Năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang sôi nổi khí thế chào mừng kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, lần đầu tiên Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, bất khả xâm phạm, nhân dân Việt Nam có quyền công dân chân chính. Có thể nói sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công - nông đầu tiên của khu vực Đông Nam Á sau sự kiện Cách mạng Tháng Tám thành công là thành quả đấu tranh cách mạng kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta. Tuy nhiên, sau khi tuyên bố độc lập, đất nước ta lại đứng trước bao cam go, thử thách, nhân dân ta phải trường kỳ kháng chiến để 30 năm sau mới có được độc lập toàn vẹn, đất nước thống nhất, non sông liền một dải, vững bước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để có được thành quả đó, nhân dân ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến với tất cả sức mạnh của tinh thần đoàn kết và "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

          Cách đây gần 50 năm, ngày 17-7-1966, trên Đài Tiếng nói Việt Nam, lời kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên: “… Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Đây là lời kêu gọi như một lời hịch kêu gọi toàn dân tộc đồng tâm, nhất trí, vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiến lên giành chiến thắng. Lời kêu gọi là một cuộc vận động lớn để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, củng cố niềm tin, xiết chặt đội ngũ để đi vào giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại không chỉ của dân tộc Việt Nam mà của cả nhân loại tiến bộ trong thế kỷ XX.

          Đầu năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đã bị quân và dân ta đánh bại. Tuy vậy, Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chúng chuyển sang thực hiện chiến lược “ Chiến tranh cục bộ”, tăng cường quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng sức mạnh không quân và hải quân Mỹ, hòng buộc phía Việt Nam phải ngồi vào đàm phán theo điều kiện ép buộc của Mỹ. Mùa hè năm 1965, Quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ: Nam triều Tiên, Úc, Niu Di lân,v,v,… ồ ạt đổ bộ vào miền Nam Việt Nam. Đến tháng 6 năm 1966, đội quân đó đã lên đến 30 vạn, trong đó có nhiều sư đoàn, lữ đoàn tinh nhuệ của Mỹ trở thành lực lượng chiến lược chủ yếu, trực tiếp tiến hành chiến tranh. Trên miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ từng bước được mở rộng về quy mô và cường độ với tuyên bố huênh hoang: Đưa miền Bắc quay trở lại thời kỳ đồ đá. Trên trường quốc tế, Mỹ triệt để lợi dụng mâu thuẫn Xô - Trung và mở “Chiến dịch hòa bình” hòng cô lập Việt Nam. Trong nước, chính quyền Mỹ thi hành các biện pháp bưng bít thông tin, không gọi lính trù bị, không tăng thuế, với hy vọng duy trì được sự ổn định nội bộ, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của Quốc hội và nhân Mỹ với chiến tranh Việt Nam. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chuyển toàn bộ hoạt động của miền Bắc từ thời bình sang thời chiến, tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện có chiến tranh, quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, phát huy vai trò hậu phương lớn với tiền tuyến lớn miền Nam, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với cách mạng hai nước Lào và Cămpuchia. Để tinh thần đó thấu suốt đến toàn dân, toàn quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

          Trong cuộc chiến tranh này, đế quốc Mỹ đã huy động và sử dụng một lực lượng quân sự và phương tiện chiến tranh khổng lồ hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng nước ta. Mỹ đã chi trực tiếp cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam tới gần 700 tỉ USD ( nếu tính cả chi phí gián tiếp thì lên tới gần 1.000 tỉ USD gấp gần 3 lần số tiền Mỹ chi trong cuộc chiến tranh thế giới hai (khoảng 341 tỉ USD) và gấp 20 lần Mỹ chi các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên (khoảng 54 tỉ USD…), Mỹ đã huy động tới 70% lục quân, 60% lính thuỷ đánh bộ; 40% hải quân và 60% không quân của nước Mỹ, với hơn 6,5 triệu lượt thanh niên trực tiếp tham gia chiến tranh ở Việt Nam cùng với 22.000 xí nghiệp quốc phòng trên nước Mỹ trực tiếp phục vụ chiến tranh ở Việt Nam. Một vài số liệu trên cho chúng ta thấy rõ hơn dã tâm của kẻ thù, qua đó cũng cho thấy tính chất nguy hiểm, mức độ khó khăn, ác liệt mà chúng ta phải chịu đựng…

          Mỹ đã sử dụng 15 triệu tấn bom đạn các loại ném xuống chiến trường Việt Nam, cùng hàng chục triệu lít chất độc màu da cam mà chúng thả xuống chủ yếu ở chiến trường Việt Nam, làm 17% diện tích ở nước ta bị phơi nhiễu, gần 5 triệu nạn nhân phải mang dị tật suốt đời và còn ảnh hưởng nhiều đến cả thế hệ con cháu họ trong tương lai. Trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, bình quân mỗi người phải chịu 45,5 kg bom đạn, tính ra 1 km2 chịu 6 tấn bom đạn. Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã dốc lòng, dốc sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong những năm kháng chiến (1954 - 1975), 70% các hộ gia đình ở miền Bắc có từ 1-2 con tham gia bộ đội hoặc thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước.

          Trải qua chiến tranh ác liệt, nhân dân ta càng thêm trân trọng những giá trị của độc lập và tự do. Một lần nữa câu nói "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Bởi lẽ, có độc lập tự do thì sẽ có tất cả. Đất nước không thể phồn vinh, dân tộc không thể phát triển, nhân dân không thể có cơm ăn, áo mặc và cuộc sống hạnh phúc nếu không có độc lập tự do của dân tộc; quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc trong một nước độc lập tự do là vô cùng quý giá và thiêng liêng, không ai có thể tự cho mình cái quyền can thiệp, có quyền xâm hại độc lập dân tộc của một quốc gia, dân tộc khác, càng không thể có quyền can thiệp đó bằng vũ lực. Và càng muốn có độc lập tự do thì các dân tộc bị áp bức không thể ngồi yên chờ đợi, càng không thể trông chờ vào sự “ban ơn” của các thế lực đế quốc, thực dân. Muốn có cuộc sống ấm no hạnh phúc thực sự thì vấn đề quyết định trước hết phải giành cho được độc lập tự do, phải vùng lên xóa bỏ mọi xiềng gông, xóa bỏ mọi áp bức, nô dịch…

          Chính vì những giá trị to lớn ấy của độc lập tự do nên khi độc lập tự do bị xâm phạm, thì cả dân tộc phải kiên quyết đứng lên chiến đấu đến cùng để giữ vững, bảo vệ nền độc lập ấy. Thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập tự do trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “… Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Để bảo vệ độc lập tự do của dân tộc, nhân dân Việt Nam đã chiến đấu kiên cường, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã thực sự là động lực tinh thần to lớn thôi thúc lớp lớp thế hệ người Việt Nam lên đường chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

          Độc lập, tự do là quyền thiêng liêng nhất. Khi độc lập, tự do bị xâm phạm thì cả dân tộc phải kiên quyết đứng lên chiến đấu đến cùng để giữ vững và bảo vệ nền độc lập và tự do ấy. Đây là vấn đề có tính quy luật là chúng ta thường phải chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược của những kẻ thù lớn mạnh hơn ta nhiều lần. Tinh thần không có gì quý hơn độc lập, tự do còn là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước bạn và các nguồn ngoại lực đồng thời phát huy nội lực. Trong mối quan hệ giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, giữa nội lực của mỗi con người với các nguồn ngoại lực, bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng coi trọng việc phát huy sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của mỗi người dân trên tinh thần chủ động sáng tạo, dựa vào sức mình là chính.

          Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" tiếp tục làm sáng tỏ thêm trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta, vừa coi phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân là nhiệm vụ trung tâm, vừa phải tăng cường quốc phòng, an ninh. Phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời của Tổ quốc. Nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn vượt qua mọi thách thức, khắc phục mọi khó khăn, tận dụng cơ hội, tranh thủ thời cơ đưa đất nước tiếp tục tiến lên.

          Sau gần 30 năm đổi mới, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử đã khẳng định đường lối đổi mới mà Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, nước ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại, tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường cũng sẽ tạo ra cả những thời cơ và thách thức đan xen trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước. Vì vậy, với niềm tin tưởng sâu sắc và tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” sẽ là động lực to lớn cổ vũ toàn dân tộc, đồng tâm nhất trí, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

                                                                                      Tâm Trang (Tổng hợp)

Bài viết khác: