Dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi kể về một thời tham gia kháng chiến, nhất là ba lần vinh dự được gặp Bác Hồ, đôi mắt Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Ngọc Phương lại ánh lên một niềm tự hào. Với ông, kỷ niệm những lần được gặp Bác vẫn còn nguyên trong ký ức.

anh hung tran ngoc phuong anh1
Anh hùng Trần Ngọc Phương trò chuyện cùng tác giả.

Bên chén trà nóng, câu chuyện của tôi với ông càng trở lên sôi nổi và ký ức một thời bom đạn lại ùa về. Tháng 7/1963, cậu học trò lớp bẩy cuối cấp hai trường huyện Lạng Giang Trần Ngọc Phương được lệnh nhập ngũ. Ve áo ông có một ngôi sao trên nền nỉ đỏ cấp bậc Binh Nhì thuộc A4, B2, C8, D2, Đoàn Thảo Nguyên 335 anh hùng. Sau khóa huấn luyện cấp tốc 6 tháng, ông đã trở thành người lính thực thụ và cùng đơn vị nhận nhiệm vụ hành quân sang đất bạn Lào làm nhiệm vụ Quốc tế và trở thành "Người lính tình nguyện Việt Nam - Lào".

Rất nhiều kỷ niệm trong cuộc đời binh nghiệp, nhưng trận đánh ngày 18/5/1964 vẫn được ông và đồng đội nhớ nhất. Đây cũng là trận đánh quyết thắng được ông và đơn vị xác định để làm quà dâng lên sinh nhật lần thứ 74 của Bác.      

Ông Phương nhớ lại: Vào khoảng 15 giờ chiều hôm đó, đang ôm súng chờ giặc, bỗng xa xa sau lưng đội hình phòng ngự của đơn vị ông phía Pôn-Sa-Vẳn Xiêng Khoảng có tiếng ì ầm mỗi lúc một to dần, rồi rầm rầm mặt đất rung chuyển bởi xe tăng địch. Tiếng Đại đội Phó Tuấn nói nhẹ nhắc nhở mọi người chuẩn bị chiến đấu.

anh hung tran ngoc phuong anh2
Anh hùng Trần Ngọc Phương trong trận đánh ngày 18-5-1964. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Trận đánh hôm đó đến khoảng 18 giờ thì kết thúc. Đơn vị ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt bắt sống toàn bộ binh đoàn thiết giáp duy nhất của địch gồm 21 xe tăng, bọc thép, 4 xe tải, 1 xe con, hàng ngàn vũ khí, quân trang, quân dụng và 2 tiểu đoàn bộ binh cùng 44 sỹ quan cấp tá, úy định chui vào xe tăng chạy khỏi Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng. Riêng ông đã trực tiếp tiêu diệt 2 xe tăng địch. "Đây cũng là trận đánh kết thúc Chiến dịch 74 (Chiến dịch đường số 7 năm 1964 nên có tên gọi là Chiến dịch 74). Trận đánh thắng lợi trước Ngày sinh nhật Bác một ngày cũng chính là món quà chúng tôi kính dâng lên Bác Hồ kính yêu dâng lên mừng 74 năm Ngày sinh Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc", ông Phương nói.

Trở lại câu chuyện những lần gặp Bác, ông Phương vẫn nhớ như in vào tháng 8 năm 1964, ông được về Hà Nội dự Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quốc. Tại đây, ông được gặp, chụp ảnh với Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nghe Bác phát biểu về chủ quyền, độc lập đất nước, về lẽ sống của thế hệ thanh niên trong phong trào chống Mỹ cứu nước.

anh hung tran ngoc phuong anh3
Lần đầu tiên Anh hùng Trần Ngọc Phương (thứ 3 từ phải sang, hàng đầu) được gặp và chụp ảnh lưu niệm với Bác. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Là một chiến sỹ trẻ được nhận Huân chương cao nhất Đại hội (Huân chương Quân công) nên ông được Bác trực tiếp hỏi chuyện, ôm hôn và Bác đã vỗ vào lưng ông động viên cố gắng hơn nữa, dũng cảm lập công để lần sau về gặp Bác. Ông còn vinh dự trực tiếp gặp Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng...

Lần thứ hai ông Phương được gặp Bác đó là vào ngày 28/12/1966. Dịp đó ông vinh dự về dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua lần thứ 4 tại Hội trường Ba Đình Hà Nội. Bốn ngày dự Đại hội ông đã ba lần gặp Bác. Nhưng đặc biệt là sáng 02/01/1967, sau khi 111 người vừa được Quốc hội, Chính phủ và Bác Hồ tuyên dương là Anh hùng vào Phủ Chủ tịch gặp Bác. Bác chúc mừng các anh hùng và căn dặn: "Có anh hùng vì có tập thể anh hùng, có dân tộc anh hùng".

Bác hỏi thăm sức khỏe, đơn vị và Bác nghe một số đại biểu phát biểu. Ông Phương được mời đến bên Bác để báo cáo về chiến công mừng sinh nhật Bác. Bác đã động viên: "Bộ đội Điện Biên phủ đánh gần cũng giỏi, đánh xa cũng giỏi" (lúc đó sau khi chiến thắng Nậm Bạc Luông-Pha-Băng Đoàn 335 tạm về Điện Biên để củng cố huấn luyện).

Lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng Anh hùng Trần Ngọc Phương được gặp Bác trước lúc Người đi xa. Ông kể đó là những ngày cuối tháng 8/1969, ông được gọi về để gặp Bác. Bác nằm đó vầng trán rộng, đôi mắt sáng vẫn bừng nên khí phách, tình yêu thương đất nước, đồng bào. Ông và mọi người đứng lặng nhìn Bác mà không dám khóc to.

Câu chuyện về một thời bom đạn và kỷ niệm những lần gặp Bác giữa tôi và Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Ngọc Phương dần lắng xuống. Nói về anh hùng của đời thường ông Phương bộc bạch: Bằng tình cảm sâu đậm với những người anh em Lào, năm 1987 ông và các đồng đội đứng ra thành lập Ban liên lạc quân tình nguyện Việt Nam tại Lào của tỉnh Bắc Giang và ông đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Bắc Giang. Mỗi khi có dịp trở lại chiến trường xưa, ông luôn hôn lên mảnh đất đầy kỷ niệm - mảnh đất đã để lại trong ông biết bao yêu thương, gắn bó, mảnh đất có hương sắc hoa chămpa ngào ngạt, có rừng Mắc Kiêng đậm nghĩa tình quân dân và những điệu phòn theo nhịp trống Lam vông rộn ràng đầy mê hoặc.

Ngọc Hân
Theo baobacgiang.com.vn
Minh Thu (st)

Bài viết khác: