Cùng với việc phủ nhận tính nhân văn, nhân đạo cao cả trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, một số người thiếu thiện chí còn ngụy biện cho rằng, nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn trừu tượng, nhân văn không có thật, nhân văn chỉ tồn tại trong lời nói, chứ không hiện hữu trong thực tiễn cách mạng. Thực chất, đó là một kiểu suy diễn thiếu căn cứ khoa học, không tôn trọng thực tiễn khách quan.

Nhiều công trình nghiên cứu của các chuyên gia trong nước và trên thế giới đều thống nhất chỉ rõ: Tư tưởng nhân văn quân sự (NVQS) Hồ Chí Minh là kết quả hoạt động tư duy và thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo cũng như tổ chức thực hiện hoạt động quân sự, quốc phòng của Người. Tư tưởng đó phản ánh sâu sắc quan điểm về con người trong hoạt động quân sự, quốc phòng, nhất là trong đấu tranh vũ trang và chiến tranh cách mạng để giải phóng con người, vì con người. Tư tưởng NVQS Hồ Chí Minh còn là sự phản ánh nhân cách và sự nghiệp của Người, trong đó tính chất nhân đạo, chính nghĩa của bạo lực cách mạng là nội dung cốt lõi trong tư tưởng NVQS Hồ Chí Minh; nó là một trong những nội dung trực tiếp góp phần bổ sung, phát triển và làm phong phú thêm kho tàng di sản tư tưởng NVQS Việt Nam, thể hiện rõ nét ở những nội dung sau:

Hết lòng yêu thương bộ đội và quần chúng nhân dân

Không đúng như cách ngụy tạo của những kẻ xấu tìm cách xuyên tạc, bôi nhọ thần tượng Hồ Chí Minh. Thực tiễn cho thấy, tình yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chung chung, không trừu tượng, mà luôn cụ thể, sinh động, thiết thực. Trong lĩnh vực quân sự, đó là tư tưởng “cán bộ phải thương yêu chiến sĩ”.

Là người lãnh đạo tối cao sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nêu gương và nhắc nhở cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp về tinh thần yêu thương cấp dưới, yêu thương chiến sĩ. Trong những lần đến thăm, đến làm việc, kiểm tra hay trong thư gửi các đơn vị, Người thường xuyên căn dặn, nhắc nhở: “Cán bộ, chiến sĩ phải đoàn kết thương yêu đùm bọc nhau”, “phải thật lòng thương yêu binh sĩ”, “cán bộ phải thương yêu đội viên”. Năm 1951, đến thăm và nói chuyện tại Trường Chính trị trung cấp quân đội, Người xác định: “Cán bộ phải thương yêu chiến sĩ”(1)… Đây là thuật từ cơ bản mà Người thường dùng để yêu cầu và chỉ ra nội hàm về tình yêu thương của người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp đối với cấp dưới và chiến sĩ trong LLVT nhân dân Việt Nam.

yeu thuong cam hoa anh
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Người khẳng định, đối với Quân đội ta, việc dụng binh là việc nhân nghĩa, để cứu dân, cứu nước. Quan điểm đó xuất phát từ lòng quý trọng con người, tiết kiệm xương máu của bộ đội và nhân dân trong chiến tranh của Hồ Chí Minh. Người xác định, chúng ta chỉ tiến hành chiến tranh khi không còn con đường nào khác, không còn bất kỳ tia hy vọng nào để cứu vãn hòa bình do kẻ thù ngoan cố và hiếu chiến. Vì thế, chúng ta luôn phải chuẩn bị lực lượng và sẵn sàng, khi đã chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và nhân dân thì phải chủ động và kiên quyết, không ngừng thế tiến công để kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất. Trong điều kiện lực lượng ta và địch quá chênh lệch thì “Đánh bại ý chí xâm lược từng bước, đi đến đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của kẻ thù”(2). Trong chiến tranh cũng như trong mọi trận chiến đấu, Người yêu cầu cán bộ phải biết quý trọng con người, quý trọng máu xương của bộ đội.

Lời nói luôn gắn với hành động. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng, tiêu biểu về tình thương yêu đối với cán bộ, chiến sĩ. Bằng những hành động và việc làm hằng ngày của mình, Người đã nêu tấm gương mẫu mực về sự quan tâm, săn sóc, gần gũi với đời sống cán bộ, chiến sĩ một cách chân thành, giản dị, bao dung. Những hành động rất đỗi tự nhiên, nhưng chan chứa tình người của Bác, như bóp chân cho chiến sĩ đêm khuya canh gác cho Bác, do sơ ý bị ngã xuống hố tránh bom tại Chiến khu Việt Bắc. Bác phê bình đồng chí Tư lệnh Hải quân, khi bộ đội đảo Vạn Hoa ở ven biển mà thiếu cá ăn. Bác tặng chị Lý (người con gái anh hùng đất Quảng ra Bắc điều trị bệnh) nhiều quà, từ lọ nước hoa đến chai mật ong, chiếc áo len chống rét, mấy thước vải hoa, túi chườm nước nóng, chiếc quạt giấy, lọ cắm hoa và cả chiếc va-li Người đang dùng. Bác nhường tiền nhuận bút viết báo của mình để bộ đội phòng không mua nước uống trực chiến trên tháp pháo. Bác nhường áo trấn thủ cho người chiến sĩ đi tuần đêm bị nhiễm lạnh. Bác đi chúc Tết và mời anh em bảo vệ đến xông nhà cho Bác. Bác giúp anh thương binh không còn hai tay khi đi vệ sinh tại Phủ Chủ tịch, khi được Bác mời dự gặp mặt. Bác tặng chiếc đồng hồ của mình cho người chiến sĩ chuẩn bị vào Nam đánh giặc… Đến khi viết những dòng Di chúc cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên dặn dò Đảng, Nhà nước phải quan tâm đến thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và nhất là công ăn việc làm của bộ đội phục viên, chuyển ngành khi cuộc kháng chiến của ta hoàn toàn thắng lợi.

Như vậy, tư tưởng NVQS và cuộc đời Hồ Chí Minh đều toát lên tình yêu thương, sự tôn trọng, thái độ bao dung của Hồ Chí Minh với những người hoạt động trong lĩnh vực quân sự. Bằng hành động và ứng xử của mình, Người không chỉ truyền lại cho mỗi cán bộ quân đội đạo lý làm người là phải biết yêu thương con người và sống với nhau có tình, có nghĩa, mà còn phải biết thương yêu chiến sĩ như những người em, người con, người thân trong gia đình. Đó là phẩm chất, là đạo lý nhân văn cao cả và cốt lõi của người cán bộ của đội quân cách mạng mà Người dày công xây dựng, vun đắp.

Nhân đạo, khoan dung với kẻ thù

Trong tư tưởng NVQS Hồ Chí Minh, đối với địch, dù họ là kẻ đi xâm lược, không phân biệt màu da hay quốc tịch, Hồ Chí Minh đều coi họ là con người. Theo Hồ Chí Minh, họ cũng có Tổ quốc, có cha, mẹ, có anh em và bạn bè, họ cũng muốn sống và phải được sống. Vì thế, đừng để họ phải chết uổng công, vô ích. Trong thư trả lời Tổng thống Mỹ Ri-sớt Ních-xơn, Hồ Chí Minh chỉ ra: “Chiến tranh kéo dài làm cho nước Mỹ càng hao người tốn của. Tôi vô cùng công phẫn trước những tổn thất và tàn phá do quân Mỹ gây ra cho nhân dân và đất nước chúng tôi; tôi cũng rất xúc động thấy ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ chết vô ích ở Việt Nam vì chính sách của nhà cầm quyền Mỹ. Trong số 25.000 binh sĩ Mỹ bị Chính phủ Mỹ đưa sang tham chiến ở miền Nam, đã có hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương. Tức là hàng trăm nghìn chị em phụ nữ Mỹ đã bị mất chồng, mất cha, mất con, hoặc mất người yêu!”(3).

Trong chiến tranh, phía ta và bên địch đều phải đổ máu, hy sinh. Ai chết cũng vậy, Người đều đau thương, xem đó là kết quả từ tội ác của những người chủ mưu gây ra cuộc chiến tranh phi nghĩa. Người cho rằng “máu nào cũng là máu, người nào cũng là người”, “những dòng máu đó đều quý như nhau”, nên đã là con người thì phải được bảo vệ. Bởi vậy, ngay trong tư tưởng và hành động, không ở đâu, chưa khi nào Người chủ trương “giết sạch, đốt sạch” để trả thù bọn thực dân, đế quốc, mà chỉ tỏ rõ quyết tâm: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Đối với tù binh, hàng binh và những đối tượng có quan điểm và lợi ích đối lập với ta, Người luôn trân trọng phần thiện ở họ. Bằng nhiều cách, Người đã khai thác và tìm cách nhân lên tình người còn tiềm ẩn trong họ, giúp họ nhận ra lẽ phải để cải tà, quy chính. Nhờ độ lượng, vị tha, bằng những chủ trương, chính sách và cách xử lý “thấu lý, đạt tình”, Hồ Chí Minh đã tạo sức thuyết phục, cảm hóa đối với kẻ thù, đã thức tỉnh lương tri, quy tụ nhiều người lầm lỗi trở về với cách mạng, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Với lòng nhân ái, vị tha, Hồ Chí Minh luôn đề cao chính sách đối xử nhân đạo với tù, hàng binh và những người lầm lỗi đã có “thiện tâm”, “phục đức”. Người nhắc nhở quân và dân ta cần đối xử khoan hồng với tù, hàng binh. Người chỉ thị: “Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”(4). Bản thân Người đã nhiều lần gặp gỡ tù binh, hàng binh, thăm hỏi gia đình, sức khỏe, sự đối đãi của phía ta đối với họ. Trong một bức thư gửi tới Người, 135 tù binh đã tỏ lòng “cảm kích sâu sắc trước tấm lòng độ lượng của Ngài đối với chúng tôi”.

Tư tưởng nhân văn, nhân đạo, khoan dung của Hồ Chí Minh với tù, hàng binh đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vận dụng xuyên suốt trong các cuộc kháng chiến. Ngay sau Chiến dịch Biên giới (1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định ân xá, thả cả hai sĩ quan chỉ huy binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sác-tông, cùng hàng trăm tù binh của Pháp. Ngay trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 30-3-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thả 200 tù binh người Bắc Phi. Trong thư gửi cho những tù binh này, Người viết: "Tôi biết rằng, đó không phải lỗi của các bạn, các bạn đều là nạn nhân buộc phải cầm súng chiến đấu cho thực dân Pháp". Người còn viết: “Tôi nghĩ rằng, đến một ngày gần đây hai dân tộc Pháp-Việt có thể cùng cộng tác trong hòa bình và thân ái, để mưu cầu hạnh phúc cho hai dân tộc”. Hồ Chí Minh giải thích với tù binh: "Các ông biết chiến tranh là chiến tranh. Quân đội Việt Nam chỉ làm chiến tranh trong các trận đánh, sau trận đánh đối với quân đội bại trận, Quân đội Việt Nam coi các binh sĩ như người dân Pháp". Trong một lần đến thăm tù binh, Bác còn cởi cả áo khoác của mình cho một sĩ quan Pháp đang bị sốt rét...

Chính lòng nhân đạo, khoan dung của Hồ Chí Minh trong việc xác định đúng kẻ thù và đối đãi với tù binh, hàng binh và người lầm lỡ quay trở lại với nhân dân, với cách mạng, đã làm giảm đi nhiều tổn thất trong các cuộc chiến tranh, nhất là làm dịu mối hận thù giữa hai dân tộc, hai quốc gia đối địch trong chiến tranh. Cố Thủ tướng Ấn Độ P.J.Nê-ru từng viết: “Người (Hồ Chí Minh) là một con người của quần chúng, một lãnh tụ có sự kết hợp hiếm có giữa lòng khoan dung tột độ và ý chí nhất; xét theo bất cứ tiêu chuẩn nào Người cũng là một nhân vật nổi bật nhất trong thời đại chúng ta”(5).

Thực hiện tư tưởng của Người, lòng nhân đạo đối với tù binh, hàng binh địch được nhân dân ta vận dụng rất thành công trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Tù binh và hàng binh Mỹ đều được đối xử rất nhân đạo, được giáo dục và trả về đoàn tụ cùng gia đình, có người sau này trở thành thượng nghị sĩ và Đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Nhiều tù binh có tình cảm tốt với nhân dân ta và chính họ đã bắc nhịp cầu nối lại tình đoàn kết giữa hai dân tộc, mở ra phương hướng hợp tác mới giữa hai quốc gia. Truyền thống đại nghĩa và nhân văn gắn liền với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc thể hiện qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm là thông điệp mà nhân dân ta muốn gửi tới các tổ chức và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới; đồng thời cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với các thế lực thù địch có âm mưu chống phá công cuộc đổi mới trên đất nước ta, hoặc xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.

------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.219.

(2) Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.252.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.488.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.29-30.

(5) Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nhà xuất bản Lao Động và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993.

                                                                                  XUÂN BỘ và TẤN TUÂN

Bài 3: Kiên định vận dụng tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh xây dựng quân đội của dân, vì dân.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Đức Lâm (st)

Bài viết khác: