nga của bài báo được đăng ở Moscow trên tờ Văn học số ra ngày 19-11-1960, còn nguyên bản tiếng Việt thì hai ngày sau được đăng trên Báo Nhân Dân (số ngày 26-11-1960). Tạp chí Văn nghệ sau đó đăng lại. Giữa các văn bản tiếng Nga và tiếng Việt có một số chỗ khác nhau, chủ yếu là về phong cách. Trong bản tiếng Việt và bản tiếng Nga bài báo mang các tựa khác nhau. Trên báo Văn học nó có tên "Kỷ niệm về Người".

Việc Nguyễn ái Quốc vào đầu những năm 20 quan tâm đến sáng tác của Tolstoi là điều rất tự nhiên, bởi chính Tolstoi chứ không phải ai khác trong các nhà văn cổ điển Nga có rất nhiều mối quan hệ với văn hóa phương Đông, với các nhà hoạt động nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa và trong phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc Châu Á, trong số họ có người chiến sĩ vĩ đại đấu tranh cho độc lập của ấn Độ Mahatma Gandhi, có nhà văn Nhật Bản nổi tiếng Tokutomi Roka.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo về Tolstoi ấy ở đâu và trong hoàn cảnh nào? Câu hỏi đó từ lâu đã làm tôi quan tâm. Hóa ra, vào tháng 11 năm 1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở Moscow, Người dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam tham dự Hội nghị của Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân. Tôi tìm đến một số đồng chí Liên Xô phục vụ cho Đoàn Việt Nam lúc đó và đã sáng tỏ một số chi tiết.

Người ta kể cho tôi rằng ngày làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy ắp những công việc quan trọng và kéo dài 17 tiếng đồng hồ hoặc hơn thế nữa, với vài lần nghỉ ngắn ngủi. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ trở về tòa nhà nhỏ hai tầng nằm trong khu phố Mosfilm ở phía Tây Nam Moscow, nơi Đoàn đại biểu Việt Nam nghỉ lại, sau 12 giờ đêm; 5 - 6 giờ sáng Người đã dậy và bắt đầu ngày làm việc. Người chỉ có thể được ngủ 4 - 5 tiếng. Trong điều kiện như thế, rút bớt thời gian ngủ, Người không cho phép mình được từ chối lời đề nghị của Tòa soạn báo Văn học và đã viết bài báo về Tolstoi.

Còn giữ lại một cứ liệu khác về những ngày đó: Cùng thời gian này cũng ở Moscow có nhà văn Nguyễn Công Hoan đến để tham dự các hoạt động kỷ niệm Tolstoi, và ông đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17-11-1960. Nguyễn Công Hoan nhớ lại: Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trong giá rét, mặc chiếc măng-tô và đội chiếc mũ lông, hồng hào, nhanh nhẹn. Thời gian của Chủ tịch quá chật hẹp, Người đang vội, cuộc nói chuyện với Nguyễn Công Hoan rất ngắn ngủi.

... Với tình cảm biết ơn sâu sắc, tôi lần nữa lại đọc lại bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Lev Tolstoi: Mỗi chữ mỗi từ đều tràn đầy ý nghĩa.

N.i.nikulin
Phương Phương dịch
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam số ra ngày 11/6/2003
Kim Yến (st)

Bài viết khác: