Theo Tạp chí Trí thức và Phát triển - Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội,  Bộ Sách điện tử Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị – Trang http://uongnuocnhonguon.vn)

Phần thứ Nhất

Quảng Trị, Thành cổ Quảng Trị và những dấu ấn lịch sử

Mang theo tâm trạng thành kính và lòng tri ân, đứng trước bạt ngàn bia mộ của các bậc cha anh đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, hay trong Thành cổ Quảng Trị... chúng tôi hiểu mảnh đất này không chỉ có vậy “Cát trắng rang vàng nghiêng lệch cả dòng sông” hay “Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật” (thơ Phạm Đình Lân); mà ở đó còn là những con người bình dị, phôi pha nhân hậu, trung dũng, quả cảm. Đứng giữa màu xanh của non nước mây trời Quảng Trị hôm nay, tôi chỉ biết thốt lên Quảng Trị mến yêu ơi xin cho tôi được nhắc nhớ, được biên niên vào cuốn sách giàu ý nghĩa này với những diện mạo hình hài vốn có về Quảng Trị - một phần không thể thiếu của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

Đất và người Quảng Trị

Đã đôi lần, vào dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng 30 - 4 giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoặc vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27 - 7 chúng tôi lại được về với miền quê Quảng Trị đầy nắng và gió. Mang theo tâm trạng thành kính đứng trước bạt ngàn bia mộ của các bậc cha anh đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, hay trong Thành cổ Quảng Trị... chúng tôi hiểu mảnh đất này không chỉ có vậy “Cát trắng rang vàng nghiêng lệch cả dòng sông” hay “Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật” (thơ Phạm Đình Lân); mà ở đó còn là những con người bình dị, trung trinh nhân hậu, luôn sẵn lòng trung dũng quả cảm. Đứng giữa màu xanh của non nước mây trời Quảng Trị hôm nay, tôi chỉ biết thốt lên Quảng Trị mến yêu ơi xin cho tôi được nhắc nhớ, được biên niên vào cuốn sách giàu ý nghĩa này với những diện mạo hình hài vốn có về Quảng Trị - một phần không thể thiếu của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

Nằm cách Thủ đô Hà Nội 598km về phía Nam và 1.112km về phía Bắc đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ Việt Nam. Là dải đất hẹp của đất nước hình chữ S, chiều ngang tính từ Tây sang Đông có chỗ chỉ 50km, nhưng địa hình Quảng Trị có cả 3 vùng miền núi, trung du, đồng bằng và miền biển. Phía Bắc tỉnh giáp Quảng Bình, phía Nam giáp Thừa Thiên Huế, phía Tây giáp tỉnh Savannakhẹt nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và phía Đông là biển. Nơi đây có sông Bến Hải - cầu Hiền Lương, giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc Việt Nam trong suốt 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Theo tài liệu của UBND tỉnh, Quảng Trị hiện có diện tích trên 4.746,9km2, dân số hơn 600 nghìn người, gồm các dân tộc anh em Kinh, Pacô, Vân Kiều, Tà Ôi chung sống, gắn bó tập trung ở thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và 8 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Hướng Hóa, ĐaKrông và Cồn Cỏ.

Tìm lại dấu xưa, theo cuốn Non nước Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin, 1998: Từ thời Hùng Vương - An Dương Vương, vùng đất Quảng Trị nằm trong bộ Việt Thường của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Đầu thời Hán thuộc (từ năm 179  rước Công nguyên đến năm 192), Quảng Trị thuộc đất quận Nhật Nam. Cuối thế kỷ thứ 2, Trung Quốc rơi vào tình trạng loạn lạc, nhân dân quận Nhật Nam đã cùng nhân dân trong vùng Tượng Lâm nổi dậy khởi nghĩa giành quyền tự chủ. Khởi nghĩa đã giành thắng lợi lấy tên nước là Lâm Ấp (từ đèo Hải Vân đến đèo Ngang).

Sau khi giành được độc lập tự chủ, quốc gia phong kiến Đại Việt không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Về phía Nam, nhà Lý đổi châu Đại Lý thành Châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh. Châu Minh Linh thuở ấy là vùng đất từ Cửa Việt trở ra phía Bắc, trong đó có các huyện: Gio Linh, Cam Lộ, Đa Krông, một phần đất của thị xã Đông Hà, Hướng Hóa và Vĩnh Linh hiện nay.

Tiếp đến, năm 1306, vua Chăm là Chế Mân dâng biểu cầu hôn lên vua Trần Anh Tông xin cưới công chúa Huyền Trân và dâng hai Châu: Châu Ô và Châu (Rí) Lý làm vật sính lễ. Vì nghiệp lớn, vua Trần bằng lòng gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân và nhận hai Châu: Ô, Rí. Vậy là bờ cõi Đại Việt lại được rộng mở trong sự đồng thuận quy tụ của lòng người. Năm 1309, nhà Trần đổi châu Ô thành Thuận Châu, châu Rí thành Hóa Châu. Thuận Châu chính là dải đất từ sông Hiếu - Cửa Việt trở vào phía Nam, trong đó có các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và một phần đất thành phố Đông Hà ngày nay. Năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông sai vào trấn thủ Thuận Hóa, đóng Dinh Cát ở ái Tử. Sau này, Trịnh - Nguyễn phân tranh, lấy sông Gianh làm giới tuyến chia cắt Đàng trong, Đàng ngoài.

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ (1771 - 1786) Nguyễn Huệ ra dựng nghiệp ở Phú Xuân - Thuận Hóa và là người có công xóa bỏ ranh giới sông Gianh, xóa bỏ sự chia cắt Đàng trong, Đàng ngoài.

Ngày 01 tháng 6 năm 1802, Nguyễn ánh lên ngôi đặt niên hiệu Gia Long, đã lập dinh Quảng Trị bao gồm đất đai các huyện: Hải Lăng, Đặng Xương (tên cũ là Vũ Xương), Minh Linh và đạo Cam Lộ. Năm 1806, Quảng Trị trở thành dinh trực lệ kinh sư Huế. Năm 1822, đặt châu Hướng Hóa lệ thuộc đạo Cam Lộ. Năm 1827, dinh Quảng Trị đổi là trấn Quảng Trị. Năm 1832, trấn Quảng Trị đổi là tỉnh Quảng Trị. Năm 1853, hợp nhất tỉnh Quảng Trị với phủ Thừa Thiên thành đạo Quảng Trị. Năm 1876, lập lại tỉnh Quảng Trị. Ngày 3 tháng 5 năm 1890, toàn quyền Đông Dương ra nghị định hợp Quảng Trị với tỉnh Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị. Ngày 23 tháng 01 năm 1896, toàn quyền Đông Dương ra nghị định rút Quảng Trị ra khỏi địa hạt thuộc quyền công sứ Đồng Hới, cùng Thừa Thiên dưới quyền công sứ Trung Kỳ, đặt một phó Công sứ đại diện cho Khâm sứ ở Quảng Trị. Năm 1900, toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách Quảng Trị ra khỏi Thừa Thiên lập thành một tỉnh riêng biệt gồm 4 phủ: Triệu Phong (Thuận Xương cũ), Hải Lăng, Vĩnh Linh (Chiêu Linh cũ) Cam Lộ và huyện Gio Linh. Ngày 17 tháng 2 năm 1906, toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thị xã Quảng Trị (tỉnh lỵ). Năm 1908, phủ Cam Lộ tách 3 tổng người Kinh lập thành huyện Cam Lộ và 9 tổng người dân tộc thiểu số lập thành huyện Hướng Hóa...

Sau Hiệp định Giơnevơ (ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954), sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời, tỉnh Quảng Trị tạm thời chia làm hai vùng: Vùng bờ Nam sông Bến Hải là tỉnh Quảng Trị, gồm các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Hướng Hóa, xã Vĩnh Liêm và một phần của xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh), thị xã Quảng Trị, do chính quyền miền Nam quản lý (thuộc chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ); hơn 3/4 địa bàn và dân cư của huyện Vĩnh Linh ở phía Bắc vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) do Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý, được thành lập đặc khu. Đặc khu Vĩnh Linh tương đương đơn vị hành chính cấp tỉnh, trực thuộc Trung ương.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (ngày 30 tháng 4 năm 1975), Tổ quốc thống nhất, tỉnh Quảng Trị và đặc khu Vĩnh Linh cùng cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Từ tháng 3 năm 1976, thực hiện quyết định của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Quảng Trị cùng hai tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên và đặc khu Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh mới là Bình - Trị - Thiên. Tháng 7 năm 1989, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (khóa VIII , kỳ họp thứ 5) quyết định chia tỉnh Bình - Trị - Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Ngày 01 tháng 7 năm 1989, Quảng Trị trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc Trung ương. Từ năm 1990, có sự thay đổi về địa giới và tên gọi một số huyện, thị xã như sau: Huyện Bến Hải được tách ra thành lập hai huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh; thị xã Đông Hà tách ra thành lập huyện Cam Lộ và thị xã Đông Hà (tỉnh lỵ Quảng Trị); huyện Triệu Hải tách ra thành lập hai huyện: Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Năm 1996, huyện Hướng Hóa tách ra thành lập huyện mới ĐaKrông và Hướng Hóa. Từ năm 2000, toàn Tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã (trong đó có 7 huyện, 2 thị xã), có 136 xã, phường và thị trấn.

Quảng Trị - một vùng địa lý tự nhiên giàu tiềm năng

Đi từ Bắc vào Nam, đi từ Đông sang Tây, điều dễ nhận thấy là địa hình Quảng Trị đa dạng, bao gồm núi, đồi, đồng bằng, cồn cát và bãi biển chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Quảng Trị có nhiều sông ngòi với 5 hệ thống sông chính là sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, sông Ô Lâu, sông Xê Pôn và sông Sê Păng Hiêng. Đầu nguồn sông ở các huyện miền núi có khả năng xây dựng thủy điện vừa và nhỏ.

Với địa hình hỗn hợp gồm miền núi, trung du và đồng bằng, rừng núi Quảng Trị chiếm khoảng hai phần ba diện tích toàn tỉnh, phần lớn nằm trong huyện Hướng Hóa và Ba Lòng. Đó là một đoạn của dãy Trường Sơn hùng vĩ với đỉnh cao nhất là ngọn Pa Thiêng (còn gọi là núi Tả Linh, cao 1.710m) và chỗ thấp nhất là đèo Lao Bảo (350m) nơi đường số 9 chạy qua Lào. Giữa miền rừng núi trùng điệp của Quảng Trị có một số thung lũng rộng như Ba Lòng, Khe Me là những chiến khu nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. ở địa đầu huyện Hướng Hóa, bên đường số 9 có núi Mai Lĩnh trên đỉnh mọc toàn cây mai, đứng soi mình trên sông Thạch Hãn. Mùa Xuân hoa mai nở vàng cả một vùng rất đẹp. Chính bởi vậy mà đồng bào Quảng Trị còn gọi quê hương của mình bằng một cái tên rất thơ là đất nước non Mai, sông Hãn.

Rừng Quảng Trị có nhiều gỗ quý như lim, trắc, gõ, kiền kiền... và nhiều lâm sản quý như măng giang, trầm hương, nấm mèo... và có nhiều động vật quý hiếm. Một phần ba đất đai còn lại của Quảng Trị là cao nguyên đất đỏ, miền trung du, đồng bằng và cồn cát ven biển. Đất đai trên các cao nguyên đã được khai phá một phần để trồng cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, chè, trầu và hoa quả (chuối, dứa, na, mít). Hồ tiêu ở Quảng Trị có giá trị kinh tế cao, hồ tiêu Cùa và Bát Phường nổi tiếng thơm và cay.

Diện tích đồng bằng tỉnh Quảng Trị rất nhỏ hẹp, chỉ chừng 610km2. Đồng bằng nơi cung cấp nhiều lúa và hoa màu hơn cả của tỉnh Quảng Trị chủ yếu ở hai huyện phía Nam tỉnh là Triệu Phong, Hải Lăng và một phần huyện Cam Lộ (cánh đồng thung lũng sông Hiếu).

Những cồn cát nằm dọc bờ biển gọi chung là dãy Tiểu Trường Sa. Cồn cát luôn luôn bị gió thổi bay vào xô lấn đồng ruộng bên trong, nên tạo ra nhiều bãi cát nhỏ nằm xen giữa các xóm làng gọi là truông, như truông Hau Hau (Gio Linh), truông ái Tử (Triệu Phong)...

Bờ biển bằng phẳng. Có 2 cửa biển là cửa Tùng và cửa Việt (khá rộng, sâu, tàu biển lớn có thể ra vào được). Có tiềm năng về đánh bắt hải sản, phục vụ du lịch và mở rộng giao thương, đường biển.

Quảng Trị có khá nhiều sông hồ, điển hình là:

- Sông Bến Hải (còn gọi là Hiền Lương hoặc Minh Lương) ngắn, hẹp, nước bao giờ cũng trong và chảy ra Cửa Tùng.

- Sông Hiếu (còn gọi là Đầu Mãn hoặc Cam Lộ) chảy qua huyện Cam Lộ, thành phố Đông Hà rồi nhập vào sông Thạch Hãn.

- Sông Thạch Hãn (còn gọi là Đá Bàn hoặc Quảng Trị, đoạn thượng nguồn còn có tên là sông Hàn), lớn nhất tỉnh, rộng, sâu, là đường giao thông thuận lợi giữa miền núi và đồng bằng, qua triền núi Mai Lĩnh, chiến khu Ba Lòng, thị xã Quảng Trị, cánh đồng Triệu Phong, Hải Lăng đổ ra Cửa Việt.

- Sông Nhùng chảy qua chiến khu Khe Me.

Công nghiệp và thủ công nghiệp của Quảng Trị đang trong giai đoạn phát triển.

Về giao thông vận tải có bước phát triển khá. Đó là tuyến đường bộ số 1A chạy qua Vĩnh Linh, Gio Linh, Đông Hà, Triệu Phong (ái Tử), Quảng Trị, Hải Lăng (dài 60km) và đường số 9 nối với đường số 1A từ thành phố Đông Hà, qua Cam Lộ, Hướng Hóa đến Lao Bảo (dài hơn 80km) đến đất Lào. Đường số 9 là cửa ngõ của Lào ra biển Đông, là con đường của tình hữu nghị.

Đường hàng không có các sân bay Quảng Trị, Xum Cam, Cam Lộ, Cửa Tùng...

Đường thủy, thuyền bè đi lại thuận lợi nhất trên sông Thạch Hãn. Cửa Việt khá rộng và sâu, tàu biển lớn có thể ra vào được.

Quảng Trị, số dân không đông lắm, phần lớn sống tập trung ở đồng bằng và các cửa sông, mật độ số dân ở những khu vực này lên tới gần 2.000 người trên 1km2.

Đồng bào Kinh, phần lớn sống ở đồng bằng, còn vùng cao Quảng Trị là quê hương của đồng bào dân tộc ít người Vân Kiều.

Ở Quảng Trị, làng nào cũng có chùa thờ Phật. Một số nơi thuộc Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng có nhà thờ Thiên chúa giáo. Nhà thờ La Vang và nhà thờ Tri Bưu lớn nhất tỉnh. Một vài nơi ở đồng bằng đồng bào theo đạo Tin lành.

Quảng Trị là tỉnh có truyền thống văn hóa nhiều màu sắc. Tiếng nói của người Quảng Trị mang đặc trưng thổ ngữ vùng Trung bộ, bảo lưu nhiều vốn cổ của tiếng Việt.

Phân bố Hành chính

Theo kết quả điều tra ngày 01 tháng 4 năm 2009 dân số tỉnh Quảng Trị là 631.591 người. Quảng Trị hiện bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện: thành phố Đông Hà; thị xã Quảng Trị; huyện Cam Lộ; huyện đảo Cồn Cỏ; huyện Đa Krông; huyện Gio Linh; huyện Hải Lăng; huyện Hướng Hóa; huyện Triệu Phong; huyện Vĩnh Linh.

Khi tái lập tỉnh Quảng Trị theo Nghị quyết ngày 30 tháng 6 năm 1989 của Quốc hội khóa VIII , kỳ họp thứ 5, tỉnh có 1 thị xã: Đông Hà và 3 huyện: Bến Hải, Hướng Hóa và Triệu Hải.

Theo Quyết định số 134-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) Việt Nam ngày 16 tháng 9 năm 1989, thị xã Quảng Trị được tái lập trên cơ sở thị trấn Quảng Trị (thuộc huyện Triệu Hải).

QUANG TRI  ANH 2
Dòng sông Thạch Hãn

Theo Quyết định số 91-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) Việt Nam ngày 23 tháng 3 năm 1990, huyện Bến Hải chia thành 2 huyện Gio Linh và Vĩnh Linh, huyện Triệu Hải được tách trả lại thành 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng và thị xã Quảng Trị.

Thị xã Đông Hà được nâng lên thành thành phố theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Thành phố Đông Hà được lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Đông Hà.

Giở lại những trang sử của tỉnh Quảng Trị, có thể nói dưới chế độ thực dân, phong kiến có áp bức bóc lột, nhân dân non Mai, sông Hãn đã không ngừng đấu tranh để bảo vệ cuộc sống của mình. Nhất là từ khi thực dân Pháp đến xâm lược, chúng chưa bao giờ có được những phút giây yên ổn trên mảnh đất này.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị: Tôn Thất Thuyết đã xây đồn Tân Sở (Cam Lộ) ra hịch “Cần Vương” chống Pháp, được nhân dân Quảng Trị góp sức, giúp lương. Nhiều sĩ phu Quảng Trị đã theo hịch Cần Vương lãnh đạo các đạo quân Bình Tây đánh Pháp.

Năm 1927, Thanh niên cách mạng đồng chí hội đã được tổ chức ở 6 huyện trong tỉnh và sau đó là Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 4 năm 1930, Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Quảng Trị ra đời do đồng chí Lê Thế Tiết làm Bí thư. Đầu năm 1931 toàn tỉnh rải truyền đơn, treo cờ đỏ. Anh chị em nông dân nổi dậy, đòi chia lại ruộng công, giành lại ruộng đất bị chiếm đoạt. Tháng 5 năm 1931, biểu tình chống thuế, ủng hộ Xô viết Nghệ - Tĩnh, có hàng ngàn người tham gia, kéo lên huyện lỵ Triệu Phong. Các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn, Học sinh đoàn nối tiếp nhau thành lập. Tờ báo Mặt trận đỏ sau đổi là Dân cày nghèo của tỉnh Đảng bộ ra đời, bí mật lưu hành truyền bá tư tưởng cách mạng trong nhân dân. Từ đó nhân dân Quảng Trị dưới sự lãnh đạo của Đảng được tổ chức lại, người người lớp lớp khi bí mật lúc công khai, đạp lên gươm súng và nhà giam của quân thù tiến lên đưa cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám ở Quảng Trị đến thắng lợi.

Tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Trong những ngày kháng chiến gian khổ, khó khăn nhất, đồng bào Quảng Trị luôn sẵn lòng nhường cơm sẻ áo cho bộ đội ta đánh thắng quân xâm lược. Rồi ngay chính các dân tộc anh em cũng luôn đùm bọc thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, đồng bào miền núi chia sẻ củ khoai, củ sắn cho người dân dưới xuôi, ngược lại, đồng bào miền xuôi lại hỗ trợ đồng bào miền núi gạo, muối và các đồ dùng, vật dụng thiết yếu khác... góp phần lập nên những chiến công rực rỡ ở Đồng Dương, Tân Lâm, Xóm Muồi, Thanh Hương, Cùa, Nam Đông, tiến tới mở chiến dịch đầu năm 1954, giải phóng huyện Hướng Hóa, giành lại đường số 9, khai thông biên giới Việt - Lào, mở rộng thêm vùng căn cứ du kích ở miền xuôi, phối hợp với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đưa đến thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương.

Chính truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân và tinh thần chiến đấu bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trong đó có người con ưu tú, tiêu biểu của Quảng Trị là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đưa phong trào cách mạng Quảng Trị tiến lên vững chắc giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tiếp đó là công cuộc xây dựng CN XH, nỗ lực thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo nhân dân Quảng Trị đã từng bước làm thay da, đổi thịt, hồi sinh sức sống mới trên vùng đất đầy dấu tích chiến tranh, hoang tàn đổ vỡ năm xưa.

Thế đấy, về với Quảng Trị, là về với những địa danh những chiến khu, những chiến tích quả cảm, anh dũng của quân và dân ta, như Ba Lòng, Khe Me, Đường 9, Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Thành Cổ, Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ, địa đạo Vĩnh Mốc; là sông Bến Hải, cầu Hiền Lương - Cửa Tùng, hàng rào điện tử Mắc - Na - Mara; là hơn 70 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9... nhưng còn đó là những danh lam thắng cảnh ấm tình đất, tình người như danh thắng ĐaKrông, biển Cửa Tùng, cửa khẩu Lao Bảo, rừng nhiệt đới Rú Linh và đến với những dòng chảy văn hóa lễ hội La Vang, hội Thượng Phước, hội cướp Cù... để rồi mỗi khi ta đến, ta đi đều có chung một cảm nhận: người Quảng Trị thủy chung gắn bó, trung dũng kiên cường trong chống giặc ngoại xâm, năng động, giàu bản lĩnh trong xóa đói làm giàu hôm nay. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất, suy tư nhất chính là địa danh Thành cổ Quảng Trị - vùng đất thiêng, nơi an nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ - liệt sĩ, những người con được sinh ra trên khắp mọi miền Tổ quốc cùng cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Trị đã làm nên huyền thoại để hôm nay đây chúng ta có được một Việt Nam hòa bình, độc lập, đang phấn đấu hết sức mình vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trần Miêu

Thành cổ Quảng Trị Địa danh máu và hoa

Thành cổ Quảng Trị là một công trình kiến trúc thành luỹ cổ, đồng thời cũng là lỵ sở hành chính - chính trị của tỉnh Quảng Trị. Suốt chiều dài lịch sử, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, Thành cổ Quảng Trị không chỉ có vai trò to lớn đối với sự phát triển của địa phương, mà còn có vị trí quan trọng đối với tiến trình phát triển của dân tộc. Đặc biệt trong cuộc tấn công chiến lược năm 1972, Thành Quảng Trị với trận quyết chiến chiến lược 81 ngày đêm đã vượt ra ngoài tầm của một thành tỉnh lỵ, trở thành một trận quyết chiến mang tầm chiến lược đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Thành cổ Quảng Trị được khởi dựng vào những năm đầu của thế kỷ XIX (tháng 8 năm 1801). Sau khi thiết lập quyền cai trị mới của triều đại, Gia Long cho lấy các huyện Hải Lăng, Đăng Xương (thuộc phủ Triệu Phong) và huyện Minh Linh (thuộc phủ Tân Bình) lập ra Dinh Quảng Trị; Đồng thời có kế hoạch xây dựng một “Trung tâm hành chính - lỵ sở của dinh Quảng Trị” ở địa phận phường Tiền Kiên, huyện Đăng Xương.

Làng Tiền Kiên nguyên là một trong năm khu vực đồn trú của đội quân  Ngũ Kiên dưới thời chúa Nguyễn, sau này hình thành nên các làng mang đúng theo tên gọi của các cơ sở này (Trung Kiên, Hậu Kiên, Tả Kiên, Hữu Kiên, Tiền Kiên). Việc Gia Long chọn thủ phủ của tổ tiên mình thời chúa Nguyễn làm nơi đặt lỵ sở đầu tiên của Quảng Trị, mang một ý nghĩa chính trị to lớn trong buổi đầu vương triều mới tạo lập.

Năm 1809, một năm sau khi dinh Quảng Trị trở thành dinh trực lệ Kinh sư, nhận thấy vị trí đóng lỵ sở dinh Quảng Trị tại ái Tử (Tiền Kiên) không được đắc địa, khó có thể hội đủ các điều kiện để trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội cho một vùng trực lệ Kinh sư nên Gia Long cho chuyển lỵ sở dinh Quảng Trị về xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng như hiện nay và bắt đầu hoạch định xây dựng thành.

Quá trình xây dựng của thành Quảng Trị từ khi khởi công dưới thời Gia Long cho đến khi hoàn thiện dưới thời Minh Mạng kéo dài gần 28 năm (1809-1837), với hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất (1809-1832) bao gồm công việc di chuyển lỵ sở, quy hoạch và xây dựng; Giai đoạn thứ hai (1832-1837) là thời kỳ xây dựng kiên cố bằng gạch mở rộng quy mô thành luỹ; từ năm 1837 về sau là thời kỳ hoàn thiện thành luỹ và xây dựng công trình kiến trúc bên trong. Bộ phận kiến trúc chính tạo ra diện mạo tổng quát của thành Quảng Trị là cấu trúc phòng thành. Phòng thành Quảng Trị được xây bằng gạch, tổng thể có hình vuông. Thành được cấu trúc theo kiểu Vauban. Kiến trúc Vauban là một hệ thống phức hợp, gồm những công trình kiến trúc liên quan chặt chẽ với nhau và mang tính bố phòng vững chắc; bao gồm các bộ phận chính như: Lũy (rempart), pháo đài (bastion), pháo đài góc (lunelte d’angle), tường bắn (mur detir), những pháo nhãn hay pháo môn (embrassure), phòng lộ (bemle), hào (lossé) thành giai (glacic), đường kín (chcmin couvert)... Phương thức kiến trúc ấy “xuất hiện trong điều kiện mà quân đội nhiều nước trên thế giới đã qua khỏi thời đại chiến đấu bằng cung tên và gươm giáo, họ đã được trang bị bằng các vũ khí bắn đạn được đẩy đi bằng thuốc súng”.

Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì thành Quảng Trị có chu vi 489 trượng 6 thước, cao 1 trượng 3 thước, mở 4 cửa, 1 kỳ đài, hào rộng 2 trượng. Theo Đại Nam nhất thống chí thì thành có chu vi là 481 trượng 6 thước, cao 1 trượng, bề dày 3 trượng, mở 4 cửa, hào rộng 4 trượng 6 thước, sâu 8 thước. Còn theo Đồng Khánh dư địa chí lược thì thành có chu vi là 489 trượng, 6 thước; cao 1 trượng, 7 tấc; dày 1 thước, 7 tấc Thân thành có 4 góc, 4 cửa. Hào thành rộng 8 trượng, 2 thước, sâu 5 thước.

QUANG TRI  ANH 3
Một cổng thành Quảng Trị nguyên gốc. Ảnh từ thời Pháp thuộc

Như vậy, kích thước Thành Quảng Trị được chép trong các tài liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn không thống nhất, thậm chí có sự chênh lệch nhau khá lớn. Từ năm 1992 đến nay, trong quá trình nghiên cứu và thực hiện dự án quy hoạch, đầu tư tôn tạo Di tích Thành Quảng Trị các chuyên gia đã tiến hành nhiều bước khảo sát, đo đạc lại kích thước thành ngoài với sự hỗ trợ đắc lực của các thiết bị kỹ thuật hiện đại và đã có những kết quả như sau:

Chiều dài của tường thành phần thẳng tính từ mép ngoài (kể cả kích thước của cổng thành) ở mỗi mặt là 280m, ở cả 4 mặt là 1.120m. Chiều dài tường thành ở mỗi góc bầu (pháo đài) với 2 cạnh ở đỉnh góc, mỗi cạnh 95m, 2 cạnh tiếp giáp với thân thành, mỗi cạnh 35m, có tổng cộng là 260m [(95m x 2) + (35m x 2)] và ở cả 4 góc pháo đài là 1.040m. Từ đó, chu vi toàn thành sẽ là 2.160m (1.040 + 1.120m). Tổng diện tích toàn bộ thành Quảng Trị là 18,56ha.

Thành có chiều cao 4,30m. Vật liệu xây thành gồm đất và gạch. Lớp đất đắp thành được lấy tại chỗ để sử dụng đắp phía trong. Án ngữ bốn góc thành là 4 bốn pháo đài nhô hẳn ra phía ngoài, sắp xếp cân đối ở mỗi góc và xếp đối xứng nhau qua các cửa chính diện của chân thành mà dân địa phương quen gọi là “góc bầu”. Thành Quảng Trị có 4 cửa nằm ở vị trí chính diện của 4 mặt thành. Cửa mở về hướng Nam là cửa tiền, còn gọi là Nam môn; cửa mở về hướng Bắc là cửa Hậu, còn gọi là Bắc môn; cửa mở về hướng Đông là cửa Tả, còn gọi là Đông môn; cửa mở về hướng Tây là cửa Hữu, còn gọi là Tây môn. Kiến trúc của mỗi cửa thành (đúng hơn là cổng thành) xây bằng gạch, gồm hai tầng. Tầng dưới là phần nền (cao 4,6m) với bộ phận chính là cổng thành xây vòm cuốn theo kỹ thuật “bốn viên kê dọc, nêm giữa, đội khuôn”, rộng 3,1m, sâu 7,55m, cao 4,6m, có hai cánh cửa bằng gỗ lim dày gắn vào 3 khoen đá thanh làm khuy cửa khi đóng và mở. Tầng trên là một vọng lâu có kiến trúc theo lối vọng lâu xây bằng gạch, cao từ nền đến đỉnh mái là 4,1m; mặt bằng hình vuông, có cạnh là 2,7m, xungquanh mở 4 cửa vòm rộng 0,9m; mái cong, lợp ngói âm dương, các đầu đao và bờ nóc đều có trang trí mây mác, hoa sen.

Nội thành có nhiều công trình kiến trúc được xây dựng nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho việc ở và làm việc của các cơ quan công đường thuộc bộ máy hành chính của tỉnh Quảng Trị. Công trình trọng yếu phải kể đến trước hết là Hành cung, nằm cách cửa Tiền chừng 500m. Khu vực này có hình vuông, chu vi chừng 400m. Hành cung là nơi dùng cho vua nghỉ ngơi trong những lần ngự giá đi qua địa hạt. Cũng như nhiều Hành cung trong các tỉnh thành khác, Hành cung Quảng Trị là một công trình kiến trúc được xây dựng theo mô thức nhà rường, có 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói âm dương, cột sơn son thếp vàng. Bên trong có ngai đặt trên bệ rồng, trên có tán rộng. Hai phía tả hữu có hai công trình nằm quay mặt về phía nhà chính. Xung quanh xây bằng tường gạch chỉ để mặt trước 2 cửa ra vào. Hành cung chỉ mở cửa khi có vua đến hoặc các dịp làm lễ bái vọng, lễ thăng chức của các quan đầu tỉnh Quảng Trị và các dịp tế lễ định kỳ trong năm.

Căn cứ bản sơ đồ về thành Quảng Trị do Nguyễn Thứ vẽ năm 1889 chúng ta có thể biết được đến những năm cuối thế kỷ XIX, nội thành Quảng Trị ngoài những công trình được xây dựng dưới thời Nguyễn còn lại như: Hành cung, Dinh Tuần phủ, dinh án sát, dinh Lãnh binh, ngục thất, khám đường... vẫn do bộ máy quan lại của Quảng Trị thuộc triều đình An Nam sử dụng, còn có thêm các công trình khác do người Pháp xây dựng như: Đồn cảnh sát và nhà tù (poste de police et prison), nơi ở của chỉ huy các binh chủng (logment du commandant d larmes), cửa hàng lương thực (magasin des subsitances), bưu điện (poste et télégrphe), trạm xá (infirmerie), cửa hiệu (magasin), lò mổ gia súc (abattoir), tiệm mì (boulangerie)...

Thành Quảng Trị trước hết là một bộ phận quan trọng trong nền kiến trúc cổ, là sự thể hiện một trình độ kỹ thuật nhất định về lĩnh vực quân sự của vương triều Nguyễn nhằm đảm bảo cho vấn đề ổn định trật tự xã hội và an ninh quốc phòng trong điều kiện xã hội có nhiều biến động. Tuy nhiên, trên thực tế, thành Quảng Trị không chỉ đơn thuần là một công trình kiến trúc quân sự mà địa vị chính của nó mang ý nghĩa lớn hơn về một trung tâm hành chính, chính trị và văn hóa của một địa phương qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Dưới thời Nguyễn, thành Quảng Trị là địa hạt trực lệ phía hữu của Kinh sư. Dưới con mắt của các vua nhà Nguyễn, Quảng Trị luôn là một phên dậu có ý nghĩa chiến lược cho kinh thành dưới nhiều góc độ. Vì thế, nằm trong ý đồ thiết lập hệ thống các công trình phòng thủ mặt Bắc của Kinh đô Huế, thành Quảng Trị và thành Đồng Hới có nhiệm vụ trấn giữ hai cửa ngõ trọng yếu của phía Bắc.

Tuy nhiên, bên cạnh chiến lược củng cố an ninh, nhà Nguyễn còn thực thi các sách lược ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội. Bởi vậy, có thể nói vị thế của thành Quảng Trị dưới thời Nguyễn giữ vai trò thiết thực của một trung tâm chính trị, hành chính hơn là một công trình phòng thủ quân sự. Thông qua bộ máy hành chính ở thành Quảng Trị, nhà Nguyễn đã nắm được chính quyền cơ sở, tổ chức, quản lý và điều hành một cách có hiệu quả. Bên cạnh việc quản lý ruộng đất, chế độ thuế khóa, lao dịch, chỉ đạo việc duy trì và phát triển sản xuất, ổn định xã hội là việc trấn áp các cuộc nổi dậy và chống lại các thế lực thù địch từ bên ngoài. Nhà Nguyễn cũng rất quan tâm đến chính sách khai hoang, cấp tiền, nông cụ, thóc giống cho những ai có nguyện vọng khai hoang. Nhờ đó, nhiều làng có cùng nguồn gốc, tổ quán đã ra đời ở nhiều nơi; thúc đẩy quá trình phát triển và mở rộng địa bàn cư trú của người Việt lên một số vùng núi và trung du.

Từ năm 1858, đất nước Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược. Triều đình nhà Nguyễn sau một thời gian tổ chức chống cự yếu ớt đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Năm 1883, trước sự uy hiếp của quân đội Pháp, Huế không còn là kinh đô an toàn cho vua quan triều Nguyễn. Do đó, những người theo phái chủ chiến trong triều đình, đứng đấu là Thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết và quan Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường đã bí mật tổ chức sơn phòng ở các tỉnh để chuẩn bị kháng chiến lâu đã được bí mật xây dựng ở Quảng Trị để làm nơi trú ẩn cho vua và triều thần khi kinh thành hữu sự. Đó là sơn phòng Quảng Trị/ Căn cứ Tân Sở/ Thành Tân Sở. Sau sự kiện binh biến đêm ngày 4 tháng 7 năm 1885 (ngày  23 tháng 5 năm ất Dậu) kinh thành Huế thất thủ, triều đình Hàm Nghi cùng đoàn  tuỳ tùng xa giá ra Tân Sở để tiến hành cuộc kháng chiến theo như những dự tính đã được chuẩn bị từ trước. Chiều mồng 6 tháng 7 năm 1885, vua và ngự đoàn đến Quảng Trị, xa giá nghỉ đêm trong hành cung của thành Quảng Trị. Ngày 13 tháng 7 năm 1885, tại căn cứ Tân Sở, Tôn Thất Thuyết thay mặt Hàm Nghi đã ban hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân phò vua đánh Pháp. Hưởng ứng hịch Cần Vương, một phong trào kháng Pháp đã phát triển rầm rộ, kéo dài cho đến những năm đầu thế kỷ XX.

Ở Quảng Trị, hưởng ứng lời hiệu triệu Cần Vương, hàng ngàn nghĩa binh chiêu mộ từ các làng ở Quảng Trị được đưa lên Tân Sở. Khắp các làng xã, nối tiếp phong trào Văn Thân chống cả triều đình lẫn Pháp vốn được khởi xướng và phát triển mạnh.

Tiêu biểu có cuộc nổi dậy của các nhóm Văn Thân Quảng Trị. Tuy có nhiều hạn chế về tính tổ chức và gây nên những cuộc tàn sát không đáng có bởi tính cuồng tín, nhưng nó đã đánh một dấu mốc mới trong khí thế tiến công cách mạng của nhân dân Quảng Trị.

Thành Quảng Trị dưới thời Pháp thuộc, cũng đã có một vị trí quan trọng. Kể từ sau khi Hòa ước Patenôtre được ký kết (ngày 6 tháng 6 năm 1884), triều đình Huế chính thức công nhận cuộc bảo hộ của Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Người Pháp cũng đã nhận thức rõ về vị trí chính trị quan trọng của tỉnh Quảng Trị nói chung và khu vực thành Quảng Trị nói riêng, nên từ sau năm 1885, cùng với thành Đồng Hới, thành Quảng Trị được quân đội Pháp chọn làm một trong những cứ điểm quan trọng của hệ thống đồn quân sự dày đặc thuộc vùng đất giữa Huế với Vinh. ở trong thành Quảng Trị, ngoài các cơ quan thuộc bộ máy quan lại đầu tỉnh của nhà Nguyễn, còn có nhiều cơ quan thuộc bộ máy của chính quyền “bảo hộ” Pháp. Đặc biệt, trong những năm trước 1890, thành Quảng Trị là nơi đóng sở chỉ huy của các binh chủng thuộc lữ đoàn An Nam được đặt dưới sự chỉ huy của một thiếu tá quân đội Pháp. Người Pháp đã không chỉ thiết lập ở thị xã Quảng Trị một trung tâm chính trị với bộ máy hành chính nhà nước gồm cả chính quyền Pháp lẫn Nam triều; mà còn tiến hành đầu tư xây dựng để biến nơi đây thành một đầu mối kinh tế có lợi cho sự kinh doanh của giới tư sản Pháp.

Ngày 17 tháng 2 năm 1906, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thị xã Quảng Trị và lấy thị xã Quảng Trị làm trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị. Từ đó, các phố xá lần lượt được xây dựng và ngày càng trở nên sầm uất. Đặc biệt là kể từ sau khi đường Thuộc địa số 9 (nay gọi là Quốc lộ 9) được mở thì thị xã Quảng Trị càng có điều kiện để trở thành một đầu mối kinh tế, chính trị có tầm chiến lược của tỉnh và toàn khu vực. Cơ cấu kinh tế mới xuất hiện đã hình thành cơ cấu xã hội mới. Bên cạnh tầng lớp nông dân, thợ thủ công chiếm số đông, xuất hiện lực lượng công nhân và các tầng lớp tư sản, tiểu tư sản, dân nghèo thành thị. Ngọn lửa của các phong trào yêu nước, cách mạng và phong trào Cộng sản những thập niên đầu thế kỷ XX của nhân dân Quảng Trị luôn được nhen nhóm và phát triển mạnh mẽ từ trong lòng thị xã tỉnh lỵ. Đó chính là một là tiền đề cho phong trào cách mạng các giai đoạn kế tiếp. Trước tình hình các phong trào yêu nước và cách mạng ngày một dâng cao, thực dân pháp tăng cường đàn áp và xây dựng nhà tù. Nhà lao trong thành Quảng Trị trở thành nơi giam giữ nhiều nhà chí sĩ yêu nước, nhiều chiến sĩ cách mạng trong tỉnh và khu vực. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhà lao Quảng Trị đã được mở, 150 tù chính trị (trong đó có gần 80 đảng viên Cộng sản) được trả tự do. Đó là lực lượng chủ chốt trong phong trào khởi nghĩa giành chính quyền, tạo điều kiện cho thắng lợi nhanh chóng của nhân dân Quảng Trị trong Cách mạng tháng Tám.

Đúng 5 giờ sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945, tại tòa Công sứ, lá cờ đỏ sao vàng đã được ủy ban khởi nghĩa treo lên trong tiếng reo mừng của hàng vạn nhân dân báo hiệu sự chấm dứt của chế độ thực dân phong kiến thống trị, đánh dấu ngày đầu tiên nhân dân Quảng Trị được sống trong không khí tự do, độc lập. Thị xã Quảng Trị trở thành trung tâm lãnh đạo của chính quyền cách mạng đại diện cho một nhà nước kiểu mới - nhà nước dân chủ nhân dân.

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi. Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Theo Hiệp định Geneve nước ta tạm thời chia làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm đường biên giới quân sự tạm thời. Quảng Trị là nơi trực tiếp bị chia cắt. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị có một vị trí rất quan trọng. Đối với địch, Quảng Trị là một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng trong hệ thống phòng ngự của chúng. Đây vừa là bàn đạp để địch thực hiện âm mưu “Bắc tiến” khi có điều kiện, vừa xác lập một hệ thống phòng thủ mạnh nhất để làm “lá chắn” ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, bảo vệ miền Nam.

Từ năm 1954 đến năm 1971, mặc dù thành Quảng Trị không còn đảm nhận sứ mệnh là trung tâm đầu não của bộ máy chính quyền cấp tỉnh, nhưng do vị trí chiến lược của nó trong lòng thị xã cùng những thay đổi về mục đích sử dụng nên vị thế thành Quảng Trị không những không bị giảm sút mà còn được đẩy lên tầm quan trọng hơn, nhất là khi cục diện cuộc chiến tranh giữa nhân dân ta với chế độ ngụy quyền Sài Gòn ngày càng trở nên khốc liệt. Thành Quảng Trị luôn nằm trong mối tương quan giữa bản thân nó với toàn thị xã; giữa thị xã với cục diện chiến trường toàn tỉnh và toàn miền; giữa cuộc đấu tranh chính trị, quân sự, từ 2 phía ta và địch... Chính điều đó đã làm cho thành Quảng Trị trở thành nơi quy tụ các nguyên nhân, sự kiện xảy ra tại thị xã Quảng Trị trong những năm 1954-1971.

Thời đánh Mỹ năm 1972, vùng đất Quảng Trị được xem là chiến trường khốc liệt nhất, nơi diễn ra những cuộc đụng đầu nảy lửa giữa ta và địch. Với địa thế vừa là bàn đạp để thực hiện âm mưu “Bắc tiến” khi có điều kiện, vừa là lá chắn bảo vệ “biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”, đây là chiến trường sinh tử đối với Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sau hai cuộc tấn công bất ngờ và quả cảm của quân ta - bắt đầu từ giữa trưa ngày 30 tháng 3 năm 1972, thị xã Quảng Trị được giải phóng vào chiều ngày 01 tháng 5 năm 1972. Đến 28 tháng 6 năm 1972, ngày khởi đầu của 81 ngày đêm kiêu hùng của những chiến binh quả cảm của chúng ta trong cuộc chiến không cân sức về khí tài trong lòng Thành cổ.

QUANG TRI  ANH 4
Thị xã Quảng Trị trước ngày xảy ra chiến dịch. Ảnh tư liệu

Để lấy lại tinh thần và gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris, địch dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị với mục tiêu số một là chiếm lại tòa Thành cổ. Trong cuộc hành quân lấy tên “Lam Sơn 72” bắt đầu ngày 28 tháng 6 năm 1972, địch đã huy động phản kích bằng máy bay phản lực, bình quân mỗi ngày 150 - 170 lần (có ngày 220 lần), 70 - 90 lần B52, 12 - 16 lần tàu khu trục hạm và tuần dương hạm thuộc Hạm đội 7 - Thái Bình Dương, hai sư đoàn dự bị chiến lược là Sư dù và thủy quân lục chiến, 4 trung đoàn thiết giáp - mỗi trung đoàn có 79 xe tăng và xe bọc thép... Đây là cuộc hành quân đẫm máu, cực kỳ tàn bạo với đủ loại vũ khí hiện đại: Từ bom phá, bom na-pan, bom lân tinh, bom bi, bom 7 tấn, bom điều khiển bằng la-de; đến các loại pháo chơm, pháo khoan, chất độc hóa học và hơi ngạt. Người ta đã ghi nhận được: Đêm 4 tháng 7 năm 1972, pháo đài bay B52 Mỹ đã ném 4.000 tấn bom; ngày 31 tháng 7, khoảng 2 vạn quả đại bác cỡ lớn từ 105-203mm đã rơi xuống vùng phụ cận và khu vực thị xã Quảng Trị. Báo chí phương Tây thời bấy giờ bình luận và so sánh số bom đạn Mỹ ném xuống chiến trường Quảng Trị khoảng 328 ngàn tấn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hi-rô-shi-ma (Nhật Bản) năm 1945.

Trong lửa đạn khốc liệt ấy, Thành cổ Quảng Trị với chu vi hơn 2.160m là “túi bom” của kẻ thù. Chúng huy động tối đa lực lượng, phương tiện để chiếm bằng được Thành cổ vì đây là địa bàn chiến lược, có thể tạo sức nặng mặc cả với ta tại Hội nghị Paris. Không thể thống kê hết số bom đạn giội xuống mảnh đất này. Người ta áng chừng, trung bình mỗi chiến sĩ ở đây phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Thậm chí, có ngày - như ngày 25 tháng 7, địch điên cuồng xả vào Thành cổ khoảng 5.000 quả đại bác. Bốn dãy tường thành Thành cổ dày đến 12m cứ vỡ dần, vì bom đạn và chấn động mặt đất. Máu, thịt và xương của các chiến sĩ hy sinh đã hòa vào lòng đất mẹ.

QUANG TRI  ANH 5
Một góc Thị xã Quảng Trị (Tháng 7 - 1972)

Thế nhưng, bom đạn không làm sờn lòng những chiến sĩ anh hùng - hầu hết đều rất trẻ. Các anh đã kiên cường bám trụ giữ từng tấc đất Thành cổ. Trong một ngày, các chiến sĩ đã phải đánh địch phản kích từ 5-7 lần, có khi 13 lần. Cuộc chiến đấu ở đây đã diễn ra như một huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra những quy ước thông thường với nhiều tấm gương quả cảm. Cuộc chiến đấu anh hùng 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị kết thúc bằng thất bại của một đội quân xâm lược đông trên 5 vạn tên với thừa thãi sức mạnh bom đạn, một lần nữa làm sáng ngời chân lý: Kẻ xâm lược có vũ khí tối tân đến đâu cũng phải khuất phục trước những con người có ý chí thép gang, một lòng chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc...

Thắng lợi ở mặt trận Quảng Trị trong năm 1972 đã góp phần thực hiện tích cực quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng. Cùng với thắng lợi của cả nước, nổi bật vào cuối năm 1972 là quân và dân Hà Nội đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ, làm thất bại mưu đồ đàm phán trên thế mạnh của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút hết quân Mỹ, quân các nước phụ thuộc Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, làm cho so sánh lực lượng thay đổi hẳn có lợi cho ta trong thời gian tiếp theo.

Chiến tranh đã đi qua, thành Quảng Trị đã bị huỷ diệt hoàn toàn. Sau ngày đất nước thống nhất, Thành cổ Quảng Trị đã được nhìn nhận, đánh giá đúng với vị trí, vai trò nó đã đảm nhận trước lịch sử. Thành cổ Quảng Trị được xếp vào hạng Di tích đặc biệt quan trọng của cả nước. Công cuộc trùng tu, tôn tạo di tích Thành cổ Quảng Trị đã và đang được Nhà nước ta quan tâm đầu tư. Thành cổ Quảng Trị sẽ trở thành một công viên văn hóa tưởng niệm; là nơi khắc dấu những chiến công bất tử của quân dân Quảng Trị anh hùng; là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho hôm nay và cho các thế hệ con cháu mai sau.

(Trung tâm Bảo tồn Di tích và Danh thắng Quảng Trị)

QUANG TRI  ANH 7

Phần thứ hai
Thành cổ Quảng Trị - Huyền thoại mùa Hè đỏ lửa - 1972

...Đó là những ngày tháng nóng bỏng nhất trên mặt trận Quảng Trị. Thành Cổ trở thành nơi thử thách khốc liệt nhất đối với các chiến sĩ ta. Trong một phạm vi nhỏ hẹp của Thành Cổ, mấy trăm ngàn tấn bom, đạn pháo đủ loại đã dội xuống trong 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa 1972; đến một nhành cỏ cũng không còn sót được...

Vậy mà các chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị vẫn bám trận địa chiến đấu đến cùng. Người này ngã xuống, người kia lại tiếp tục với ý chí: Tim còn đập thì Thành Cổ không thể mất! Và, các anh đã làm nên một trong những Huyền thoại hào hùng nhất của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

QUANG TRI  ANH 6

Cuộc chiến đấu kiên cường anh dũng của quân và dân ta
trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị
(từ ngày 28 - 6 đến ngày 16 - 9 năm 1972)

Tình hình Quảng Trị trước ngày 28 tháng 6 năm 1972

Tỉnh Quảng Trị thuộc dải đất hẹp miền Trung, diện tích 4.886km2. Thực hiện Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về lập lại hòa bình ở Việt Nam, tỉnh Quảng Trị bị chia làm hai phần, lấy sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Nam sông Bến Hải nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ - ngụy gồm các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, Hải Lăng, Triệu Phong và các thị xã Quảng Trị, Đông Hà, trong đó thị xã Quảng Trị là thủ phủ của tỉnh với số dân lúc đó khoảng 25.000 người. Bắc sông Bến Hải được giải phóng là huyện Vĩnh Linh, dân số khoảng 9.000 người, một thời gian sau, Chính phủ quyết định thành lập Đặc khu hành chính Vĩnh Linh, có thị trấn Hồ Xá. Thực tế lịch sử đó đã biến tỉnh Quảng Trị thành mảnh đất địa đầu, đối chọi giữa hai miền đất nước có chế độ xã hội hoàn toàn đối lập mà cuộc đấu tranh về mọi mặt đều diễn ra quyết liệt, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ chính trị hai miền. Trong đó, cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị là một đỉnh cao về tính quyết liệt, diễn ra trong một thời điểm nhạy cảm khi mọi thành bại trên chiến trường đều trực tiếp tác động tới vị thế từng bên trong Hội nghị Pari.

Thành cổ Quảng Trị là mục tiêu mà địch cố chiếm nhằm giành lợi thế ở Hội nghị Pari, là mục tiêu có ý nghĩa để tuyên truyền, kích động binh lính địch và lừa bịp dư luận quốc tế, lấy lại danh dự của chúng sau thất bại ở Quảng Trị tháng 5 năm 1972. Về quân sự, khu vực Nhan Biều, Ái Tử, Đông Hà nằm trên các trục đường quan trọng, trong đó có đường Quốc lộ 1A, Đường số 9, đường sông, sân bay. Chiếm được khu vực này, địch có một bàn đạp lợi hại để tiếp tục tiến công ra vùng giải phóng. Vì thế, ngay từ đầu, địch tập trung mọi cố gắng, mọi thủ đoạn để đánh chiếm bằng được.

Cuộc chiến ở đây trở nên rất quyết liệt. Trong đó, thị xã, Thành cổ là một chốt chặn quan trọng nhất phục vụ cho ý định phản công của ta. Việc giữ được thị xã, đặc biệt là Thành cổ, sẽ tạo điều kiện để ta chuyển vào phòng ngự chiến dịch được thuận lợi, thực hiện được mục tiêu mà cấp chiến lược giao cho chiến dịch.

Quảng Trị có ba đường chính là Quốc lộ 1A chạy suốt từ Bắc vào Nam. Song song với đường 1A có đường sắt Bắc - Nam, nhưng đã bị phá hỏng trong chiến tranh. Cùng với trục Quốc lộ 1A, ở ven biển có tỉnh lộ 68 chạy dọc từ Quảng Trị vào cửa Thuận An, tỉnh Thừa Thiên. Phía Tây có đường 15A, 15N chạy từ miền Bắc qua đường số 9 vào A Sầu, A Lưới nối với quốc lộ 14 và vào Quảng Nam. Bắc Quảng Trị có quốc lộ số 9 nối quốc lộ 1A từ ngã ba Đông Hà lên Khe Sanh, Lao Bảo, sang tỉnh Savanakhệt (Lào), đường 64 từ thị xã Quảng Trị ra cảng Cửa Việt và nhiều đường ngang từ vùng rừng núi về trung du do ta mới mở để cơ động lực lượng, phục vụ chiến trường và chiến đấu.

Ngoài đường bộ, địch dựa vào hệ thống sông Thạch Hãn, cải tạo nhiều chỗ để thuyền, ca nô, tàu nhỏ đi lại dễ dàng. ở cửa sông, chúng xây dựng cảng cửa Việt, tàu thuyền từ biển qua cảng cửa Việt lên thị xã Quảng Trị, Khe Sanh.

Phục vụ cho chiến tranh xâm lược, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, địch xây dựng nhiều sân bay dã chiến như La Vang (Nam thị xã Quảng Trị 1,5km), Khe Sanh, ái Tử. Từ các sân bay này, máy bay quân sự (kể cả các loại máy bay phản lực) có thể lên xuống được.

Khí hậu ở Quảng Trị chia làm hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, trời thường nắng nóng, có gió tây nóng và khô; nhiệt độ trong ngày thường từ 37 đến 38 độ C, có ngày lên đến 40 độ C; sông suối khô cạn. Mùa mưa từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau, mưa dầm dề, có khi kéo dài hàng tháng; bão lụt thường xảy ra vào các tháng 9, 10, 11; sông suối ngập lụt, đường sá lầy lội, xe cơ giới hoạt động rất khó khăn, nhất là trên các đường đất mới mở.

Về tình hình địch

Ngày 1 tháng 5 năm 1972, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Nhưng với bản chất cực kỳ ngoan cố và hiếu chiến, không chịu mất một tỉnh địa đầu tiếp giáp với miền Bắc và bất chấp tiến trình Hội nghị Pari bàn về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đã kéo dài 4 năm đang đi vào thời điểm quyết định, Níchxơn một mặt ra lệnh cho Nguyễn Văn Thiệu phải chiếm lại tỉnh Quảng Trị, một mặt “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh để cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đang có nguy cơ sụp đổ. Ngày 16 tháng 4 năm 1972, chúng ném bom trở lại và rải mìn phong tỏa các hải cảng lớn ở miền Bắc nước ta. Ngày 4 tháng 5 năm 1972, nhận được tín hiệu của Mỹ, Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu và Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân ngụy vội vã bay ra căn cứ quân sự Mang Cá (Huế) họp bàn với các cố vấn quân sự Mỹ và các tướng tá chỉ huy quân ngụy để cứu xét tình hình Trị Thiên, đặc biệt là việc thất thủ Quảng Trị. Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bắt giam tướng Vũ Văn Giai - Tư lệnh sư đoàn 3 vì đã tự động cho lui quân khỏi phòng tuyến phía Bắc và giải tán luôn cả sư đoàn này; đồng thời cách chức tướng Hoàng Xuân Lãm – Tư lệnh Quân khu 1 - Quân đoàn 1 vì để thất thủ Quảng Trị mà vẫn nói “quân ta không thắng mà cũng không thua”. Để cứu vãn tình thế, Nguyễn Văn Thiệu điều tướng Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh quân khu 4 - Quân đoàn 4, một tướng mà Thiệu cho là có uy danh trong quân lực Việt Nam cộng hòa, sắc sảo trong chiến trận, có tầm nhìn xa trông rộng về chiến thuật, chiến lược, ra làm tư lệnh quân khu 1 - Quân đoàn 1 thay tướng Hoàng Xuân Lãm. Ngay ngày 5 tháng 5 năm 1972, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh chuẩn bị cuộc phản công mang mật danh “Lam Sơn 72” tái chiếm Quảng Trị. Để ngăn chặn ta phát triển tiến công vào phía Nam, địch lập tức tăng quân và hỏa lực, nhanh chóng củng cố tuyến phòng ngự Nam sông Mỹ Chánh; Đồng thời lập tuyến phòng ngự phía Tây đường 12 để ngăn chặn ta tiến công vào Huế, nhằm bảo toàn lực lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc phản công tái chiếm Quảng Trị của chúng.

Thực hiện quyết tâm của Lầu Năm góc, chính quyền Sài Gòn tăng cường lực lượng tổng dự bị chiến lược và lực lượng dự bị của quân khu 1 cho Thừa Thiên gồm: Toàn bộ sư đoàn dù, sư đoàn lính thủy đánh bộ, sư đoàn 1 bộ binh, trung đoàn 4 thuộc sư đoàn 2 bộ binh. Tổng lực lượng gồm 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn và nhiều đơn vị công binh, không quân, hải quân của quân khu 1 hỗ trợ. Đặc biệt là Mỹ đã tăng gấp 2 lần số máy bay ném bom chiến lược B52, triển khai lại các lực lượng không quân chiến thuật và hải quân chi viện hỏa lực trực tiếp với mật độ cao và cường độ rất lớn cho cuộc phản công của quân ngụy (đây là sự chi viên hỏa lực lớn nhất của Mỹ trong một chiến dịch, kể cả các chiến dịch quân Mỹ là lực lượng chủ yếu. Trong suốt thời gian Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam, chỉ tính riêng máy bay B52, trong tháng 6 năm 1972, địch xuất kích trung bình là 135 lần chiếc một ngày và cao nhất là 200 lần chiếc một ngày...). Chúng tăng cường lực lượng không quân, hải quân tập trung đánh phá liên tục, ác liệt vào hậu phương chiến dịch của ta, đặc biệt là các đường giao thông, kho tàng, các trận địa pháo của ta. Để đối phó với đợt tiến công thứ 3 của ta vào Thừa Thiên - Huế, từ ngày 16 đến ngày 26 tháng 6 địch dùng sư đoàn lính thủy đánh bộ đánh vào Hải Lăng, Mỹ Thủy, Cổ Lũy buộc Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390) của ta phải đưa lực lượng dự bị (Trung đoàn bộ binh 18) vào chiến đấu sớm hơn dự định. Đồng thời, chúng dùng phi pháo đánh chặn các hướng tiến công của ta; lực lượng ta ở các hướng tiến công bị tổn thất nặng, phải dừng lại vừa củng cố, vừa đánh chặn địch. Địch không những đã chặn được đợt tiến công thứ 3 của ta mà còn chiếm được các tuyến làng ở phía Nam, Bắc sông Mỹ Chánh từ đường số 1 ra đến biển làm tuyến xuất phát của cuộc phản công ra Quảng Trị của chúng.

Đến ngày 26 tháng 6 năm 1972, đội hình phản công của địch hình thành trên hai hướng: Hướng tây tiến công theo đường số 1 và các dãy điểm cao phía tây đường số 1, do sư đoàn dù, được tăng cường Thiết đoàn 20 chiến xa, Thiết đoàn 7 kỵ binh, 1 tiểu đoàn pháo 155mm, đảm nhiệm.

Hướng đông từ Hải Lăng ra đến biển, do sư đoàn lính thủy đánh bộ đảm nhiệm, được tăng cường Thiết đoàn 18 kỵ binh, 1 chi đoàn xe bọc thép của thiết đoàn 17, một tiểu đoàn pháo 155mm. Lực lượng dự bị cho sư đoàn lính thủy đánh bộ ở hướng này có Chiến đoàn 4, gồm Trung đoàn 4 bộ binh, Thiết đoàn 17 (thiếu), tiểu đoàn 11 pháo binh.

Phòng ngự ở Huế và Phú Bài có sư đoàn 1 bộ binh và Liên đoàn 1 biệt động quân. Lực lượng dự bị của quân đoàn là Trung đoàn 51 bộ binh đứng ở Huế. Hỏa lực Quân đoàn 1 ngụy chi viện cho phản công có 2 tiểu đoàn pháo 175mm, 2 tiểu đoàn pháo 105mm và 1 tiểu đoàn pháo phòng không; 1 Sư đoàn không quân và hải quân Vùng 1 duyên hải thuộc Quân đoàn 1. Tuy nhiên, lực lượng hải quân và không quân Mỹ là lực lượng chi viện hỏa lực chủ yếu cho cuộc hành quân.

Mở đầu cuộc phản công “Lam Sơn 72”, suốt hai ngày 26 và 27 tháng 6  năm 1972, địch tập trung phi pháo đánh phá liên tục, ác liệt toàn bộ chiến tuyến phía Bắc sông Mỹ Chánh từ núi Cái Mương, Hố Lầy, Đá Bạc (hướng Tây) đến Văn Quỹ, Hội Kỳ Phường (hướng Đông), các trận địa hỏa lực của ta nằm dọc đường số 1 và ở huyện Hải Lăng. Sáng 28 tháng 6, dưới sự chi viện của không quân, pháo hạm của hải quân Mỹ và các lực lượng pháo binh, xe tăng, hai sư đoàn chủ lực ngụy bắt đầu tiến công: Trên hướng đường số 1, sư đoàn dù dùng các Lữ đoàn 2 và 3 làm lực lượng tiến công chủ yếu, Lữ dù 1 làm lực lượng dự bị ở phía sau. ở hướng đông Hải Lăng, sư đoàn lính thủy đánh bộ dùng các Lữ đoàn 147 và 369 làm lực lượng tiến công chính diện, tiến theo trục đường 68; Lữ đoàn 258 cơ động xuống phía sau làm lực lượng dự bị. Để tăng cường hỏa lực chi viện cho bộ binh các hướng tiến công, ngoài lực lượng không quân chiến thuật, chiến lược và pháo hạm của hải quân Mỹ chi viện trực tiếp, trung bình mỗi tiểu đoàn bộ binh khi tiến công được 1 tiểu đoàn pháo chi viện; mỗi trung đoàn bộ binh có 1 thiết đoàn xe tăng, xe thiết giáp phối hợp chiến đấu.

Như vậy, trước ngày 28 tháng 6, địch đã chuẩn bị đầy đủ mọi mặt cho cuộc tiến công lớn ra vùng giải phóng, nhằm chiếm mục tiêu trước mắt là thị xã và Thành cổ Quảng Trị, thủ phủ của tỉnh địa đầu miền Nam làm áp lực với ta trong Hội nghị Pari.

Với lực lượng lớn: 2 sư đoàn tiến công chính, có lực lượng dự bị mạnh, khả năng bổ sung quân nhanh, quân Mỹ chi viện hỏa lực mạnh (cả pháo hạm và máy bay chiến lược B52) nên sức tiến công của địch tăng lên nhiều, liên tục, vì vậy cuộc chiến đấu giữa ta và địch trở nên rất quyết liệt.

Về ta

Sau khi giải phóng tỉnh Quảng Trị, từ ngày 2 đến 19 tháng 6 năm 1972, các lực lượng của ta vừa tiến hành công tác chuẩn bị, vừa tổ chức đánh nhỏ để tạo thế và đến sáng ngày 20 tháng 6 ta bắt đầu nổ súng tiến công đợt 3. Thực ra việc mở đầu tiến công đợt 3 là do địch đánh ra, vì từ ngày 19 tháng 6 địch dùng các Lữ đoàn 147 và Lữ đoàn 369 lính thủy đánh bộ tiến ra thăm dò trên 2 hướng Xuân Viên, Đồng Dương - Thẩm Khê và Văn Quỹ - Hội Kỳ Phường. Nhân cơ hội địch đánh ra, Bộ Tư lệnh Chiến dịch ra lệnh cho cánh đông thực hành tiến công đợt 3 sớm hơn; trước mắt tiêu diệt quân địch nống ra, sau đó tiếp tục phát triển tiến công theo kế hoạch. Chấp hành mệnh lệnh của trên, sáng 20 tháng 6, trên hướng đông, các đơn vị nổ súng đánh địch tiến công. Trên hướng bắc (trên đường số 1 và tây đường 1), sáng 21 tháng 6, các đơn vị của ta tiến công quân dù ở núi Cái Mương, Cầu Nhi. Trên hướng đường 12 (tây Huế) do chuẩn bị chậm, nên đến ngày 26 tháng 6 mới tiến công được.

Trong quá trình tiến công đợt 3, từ 20 tháng 6 ta phát hiện dần ý đồ và âm mưu của địch đang tăng quân, tăng hỏa lực để chặn ta và phản công chiếm lại vùng giải phóng Quảng Trị. Nhưng đến 25 tháng 6, ta mới tổng hợp tương đối đủ tình hình, thấy rõ ý định của địch tập trung tiến hành cuộc tiến công quy mô lớn ra bắc sông Mỹ Chánh để đánh chiếm lại vùng giải phóng.

Tại thời điểm này, lực lượng và thế trận của ta ở Quảng Trị như sau:

Trên hướng đông: Các Trung đoàn bộ binh 64 và 27 Sư đoàn 320B, sau kết quả tiến công hạn chế và không đẩy lùi được Lữ đoàn 147 và Lữ đoàn 369 lính thủy đánh bộ về nam sông Mỹ Chánh; lực lượng bị tiêu hao, không đủ sức tiến công, phải chuyển sang chiến đấu ngăn chặn địch trên tuyến Xuân Viên - Đồng Dương, Văn Quỹ, Hội Kỳ Phường.

QUANG TRI  ANH 8
Phút hiếm hoi nơi trận mạc

Trên hướng đường 1 (hướng Bắc), Sư đoàn 304 được tăng cường Trung đoàn bộ binh 88 của Sư đoàn 308 đang tiến công địch ở Nam, Bắc sông Mỹ Chánh. Sư đoàn 308 (thiếu Trung đoàn 88), Trung đoàn bộ binh 36, Trung đoàn bộ binh 102 đang trên đường hành quân vào Nam sông Mỹ Chánh. Trung đoàn bộ binh 48 (thiếu Tiểu đoàn bộ binh 2) Sư đoàn 320B, đang cùng Tiểu đoàn 8 Quảng Trị triển khai phòng ngự ở thị xã Quảng Trị, La Vang; 1 tiểu đoàn ở ái Tử (Tiểu đoàn 2 đang chiến đấu cùng Sư đoàn 304 ở khu vực núi Cái Mương). Các trận địa pháo binh, pháo phòng không đã triển khai từ Trường Phước đến Thượng Phước để chi viện cho lực lượng tiến công ở nam sông Mỹ Chánh.

QUANG TRI  ANH 9
Các chiến sĩ nuôi quân dũng cảm thường xuyên phải vượt qua bom lửa dày đặc trong Thành cổ để phân phát khẩu phần ăn tới các chiến sĩ Ảnh: TL

Trên hướng đường 12 (tây Huế) ta bắt đầu tiến công, nhưng gặp rất nhiều khó khăn và bị địch chặn lại. Đêm 26 tháng 6, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch họp đánh giá kết quả đợt tiến công thứ 3, hội nghị nhận thấy: Đợt tiến công thứ 3 của ta không thành công, sức tiến công yếu, lại giảm sút nhanh chóng. Địch thiệt hại không đáng kể, chúng có thể dùng 1 đến 2 trung đoàn ngăn chặn ta ở hướng đường 1 và nhân lúc hậu phương chiến dịch của ta sơ hở mở cuộc tiến công chiếm lại. Từ kết luận đó, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương: “Tiếp tục cuộc tiến công hiện nay có trọng điểm, có hiệu lực, đồng thời khẩn trương triển khai các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, các đơn vị binh khí kỹ thuật để đánh bại cuộc hành quân của địch, chặn bằng được các cánh quân tiến công của chúng ở Trường Phước và Hải Lăng. Cụ thể: dùng một bộ phận lực lượng giữ vững các khu vực bàn đạp quan trọng ở Quảng Trị, đồng thời thực hành tiến công nhỏ và vừa tiêu hao một số bộ phận sinh lực địch, đánh mạnh vào hậu phương, kho tàng, sân bay và bắn máy bay địch, làm chúng rối loạn; sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không, đường biển để giữ vững vùng giải phóng.

Trên hướng đường 12 (Tây Huế), trước mắt đẩy mạnh tiến công để phối hợp với hướng Quảng Trị, dành cho được khu vực Động Tranh, sau đó áp xuống Bình Điền, đánh cắt giao thông ở Nam đèo Hải Vân và đánh sâu vào sau lưng địch, phá sân bay, kho tàng”.

Ngày 27 tháng 6, Quân ủy Trung ương thông báo cho Bộ Tư lệnh chiến dịch các hoạt động khẩn trương chuẩn bị tiến công ra Quảng Trị của địch và chỉ thị biện pháp đánh địch của ta để phối hợp với đấu tranh ngoại giao. Tối 28 tháng 6, Bộ Tư lệnh Chiến dịch hạ quyết tâm: “Chuyển từ chiến dịch tiến công sang chiến dịch phản công nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giữ vững vùng giải phóng, đánh bại cuộc hành quân của địch và phát triển lúc thời cơ có lợi”./.

Kim Yến (st)

Còn nữa

Bài viết khác: