che do chinh sach moi

Từ ngày 01/8/2015, hàng loạt chính sách mới liên quan đến lĩnh vực lao động, tiền lương, xây dựng, tài chính nhà nước, dịch vụ pháp lý …bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, nổi bật là:

1. Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành ngày 23/6/2015 hướng dẫn thực hiện về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động có hiệu lực kể từ ngày 08/8/2015 và các chế độ tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01/3/2015.

Theo Thông tư quy định:

Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường hoặc Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường X Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% X Số giờ làm thêm hoặc Số sản phẩm làm thêm.

Mức 150% hoặc 200% hoặc 300% theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2012.

Ngoài nội dung trên, Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH còn hướng dẫn cách tính tiền lương làm việc vào ban đêm, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm.

2. Nghị định số 58/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/6/2015 sửa đổi Nghị định 192/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.

Theo đó, khi sử dụng lãng phí phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách vượt tiêu chuẩn quy định sẽ bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng.

Ngoài ra, đối với tổ chức có hành vi mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh do ngân sách nhà nước cấp không đúng danh mục được phê duyệt thì mức phạt từ 1 – 20 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2015.

3. Nghị định số 57/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/6/2015 sửa đổi Nghị định 152/2013/NĐ-CP quy định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2015.

Bên cạnh việc cho phép người nước ngoài mang xe ô tô chở khách có tay lái bên trái từ 9 chỗ ngồi trở xuống, xe mô tô vào Việt Nam du lịch như hiện nay theo Nghị định 152/2013/NĐ-CP.

Nghị định 57/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 152/2013/NĐ-CP, theo đó, bổ sung loại xe người nước ngoài được phép mang vào Việt Nam du lịch là xe ô tô nhà ở lưu động có tay lái ở bên trái.

Nội dung sửa đổi như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch.

1. Sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 3 Điều 3 như sau:

“a) Là xe ô tô chở khách có tay lái ở bên trái từ 9 chỗ trở xuống, xe ô tô nhà ở lưu động có tay lái ở bên trái và xe mô tô;”

2. Sửa đổi Khoản 2 Điều 4 như sau:

“2. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Khoản 1 Điều này, Bộ Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận việc phương tiện cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam. Văn bản chấp thuận được gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan để phối hợp quản lý. Trường hợp không chấp thuận, phải có văn bản trả lời trong thời gian 03 ngày làm việc và nêu rõ lý do.”

4. Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 16/06/2015 quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2015.

Theo Thông tư quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa thì giá dự thầu của nhà thầu phải bao gồm toàn bộ các chi phí cần thiết để thực hiện gói thầu, trong đó có thuế, phí, lệ phí (nếu có).

Thuế, phí, lệ phí được áp theo thuế suất, mức phí, lệ phí theo quy định tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu.

- Đối với đấu thầu trong nước, khi đánh giá về giá phải xem xét cả chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có).

- Đối với đấu thầu quốc tế, khi đánh giá về giá không xem xét và không đưa vào để so sánh, xếp hạng nhà thầu đối với chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có).

Trường hợp nhà thầu được xếp hạng thứ nhất thì chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có) sẽ được xác định cụ thể trong bước thương thảo hợp đồng. Giá đề nghị trúng thầu, giá hợp đồng phải bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có).

5. Nghị định 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 09/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2015.

Nghị định quy định khi đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cần phải căn cứ vào các nội dung sau:

- Đối với cán bộ, công chức:

+ Nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp và những việc cán bộ, công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức.

 + Tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của cán bộ, ngạch công chức, chức vụ lãnh đạo quản lý.

 + Chương trình, kế hoạch công tác năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình hoặc được giao, phê duyệt hoặc phân công.

- Đối với viên chức: Theo quy định tại Điều 40 Luật Viên chức.

Từ các căn cứ đánh giá trên, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo 4 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ.

6. Thông tư số 06/2015/TT-BTP do Bộ trưởng Bộ Tư Pháp ban hành ngày 15/6/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.  Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2015.

Theo Thông tư 06/2015/TT-BTP thay thế Thông tư 11/2011/TT-BTP và Quyết định 01/2008/TT-BTP, công chứng viên đang hành nghề phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm tối thiểu 3 ngày làm việc/năm (tương đương 24 giờ/năm).

Sẽ miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm trong trường hợp đã tham gia giảng dạy tại Học viện Tư pháp, tham gia giảng dạy tại một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm hoặc tham gia một khóa bồi dưỡng nghề công chứng ở nước ngoài trong năm đó.

Đồng thời, Thông tư 06/2015/TT-BTP còn quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng viên hàng năm bao gồm:

- Hội công chứng viên; trường hợp địa phương chưa thành lập Hội công chứng viên thì Sở Tư pháp thực hiện bồi dưỡng.

- Học viện Tư pháp.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: