Theo Tạp chí Trí thức và Phát triển - Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Bộ Sách điện tử Huyền thoại Đường 9 - Khe Sanh Anh hùng – Trang http://uongnuocnhonguon.vn).
2. Huyền thoại Đường 9 - Khe Sanh Anh hùng
Lời đầu sách
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, hy sinh, nhưng cũng vô cùng oanh liệt và hết sức hào hùng của quân và dân ta, biết bao địa danh, bao trận chiến, bao sự kiện đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc như những dấu son chói lọi về chiến công, về tinh thần bất khuất, về ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 và Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là một trong những chiến thắng ghi dấu ấn lịch sử như vậy. Tuy khác nhau về quy mô, về mức độ khốc liệt và về độ dài thời gian, nhưng cả hai chiến dịch lại diễn ra gần như trên cùng một địa bàn của tỉnh Quảng Trị - nơi mà Mỹ - Ngụy tập trung cao nhất những nỗ lực về mọi mặt cho cuộc chiến, nơi quân Mỹ đã xây dựng Hàng rào điện tử Mc.Namara tối tân bậc nhất thời đó nhằm ngăn chặn sự chi viện của quân và dân ta ở miền Bắc cho đồng bào miền Nam chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Điều giống nhau nữa là cả hai chiến dịch đều khởi nguồn từ ý đồ của địch là chúng chủ động tạo lập một căn cứ quân sự mạnh (trong chiến dịch Khe Sanh), hoặc chủ động tiến hành một cuộc hành quân quy mô lớn (như trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào) với chung một mục đích là tiêu diệt quân chủ lực của ta từ miền Bắc vào, đồng thời cắt đứt và khống chế hoàn toàn tuyến đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn huyền thoại của ta. Từ ý đồ nguy hiểm và từ quyết tâm mang tính chiến lược đó, kẻ địch có thể nói là đã tập trung cao nhất cho các chiến dịch, cả về lực lượng, về phương tiện chiến tranh, về công tác thông tin tuyên truyền... Trong đó, ưu thế của địch hơn hẳn ta về lực lượng, nhất là về không quân, pháo binh và xe cơ giới chiến đấu. Nhưng, trong cuộc đọ sức quyết liệt ấy, quân và dân ta đã thể hiện sức mạnh truyền thống không kẻ thù nào thay đổi được; đó là ý chí, là lòng dũng cảm, là sự mưu trí, sáng tạo trong cuộc chiến đấu đối mặt với bom đạn và sự tàn bạo của kẻ thù. Cho nên quân và dân ta đã chiến thắng, làm cho mưu đồ đen tối của địch bị đập tan, bị thất bại hoàn toàn.
Chiến thắng Khe Sanh và Đường 9 - Nam Lào đã trở thành một trong những trang vàng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; góp phần xứng đáng làm nên chiến công chung của cuộc kháng chiến. Nhưng, chiến thắng nào mà không phải hy sinh? Biết bao chiến sỹ, đồng bào đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu khốc liệt ấy, để chúng ta có được cuộc sống hòa bình, có được niềm tự hào lớn lao hôm nay! Máu đào của các liệt sỹ đã thấm đẫm một vùng đất mẹ kiên cường, anh dũng; đã nhuộm đỏ màu cờ Tổ quốc thiêng liêng. Tri ân và ghi nhớ mãi công ơn của các Anh hùng liệt sĩ là đạo lý, là tâm nguyện của những người đang sống. Điều đó phải trở thành những việc làm thiết thực, những hành động cụ thể. Cuốn sách Huyền thoại Đường 9 - Khe Sanh Anh hùng do Dự án văn hóa Uống nước nhớ nguồn thuộc Tạp chí Trí thức và Phát triển - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, biên soạn và xuất bản là nghĩa cử tri ân sâu nặng đối với các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong trong hai chiến dịch cũng như trong các cuộc chiến đấu trên mảnh đất Quảng Trị Anh hùng. Trong các trang sách thiêng, dòng tên của hàng vạn các liệt sỹ đã được trang trọng lưu danh, để các anh, các chị sống mãi trong lòng dân tộc, trong tình cảm của các thế hệ người Việt Nam chúng ta. Điều đó kkhông chỉ là sự bảo tồn ký ức, gìn giữ lịch sử hào hùng, mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống dân tộc, về sự hy sinh và công lao to lớn của các thế hệ cha ông, với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp.
Chiến dịch Khe Sanh năm 1968
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, tuyến đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn không chỉ là một biểu tượng của ý chí và khát vọng cháy bỏng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, mà còn thực sự là huyết mạch giao thông vô cùng quan trọng để miền Bắc hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam... Nhận thức rõ điều đó, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã không từ một thủ đoạn, một nỗ lực tàn bạo nào nhằm cắt đứt tuyến đường, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam.
Hàng rào điện tử Mc.Namara với đủ các loại phương tiện, các loại vũ khí, khí tài tối tân nhất mà quân Mỹ kỳ công xây dựng dọc giới tuyến phía Nam sông Bến Hải, chạy suốt từ ven biển Cửa Việt tới biên giới Việt - Lào là nhằm mục đích đó. Và, Tập đoàn cứ điểm Khe Sanh nằm ngay sát tuyến đường mòn Hồ Chí Minh do quân Mỹ xây dựng và chiếm giữ cũng không ngoài mục đích là chặn đứng sự chi viện của ta cho tiền tuyến, đồng thời tạo ra một nơi nhằm “hút” lực lượng quân giải phóng vào đó để hỏa lực Mỹ... tiêu diệt.
Đối với ta, hiểu rõ ý đồ đen tối của địch, nhưng đồng thời cũng quyết tâm đập tan ý đồ đó, phải đánh để buộc quân Mỹ bỏ căn cứ Khe Sanh, giải phóng khu vực huyện Hướng Hóa, bảo vệ vững chắc tuyến đường vận tải chiến lược Hồ Chí Minh. Vì vậy trận chiến Khe Sanh là một trong những trận đánh ác liệt nhất, nhưng cũng oanh liết nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến dịch Khe Sanh - Đường 9 đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm như một trong những chiến công hào hùng của quân và dân ta.
Cố vấn Walt W. Rostow trình bày cho Tổng thống Lyndon B. Johnson trên sa bàn Khe Sanh,
Khe Sanh – vị trí giữ vai trò trung tâm của phong tuyến Mc.namara
Thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, năm 1964 đế quốc Mỹ đưa quân vào chiến trường miền Nam thực hiện chiến lược chiến tranh mới: Chiến tranh cục bộ. Nhằm tạo lập một “chốt cứng” ở phía Tây Bắc chiến trường Trị- Thiên, Mỹ- Nguỵ đã tập trung một lực lượng quân sự lớn hòng biến tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Hướng Hóa nói riêng thành vành đai trắng. Chúng tập trung mọi binh lực và kỹ thuật hiện đại, dựng lên hàng rào điện tử Mc.Namara chạy dài từ Cửa Tùng lên đến tận biên giới Việt - Lào; trang bị nhiều vũ khí tối tân như máy bay B52, pháo hạng nặng 175 mm, chất độc da cam, thiết bị nghe nhìn điện tử... cùng các loại vũ khí giết người kiểu mới, đồng thời dốc sức xây dựng Tập đoàn cứ điểm Khe Sanh gồm các cứ điểm: Tà Cơn, Làng Vây, Khe Sanh và Huội San (Lào)... trở thành khu vực phòng thủ mạnh nhất. Cụm cứ điểm Tà Cơn được xây dựng với hệ thống công sự dày đặc, hình thành thế trận phòng ngự kiên cố, liên hoàn với cứ điểm Làng Vây nằm trên trục đường 9. Phòng tuyến chống xâm nhập hiện đại nhất ở bờ Nam sông Bến Hải để ngăn chặn đối phương là ý tưởng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc. Namara, đã được 47 nhà khoa học tài ba nhất nước Mỹ tổ chức nghiên cứu thực thi; bao gồm: Toàn bộ Phòng tuyến ước tính có chiều rộng khoảng 20km, từ nam vĩ tuyến 17 đến đường 9, chiều dài trên 100km chạy song song với sông Bến Hải từ biển Đông đến Sê Pôn (Lào) trong đó hành lang mặt bằng xây dựng có bề ngang 500m được san bằng như một sân bóng. Một hệ thống đồn bốt dày đặc được xây dựng, cứ khoảng 2 km có 1 tháp canh, khoảng 4 km có 1 căn cứ cỡ đại đội hoặc tiểu đoàn chốt giữ. Bố trí một hệ thống công sự gồm đủ hầm hào, lô cốt kiên cố, hàng chục lớp hàng rào kẽm gai chằng chịt, xen kẽ với nhiều lớp bom mìn đủ kiểu: mìn định hướng, mìn đĩa, mìn lá, mìn clây-mo, mìn chiếu sáng, lựu đạn nổ tức thì (Mỹ dự kiến sử dụng 20 triệu quả mìn và 25 triệu quả bom cỡ nhỏ). Đặc biệt phòng tuyến được trang bị phương tiện điện tử tối tân như “cây nhiệt đới”, “máy thông minh”, “máy phát hiện hơi người”. Đây là các loại máy thu phát tiếng động tinh vi đủ cỡ 15 ngày, 3 tháng, hoặc 6 tháng thay pin một lần. Căn cứ Khe Sanh được xác định là trung tâm của hệ thống hàng rào điện tử trên. Do đó, Khe Sanh - Quảng Trị được Mỹ xây dựng một Tập đoàn phòng ngự mạnh, liên hoàn, kiên cố nhất của Mỹ ở địa đầu miền Nam Việt Nam, gồm nhiều cứ điểm... Trong đó, cụm cứ điểm Tà Cơn là cái lõi của Tập đoàn phòng ngự Khe Sanh của Mỹ, có chiều dài khoảng 5 km, rộng khoảng 3 km, có một đường băng dã chiến dài hơn 3.000 m đảm bảo hoạt động của máy bay C-130 và một số trực thăng vũ trang. Hệ thống công sự, vật cản được xây dựng kiên cố và liên hoàn; công sự chiến đấu bằng bê tông đúc sẵn, hố chiến đấu cá nhân có nắp bằng bao cát, một số lô cốt bằng bê tông, hầm ngầm, hệ thống giao thông hào, chiến hào liên hoàn; xung quanh bao bọc từ 6 đến 10 hàng rào giây thép gai các loại, các bãi mìn dày đặc, xen kẽ rải cây nhiệt đới (loại thu tin điện tử) khắp các nơi... Cả Nhà Trắng, Lầu Năm góc và Bộ Chỉ huy viễn chinh Mỹ ở Sài Gòn (MACV) đều đã tập trung nghiên cứu chiến lệ Điện Biên Phủ (Hồ sơ nghiên cứu trận Điện Biên Phủ phục vụ riêng cho Tổng thống Johnson dày hàng chục trang). Sở dĩ Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh được mệnh danh là “Trận Điện Biên Phủ thứ hai” vì giữa hai trận đánh này có những điểm tương đồng: Thứ nhất, cả Khe Sanh và Điện Biên Phủ đều tiếp giáp với biên giới Việt - Lào. Khe Sanh cách biên giới Việt - Lào chừng 20km, còn Điện Biên Phủ chỉ cách khoảng 8km. Điểm tương đồng thứ hai là địa hình đều hiểm trở, khó tiếp cận. Chỉ có thể tiếp cận Điện Biên Phủ bằng đường không. Đối với Khe Sanh, ngoài việc tiếp cận bằng đường không, còn có thêm cách tiếp cận bằng đường bộ thông qua con đường 9. Về tính chất của cả hai trận đánh lúc bấy giờ đã trở thành tâm điểm chú ý của báo chí và các cơ quan công luận khác.
Máy bay vận tải quân sự hạng nặng của quân đội Mỹ tại Khe Sanh
Cả MACV lẫn Bộ chỉ huy tối cao Hoa Kỳ đều đã nhận thấy Khe Sanh có một thế mạnh căn bản so với không chỉ Điện Biên Phủ, mà với mọi pháo đài từng có trong lịch sử. Đó là Khe Sanh được hỗ trợ bởi hệ thống hỏa lực cực mạnh, chế áp độc lập từ bên ngoài, gồm hàng chục lần chiếc pháo đài bay B-52 đánh phá mỗi ngày (lấy từ Chiến dịch Arc Light, 1965- 1973, theo hồ sơ mật Nhà Trắng), gồm yểm trợ đường không cự ly gần bởi lực lượng khoảng 2.000 máy bay chiến đấu khác của không quân chiến thuật, không lực của hải quân, không lực của thủy quân lục chiến, với tần suất 500 lần chiếc ngày, hoạt động được cả trong điều kiện tầm nhìn zero (bay hoàn toàn bằng khí tài) cũng như ban đêm... Với sự chuẩn bị kỹ càng như vậy, các tướng lĩnh Mỹ luôn tin rằng Khe Sanh nhất định đứng vững và sẽ còn có thể là nơi thu hút để tiêu diệt một lực lượng lớn quân giải phóng. Tuy nhiên, đối với quân địch cả hai trận - Điện Biên Phủ và Khe Sanh, đều có bài học giống nhau, đó là sự thất bại. Nằm giữa một vùng núi rừng Trường Sơn hiểm trở, cao nguyên Khe Sanh - một vùng đất với một diện tích gần 10 km2 được địch đánh giá là “cái mỏ neo”, âm mưu sử dụng nơi đây làm bàn đạp cho các cuộc hành quân “tìm diệt”, cắt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh, ngăn chặn quân ta từ miền Bắc vào, từ Lào sang, và đường tiến quân xuống vùng đồng bằng ven biển hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, nên được Nhà Trắng hết sức quan tâm, cam đoan chi viện để giữ bằng được Tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Do đó, ngày 21/1/1968, khi quân ta nổ súng tấn công đợt 1 đánh Khe Sanh, chiếm quận lỵ Hướng Hóa, vây hãm làng Vây, Tà Cơn... thì Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ cho rằng, “đây có thể là một Điện Biên Phủ thứ hai”. Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn chỉ thị cho Tướng Tay-Lo lập “Phòng tình hình đặc biệt” tại Nhà Trắng để theo dõi tình hình chiến sự Khe Sanh, kịp thời đề ra cách thức bảo vệ Khe Sanh với bất cứ giá nào; tăng cường thêm 7.000 lính thủy đánh bộ lên trấn giữ Khe Sanh ngoài một lực lượng tinh nhuệ với gần 10.000 tên, gồm 4 Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, các lực lượng pháo binh, thiết giáp..., một bối cảnh diễn ra tương tự như thực dân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ 14 năm trước đó. Nhưng quy mô, lực lượng tinh nhuệ và sự kiên cố của hệ thống phòng thủ, tính hiện đại của vũ khí thì lớn hơn nhiều. Về phía ta, ngay từ cuối năm 1967, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng ta, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh gấp rút hoàn chỉnh lần cuối phương án tổng công kích - tổng khởi nghĩa và xác định hướng chủ yếu của tổng tiến công chiến lược là đánh vào các thành phố, thị xã, thị trấn, trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Hướng phối hợp chiến lược quan trọng là mở Chiến dịch lớn ở Mặt trận Đường 9-Khe Sanh. Để thực hiện quyết tâm chiến lược trên, ngày 6 tháng 12 năm 1967, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Theo quyết định trên, Thiếu tướng Trần Quý Hai Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy mặt trận.
Lực lượng tham chiến của hai bên:
+ Về phía quân ta: Gồm các Sư đoàn bộ binh 304, 320, 324B và 325 (từ tháng 5, Sư đoàn 308 và Trung đoàn 246 vào thay cho các Sư đoàn 324B và 325 đi chiến trường khác), Trung đoàn 270 (Vĩnh Linh) và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị, 1 Tiểu đoàn và 5 đại đội đặc công, 5 trung đoàn pháo binh (16, 45, 84 và 204), 3 trung đoàn pháo phòng không, 1 tiểu đoàn tăng - thiết giáp, 1 tiểu đoàn thông tin, 1 tiểu đoàn trinh sát, 1 tiểu đoàn hoá học, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội súng phun lửa, 6 tiểu đoàn vận tải và lực lượng vũ trang các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hoá. Tổng cộng lực lượng trên toàn tuyến có khoảng 40 ngàn quân. Trong đó 2 Sư đoàn 204 và Sư đoàn 325 (tổng cộng khoảng 17.000 quân) thực hiện bao vây Khe Sanh, còn các Sư đoàn 320 và 324 thực hiện cắt đường 9, chặn quân tiếp viện của Mỹ. Các lực lượng vũ trang địa phương thực hiện đánh tập kích diệt các đoàn vận tải, tiêu hao sinh lực địch...
+ Quân đội Hoa Kỳ: Có khoảng 45.000 quân trên toàn tuyến (trong đó có 28.000 quân Mỹ), gồm 3 trung đoàn tăng cường thuộc Sư đoàn thủy quân lục chiến 3; 4 tiểu đoàn tàu tuần tra và vận tải (5, 10, 53 và 301), 9 tiểu đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn và 1 đại đội cơ giới, trong quá trình phòng ngự được sự chi viện mạnh của không quân, pháo binh ở phía sau. Riêng ở Khe Sanh, Mỹ có 3 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 26, 1 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 9 TQLC Mỹ, Sở Chỉ huy chiến dịch lưu động - FOB-3 của Lục quân Mỹ (588 lính), 1 tiểu đoàn pháo 155 ly, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội chống tăng, Tiểu đoàn 37 Biệt động quân VNCH, 1 đội thám báo 300 lính, tổng cộng 6.680 lính.
Từ tháng 4/1968, Mỹ huy động thêm Sư đoàn kỵ binh không vận số 1, Trung đoàn 1 và Trung đoàn 26 thủy quân lục chiến Mỹ, Chiến đoàn dù 3 ngụy quân cùng nhiều đơn vị biệt động quân và bảo an, tổng cộng 20.000 quân được sự yểm trợ bởi 300 trực thăng, 148 khẩu pháo.
Bên cạnh đó, quân Mỹ còn mở Chiến dịch Niagra và Chiến dịch Arc Light để hỗ trợ không quân cho Khe Sanh, thu hút một lực lượng rất lớn gồm 3.300 trực thăng (nhiều hơn số trực thăng chiến đấu của 3 nước Anh, Pháp, Đức cộng lại), không quân Mỹ đã xuất kích 24.000 lần chiếc kể cả máy bay chiến lược B-52, trút hơn 110.000 tấn bom các loại (gấp 6 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và bằng lượng bom ném xuống Nhật suốt cả năm 1945).
Bảo đảm kỹ thuật - hậu cần cho Khe Sanh, bao gồm tải thương bằng trực thăng (MediVac); và phương thức tiếp tế LAPES (thả dù ở độ cao tầm thấp) thực hiện bởi một cầu hàng không hiện đại, qui mô khổng lồ trên các máy bay vận tải lớn C-130. Mỹ có thể đáp ứng cho Khe Sanh tới 600 tấn hàng tiếp tế/ ngày (trong khi Pháp chỉ cung cấp được cho Điện Biên Phủ 100 tấn). Từ 19 đến 25 tháng Giêng, một hệ thống cảm biến điện tử hiện đại mang bí hiệu Muscle Shoals cũng được triển khai quanh Khe Sanh để hỗ trợ cho các hệ thống trinh sát đường không và trên bộ.
Quân đội Hoa Kỳ ở Khe Sanh được yểm trợ hỏa lực bởi những vũ khí tối tân nhất thời đó. Các tổ hợp ra-đa phản pháo mới như SKY SPOT; 16 bộ pháo tự hành trên xe xích “Vua Chiến trường” 175mm bố trí ở gần Cam Lộ và trận địa trên đỉnh núi, 18 lựu pháo 105mm, 8 lựu pháo 155mm tại các căn cứ pháo binh tại Quảng Trị, pháo yểm trợ tầm trung từ trận địa bắc đèo Hải Vân… Cùng với đó còn có đạn pháo 105mm loại hiện đại nổ từng tràng trên cao, văng vô vàn mảnh bao phủ một tầm sát thương rộng lớn, giống như bom bi; cũng như đạn pháo “tổ ong”, khi nổ bắn ra muôn vàn mũi tên thép trong một hình nón 30 độ, rất hữu hiệu chống bộ binh…Tất cả điều đó cho thấy ưu thế gần như tuyệt đối về hỏa lực, về phương tiện, về vũ khí của Mỹ - Ngụy trong trận chiến Khe Sanh 1968.
Cũng vì vậy mà thất bại của địch trong trận Đường 9 - Khe Sanh 1968 càng khiến chúng nhục nhã hơn.
QUYẾT TÂM LOẠI BỎ TẬP ĐOÀN CỨ ĐIỂM KHE SANH , ĐẬP TAN TUYẾN PHÒNG NGỰ CỦA ĐỊCH :
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương “về thực hiện cuộc tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt trên toàn miền Nam Xuân Hè 1968”, quân ta đã đặt Tập đoàn cứ điểm Khe Sanh của Mỹ - Ngụy trong kế hoạch phải tấn công tiêu diệt, nhằm đập tan toàn bộ tuyến phòng ngự của địch trong cục diện chiến trường Trị - Thiên Huế nói riêng và trên toàn miền Nam nói chung vào năm 1968.
Chiến dịch gồm 4 đợt:
* Đợt 1 (20/1-7/2), Quân ta tiến công quận lỵ Hướng Hoá và cứ điểm Huội San, diệt cứ điểm Làng Vây, làm chủ đoạn đường số 9 từ Cà Lu đến biên giới Việt - Lào.
* Đợt 2 (8/2-31/3): Phát triển vây lấn và pháo kích căn cứ Khe Sanh suốt 50 ngày đêm; bao vây Cồn Tiên, đánh một số trận ở hướng Đông Quốc lộ số 1.
* Đợt 3 (1-30/4): Đánh quân Mỹ ứng cứu trong chiến dịch, giải toả, giữ vững các khu vực làng Khoai, Cu Bốc, các điểm cao 689 và 622, triệt phá giao thông trên đường 9.
* Đợt 4 (8/5-15/7): Khôi phục thế vây lấn Tà Cơn, đánh quân Mỹ rút chạy khỏi Khe Sanh.
Đợt 1: Theo kế hoạch được định trước, ngày 20/1/1968 Chiến dịch đánh chiếm cụm cứ điểm Khe Sanh và giải phóng Hướng Hóa bắt đầu. Ngay từ những ngày đầu, cùng với việc tiêu diệt các cứ điểm phía Tây để mở thông đường số 9, quân và dân ta đã nổ súng tấn công chi khu quân sự huyện lỵ Hướng Hóa.
Trận đánh mở màn diễn ra trên Đồi 881-Nam (Có hai ngọn đồi mang tên “881”, một ngọn nằm về hướng Bắc của Khe Sanh và ngọn kia nằm về hướng Nam). Ngọn đồi này được phòng thủ bởi một cánh quân của Tiểu Đoàn 1/3 thủy quân lục chiến (TQLC) Mỹ, gồm Bộ Chỉ huy của Đại đội M, hai Trung đội bảo vệ, và toàn thể lực lượng của Đại đội K. Rạng sáng 20-1, Đại đội I/3/26 TQLC Mỹ bị quân ta phục kích ở gần 881 Nam, chỉ trong ít phút đã có 34 lính Mỹ bị diệt, 21 tên khác bị thương. Các căn cứ hỏa lực Mỹ quanh vùng đáp trả, bom Napal từ phi cơ ném xuống rất ác liệt. Nhưng không ngăn được sức mạnh của quân giải phóng. Toán TQLC Mỹ bị thiệt hại nặng, phải rút lui.
Bộ đội vượt Trường Sơn ra trận
Trong khi ấy, hai trung đội Thủy quân lục chiến của Đại đội M/3/26 Mỹ được trực thăng đưa đến Đồi 881- Nam. Toán quân này chuẩn bị hợp sức với Đại đội I/3/26 để ngày hôm sau mở cuộc lục soát về hướng Đồi 881- Bắc. Cuộc hành quân này đưa đến một vụ đụng độ ác liệt dưới chân Đồi 881- Bắc với Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 95C quân ta.
Rạng ngày 21 tháng 1/1968, Sư đoàn 325 dùng Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 2 đánh điểm cao 832 (Mỹ gọi là 861, Tây Bắc Tà Cơn khoảng 4 km) do Đại đội K/3/26 lính thủy đánh bộ Mỹ tổ chức phòng ngự. Trận chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Được Hỏa lực pháo binh, máy bay của địch chi viện tối đa, quân Mỹ lại dựa vào lợi thế điểm cao, có hệ thống công sự trận địa phòng ngự vững chắc, nên quân ta chưa thể dứt điểm điểm cao 832 được.
Đêm ngày 20 rạng ngày 21 tháng 1, pháo binh chiến dịch và của Sư đoàn 304 phát hỏa. Đòn tiến công bất ngờ kéo dài với uy lực mạnh đánh vào nhiều mục tiêu quan trọng của địch ở Khe Sanh đã “khoan” nhiều hố trên đường băng, làm cháy kho đạn 1.500 tấn, phá một máy bay lên thẳng, nhiều lính Mỹ chết và bị thương. Đây là trận đánh khiến quân địch khiếp sợ; đến nỗi nhà báo Mỹ Micheal Mclair, trong bài phản ánh trận đó, đã viết: “...Những quả đạn pháo ấy như rơi ngay vào Oa-sinh-tơn”.
Ngày 22 tháng 1/1968, tình hình quân địch ở Khe Sanh càng trở nên nguy ngập bởi kho đạn 1.500 tấn, chiếm phần lớn dự trữ, đã bị phá hủy; buộc Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung Đoàn 9 TQLC Hoa Kỳ cùng máy bay vận tải phải chở đạn dược khẩn cấp đến tăng cường cho Khe Sanh.
Tiếp tục thực hiện ý đồ của Chiến dịch, ngày 23 tháng 1, Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh hạ lệnh tiến công tiêu diệt cứ điểm Huội San nằm sát biên giới Việt - Lào. Huội San là khu vực phòng ngự của quân Hoàng gia Lào (6 đại đội) và một số trung đội dân vệ, tổ chức thành 12 cứ điểm nhỏ, trung tâm là cứ điểm Tà Mây. Để đảm bảo đánh chắc thắng, ngoài lực lượng Trung đoàn 24 Sư đoàn 304, Bộ Tư lệnh đã tăng cường thêm 1 Đại đội xe tăng lội nước (11 xe PT-76), 1 Đại đội công binh, một số trung đội địa phương và một số cán bộ địch vận của Quân giải phóng Lào.
19 giờ ngày 23 tháng 1, khi hỏa lực pháo binh bắn chuẩn bị, các mũi tiến công của bộ binh và xe tăng của ta bắt đầu xuất phát xung phong. Được xe tăng chi viện, các mũi tiến công của bộ binh nhanh chóng vượt qua cửa mở, tiến vào tung thâm, chia cắt địch, diệt sở chỉ huy, chiếm các mục tiêu và dập tắt mọi sự chống cự của địch. 8 giờ sáng cùng ngày, quân ta đã làm chủ căn cứ Tà Mây cùng hệ thống phòng ngự Huội San. Phần lớn hơn 1.000 quân ngụy Lào chốt giữ ở đây đều bị tiêu diệt và bị bắt, chỉ một bộ phận nhỏ (khoảng 350 lính) chạy thoát về Làng Vây. Đêm ngày 23 tháng 1, Sư đoàn 320 lệnh cho tiểu đoàn 1 Trung đoàn 64 cùng các tiểu đoàn 14 (pháo, cối mang vác) và 16 khẩu súng máy cao xạ 12,7 ly... cơ động triển khai xây dựng hệ thống công sự trận địa ở Động Mã; lệnh cho tiểu đoàn 8 Trung đoàn 64 vào bố trí ở đông nam Cù Đinh (điểm cao 182) sẵn sàng đánh địch ra ứng cứu đường 9. Qua 4 ngày chiến đấu quyết liệt (23 đến 28 tháng 1), tiểu đoàn 7 và 8 Trung đoàn 64 đã phá hủy 10 xe quân sự (có 2 xe tăng), loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 quân Mỹ, hoàn thành được nhiệm vụ cắt đứt đường 9, tạo điều kiện thuận lợi cho các Sư đoàn 304 và 325 siết chặt vòng vây ở Khe Sanh.
Quân giải phóng truy kích địch
Cùng với các đòn tiến công trên bộ, trong các ngày 20, 21, 22 tháng 1 năm 1968, Đoàn 126 đặc công Hải quân có sự phối hợp chiến đấu của Tiểu đoàn 47 bộ đội Vĩnh Linh và du kích huyện Do Linh, đã liên tiếp đánh chìm 6 tàu LCU trên cảng Đông Hà và đoạn sông làng Xuân Khánh. Tiếp đó, trong 3 ngày 26, 27 và 28 tháng 1, đặc công Hải quân Đoàn 126 lại dùng thủy lôi diệt thêm 3 tàu LCU chở đầy hàng hóa quân sự của Mỹ từ Đà Nẵng qua Cửa Việt lên Đông Hà. 9 giờ sáng ngày 8 tháng 2, đặc công Hải quân Đoàn 126 lại phục kích đoàn tàu vận tải Mỹ, đánh chìm 4 tàu LCU cùng hàng ngàn tấn đạn dược.
Thắng lợi bước đầu trong việc phong tỏa cảng sông Cửa Việt đã góp phần quan trọng cho cho việc cô lập quân Mỹ trên hướng chủ yếu Khe Sanh. Sau khi tiêu diệt các căn cứ Hướng Hóa, Huội San, đánh thiệt hại lực lượng Mỹ trên đường 9 và chi khu Cam Lộ, Bộ Tổng Tham mưu đã gửi công điện khẩn cho Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị: “Phải diệt căn cứ Làng Vây trong ngày 6 tháng 2 để phối hợp tác chiến chung với toàn Miền”.
Để chắc thắng trong trận Làng Vây, Bộ Tư lệnh mặt trận chủ trương dùng một lực lượng mạnh áp đảo quân địch, gồm Trung đoàn 24 Sư đoàn bộ binh 304, Tiểu đoàn 3 Sư đoàn bộ binh 325, Trung đoàn công binh 7 (thiếu), 2 đại đội xe tăng với 14 xe, 2 đại đội đặc công. Đêm mồng 6 rạng ngày mồng 7/2/1968, lần đầu tiên bộ đội tăng thiết giáp xuất trận, phối hợp với bộ binh và bộ đội địa phương bất ngờ tấn công căn cứ Làng Vây. Quân và dân ta với phương châm “vây, lấn, tấn, phá, diệt địch”, kết hợp bao bây Tà Cơn ngày càng mạnh, làm cho địch trong thế bị động, ngày càng lúng túng. Đến 3 giờ 30 phút ngày 7 tháng 2, cả ba hướng đã cơ bản hoàn thành việc đánh chiếm được các mục tiêu theo phân công. Đến 10 giờ trưa ngày 7 tháng 2, trận Làng Vây kết thúc, hơn 900 quân đồn trú chỉ có 255 thoát về được Khe Sanh (trong đó có 75 bị thương). Quân ta diệt gọn một cứ điểm quan trọng án ngữ trên đường 9, đẩy cụm cứ điểm Tà Cơn vào thế bị cô lập hoàn toàn giữa lòng chảo thung lũng Khe Sanh.
Bộ đội ta hành quân trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh
Sức ép của Quân giải phóng ở Đường 9 - Khe Sanh ngày càng tăng đã làm cho bộ chỉ huy quân Mỹ ở Nam Việt Nam thực sự lo ngại. Tướng Westmoreland đã từ Sài Gòn bay ra Đà Nẵng để gặp các tướng lĩnh chỉ huy các sư đoàn lính thủy đánh bộ và lục quân vùng 1 chiến thuật bàn cách đối phó. Cùng với việc tăng quân, Mỹ thiết lập một Bộ chỉ huy quân sự Mỹ (MACV FOARD) tại Phú Bài để điều khiển lực lượng đánh trả các cuộc tiến công của Quân giải phóng trên đường 9 - Khe Sanh. Vì vậy số lượng quân chiến đấu của địch ở đây đã lên tới 43 tiểu đoàn chủ lực (25 tiểu đoàn Mỹ, 18 tiểu đoàn quân Sài Gòn) với tổng quân số 69.490 lính (trong đó có 40.800 lính Mỹ). Đến đây, Mặt trận Đường 9 – Khe Sanh đã hoàn thành được nhiệm vụ thu hút, giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của Mỹ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho toàn Miền thực hiện đòn chiến lược Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Giai đoạn 1 chiến dịch đến đây đã kết thúc.
Đợt 2: Sau các trận đánh ở Động Trị, Huội San, Hướng Hóa, Cam Lộ... và đặc biệt là thất bại ở Làng Vây, cụm cứ điểm Khe Sanh của Mỹ đã bị đẩy vào thế bị cô lập hoàn toàn giữa lòng chảo thung lũng Khe Sanh. Để bảo vệ Khe Sanh, ngoài lực lượng hỏa lực bố trí trong căn cứ, Mỹ còn dùng pháo binh hỗn hợp cùng máy bay các loại kể cả B-52 chi viện tối đa (có ngày pháo binh bắn tới 15.000 quả, máy bay chiến thuật oanh tạc tới 300 lần xung quanh căn cứ mỗi ngày).
Chiến sĩ thông tin trên đồi A Quảng Trị
Ngày 8 tháng 2, để đảm bảo cho việc phục vụ vây lấn ở hướng Tây chắc chắn thắng lợi, Bộ Chỉ huy Mặt trận đã điện cho Sư đoàn 304, Sư đoàn 325 phải thực hiện tốt việc nhanh chóng chuẩn bị chu đáo mọi yếu tố cần thiết để đưa lực lượng vào thực hành vây lấn ngay. Thực hiện chỉ thị của Bộ Tư lệnh Mặt trận, bằng sự nỗ lực rất cao của mỗi chiến sĩ trong các đơn vị, đến ngày 10 tháng 2 năm 1968, hai Trung đoàn số 9 và số 66 thuộc Sư đoàn 304, các Trung đoàn 95c và 101D thuộc Sư đoàn 325C cùng bộ đội địa phương Hướng Hóa đã xây dựng được 13 trận địa vây lấn bao quanh căn cứ Khe Sanh. Chiến thuật vây lấn từng làm nên trận Điện Biên Phủ đã được sử dụng tại đây.
Vì cụm cứ điểm Khe Sanh là một cụm phòng ngự mạnh, kiên cố, vững chắc nhất của Mỹ tại miền Nam Việt Nam, do đó quân ta chủ trương “Diệt một số cứ điểm ngoại vi sau đó vây ép chặt buộc địch ra giải tỏa, để ta đánh địch ngoài công sự, vừa diệt được nhiều địch, lại giảm thương vong của ta”. Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra.
Trung đoàn 9 vào vây lấn trực tiếp trên 2 hướng: Đông Đông nam và tây tây nam, 2 trung đoàn 95 và 101D/F325 vây xa trên các cao điểm phía bắc: 845, 852, 550. Chỉ trong thời gian ngắn trận địa vây lấn đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh: Có hệ thống công sự chiến đấu có nắp, hệ thống chiến hào, giao thông hào liên hoàn; trung đoàn còn huy động các lực lượng của đơn vị đào được 2 giao thông hào dài 5 km nối liền từ các trận địa chốt với phía sau nam đường 9. Hệ thống hỏa lực được bố trí chặt chẽ có thể khống chế được sân bay, đồng thời một số tổ bắn tỉa có kính ngắm hồng ngoại đã vào sát hàng rào xây dựng công sự chiến đấu, cả ngày và đêm. Ngoài các loại hỏa lực bản thân, khi xảy ra tác chiến trung đoàn còn được các cụm pháo của sư đoàn và mặt trận chi viện trực tiếp.
Sau khi xây dựng được trận địa tương đối hoàn chỉnh, các trận địa chốt và hỏa lực cối, 12,7 ly bắt đầu khống chế sân bay làm cho máy bay Mỹ xuống tiếp tế gặp khó khăn, hoạt động đi lại của quân Mỹ trong căn cứ cũng bị khống chế, một số đã bị bắn tỉa tiêu diệt. Đồng thời các mũi lấn dũi cũng ngày càng phát triển sâu vào áp sát các cứ điểm, có mũi đã lấn dũi qua hàng rào thứ 2, 3 của Mỹ.
Ngày 11-2, một tin xấu đến với hệ thống vận tải chi viện cho Khe Sanh của Mỹ. Hai vận tải cơ C-130 đáp xuống Khe Sanh thì 1 đã nổ tung vì trúng đạn pháo kích, toàn bộ 6 phi công thiệt mạng. Chiếc còn lại gấp rút được sửa chữa rồi bay “khập khễnh” về phi trường Đà Nẵng. Từ đó về sau, các máy bay vận tải của Mỹ không còn dám đáp xuống đường băng mà phải sử dụng cách bay sát đường băng rồi đẩy hàng có buộc dù qua cửa sau bụng phi cơ, dù cách này sẽ khiến một lượng lớn hàng hóa bị hư hỏng khi tiếp đất.
Việc tiếp vận cho các ngọn đồi quanh lòng chảo cũng có ý nghĩa sống còn với Mỹ, bởi nếu mất các ngọn đồi này thì pháo binh quân giải phóng sẽ có thể bắn trực xạ vào căn cứ với độ chính xác rất cao. Mỹ phải huy động hàng trăm trực thăng mỗi ngày để tiếp tế cho các ngọn đồi này. Thậm chí việc tắm rửa của lính Mỹ cũng bằng nước thả xuống từ trực thăng. Một sỹ quan quân đội ta đã viết trong hồi ký: “Chúng tôi vượt hàng trăm cây số đường rừng chỉ với 1 biđông nước, trong khi lính Mỹ dùng tới cả trực thăng chỉ để tắm giặt. Khi thấy cảnh này, tôi tin chắc nếu kiên trì, chúng tôi sẽ chiến thắng cuộc chiến này”.
Nắm được quy luật hoạt động của trực thăng, quân giải phóng đã bố trí các khẩu đội súng máy 12,7 ly ngụy trang kĩ để đón lõng trực thăng Mỹ khi thả hàng.
Chỉ trong 2 tuần đã có hàng chục trực thăng Mỹ bị ta bắn hạ. Với mục đích có thể đẩy lùi lực lượng quân giải phóng ra khỏi Khe Sanh, Mỹ đã sử dụng hỏa lực pháo binh và không quân không hạn chế. Tính từ ngày 21 tháng 1 đến ngày 3 tháng 3 năm 1968, không quân Mỹ đã xuất kích 24.000 lần chiếc, kể cả máy bay chiến lược B-52, trút hơn 100.000 tấn bom các loại, đồng thời pháo binh từ Khe Sanh, trại Carol và Rockpile bắn 150.000 quả đạn tạo nên những trận bão lửa dữ dội trên khắp khu vực Khe Sanh.
Đối phó với hỏa lực cực mạnh của Mỹ, quân ta đã dùng thứ vũ khí thô sơ nhưng hiệu quả nhất, đó là các chiến hào, vốn từng được kiểm nghiệm qua trận Điện Biên Phủ. Theo tính toán của Mỹ, phải cần tới 1000 viên đạn pháo chỉ để phá hủy 30 mét đường hào cùng một vài binh sĩ trong đó. Tuy nhiên trước hỏa lực áp đảo và sức đánh phá dữ dội của địch, quân ta cũng thương vong khá nhiều. Mỗi ngày các chiến sĩ phải sửa, đào mới 40-50% chiến hào, ngày cao điểm địch đánh phá, có hướng, có mũi phải sửa chữa đến 70% công sự trận địa... Nhưng bom đạn khốc liệt của địch vẫn không ngăn nổi tinh thần chiến đấu của quân ta.
Thấy dùng không quân và pháo binh không ngăn được phát triển của các mũi vây lấn, Mỹ phải đưa lực lượng trong căn cứ ra thực hành phản kích hòng đẩy lùi các mũi lấn dũi ra xa và chiếm lại một số chốt. Nhiều cuộc chiến đấu diễn ra cực kỳ ác liệt. Ví dụ như cuộc giao tranh ngày 25-2, 1 trung đội thuộc đại đội B/1/26 của Mỹ mất gần hết quân số với 5 lính chết, 17 bị thương, 25 mất tích và 1 bị bắt. Kết hợp với vây lấn, pháo binh quân giải phóng liên tục pháo kích tiêu hao sinh lực của quân Mỹ. Đỉnh điểm là ngày 23-2, pháo kích làm nổ tung 1 kho đạn, khiến 12 lính Mỹ chết và 51 tên bị thương....Sau 2 tháng bị vây, số phận của hơn 6.000 lính Mỹ trong căn cứ Khe Sanh vô cùng khốn đốn; nhưng trên toàn chiến trường miền Nam nhiều nơi đang diễn ra những cuộc đọ sức quyết liệt, nên Mỹ vẫn chưa thể đưa quân giải tỏa cho Khe Sanh.
Trung tuần tháng 3/1968, bộ chỉ huy mặt trận dự kiến “Nếu cuối tháng 3/1968 địch chưa tung quân ra giải tỏa thì ta sẽ đưa lực lượng đánh chiếm một đoạn tiền duyên phòng ngự của địch để tăng sức ép”; nhiệm vụ đánh chiếm tiền duyên được giao cho Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9 chốt ở đông sân bay Tà Cơn.
Ngày 22/3/1968, mặt trận quyết định đánh chiếm tiền duyên đông sân bay Tà Cơn. Đúng 23h30 ngày 22/3/1968, lệnh tấn công được phát ra. Pháo binh của Sư đoàn và của mặt trận bắn vào Sở chỉ huy cụm phòng ngự Tà Cơn và chế áp các trận địa pháo, súng cối và hỏa lực bắn thẳng của Mỹ. Trận đánh diễn ra quyết liệt, tổ bộc phá thương vong nhiều. Nhận thấy việc đánh chiếm tiền duyên khó thành công nên mặt trận và Sư đoàn đã lệnh dừng tấn công, lui vào trận địa chốt củng cố...
Trận tấn công đánh chiếm một bộ phận tiền duyên ở đông sân bay Tà Cơn tuy chưa hoàn thành, nhưng đã tạo sức ép ghê gớm đối với quân Mỹ, báo chí Mỹ phải kêu lên: “Sống ở Khe Sanh nào khác gì kẻ bị kết án ngồi trên ghế điện” (Tin AP). Để giảm áp lực, ngày 30/3/1968 quân Mỹ tổ chức một cuộc phản kích lớn vào trận địa chốt số 3 của đại đội 6, tiểu đoàn 2, trung đoàn 9 với 2 tiểu đoàn TQLC Mỹ, 2 đại đội quân Sài Gòn và xe tăng, ý định chiếm bằng được chốt, nhưng sau gần 5 giờ chiến đấu liên tục, quân Mỹ phải rút lui, để lại nhiều xác lính. Đây là trận phản kích cuối cùng của quân Mỹ trong căn cứ.
Đến lúc này cả Tổng thống Johnson và Quốc hội Mỹ đều lo cho gần 6.000 quân Mỹ đang chết dần chết mòn ở Khe Sanh; cả thế giới cũng hồi hộp theo dõi diễn biến chiến sự tại Khe Sanh. Trước nguy cơ Khe Sanh bị tiêu diệt như Điện Biên Phủ, cuối cùng Tổng thống Johnson phải quyết định điều một lực lượng thật mạnh cứu nguy cho Khe Sanh. Giai đoạn 2 chiến dịch kết thúc chuyển sang giai đoạn 3.
Quân Giải phóng vận động tiến công địch
Đợt 3: Ngày 1/4/1968 chiến dịch của địch giải tỏa cho Khe Sanh bắt đầu. Sư đoàn không vận số 1 - lực lượng cơ động mạnh nhất của quân Mỹ được tung vào Khe Sanh. Sư đoàn gồm 3 lữ đoàn, mỗi lữ đoàn có 3 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có từ 800 đến 1000 quân; 1 tiểu đoàn trinh sát không kỵ; 1 tiểu đoàn trực thăng vũ trang; 3 tiểu đoàn pháo 105 ly; 2 đại đội pháo sáng; 1 đại đội máy bay vận tải có tổng cộng 439 máy bay trực thăng và một số máy bay vận tải. Ngoài ra, còn có chiến đoàn dù số 3 quân đội Sài Gòn và 1 tiểu đoàn pháo 105 ly cùng tham gia. Với tổng biên chế 15.787 người, 434 máy bay (chủ yếu là trực thăng), 1.600 xe các loại, 54 khẩu pháo 105 ly, 87 dàn rốc-két với 1.872 ống phóng cỡ 70 ly lắp đặt trên trực thăng vũ trang, sư đoàn kỵ binh 1 có một khả năng cơ động và hỏa lực mà không một đơn vị nào khác trên thế giới có được.
Ngay sau khi Mỹ mở cuộc hành quân Pegasus (Ngựa bay) giải tỏa cho Khe Sanh, Bộ Tư lệnh quân giải phóng điều động thêm Sư đoàn 308 vào tham gia chiến đấu thay Sư đoàn 304 tại chiến trường Khe Sanh.
Sáng ngày 1 tháng 4 năm 1968, không quân Mỹ đã sử dụng 15 lần chiếc B-52 rải bom dọc hai bên trục đường 9, tiếp đó các máy bay trực thăng đổ 1 tiểu đoàn kỵ binh không vận (KBKV) xuống Bồng Nho, Động Tro và Úc Nghi, đổ 1 đại đội pháo binh xuống Khe Sanh.
Cùng với đường không, trong ngày Mỹ còn cho 147 lần chiếc xe vận tải chuyển đồ dùng quân sự và đạn dược từ Tân Lâm đến Cà Lu. Ngày 2/4/1968, B-52 oanh tạc đông nam Khe Sanh, 14h30 trực thăng đổ 1 tiểu đoàn quân Mỹ xuống đông làng Cát và 1 tiểu đoàn xuống Cà Lu. Sau khi được thả xuống bãi đáp, tiểu đoàn 1/5 KBKV hướng về mục tiêu đồn Pháp cũ, đã đụng độ với một Tiểu đoàn quân giải phóng đang phòng thủ tại đây, TĐ 1/5 KBKV bị thiệt hại nặng, Trung Tá Runkle Tiểu đoàn trưởng thiệt mạng. TĐ 2/5 KBKV được lệnh vào thay thế, nhưng quân giải phóng đã rút đi rồi.
Ngày 3 tháng 4, quân Mỹ tiếp tục cho 200 lần chiếc trực thăng đổ lữ 1 kỵ binh không vận Mỹ xuống Pa Ka, Làng Con, điểm cao 420, Cô Nhôm. Sáng ngày 4 tháng 4 năm 1968, với ý định đánh chiếm bằng được điểm cao 471, khống chế vùng Tây Nam Tà Cơn, Mỹ dùng hỏa lực pháo binh và không quân bắn phá dữ dội nhiều giờ vào điểm cao và đưa Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 9 lính thủy đánh bộ Mỹ ra chiếm các mỏm 3, 4, 5 ở động Ché Riêng, nhưng đã bị Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9 và 1 phân đội của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66 chặn đánh. Trận chiến đấu giằng co kéo dài từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều vẫn không phân thắng bại. Quân Mỹ phải dùng trực thăng đổ một tiểu đoàn kỵ binh không vận xuống mỏm 3 và 4 động Ché Riêng để giữ đất.
Tại hướng khác, Tiểu đoàn 3 quân giải phóng đã được lệnh xây dựng chốt ngăn chặn ở làng Khoai, lực lượng bố trí chốt làng Khoai gồm 20 tay súng do đồng chí Nguyễn Văn Bình – Tham mưu trưởng Tiểu đoàn và Bùi Ngoãn, Đại đội phó Đại đội 11/D3 chỉ huy. Sáng 4/4/1968, sau khi cho pháo binh và trực thăng vũ trang bắn phá hàng giờ đồng hồ vào trận địa chốt làng Khoai, một tiểu đoàn Mỹ chia làm 2 mũi tấn công vào chốt làng Khoai. Trong ngày hôm đó, 5 đợt tấn công của Mỹ đã bẻ gãy, thương vong gần 100 lính; đợt tiến công thứ 3 đại đội phó Bùi Ngoãn bị thương gãy chân đã yêu cầu 1 chiến sĩ dùng lưỡi lê cắt chân bị gãy để tiếp tục chỉ huy chiến đấu và đã hy sinh tại trận địa (kết thúc chiến dịch, Bùi Ngoãn được đề nghị tuyên dương Anh hùng LLVTN D và được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba).
Tiêu biểu nhất trong các trận đánh giành chốt trong các ngày đầu tháng 4 năm 1968 là điểm cao 558, nằm ở phía Tây cụm cứ điểm Tà Cơn. Lực lượng quân giải phóng giữ chốt ở đây ngoài 2 tiểu đội bộ binh chiếm giữ ở hai mỏm đồi, còn có hai khẩu 12,7 ly và một khẩu cối 60 ly bố trí ở khu vực yên ngựa, có hệ thống hầm hào, công sự trận địa khá vững chắc. Tại chốt 595 đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt suốt 2 ngày 6- 7/4, được gọi là “kỳ tích 1 chống 40”. 2 tiểu đội quân ta đã chặn đánh 2 tiểu đoàn Mỹ trong 2 ngày, được ghi nhận tiêu diệt gần 200 lính Mỹ (riêng chiến sĩ Nguyễn Hữu Bào diệt 79 lính Mỹ, cuối chiến dịch được tuyên dương Anh hùng LLVTND).
Tuy nhiên với sức cơ động và hỏa lực áp đảo, quân Mỹ vẫn lấn dần đến Khe Sanh. Ngày 6/4/1968 các đơn vị kỵ binh không vận đã hợp quân được với TQLC bên trong căn cứ tại đồi 471. Sau đó TĐ 1/9 TQLC bắt đầu càn quét khu vực chung quanh căn cứ khởi đi từ ngọn đồi 552 rồi đến đồi 681.
Song song với nhiệm vụ đánh quân Mỹ hành quân giải tỏa các điểm cao quan trọng xung quanh Khe Sanh và đường 9, Bộ Tư lệnh mặt trận cho các đơn vị chủ động tổ chức các trận tập kích tiêu diệt các vị trí tiến quân tạm thời của lực lượng kỵ binh không vận Mỹ.
Trong màn sương bao phủ khu vực thung lũng bị đạn bom cày xới, các lính thủy đánh bộ Mỹ căng thẳng chờ đợi động thái tiếp theo của quân đội Giải phóng đang bao vây xung quanh.
Sáng ngày 5 tháng 4, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 bất ngờ tiến công loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 lính kỵ binh không vận trên điểm cao 400. Sáng ngày 7 tháng 4, chiến đoàn Dù số 3 của quân ngụy đã dùng 132 máy bay lên thẳng từ Nhơn Biều đổ xuống các ngọn đồi phía tây bắc Làng Vây cũ và tiến hành đổ bộ đợt hai xuống Rồ Cút. Nhưng ngay sau khi địch đổ quân đã bị pháo của ta tập kích trúng đội hình, nhiều lính thuộc tiểu đoàn 2 và 6 Dù bị loại khỏi vòng chiến đấu. Tiểu đoàn 3 và 8 Dù bị Trung đoàn 24 Sư đoàn 304 bám đánh liên tục, tiêu hao một bộ phận lực lượng và phương tiện, buộc phải co cụm lên điểm cao 400. Đêm ngày 8 tháng 4, tiểu đoàn 4 Trung đoàn 24 bất ngờ tập kích diệt thêm một số, trong đó có Thiếu tá Tham mưu trưởng Chiến đoàn Dù số 3 ngụy là Bùi Văn Thạch cũng tử trận.
Cùng ngày 7-4, ở Đồi 552 và 689, Tiểu đoàn 1/9 của TQLC Mỹ cũng bị pháo kích bằng súng cối làm 9 lính Mỹ chết và 27 tên bị thương. Để tạo hành lang an toàn, quân Mỹ tiếp tục cho quân đánh nống ra các điểm cao. Ngày 10 tháng 4, Tiểu đoàn 6 Dù ngụy được một tiểu đoàn kỵ binh Mỹ yểm trợ chia làm 3 mũi hành quân đánh chiếm Làng Vây cũ. Được pháo binh chi viện, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 66 đã liên tục đẩy lùi 3 đợt xung phong vào căn cứ Làng Vây, buộc Tiểu đoàn 6 Dù phải lùi về điểm cao 500 (tây bắc Làng Vây). Ngay đêm ngày 11 tháng 4, Tiểu đoàn 7 quyết định tiến công điểm cao 500, diệt thêm một đại đội, làm thiệt hại nặng một đại đội khác. Tức tối vì thất bại, quân Mỹ sau đó đã sử dụng tối đa ưu thế của không quân, pháo binh và cả chất độc hoá học ném xuống khu vực này. Để bảo toàn lực lượng, Trung đoàn 66 đã quyết định rút quân.
Lữ 1 kỵ binh Mỹ sau khi chiếm được Làng Vây cũ đã nhanh chóng đánh chiếm Pa Ka, Làng Con, Làng Trài, Bi Hiên. Tuy vậy sau một tuần tác chiến ở khu vực Làng Vây, chiến đoàn dù số 3 đã bị thiệt hại tới 40% quân số. Tinh thần quân Dù sa sút nghiêm trọng, phải rút về căn cứ ở Huế để củng cố.
Chiến trường Khe Sanh năm 1968 là nỗi khiếp đảm với nhiều lính Mỹ
Trên thực tế đến giữa tháng 4, quân Mỹ mới chỉ tạo được một tuyến tiếp vận đến Khe Sanh từ hướng Đông, 3 mặt còn lại của căn cứ vẫn bị vây lỏng, các trận đánh ác liệt vẫn diễn ra và quân Mỹ thường xuyên bị tập kích. Tiêu biểu như ngày 13- 4 năm 1968, tại đồi 881 Bắc, lợi dụng lúc Tiểu đoàn 3/26 của TQLC Mỹ tiến công đánh chốt 622 lộ toàn bộ đội hình trên trận địa, Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66 đang ém sẵn ở các vị trí có lợi và bất ngờ xuất quân trên nhiều hướng tiến đánh thẳng vào đội hình Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 30 lính Mỹ. Ngày 15-4, Quân giải phóng tập kích bãi đáp của Đại đội A/1/9 ở tây nam đồi 689 và diệt Đại đội C và D của Không kỵ Mỹ tới chi viện, làm 41 lính Mỹ chết, 32 bị thương và 3 mất tích.
Cùng thời gian trên, trên hướng Đông, Sư đoàn 320 cũng tăng cường hoạt động tác chiến. Trung đoàn 64 liên tục tiến công trên đường 9 diệt nhiều xe cơ giới và quân chiến đấu của Mỹ. Nhiều mũi tiến quân của Mỹ xông ra phá thế vây hãm ở khu vực Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, An Thái... đã bị Trung đoàn 48 chặn đánh và tiêu hao.
Ngày 21 tháng 4, 3 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ chia làm nhiều mũi cơ động tiến đánh điểm cao 622. Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 đã bám trụ công sự trận địa vững chắc kết hợp với vận động tiến công quy mô nhỏ trên từng hướng, đánh bại từng mũi tiến công lên điểm cao, đẩy quân Mỹ trở lại Khe Sanh.
Ngày 23 tháng 4, gần 1 tiểu đoàn kỵ binh không vận Mỹ từ Làng Con - Húc Hạ đã mở cuộc hành quân về phía Làng Vây, khi quân Mỹ vừa đổ quân chiếm vị trí xuất phát xung phong đã bị lực lượng cơ động của Sư đoàn 304 chặn đánh quyết liệt, bắn cháy 2 máy bay chở quân, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực... bị đòn phủ đầu thiệt hại lớn về quân số, tổn thương nặng về tinh thần, số còn lại vội rút về Húc Hạ bỏ dở cuộc hành quân.
Trên tuyến đường 9, Tiểu đoàn 8 liên tục phục kích đánh các đoàn xe vận tải chở vũ khí trang bị. Ngày 19 tháng 4, diệt 5 xe GMC, 1 xe M-113; ngày 20 tháng 4, loại khỏi vòng chiến đấu 2 trung đội hành quân trên 6 xe chở quân; ngày 21 tháng 4, diệt thêm 108 lính cùng 1 xe tăng và một số xe vận tải...gây cho địch nhiều tổn thất, đặc biệt là sự hoang mang về tinh thần.
Về phía quân ta, từ cuối tháng 4 giai đoạn 4 của chiến dịch được bắt đầu với nhiệm vụ khôi phục thế vây lấn để tạo sức ép buộc Mỹ phải rút bỏ Khe Sanh, kết thúc chiến dịch, giữ vững tuyến đường chiến lược chi viện cho cách mạng miền Nam.
Đợt 4: Ngày 4 tháng 5, quân ta bất ngờ tập kích điểm cao phòng ngự 552 của Mỹ, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội kỵ binh không vận, một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ, phá hủy 4 khẩu pháo 105 ly và 9 khẩu cối 106,7 ly. Cùng thời gian, ở hướng Tây và tây bắc Khe Sanh, Trung đoàn 66 thực hành bao vây kiềm chế các điểm cao 832, 689. Ở hướng Đông Nam, Trung đoàn 9 tiến công áp sát Làng Khoai, tổ chức đánh bại một mũi phản kích của Mỹ, bắn rơi 3 máy bay trực thăng và tiêu diệt, làm bị thương nhiều quân địch.
Trên tuyến đường 9, liên tục trong các ngày 14 và 15 tháng 5, quân ta đã tổ chức một số trận tập kích ở phía Nam Làng Khoai, diệt nhiều xe vận tải và sinh lực địch, gây khó khăn cho việc tiếp vận cho Khe Sanh của quân đội Mỹ. Trong khi các Sư đoàn 304 và 308 đẩy mạnh hoạt động ở Tà Cơn, đường 9, Sư đoàn Đồng Bằng cũng vừa chiến đấu tạo thế liên hoàn trên cánh đông, vừa nghiên cứu quy luật hoạt động trên sông và cách bố phòng bảo vệ cảng Cửa Việt của địch, chuẩn bị cho đợt tác chiến đánh tàu trên sông Cửa Việt. Do sự chuẩn bị chu đáo và sử dụng hỏa lực ĐKZ, cối 82 ly, B-40, B-41, trọng liên 12,7 ly... một cách linh hoạt, quân ta đã đánh chìm được nhiều tàu chở hàng của Mỹ trên sông Cửa Việt. Tiêu biểu nhất trong đợt hoạt động tháng 5 của sư đoàn 320 là trận đánh trên khu vực bãi cát
Cửa Việt chiều ngày 2 tháng 5, Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 6 phối hợp cùng pháo binh và các đơn vị bộ đội địa phương đã đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2 Trung đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ. Bộ Chỉ huy Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ đã đưa trung đoàn 4 (thiếu 1 tiểu đoàn), Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 9 tổ chức hành quân giải tỏa Khe Sanh lần thứ 2 với mật danh “Scotland II” để kéo giãn đội hình vây lấn của quân giải phóng, tạo điều kiện cho ý định rút bỏ Khe Sanh của chúng. Đến ngày 18, Tư lệnh lính thủy đánh bộ Mỹ đã quyết định “bốc hết lực lượng rải rác ở các điểm cao Kơ Long, Pa Trang, 635... đưa về tăng cường cho Đường 9, Nam Tà Cơn và Đông Hà, Cửa Việt”. Đây cũng là thời điểm Mỹ kết thúc cuộc hành quân giải tỏa Khe Sanh lần 2 - mang tên “Scotland II” mà không thu được kết quả đáng kể nào.
Thủy quân lục chiến Mỹ rút chạy khỏi Khe Sanh
(ngày 1/7/1968 tại sân bay Tà Cơn)
Như đã nói ở trên, trước nguy cơ thất bại, trung tuần tháng 4/1968 Mỹ - ngụy điên cuồng mở cuộc hành quân giải tỏa bằng chiến dịch “Ngựa bay”, “Lam Sơn 270”, huy động Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ, kết hợp với 17 tiểu đoàn nhằm tái chiếm các cứ điểm đã bị mất. Nhưng với vũ khí hiện đại và lực lượng quân khổng lồ lúc này đã không khuất phục ý chí chiến đấu kiên cường, xông lên quyết chiến quyến thắng của quân và dân ta. Cuộc hành quân giải toả “Ngựa bay” của địch bị thất bại nặng nề, vòng vây Khe Sanh ngày càng bị thắt chặt, quân đồn trú của Mỹ bị hoang mang lo sợ, hoảng hốt kêu cứu. Bị thiệt hại nặng nề và trước tình thế bị bao vây cô lập, từ ngày 26/6 trong thế tuyệt vọng, Đại tướng Abram - chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam đã ra lệnh: Rút bỏ Khe Sanh. Và, Khe Sanh đã trở thành nơi mà lần đầu tiên, Hoa Kỳ phải rút bỏ một căn cứ quân sự trọng yếu bởi áp lực của đối phương.
Tranh thủ thời cơ, quân và dân ta chặn đánh quân địch chạy bằng đường bộ và hàng không. Ngày 9/7 quân và dân ta chiếm giữ cứ điểm Tà Cơn, Khe Sanh hoàn toàn giải phóng, đập vỡ một mảng trọng yếu tuyến phòng thủ Đường 9-Khe Sanh của địch. Trong gần 20 ngày chặn đánh quân Mỹ rút lui, Sư đoàn 308 và Trung đoàn 246 đã phối hợp với lực lượng vũ trang tại đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.333 lính Mỹ, bắn rơi, phá hủy 34 máy bay, 5 khẩu pháo, cối và 5 xe vận tải...
Từ các hướng quân dân ta tiến về tiếp quản chính quyền huyện lỵ, cờ đỏ sao vàng tung bay rợp trời Khe Sanh - Hướng Hoá. Ngày 11/7/1968, Bộ Tư lệnh mặt trận Khe Sanh ra thông báo: “Sau 170 ngày chiến đấu liên tục và vô cùng anh dũng, quyết liệt, quân giải phóng mặt trận Khe Sanh đã chiến thắng oanh liệt, đập tan ý đồ ngông cuồng và ngoan cố của giặc Mỹ tại chiến trường Bắc Quảng Trị, buộc chúng phải thất thủ ở Khe Sanh”. Như vậy, sau 4 đợt tấn công, vây hãm của quân và dân ta từ 20/1 đến 9/7/1968, huyện Hướng Hóa, huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được giải phóng hoàn toàn.
Như vậy, trải qua 170 ngày đêm vây lấn Khe Sanh, quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn; đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến và sư đoàn Không vận số 1 Mỹ, diệt 11.900 quân Mỹ và quân ngụy (trong đó có hơn 10 ngàn lính Mỹ), phá hủy 197 máy bay, 78 xe tăng - xe thiết giáp, 46 khẩu pháo, 50 kho đạn, giải phóng một địa bàn rộng lớn phía tây tỉnh Quảng Trị với 1 vạn dân, phá vỡ một mảng quan trọng tuyến phòng ngự thép của địch ngăn chặn ở địa đầu Nam Việt Nam.
Xét về mục tiêu chiến dịch, chúng ta đã hoàn thành cả 2 mục tiêu, thậm chí đã hoàn thành thêm mục tiêu thứ 3 là ép quân Mỹ phải rút khỏi Khe Sanh. Đây là một thắng lợi chiến lược to lớn của quân và dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen: “...thắng lợi Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, góp phần vào thắng lợi to lớn của toàn miền Nam... mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa...”. Sau chiến dịch, Sư đoàn 304 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì; các Trung đoàn đều được tặng thưởng Huân chương; 1.482 cán bộ, chiến sĩ được tặng Huân chương; 2 đồng chí được tuyên dương Anh hùng LLVTND.
Tượng đài Chiến thắng Khe Sanh
Đây là lần đầu tiên lực lượng ta dàn quân ở cấp sư đoàn đối mặt với quân viễn chinh Mỹ, khiến quân Mỹ phải thất bại và buộc phải rút chạy khỏi Khe Sanh. Với việc quân Mỹ phải bỏ Khe Sanh, hàng rào điện tử Mc. Namara coi như đã cáo chung; kế hoạch chiến lược mà Mỹ xây dựng nhằm cắt đứt đường Hồ Chí Minh coi như phá sản.Từ đây về sau, không còn căn cứ nào có thể uy hiếp trực tiếp tuyến đường cùng dòng hàng đưa ra tiền tuyến.
Do đó có thể nói Trận Khe Sanh là bàn đạp cho các chiến dịch lớn của quân và dân ta sau này (Chiến dịch Hạ Lào, Chiến dịch Hè 1972...), và cuối cùng là Chiến dịch quyết định mùa Xuân 1975. Thắng lợi trên mặt trận Đường 9 mà đỉnh cao là Chiến thắng Khe Sanh - Hướng Hoá có ý nghĩa vô cùng to lớn. Cùng với thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ta đã làm đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc và ngồi vào đàm phán tại Paris.
Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh là bản anh hùng ca của dân tộc ta, của quân đội ta, cũng là niềm tự hào của quân và dân Quảng Trị và huyện Hướng Hóa Anh hùng./.
Kim Yến (st)
Còn nữa