Thực hiện chủ trương trên, Bộ Tư lệnh chiến dịch điều chỉnh thế trận và sử  dụng lực lượng như sau:

Sư đoàn 308, gồm các Trung đoàn 36, 102, 66(1), Tiểu đoàn 2 độc lập, phụ trách khu vực bắc sông Mỹ Chánh, đánh địch trên hướng đường 1; trước mắt dùng một bộ phận lực lượng tổ chức một cụm chốt liên hoàn ở các khu vực cầu Bến Đá - Cầu Nhùng và Thượng Nguyên, kiên quyết chặn địch để tạo điều kiện cho đại bộ phận lực lượng cơ động chuẩn bị chuyển sang phản công địch.

Sư đoàn 304, gồm các Trung đoàn 24, 9, 88 (2), Tiểu đoàn đặc công 35 tiếp tục tiến công tiêu diệt địch ở nam sông Mỹ Chánh; chủ yếu ở khu vực Yên Bầu, sau đó phát triển vào Phò Trạch.

Sư đoàn 320B, gồm các Trung đoàn 27, 64, 18(3); các Tiểu đoàn 14, 47 địa phương ở hướng đông có nhiệm vụ tiêu hao, ngăn chặn địch từ Thanh Hương, Mỹ Chánh tiến theo đường 68 và từ biển đổ bộ vào, bảo vệ huyện Hải Lăng. Trung đoàn 18 làm lực lượng dự bị chiến dịch, đứng chân ở Quảng Lương, Văn Trường, sẵn sàng đánh địch ở nam Cửa Việt.

Trung đoàn 48, Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương và 3 tiểu đoàn phòng không có nhiệm vụ bảo vệ khu vực thị xã Quảng Trị - La Vang - Ái Tử.

Do tình hình rất khẩn trương, việc điều chỉnh thế trận và sử dụng lực lượng theo kế hoạch chưa được thực hiện, riêng Trung đoàn bộ binh 66 đã cố gắng đến được vị trí triển khai đánh địch; còn các đơn vị khác đang hành quân dưới sự đánh phá ngăn chặn ác liệt của phi pháo Mỹ - ngụy nên không kịp đến các vị trí quy định để ngăn chặn địch.

Sau khi phát hiện ý đồ tập trung lực lượng phản công tái chiếm tỉnh Quảng Trị của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch một mặt tổ chức lực lượng, điều các đơn vị vào các vị trí chặn đánh địch bảo vệ vùng giải phóng; một mặt thông báo cho Tỉnh ủy và lệnh cho Tỉnh đội Quảng Trị tổ chức các lực lượng vũ trang, các tổ chức quân, dân, chính, Đảng ở địa phương khẩn trương chuẩn bị chiến đấu, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh bại cuộc tiến công lớn của địch nhằm chiếm lại toàn bộ tỉnh Quảng Trị, trước mắt đánh bại chủ trương chiếm cho được Thành cổ (thành Đinh Công Tráng) và thị xã làm con bài chính trị phục vụ cho đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Pari của chúng.

Ngay sau khi nhận được thông báo và mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Tư lệnh chiến dịch, Tỉnh ủy và Tỉnh đội họp, thống nhất nhận định tình hình, đề ra chủ trương và giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc quyền khẩn trương tiến hành các mặt chuẩn bị cho trận chiến đấu mới:

Một trong những công việc cần tiến hành khẩn trương là tổ chức phòng tránh cho nhân dân, do địch dùng phi pháo đánh phá ác liệt và dự kiến chiến sự sẽ diễn biến phức tạp, Tỉnh ủy chỉ thị cho các cấp chính quyền tổ chức sơ tán nhân dân hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị ra khỏi vùng có chiến sự ác liệt, chủ yếu chuyển ra các huyện Gio Linh, Cam Lộ, sau đó ra Vĩnh Linh. Tranh thủ xây dựng, phát triển, tổ chức lực lượng vũ trang địa phương bảo đảm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và bảo vệ nhân dân sơ tán. Chuẩn bị lực lượng, phương án hình thành thế trận chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch (chuẩn bị lực lượng, lập các căn cứ, chuẩn bị lương thực, vũ khí ở những vùng dự kiến địch đánh qua để sử dụng sau này).

Tổ chức lực lượng tích cực đánh phá giao thông, hậu cứ, kho tàng, sở chỉ huy của địch làm cho chúng rối loạn; đồng thời giúp đỡ, đưa đồng bào còn kẹt lại trong vùng có chiến sự sơ tán khi địch đã đánh qua.

Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Tư lệnh chiến dịch, chủ trương, nhiệm vụ của Tỉnh ủy, Tỉnh đội giao, trong một thời gian ngắn, các cấp ủy, cán bộ, bộ đội đã khẩn trương đưa được 8 vạn dân thị xã và hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng, là những địa bàn địch đang đánh phá ác liệt, đến các nơi an toàn hơn, sau đó đưa phần lớn đồng bào ra Vĩnh Linh. Bố trí các lực lượng vũ trang địa phương phối hợp chiến đấu ở các khu vực với bộ đội chủ lực như: Tại khu vực thị xã, ngoài lực lượng nòng cốt là Trung đoàn bộ binh 48 Sư đoàn 320B, được tăng cường pháo binh và các đơn vị binh chủng; tỉnh đã củng cố, biên chế đầy đủ cho Tiểu đoàn bộ binh 8, Tiểu đoàn bộ binh 3 và Đại đội 32 của thị xã, cùng một số du kích tập trung, cán bộ các ban ngành để phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực bảo vệ địa bàn. Trên hướng đông, tỉnh bố trí Tiểu đoàn bộ binh 14, với nhiệm vụ chủ yếu là cùng bộ đội chủ lực chốt giữ khu vực Cửa Việt, đồng thời cùng cán bộ cơ sở vận động, tổ chức sơ tán nhân dân về phía sau, kể cả khi địch đã tràn qua. Chuẩn bị mặt trận sau lưng địch, tỉnh bố trí Tiểu đoàn 10 đặc công và các đại đội bộ đội địa phương của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng cùng các đội du kích, bám trụ thôn xã, sẵn sàng tập kích đánh vào hậu phương địch.

Trong khi Trung đoàn 48 đang cùng các lực lượng vũ trang địa phương và Trung đoàn 24 Sư đoàn 304 chiến đấu quyết liệt với 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ ngụy ở khu vực núi Cái Mương (Tây Bắc Thừa Thiên), nhưng trước tình hình địch đang tập trung lực lượng chuẩn bị phản kích ra Quảng Trị, đánh chiếm vùng giải phóng của ta, ngày 21 tháng 6 năm 1972, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định điều Trung đoàn 48, trừ Tiểu đoàn 2 ở lại tiếp tục chiến đấu với Sư đoàn 304, còn toàn bộ trung đoàn hành quân về khu vực Đầu Kênh - Hà My, huyện Triệu Phong, bố trí ở các khu vực dọc đường 64 (bắc sông Thạch Hãn) sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị.

Cuối tháng 6 năm 1972, theo lệnh của Mặt trận, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48 cùng một số cán bộ tham mưu và cán bộ tiểu đoàn vào thị xã nhận bàn giao nhiệm vụ bảo vệ thị xã và Thành cổ từ Trung đoàn 102 Sư đoàn 308.

QT phan 2 anh 1
Chiến sỹ trinh sát Ảnh: TL

Mới hành quân vượt qua chặng đường mà bom đạn địch đánh phá ngăn chặn quyết liệt và vừa về đến vị trí tập kết tại Bắc sông Thạch Hãn, do tình hình diễn ra khẩn trương, ngày 29 tháng 6, Trung đoàn 48 đã phải lệnh cho Tiểu đoàn 3 vượt sông Thạch Hãn sang bờ nam, vào chiếm lĩnh và xây dựng trận địa tại khu vực La Vang; còn Tiểu đoàn 1 về đứng chân ở các làng Nhan Biều, Trung Kiên sẵn sàng đánh địch. 22 giờ ngày 30 tháng 6, trung đoàn được Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh chiến dịch, điện giao nhiệm vụ trực tiếp: Trung đoàn 48 cùng với Tỉnh đội Quảng Trị tổ chức phòng thủ khu vực: La Vang, Tích Tường, ngã ba Long Hưng, nhà ga Quảng Trị, Tri Bưu. Dùng chướng ngại vật, kết hợp với hỏa lực của đơn vị và hỏa lực pháo binh cấp trên chi viện; chiến đấu kiên cường không cho địch lọt vào thị xã. Ban chỉ huy Trung đoàn trực tiếp tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra đơn vị chấp hành mệnh lệnh, tích cực, khẩn trương hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, ngày 1 tháng 7 sẵn sàng đánh địch tiến công vào thị xã.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, từ ngày 1 đến 6 tháng 7, trung đoàn đưa Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 và tất cả các đơn vị hỏa lực cùng các bộ phận cơ quan sang thị xã hiệp đồng với Tỉnh đội Quảng Trị xây dựng quyết tâm chiến đấu và bố trí lực lượng như sau:

Các đơn vị của Trung đoàn 48 tổ chức trận địa chốt vòng ngoài, cụ thể: Tiểu đoàn bộ binh 3 được tăng cường một số hỏa lực của trung đoàn, bố trí trận địa chiến đấu ở khu vực La Vang, ngã ba Long Hưng; Tiểu đoàn bộ binh 1 được tăng cường một số phân đội hỏa lực của trung đoàn, bố trí trận địa, triển khai chiến đấu ở các làng An Thái, Tri Bưu, Quy Thiện. Tiểu đoàn bộ binh 2, ngày 6 tháng 7 sang thị xã bố trí tại khu vực làng Cổ Thành, tây bắc Thành cổ làm lực lượng cơ động. Các đơn vị hỏa lực của trung đoàn bố trí ở phía đông và phía Tây Thành cổ.

Các lực lượng vũ trang địa phương tổ chức trận địa chốt trong thị xã, cụ thể: Tiểu đoàn bộ binh 8 triển khai lực lượng, xây dựng trận địa chiến đấu ở khu vực tây nam làng Thạch Hãn, ở ga và cầu Quảng Trị. Tiểu đoàn bộ binh 3 bố trí trong Thành cổ, chốt các đường phố của thị xã. Các lực lượng an ninh, thị đội, dân quân tự vệ bố trí theo từng cụm chiến đấu trong các làng ven thị xã phối hợp với các chốt của bộ đội chiến đấu.

Để thống nhất chỉ huy chiến đấu, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định giao cho Trung đoàn 48 chỉ huy chung các lực lượng chiến đấu ở thị xã và trong Thành cổ. Sở chỉ huy nhẹ của Trung đoàn 48 đặt tại hầm dinh tỉnh trưởng ngụy quyền cũ trong thị xã. Sở chỉ huy cơ bản của Trung đoàn 48 đặt ở Bích Khê, sau chuyển về Tả Kiên vừa là Sở chỉ huy cơ bản, vừa là vị trí tiếp tế hậu cần, kỹ thuật qua sông Thạch Hãn cho các lực lượng chiến đấu trong thị xã, đồng thời là vị trí đón các thương binh ở thị xã đưa về sau cứu chữa.

Mặc dù ta chưa dự kiến hết mức độ ác liệt và quyết tâm tái chiếm Quảng Trị của Mỹ - ngụy, nhưng đã khẩn trương chuẩn bị, bố trí kết hợp cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ để bảo vệ mục tiêu, trước tiên là thị xã Quảng Trị. Vì chuẩn bị trong thế bị động, khẩn cấp, nên lực lượng các khu vực tác chiến bị hao hụt nhiều, chưa bổ sung, củng cố kịp. Từ ngày 26 tháng 6, phi pháo của Mỹ - ngụy càng đánh phá ác liệt báo hiệu cuộc chiến đấu trong những ngày sắp tới càng gay go, phức tạp, nhất là trên địa bàn đặc biệt xung yếu là khu vực thị xã Quảng Trị.

Diễn biến chiến đấu trong 81 ngày đêm
bảo vệ Thành cổ Quảng Trị - 1972

Sau hai ngày 26 và 27 tháng 6 triển khai lực lượng tiến công, địch tiến hành hỏa lực chuẩn bị trực tiếp, bằng pháo binh của quân đoàn 1 ngụy và hàng trăm lần chiếc máy bay chiến thuật, máy bay ném bom chiến lược B52, hàng chục tàu chiến trong đó có cả tàu sân bay của hai quân chủng hải quân và không quân Hoa Kỳ, bắn phá ác liệt vào tất cả các trận địa pháo binh và pháo phòng không, các khu vực đứng chân của các đơn vị ta từ bắc sông Mỹ Chánh trở ra, đặc biệt khu vực thị xã Quảng Trị. 7 giờ ngày 28 tháng 6 năm 1972, cuộc phản công “Lam Sơn 72” của địch bắt đầu.

Trên hướng chủ yếu (hướng đường Quốc lộ 1), Sư đoàn dù (có 3 Lữ đoàn) sử dụng Lữ đoàn dù 2 tiến công trên trục đường 1 theo hướng thị xã, Lữ đoàn dù 3 đánh chiếm các điểm cao phía tây, Lữ đoàn dù 1 làm lực lượng dự bị cơ động sau Lữ đoàn dù 2.

Trên hướng thứ yếu (hướng ven biển theo đường 68), Sư đoàn lính thủy đánh bộ (gồm 3 Lữ đoàn), sử dụng Lữ đoàn 147 và Lữ đoàn 369 tiến công theo trục đường 68 lên bắc sông Mỹ Chánh, Lữ đoàn 258 cơ động ở phía sau làm lực lượng dự bị.

Với sức mạnh của 2 Sư đoàn dự bị chiến lược và bằng hỏa lực tối đa của không quân và hải quân Mỹ chi viện, địch ào ạt tiến công trên nhiều hướng, kết hợp nhảy cóc bằng đổ bộ đường không và đường biển; Mỹ - ngụy hy vọng có thể nhanh chóng chiếm lại thị xã Quảng Trị và cắm cờ lên Thành cổ, đó là mục tiêu số 1 của chúng trong đợt tiến công này.

Tới ngày 3 tháng 7, địch chiếm được một vùng khá rộng tại bắc sông Mỹ Chánh từ Gia Đằng, Phương Lang Đông (ở hướng Đông) đến Hải Lăng, Thượng Xá, nam sông Nhùng (hướng đường số 1) và các điểm cao 28, 105 Nam (hướng tây). Như vậy, trên hướng chủ yếu, từ ngày 3 tháng 7, địch bắt đầu tiến công vào các trận địa phòng ngự của lực lượng trực tiếp bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị, cũng từ thời điểm này cho đến ngày 16 tháng 9 năm 1972, tại đây đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt.

Đợt 1: Đánh bại đợt tấn công thứ nhất của sư đoàn dù bên ngoài thị xã (3 - 13 tháng 7 năm 1972)

Sau khi chiếm được một khu vực rộng lớn của tỉnh Quảng Trị, địch tăng cường củng cố vị trí đứng chân, hình thành thế bao vây thị xã, đánh chiếm các điểm cao phía tây, tiếp tục đánh chiếm từng thôn, xã phía đông và tập trung lực lượng đánh chiếm thị xã, với mục tiêu cắm cờ lên Thành cổ trước ngày 10 tháng 7 để phục vụ ý đồ ép ta ở Hội nghị Pari dự định họp lại vào ngày 13 tháng 7 sau nhiều lần trì hoãn.

Ta từ thế tiến công phải điều chỉnh gấp đội hình, bố trí lại lực lượng trong điều kiện cơ động hết sức khó khăn vì bom, pháo địch đánh phá ác liệt các khu vực giấu quân, các trục đường hành quân, các trận địa phòng thủ làm gấp còn rất sơ sài, nên đã bị thương vong tương đối lớn. Trước yêu cầu cấp bách của cuộc chiến đấu, ngày 2 tháng 7 năm 1972, Đảng ủy chiến dịch dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Quang Đạo họp và ra nghị quyết lãnh đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, trước mắt tập trung mọi cố gắng cao nhất đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 72” của Mỹ - ngụy, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Quảng Trị, nghị quyết nhấn mạnh: Kết hợp phản công tiêu diệt địch với tiến công để làm thất bại cuộc phản công của địch, cụ thể: Ở hướng đường quốc lộ 1 và hướng đông lấy tiến công làm chính, hướng đường 12 (tây Huế) cũng lấy tiến công làm chính, các hướng khác kết hợp phản công và tiến công.  Có như vậy mới làm cho địch căng mỏng lực lượng, ta đánh liên tục dài ngày, vừa tiêu diệt địch, bảo vệ vùng giải phóng, vừa chuẩn bị vật chất, kế hoạch, điều chỉnh lực lượng và sử dụng lực lượng hợp lý.

Thực hiện quyết tâm bảo vệ thị xã và Thành cổ của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương tăng cường lực lượng phòng giữ thị xã, sử dụng lực lượng các sư đoàn ở vòng ngoài phản kích mạnh vào cạnh sườn, phía sau đội hình địch, tiêu diệt từ 2 đến 3 tiểu đoàn của chúng, giữ bằng được các khu vực La Vang và thị xã Quảng Trị.

Với quyết tâm cao, Chỉ huy Trung đoàn bộ binh 48 xác định: Kiên trì, dũng cảm, ngoan cường trong phòng thủ, mưu trí, sáng tạo, táo bạo và chủ động tiến công; kiên quyết ngăn chặn và đánh bại mọi cuộc tiến công của địch với khẩu hiệu: “Quang Sơn còn, Quảng Trị còn” (4).

Sau khi trinh sát thực địa và hiệp đồng với Tỉnh đội, Trung đoàn 48 được các tiểu đoàn 8 và 3 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị phối thuộc chiến đấu; bố trí đội hình phòng thủ như sau:

Tiểu đoàn bộ binh 3 Trung đoàn 48, quân số 287 người, ngày 29 tháng 6 vào phòng thủ ở khu vực La Vang, sử dụng Đại đội 11 chốt giữ ngã ba Long Hưng Nam (phía đông La Vang Hữu) và ngã ba đường 1, cách cầu Nhùng 1km về phía bắc, làm nhiệm vụ đánh địch từ xa. Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị, quân số 360 người, bố trí trong thị xã, phòng thủ khu vực nam thị xã và phía đường quốc lộ số 1, chốt giữ từ ngã ba Long Hưng tới Cầu Sắt - Quảng Trị. Tiểu đoàn bộ binh 1 Trung đoàn 48 quân số 250 người, đêm 3 tháng 7 vào bố trí phía đông thị xã, chốt giữ khu vực Tri Bưu, Quy Thiện, An Thái, mỗi nơi một đại đội bộ binh. Tiểu đoàn bộ binh 2 Trung đoàn 48 quân số 284 người, sau khi chiến đấu từ miền tây Thừa Thiên về đứng chân ở Nhan Biều - ái Tử, đến ngày 6 tháng 7, vượt sông sang bố trí ở khu vực làng Cổ Thành phía tây bắc Thành cổ, làm nhiệm vụ cơ động; sử dụng Đại đội bộ binh 5 chốt giữ ngã ba Long Hưng, tăng cường Đại đội bộ binh 7 cho Tiểu đoàn bộ binh 3 Trung đoàn 48 phòng thủ ở La Vang. Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị, quân số 335 người, ngày 10 tháng 7 vào thị xã, bố trí phía đông và trong Thành cổ làm lực lượng phòng giữ Thành cổ và cơ động.

Các đại đội hỏa lực của Trung đoàn 48 có 2 khẩu ĐKZ, 3 khẩu cối 82mm, 5 khẩu súng máy phòng không 12,7mm; vào thị xã ngày 6 tháng 7, bố trí ở phía Đông Thành cổ, riêng Đại đội súng máy phòng không 12,7mm bố trí phía tây bắc Thành cổ. Sở chỉ huy cơ bản của Trung đoàn 48 ở xóm bờ sông làng Bích Khê phía đông bắc thị xã; để tăng cường sức mạnh chỉ huy cho đơn vị, Trung đoàn trưởng phân công một Trung đoàn phó và Chủ nhiệm Chính trị trung đoàn đi trực tiếp với Tiểu đoàn 3 ở La Vang. Tới ngày 6 tháng 7, Trung đoàn tổ chức Sở Chỉ huy nhẹ, bố trí ở tầng ngầm của dinh tỉnh trưởng ngụy trong thị xã.

QT phan 2 anh 2
Chiến sĩ Sư đoàn 325 Ảnh: TL

Ngày 30 tháng 6, sau khi đổ bộ đường không xuống nam sông Nhùng, tiểu đoàn 11 lữ đoàn dù 2 của địch nhanh chóng củng cố thế đứng chân; đến 6 giờ ngày 3 tháng 7, địch vượt cầu Nhùng tiến công vào ngã ba Long Hưng Nam (có hai ngã ba Long Hưng, một ngã ba ở phía đường sắt, đông nam La Vang, một ngã ba trên đường 1 ở đông nam giáp thị xã) do một trung đội của Đại đội 11 Tiểu đoàn 3 chốt giữ. Sau hơn 1 giờ dùng máy bay và pháo bắn phá vào trận địa chốt của ta, đại đội đi đầu của địch, có xe tăng chi viện, xông lên chốt. Bộ đội ta vượt qua bom đạn ác liệt, kiên trì chờ chúng tiến vào thật gần mới đồng loạt nổ súng, 43 tên địch bị diệt ngay trước trận địa; đến 8 giờ chúng phải lui ra, một tổ của ta từ trận địa xuất kích ngắn diệt thêm một số tên. Sau thất bại, địch lùi ra xa, dùng hỏa lực bắn phá liên tục vào trận địa, chuẩn bị cho đợt tiến công mới. 14 giờ ngày 3 tháng 7, chúng tiếp tục tiến công, nhờ có công sự vững chắc cũ của địch để lại và hỏa lực bố trí liên hoàn yểm hộ được cho nhau từ nhiều hướng, nên mỗi lần địch xông lên là một lần bị ta tiêu diệt thêm. Sau 4 đợt tiến công, chúng chẳng những không chiếm được chốt của Đại đội 11, mà còn bị thiệt hại nặng. Đến 18 giờ chúng phải lui ra xa, dùng hỏa lực phi pháo đánh vào trận địa. Trước sức mạnh hỏa lực của địch, quân ta bị thiệt hại khá nặng, thương vong 12 người, hết đạn sau một ngày liên tục chiến đấu, hơn nữa do địch bắn phá ác liệt kéo dài nên lực lượng còn lại phải rút về phía sau. Đây là trận chiến thắng đầu tiên của lực lượng bảo vệ thị xã.

Trong khi trung đội chốt ở ngã ba Long Hưng Nam kiên cường đánh trả nhiều đợt tiến công của một tiểu đoàn địch, giữ vững trận địa, thì một trung đội khác của Đại đội 11, có 10 đồng chí chốt giữ ngã ba đường 1, bị địch tiến công mạnh. Khi bộ đội bị thương vong một số, đã tự động bỏ trận địa rút về phía sau, đường 1 vào thị xã không còn lực lượng án ngữ.

Do trên hướng đường số 1 không có lực lượng chốt giữ, ngày 4 tháng 7, hai đại đội biệt kích thuộc liên đoàn 81 đã phát triển theo đường 1, tập kích vào trận địa pháo cao xạ của ta ở cánh đồng Đại Nải. Đại đội cao xạ đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ trận địa, bảo vệ vũ khí, nhưng lực lượng hạn chế, lại bị thương vong nhiều, không có lực lượng chi viện, cuối cùng phải lui về phía sau. Địch chiếm được 4 khẩu pháo cao xạ 37mm (do địch lợi dụng được khu tiếp giáp giữa hai trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3, ta lại hiệp đồng giữa lực lượng đánh địch trên không và lực lượng đánh địch ở mặt đất không chặt chẽ, để vừa đánh được địch vừa bảo vệ được nhau, nên khi địch đánh vào trận địa, không có lực lượng bảo vệ và chi viện cho đại đội pháo phòng không). Nhân cơ hội các đại đội biệt kích chiếm được khu vực An Thái, tiểu đoàn 5 dù phát triển vào chiếm làng An Thái, làng Đại Nải, uy hiếp nghiêm trọng hướng đông nam thị xã. Cùng ngày, tiểu đoàn 11 dù theo đường sắt tiến công khu vực La Vang, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 đã dựa vào hệ thống công sự và chướng ngại vật có sẵn đánh trả quyết liệt, giữ vững trận địa.

Thấy quân dù bị chặn lại ở hướng nam thị xã, ngày 5 tháng 7, địch dùng hỏa lực bắn phá dữ dội vào các khu vực La Vang, thị xã, đồng thời cho tiểu đoàn 8 lính thủy đánh bộ đánh chiếm khu vực Trầm Lý để vừa uy hiếp ta trong thị xã từ hướng đông, vừa bảo vệ cạnh sườn cho quân dù ở hướng chủ yếu. Trước tình hình đó, ngày 6 tháng 7 năm 1972, Trung đoàn 48 điều Tiểu đoàn bộ binh 2 đang đứng chân ở Nhan Biều, ái Tử sang bố trí ở tây bắc Thành Cổ làm lực lượng cơ động, đưa Đại đội 5 xuống chốt chặn địch ở ngã ba Long Hưng, rút Đại đội 7 tăng cường cho Tiểu đoàn bộ binh 3 giữ La Vang; điều Đại đội 9 Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 vào chốt giữ đầu cầu sắt để Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị tập trung chốt giữ ở ngã tư đường 1 (xã Hải Thượng) và làng Thạch Hãn (xã Hải Trí); đưa các đại đội hỏa lực của trung đoàn mới được củng cố vào chi viện cho các hướng và tổ chức Sở chỉ huy nhẹ của trung đoàn trong thị xã. Như vậy, dù rất khẩn trương chấp hành mệnh lệnh nhưng cũng phải đến ngày 6 tháng 7, Trung đoàn 48 mới tập trung được toàn bộ lực lượng của mình vào trong thị xã để bảo vệ Thành cổ, khi cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị của địch đã triển khai được 9 ngày.

Để sẵn sàng tiếp ứng cho các lực lượng chiến đấu trong thị xã, Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho Sư đoàn 325 sử dụng Trung đoàn bộ binh 95 cùng 1 tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm bố trí ở khu vực từ Nhan Biều đến Ái Tử, phía tây sông Thạch Hãn, sẵn sàng chi viện và sang tiếp ứng cho các lực lượng trong thị xã. Đồng thời, tăng cường cho Trung đoàn 48 một đại đội xe tăng (9 chiếc) của Trung đoàn xe tăng 202, tăng cường hỏa lực của Trung đoàn pháo binh 45 chi viện cho trung đoàn đánh chặn địch tiến công vào thị xã. Sau khi được tăng cường xe tăng và được hỏa lực pháo binh chi viện, Ban Chỉ huy Trung đoàn 48 nhận định: địch muốn chiếm La Vang để làm bàn đạp uy hiếp và tiến công chiếm thị xã, nên muốn giữ thị xã phải giữ La Vang và ngăn chặn được địch ở hướng đông bắc. Với nhận định đó, Ban Chỉ huy trung đoàn quyết định sử dụng Tiểu đoàn bộ binh 3, được tăng cường một đại đội xe tăng tiến hành phản kích đánh địch, đẩy chúng ra khỏi khu vực La Vang Hữu, sau đó đưa xe tăng vào thị xã chiến đấu theo ý định của Bộ Tư lệnh chiến dịch. Việc phản kích của trung đoàn còn nhằm phối hợp với phản công lớn của các lực lượng vòng ngoài của chiến dịch.

Thực hiện nhiệm vụ trên giao, sáng 7 tháng 7, Tiểu đoàn bộ binh 3 Trung đoàn 48 sử dụng Đại đội bộ binh 9, một trung đội bộ binh của Đại đội 10, một trung đội bộ đội địa phương Vĩnh Linh và một trung đội xe tăng 3 chiếc (một đại đội xe tăng 9 chiếc nhưng khi vượt ngầm Phương Thúy bị B52 đánh chặn chỉ có 3 chiếc sang đến được La Vang), được hỏa lực của Trung đoàn pháo binh 45 chi viện, tiến hành phản kích vào La Vang Hữu. Địch thấy xe tăng ta bất ngờ xuất hiện, mất tinh thần, đội hình rối loạn. Chớp thời cơ, bộ binh cùng xe tăng ta dũng mãnh xung phong, bắn cháy 2 chiếc xe tăng địch và diệt hàng trăm tên, đẩy địch ra khỏi La Vang Hữu. Sau thắng lợi, xe tăng ta quay ra, nhưng hiệp đồng không chặt, nên bị đơn vị bạn bắn nhầm, hỏng 2 chiếc, còn 1 chiếc bị bom địch đánh hỏng. Việc đưa xe tăng vào thị xã không thực hiện được.

Tiếp tục ý đồ uy hiếp ta ở hướng đông bắc và hỗ trợ cho hướng tiến công chủ yếu, ngày 8 tháng 7, Tiểu đoàn 8 lính thủy đánh bộ từ Trầm Lý tiến sang làng Quy Thiện. Nắm được ý định của địch, ta tổ chức thế trận bí mật đón đánh. Địch cho một lực lượng nhỏ đi trước thăm dò, không phát hiện được ta, chúng cho lực lượng chủ yếu vượt sông tiến vào Quy Thiện. Bất ngờ, từ các trận địa chốt ở xóm Chùa, Quy Thiện, các Đại đội bộ binh 1 và 2 của Tiểu đoàn 1 nổ súng mãnh liệt, kết hợp với hỏa lực súng cối của tiểu đoàn bắn chặn hai đầu và bên sườn, địch không kịp đối phó, đội hình rối loạn. Từ các chốt, từng tổ nhỏ của ta xuất kích ngắn chia cắt địch, tiêu diệt một số tên, chúng ùn lại ở cầu gãy Trầm Lý, bị đại liên, B40, B41 ở các chốt của Đại đội bộ binh 1 và 2 bố trí bí mật ở đây tiêu diệt gần hết, số còn lại chạy về Trầm Lý, Ngô Xá. Trận đánh kết thúc, trên 100 tên địch bị tiêu diệt, xác địch nằm la liệt trên đoạn đường từ Quy Thiện về Trầm Lý. Sau trận này, tiểu đoàn 8 lính thủy đánh bộ ngụy phải lui về phía sau củng cố, tiểu đoàn 1 lính thủy đánh bộ ngụy được đẩy lên thay.

Cùng ngày, ở hướng La Vang, 1 tiểu đoàn dù ngụy có xe tăng chi viện, liên tục mở nhiều đợt tiến công, nhưng đều bị Tiểu đoàn bộ binh của ta 3 được pháo binh chi viện lần lượt bẻ gãy. Ngày hôm đó, trời nắng to và nóng, địa hình lại trống trải, cứ mỗi lần tiến công bị ta chặn đánh, địch lại lui ra ẩn nấp phía sau và gầm xe tăng, xe bọc thép để vừa an toàn, vừa tránh nắng. Khi chúng triển khai xung phong, lập tức bị pháo binh ta bắn chế áp, khiến nhiều đợt tiến công của địch không thành. Cùng ngày 8 tháng 7, các đơn vị biệt kích của địch sử dụng chất độc hóa học, bí mật luồn vào định bất ngờ chiếm chốt của ta ở khu vực Thạch Hãn trong thị xã, phía nam Thành Cổ; bị Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị tiêu diệt 39 tên, số còn lại tháo chạy. Đợt tiến công của biệt kích ngụy bị bẻ gãy.

Sau nhiều lần đột phá không thành, ngày 9 tháng 7, địch tiếp tục dùng phi pháo bắn phá dữ dội vào thị xã và các trận địa của ta để chuẩn bị cho đợt tiến công mạnh vào ngày hôm sau. Đêm 9 tháng 7, Bộ Tư lệnh chiến dịch tăng cường cho thị xã Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị, quân số 325 người; Đại đội công binh của Trung đoàn 299, quân số 50 người; 2 tiểu đội tên lửa phòng không vác vai A72. Có lực lượng tăng cường, chỉ huy Trung đoàn 48 điều chỉnh đội hình, củng cố thế trận sẵn sàng đánh địch: Sử dụng Tiểu đoàn 1 chốt giữ Tri Bưu, Quy Thiện, đánh địch ở hướng đường 68 vào đông bắc thị xã; sử dụng Tiểu đoàn 2 (thiếu Đại đội 7) bố trí ở khu vực làng Cổ Thành và phía bắc Thành cổ, Đại đội bộ binh 5 tiếp tục chốt giữ ngã ba Long Hưng; Tiểu đoàn 3 được tăng cường Đại đội bộ binh 7 của Tiểu đoàn 2, tiếp tục chốt giữ khu vực La Vang.

Tăng cường các đài quan sát, nắm địch ở các hướng đông nam và đông bắc  thị xã. Tiểu đoàn bộ binh 8 bộ đội địa phương Quảng Trị chốt giữ khu vực Thạch Hãn và nam thị xã. Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị bố trí trong và ven Thành cổ làm lực lượng cơ động.

Những ngày này, các đơn vị bạn ở vòng ngoài đánh địch rất mạnh để phối hợp với các lực lượng trong thị xã. Trên hướng đông, các trung đoàn bộ binh 27, 64 (Sư đoàn 320B), 18 (Sư đoàn 325) cùng các tiểu đoàn 10, 14 bộ đội địa phương Quảng Trị và du kích chặn đứng địch trên tuyến Ngô Xá, Cù Hoan, Trà Trí, Trà Lộc, không cho chúng tiến về thị xã. Trên hướng tây, các trung đoàn bộ binh 102, 88 (Sư đoàn 308) đánh địch ở Trường Phước, đẩy lui cuộc nống lấn của quân dù ra điểm cao 238; các trung đoàn bộ binh 66, 24 (Sư đoàn 304) tổ chức tiến công địch ở Phú Long, Cây Lơi, diệt gọn một cụm địch ở Cây Lơi khi chúng đang phát triển ra hướng Cầu Nhi. Vừa chiến đấu, các đơn vị vừa tổ chức cho nhân dân rời khỏi làng mạc đi sơ tán an toàn; khi địch đánh chiếm làng, bộ đội đánh trả, khi địch rút lui, ta lại hướng dẫn cho bà con đi sơ tán. Nhờ kết hợp giữa chiến đấu và bảo vệ nhân dân mà phần lớn bà con vùng giải phóng Quảng Trị đã đến nơi sơ tán an toàn, mặc dù Mỹ - ngụy dùng bom đạn đánh phá có tính chất hủy diệt vùng giải phóng. Tuy vậy, các đơn vị cánh Tây gặp rất nhiều khó khăn do địch tập trung bom pháo đánh phá dữ dội toàn khu vực trong khi các đơn vị đang cơ động, xây dựng trận địa đứng chân chưa vững, các công tác chuẩn bị chiến đấu, hiệp đồng tác chiến chưa thật kỹ, sự chi viện của hỏa lực cấp trên hạn chế, nên ta thiệt hại về binh lực và vũ khí, khí tài khá nhiều.

Sau hơn 10 ngày tác chiến, với hơn 20.000 quân tinh nhuệ và hàng vạn tấn bom đạn, địch dồn sức tiến công, nhưng cuộc hành quân “Lam Sơn 72” đã không đạt được kết quả như chúng mong muốn. Cả Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đều lúng túng, chúng chỉ thị cho cấp dưới bằng mọi giá phải cắm cờ lên Thành cổ trước ngày 13 tháng 7, tức là trước khi có cuộc gặp giữa phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mỹ ở Hội nghị Pari sau nhiều tháng gián đoạn, Mỹ hứa tăng viện trợ đột xuất cho ngụy. Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở Nam Việt Nam ra lệnh điều lực lượng hải quân và không quân Mỹ đến Quảng Trị, tăng cường hỏa lực pháo binh, không quân để chi viện không hạn chế cho quân ngụy tiến công. Chúng còn treo giải thưởng lớn cho các đơn vị và cá nhân chiếm được thành và cắm cờ lên Thành cổ, dù chỉ một lúc, để chụp ảnh. Với những biện pháp khích lệ tinh thần xảo quyệt và chi viện hỏa lực mạnh mẽ của Mỹ, quân dù và lính thủy đánh bộ tích cực chuẩn bị bước vào một đợt tiến công mới.

QT phan 2 anh 3
Băng qua lửa đạn Ảnh: TL

Sáng 10 tháng 7, địch tập trung một lực lượng lớn gồm bộ binh và xe tăng ở các khu vực An Thái, Đại Nải, đường 1 để chuẩn bị tiến công vào thị xã. Ban chỉ huy lập tức yêu cầu các trận địa pháo của chiến dịch (lúc này đã có sĩ quan pháo binh của mặt trận bên cạnh Ban Chỉ huy trong thị xã), cùng hỏa lực của các đơn vị phòng ngự bắn dồn dập vào các khu vực địch tập trung, riêng pháo 130mm đã bắn 400 viên. Kết quả, ta diệt nhiều địch, phá tan cuộc tiến công của chúng. Hướng ngã ba Long Hưng, Đại đội 5 Tiểu đoàn 2 nắm thời cơ pháo ta bắn, địch đang rối loạn, xuất kích diệt 37 tên, đuổi chúng chạy khỏi Long Hưng, tạo thế bố trí chốt giữ vững chắc ở một ngã ba quan trọng trên đường 1. Đến 19 giờ ngày 10 tháng 7, Ban chỉ huy Trung đoàn nhận được điện khen số 883 và 889 của Bộ Tư lệnh chiến dịch, bức điện viết: “Ngày 10 tháng 7 là một ngày cao điểm, địch tập trung cố gắng chiếm Quảng Trị nhưng chúng đã bị ta đánh cho thất bại. Bộ Chỉ huy mặt trận nhiệt liệt khen ngợi các đồng chí. Địch đã thú nhận chúng gặp phải sự đánh trả quyết liệt, cuộc hành quân là sai lầm, Quảng Trị là một cái bẫy... Tuy nhiên, do yêu cầu thúc bách về chính trị, địch cố gắng chiếm lại Quảng Trị trong dịp chuẩn bị Hội nghị Pari. Kiên quyết giữ vững Quảng Trị là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định lúc này. Bộ chỉ huy mặt trận tin tưởng các đồng chí sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang”.

Ngã ba Long Hưng cách thị xã 1,5km, là vị trí án ngữ trên đường 1 vào thị xã. Muốn tiến công vào thị xã theo đường 1 nhất thiết địch phải qua khu vực này. Đại đội 5 của Tiểu đoàn bộ binh 2, thời điểm này chỉ còn 30 tay súng, chốt giữ tại đây; bố trí thành thế tam giác, mỗi hướng một trung đội. Các trận địa chốt đã có công sự chiến đấu, phòng tránh và hầm hào cơ động; vũ khí có trung liên, cối 60mm, B40, B41, thủ pháo, lựu đạn, đủ cơ số chiến đấu. 7 giờ ngày 11 tháng 7, khi pháo địch bắn phá vừa dứt, một trung đội địch từ xóm Đại Nải Đông vừa thổi còi, vừa la hét tiến về xóm Long Hưng nhỏ, nơi Trung đội bộ binh 3 bố trí trận địa chốt; chúng cho xe tăng dừng cách chốt của ta từ 700 đến 800m, dùng pháo và súng máy trên xe bắn thẳng vào chốt để dọn đường cho bộ binh xung phong. Đại đội 5 phán đoán đây là hướng nghi binh, vì trong lúc đó lực lượng chính của tiểu đoàn 9 dù địch đang lặng lẽ luồn qua các xóm, bí mật đi về hướng đông, định đánh một đòn bất ngờ vào cánh trái của Đại đội 5. Các đài quan sát của ta và các hướng của Đại đội 5 theo dõi chặt chẽ các động thái của địch; giữa lúc đó Đại đội trưởng Đại đội 5 bị thương nặng, Chính trị viên đã ra lệnh cho các chốt bí mật chờ địch đến thật gần mới nổ súng. Khi chúng chỉ còn cách ta một vạt ruộng, bất ngờ máy bay trinh sát OV-10 của địch lao xuống bắn một quả đạn khói vào đám ruộng có bộ binh của chúng đang tiềm nhập; rất nhanh 2 chiếc máy bay B57 bổ nhào ném bom xuống đám khói vừa bốc lên, bom nổ trúng ngay đội hình của chúng. Quân địch không giữ được bí mật nữa, xô nhau chạy tán loạn. Thừa cơ, Đại đội 5 đồng loạt nổ súng tiêu diệt địch. Bị đánh bất ngờ và bị thiệt hại nặng, địch chạy thục mạng về phía sau và gọi pháo bắn dồn dập, kể cả đạn hóa học vào trận địa của đại đội.

Đến 8 giờ 30 phút ngày 11 tháng 7, địch lại chia làm 3 mũi tiến công vào trận địa chốt của Đại đội 5. Hướng Trung đội bộ binh 1, bố trí ở tây bắc đường 1, do Đại đội phó trực tiếp chỉ huy, đã dùng hỏa lực chặn địch và cho từng tổ xuất kích đánh vào sườn địch, chúng phải rút chạy. Hướng Trung đội bộ binh 2, bố trí ở đông bắc làng Long Hưng to, địch sử dụng 3 xe tăng dẫn đầu, Trung đội bộ binh 2 chờ địch vào gần mới nổ súng; chiếc xe tăng địch đi đầu trúng đạn B40 bốc cháy, ta dùng B40, AK, trung liên bắn chặn phía trước, cối 60mm, cối 82mm của trung đoàn bắn chặn phía sau; cùng lúc đó, bị hỏa lực của Trung đội bộ binh 3 bắn tạt sườn chi viện, địch không chịu nổi, rối loạn quay đầu tháo chạy. Đợt tiến công thứ 2 của địch bị bẻ gãy, chúng gọi phi pháo bắn mạnh vào các trận địa hỏa lực của ta. 10 giờ 45 phút, địch tập trung tiến công vào chốt Trung đội bộ binh 3 bố trí ở tây nam làng Long Hưng nhỏ, do chính trị viên đại đội trực tiếp chỉ huy. Ta để địch vào cách 20m mới đồng loạt nổ súng và ném lựu đạn. Địch bị diệt nhiều tên, phải bật trở lại, tiếp tục dùng hỏa lực chế áp vào trận địa. Đến 18 giờ, chúng phải rút ra xa trận địa ta, kéo theo hơn 100 xác chết. Sau trận đánh ngày 11 tháng 7, Đại đội 5 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Cùng ngày, trên hướng đông bắc, tiểu đoàn 5 dù tiến công vào Tri Bưu, bị Tiểu đoàn bộ binh 1 Trung đoàn 48 chặn đánh, không phát triển được. Chiều 11 tháng 7, địch dùng 90 lần chiếc trực thăng đổ tiểu đoàn 1 thủy quân lục chiến xuống bãi tha ma An Tiêm, Nại Cửu; bị Trung đoàn bộ binh 27 Sư đoàn 320B phục kích, bắn rơi, bắn cháy 21 trực thăng, nhưng chúng vẫn củng cố được vị trí đứng chân, uy hiếp ta từ phía bắc thị xã, đồng thời cắt đứt con đường chi viện và tiếp tế cho lực lượng ta trong thị xã từ hướng bắc.

Ngày 12 tháng 7, bom đạn địch vẫn bắn phá dữ dội vào thị xã và các trận  địa của ta, địch vẫn tổ chức tiến công vào khu vực La Vang, ngã ba Long Hưng và Tri Bưu, nhưng chúng đều bị ta đẩy lui. Riêng ở Tri Bưu, tiểu đoàn 5 dù bất ngờ tiến công vào Đại đội 4 hỏa lực và vị trí chỉ huy của Tiểu đoàn bộ binh 1 Trung đoàn 48, chiếm được một phần làng Tri Bưu, uy hiếp trực tiếp hướng đông bắc Thành cổ. Tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh quân khu 1 - quân đoàn 1, không bỏ lỡ thời cơ, đã ra lệnh thẳng cho quân dù: “Bằng cách gì, đêm nay cũng phải cắm được cờ trong Thành cổ”. Việc cắm cờ lên Thành cổ Quảng Trị trước giờ khai mạc Hội nghị Pari đã trở thành một mục tiêu thôi thúc cả Mỹ lẫn ngụy và cho đến cả quân lính của chúng đang có mặt ở Quảng Trị. Cũng từ đó, nhiệm vụ phòng giữ thị xã, Thành cổ của ta càng trở nên quyết liệt. Chập tối 12 tháng 7, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh chiến dịch, ra lệnh cho Trung đoàn bộ binh 48: “Đêm nay phải cố thủ giữ vững Thành cổ Quảng Trị, không được để một tên địch lọt vào, phải phản kích diệt địch chiếm lại được làng Tri Bưu”. Tiếp đó, lại có điện số 915 của Quân ủy Trung ương: “Các đồng chí phải giữ Thành cổ Quảng Trị bằng bất cứ giá nào”. Vào nửa đêm, Bộ Tham mưu chiến dịch thông báo: “Có tin địch đã có một bộ phận đi theo cống ngầm vào Thành cổ để cắm cờ, các đồng chí chú ý đề phòng”. Ban chỉ huy Trung đoàn 48 đã ra lệnh: Tất cả các hướng không ngủ, sẵn sàng đánh địch bí mật đột nhập trận địa; các lực lượng chốt giữ trong Thành cổ phải rải quân ra kiểm tra từng mét vuông trận địa của mình phụ trách. Trung đoàn cũng tăng cường hệ thống trinh sát, quan sát bám địch, giữ vững thông tin liên lạc với các đơn vị, hiệp đồng chặt chẽ với các trận địa pháo binh chiến dịch.

Đến 3 giờ ngày 13 tháng 7, hướng đông bắc thị xã báo về Ban chỉ huy trung đoàn là địch đã rời công sự, đang triển khai lực lượng chuẩn bị đánh chiếm toàn bộ khu vực Tri Bưu. Sau khi xác định rõ nguồn tin trên, Ban chỉ huy bảo vệ Thành cổ yêu cầu pháo binh cấp trên và ra lệnh cho các đơn vị hỏa lực của mình bắn cấp tập vào khu vực Tri Bưu, nơi địch vừa chiếm được trưa 12 tháng 7. Mờ sáng 13 tháng 7, đài quan sát của ta trên hướng Tri Bưu báo cáo thấy địch lần lượt khênh ra 80 cáng thương. Bị thương vong nặng nề, các mũi tiến công của địch chững lại. Nhưng vì sự thúc ép của cấp trên, sư đoàn dù ngụy đã ra lệnh cho tất cả các hướng phải tiếp tục tiến công để thực hiện cho được ý định cắm cờ lên Thành cổ. Sau lệnh đó, địch thực hiện các đợt bắn phá dữ dội, chúng sử dụng một loại bom mới, đó là bom dù có sức khoan sâu và công phá lớn để phá hủy các bức tường thành, phá hủy các hầm ngầm, công sự vững chắc của ta; cùng với bom đạn đánh phá ác liệt, địch tăng quân từ Quy Thiện cho hướng Tri Bưu nhằm chiếm toàn bộ làng Tri Bưu để từ đó tiến vào đông bắc Thành cổ.

Trên hướng nam và đông nam thị xã, chúng tổ chức tiến công vào các khu vực La Vang và Thạch Hãn. Trên trời, ngoài các máy bay trinh sát, máy bay phản lực ném bom, còn thường xuyên có 4 máy bay trực thăng vũ trang quần đảo liên tục, bắn pháo, rốc két xuống các trận địa ta chi viện cho các mũi tiến công của bộ binh. Trên tất cả các hướng, bộ đội ta dựa vào hệ thống hầm hào được củng cố, bổ sung liên tục; sập hầm này, đào hầm khác, hầm nọ thông với hầm kia bằng các đường râu tôm để cơ động chi viện cho nhau, kiên quyết ngăn chặn địch.

Trên hướng đông bắc, các lực lượng chốt của các đại đội bộ binh 5, 6 Tiểu đoàn 2 ở Tri Bưu, Hành Hoa và Tiểu đoàn bộ binh 1 Trung đoàn 48 ở đông bắc Thành cổ, kết hợp với hỏa lực cấp trên chi viện, ngăn chặn tiểu đoàn 5 dù, làm chúng bị thương vong trên 200 quân, phải dừng lại củng cố. Ở phía nam, Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị, Tiểu đoàn bộ binh 3 Trung đoàn 48 đánh bại nhiều đợt tiến công của các tiểu đoàn địch, giữ vững trận địa. Đại đội súng máy phòng không 12,7mm của Trung đoàn 48, bố trí ở tây bắc Thành cổ, bắn rơi một máy bay trực thăng, diệt toàn bộ quân địch trên máy bay. Hai ngày sau, trên thông báo: Trong máy bay có Đại tá Phó Tư lệnh Sư đoàn dù Nguyễn Trọng Bảo và Trung tá chỉ huy pháo binh Huỳnh Phi Hổ, cùng 7 sĩ quan tham mưu.

QT phan 2 anh 4

Sau hơn 10 ngày liên tục tiến công, với sự chi viện mạnh của không quân, hải quân, pháo binh, thiết giáp, sư đoàn dù ngụy vẫn không thực hiện được ý đồ tiến vào thị xã, cắm cờ lên Thành Cổ vào ngày 10 tháng 7, rồi lui lại ngày 13 tháng 7... Ngược lại, hơn một nghìn tên địch bị diệt, 3 xe tăng bị phá hủy, 2 máy bay bị bắn rơi (1 phản lực, 1 trực thăng), cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác bị tổn thất. Về phía ta, mặc dù bước vào chiến đấu có nhiều khó khăn, quân số, vũ khí của các đơn vị hao hụt chưa kịp bổ sung (mỗi đại đội bộ binh chỉ còn từ 36 đến 45 tay súng, hỏa lực chỉ còn khoảng 50%...), những ngày đầu chiến đấu phòng thủ, hỏa lực cấp trên chi viện không nhiều, lại phải chiến đấu với quân địch có lực lượng đông, hỏa lực rất mạnh của cả hải, lục, không quân của Mỹ - ngụy, nhưng với quyết tâm rất cao, quán triệt tư tưởng tiến công, ngoan cường trong phòng thủ, tích cực phản kích, ta đã chặn được địch bên ngoài thị xã, đánh nhiều trận có hiệu suất chiến đấu cao. Một đại đội có quân số ít nhưng đánh bại được nhiều đợt tiến công của một tiểu đoàn địch; trận đầu đánh thắng đã tạo được lòng tin và khí thế thi đua giết giặc lập công của bộ đội. Tuy vậy, do lực lượng thiếu, khu vực phòng thủ quá rộng, nên chưa hình thành được thế trận vững chắc, các lực lượng không chi viện, hỗ trợ trực tiếp được cho nhau, hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh chưa chặt nên không cải thiện được tình hình, thương vong lớn. Có đơn vị tự động bỏ chốt hoặc tự lui về phía sau khi cuộc chiến đấu ác liệt đang diễn ra. Các lực lượng vòng ngoài tiến hành phản đột kích chiến dịch chưa đủ mạnh, sức đột phá không đều, tuy có làm chậm bước tiến của địch nhưng không đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn và đánh bại địch tiến công.

Đợt 2: Đánh bại đợt tiến công lần thứ hai của quân dù vào thị xã, lữ đoàn dù 2 của địch bị thiệt hại nặng, chúng phải đưa sư đoàn lính thủy đánh bộ vào thay (14 - 27 tháng 7 năm 1972)

Sau thất bại nặng nề không thực hiện được việc chiếm thị xã trước ngày 13 tháng 7, một mặt địch tìm cách đẩy lùi thời gian họp lại ở Pari, một mặt chúng tăng cường mật độ hỏa lực phi pháo để cắt đứt các con đường chi viện trực tiếp của ta  vào thị xã; tăng cường lực lượng hình thành thế trận bao vây và tiến công từ nhiều hướng để chiếm thị xã và Thành cổ trước ngày 18 tháng 7 hoặc 27 tháng 7, là những ngày hai phái đoàn ta và Mỹ dự định gặp nhau ở Pari.

Rút kinh nghiệm việc thực hiện phương châm “tiến công ồ ạt, nhảy cóc, tốc chiến tốc thắng” không thành công, quân dù ngụy buộc phải chuyển sang cách đánh linh hoạt hơn, thận trọng hơn. Trong quá trình tiến công, chúng thường xuyên rút kinh nghiệm, nhanh chóng thay đổi hướng tiến công chính, nếu gặp lực lượng ta chống cự yếu, chúng lập tức tập trung sức mạnh ồ ạt tiến quân tràn qua; nếu gặp lực lượng ta mạnh, đánh trả quyết liệt thì dừng lại, dùng bom, pháo và hỏa lực các loại đánh hủy diệt các mục tiêu, sau đó mới tổ chức cho bộ binh tiến vào. Để tăng cường yểm trợ cho quân ngụy tiến công, Mỹ tiếp tục điều thêm lực lượng không quân, hải quân đến Quảng Trị, tập trung chi viện hỏa lực cho quân ngụy với mật độ cao, không hạn chế. Chúng nâng tổng số đạn pháo đánh phá khu vực Thành cổ Quảng Trị từ trung bình mỗi ngày 8.000 viên lên 15.000 viên, cao điểm có ngày chúng bắn tới hơn 30.000 viên; sử dụng mỗi ngày từ 40 đến 60 lần chiếc máy bay phản lực vừa phun chất độc hóa học, vừa thả bom khoan, bom hơi để phá tường thành, đánh sập hầm hào, công sự của ta; tăng số phi vụ B52 đánh phá mỗi ngày từ 30 đến 40 lần chiếc lên 60 đến 70 lần chiếc để chặn tiếp tế vào Thành cổ và đánh sâu vào hậu phương ta. Với những bài bản mới, được chuẩn bị chu đáo, quân dù ngụy mong muốn sớm chiếm được Thành cổ. Từ ngày 14 tháng 7, sư đoàn dù sử dụng lực lượng từ ngã ba Long Hưng tiến đánh Quy Thiện, Tri Bưu, uy hiếp tiến công phía đông thị xã, một cách đánh khác đánh vào Tích Tường, Như Lệ hòng cắt đứt đường tiếp tế cho thị xã từ hướng nam. Sư đoàn lính thủy đánh bộ tiến sát sông Vĩnh Định, cố chiếm An Tiêm, Nại Cửu, Bích La Đông, uy hiếp thị xã từ hướng đông và đông bắc để phối hợp với quân dù.

Nắm được âm mưu của địch, ta chủ trương tăng cường lực lượng vào giữ thị xã; tổ chức chặt chẽ việc bổ sung quân số và vũ khí cho lực lượng trong thị xã, tăng cường hệ thống lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng phòng ngự; kết hợp giữa phòng giữ và tích cực tiến công địch. Các lực lượng vòng ngoài của chiến dịch mở đợt phản kích lần thứ hai vào cạnh sườn và phía sau đội hình tiến công của chúng, kiên quyết giữ vững thị xã. Ta sử dụng Trung đoàn 36 Sư đoàn 308 đánh địch ở Tân Téo, các đơn vị của sư đoàn 304 đánh địch ở Cầu Nhi, bến Đá và núi Trường Phước; ở hướng đông Trung đoàn 27 được tăng cường Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 64 và 1 đại đội thiết giáp tập trung đánh chặn địch không cho chúng chiếm An Tiêm, Nại Cửu.

Để tăng cường lực lượng bảo vệ thị xã và Thành cổ, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định đưa Tiểu đoàn bộ binh 4 Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn bộ binh 9 Trung đoàn 64 vào thị xã phối thuộc cho Trung đoàn 48. Thực hiện chỉ thị của Bộ tư lệnh chiến dịch, đêm 13 tháng 7, Tiểu đoàn bộ binh 4, quân số 290 người vào bố trí ở phía tây Thành cổ làm nhiệm vụ cơ động; đêm 16 tháng 7, Tiểu đoàn bộ binh 9 vào chốt giữ khu vực phía bắc thị xã và Tri Bưu. Cùng thời gian này Đại đội 1 vận tải và Đại đội 6 công binh của Sư đoàn 320B được tăng cường cho Trung đoàn bộ binh 48 để mở thêm tuyến vận tải đường sông, nhờ đó đã tăng đáng kể khối lượng vật chất chi viện cho thị xã (từ 500kg đến 600kg lên 4 tấn đến 6 tấn mỗi ngày). Hàng đêm, súng đạn, lương thực, thuốc men, lực lượng, cả báo chí, thư từ hậu phương được các đơn vị vận tải của trung đoàn, sư đoàn đều đặn đưa vào Thành cổ tiếp sức chiến đấu cho các lực lượng bảo vệ thị xã và đưa thương, bệnh binh ra phía sau chữa trị.

Ngày 14 tháng 7 năm 1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định thành lập Ban cán sự Đảng và Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ Quảng Trị gồm: Tham mưu phó Bộ tham mưu chiến dịch làm Chỉ huy trưởng, Cục phó Cục Chính trị chiến dịch làm Chính ủy. Các chỉ huy của Trung đoàn bộ binh 48, Phó Tỉnh đội trưởng, Chủ tịch ủy ban quân quản tỉnh Quảng Trị làm Chỉ huy phó. Cơ quan của Trung đoàn 48 là cơ quan của Ban Chỉ huy, lấy Sở Chỉ huy cơ bản của Trung đoàn 48 làm Sở chỉ huy của Ban Chỉ huy bảo vệ Thành Cổ, bố trí ở An Mỗ, Sở Chỉ huy nhẹ vẫn bố trí ở vị trí cũ trong Thành cổ. Sau khi thành lập, Ban cán sự Đảng họp và ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ rõ: Tiếp tục giáo dục phát huy tinh thần chiến đấu kiên cường, quyết tâm bảo vệ thị xã. Phát động phong trào làm công sự, đào giao thông hào, xây dựng trận địa phòng thủ vững chắc. Hiệp đồng chặt chẽ với pháo binh, tích cực tiến hành phản kích, kiên quyết đẩy địch ra khỏi Tri Bưu, cải thiện thế đứng. Làm tốt công tác vận chuyển tiếp tế, đảm bảo sinh hoạt, đời sống, sức khỏe cho bộ đội, chuẩn bị lực lượng dự trữ đảm bảo chiến đấu lâu dài.

Ngày 23 tháng 7, Tham mưu phó Bộ Tư lệnh chiến dịch bị thương, cấp trên quyết định điều Tham mưu trưởng Sư đoàn 320B thay thế.

QT phan 2 anh 5
Chờ địch Ảnh: TL

Sau những thất bại nặng nề của đợt 1, được tăng cường lực lượng, 4 giờ ngày 14 tháng 7, địch cho một tốp biệt kích bí mật luồn theo những chỗ tường thành bị bom đạn phá vỡ lẻn vào Thành cổ nhằm cắm cờ ở phía đông bắc, nhưng đã bị các chiến sĩ Đại đội 14 hỏa lực của Trung đoàn 48 và các chốt của Tiểu đoàn bộ binh 3 địa phương Quảng Trị phát hiện, nổ súng tiêu diệt một số tên, số còn lại bỏ chạy về nơi xuất phát. Tiếp sau hành động cắm cờ thất bại, địch tiến hành những đợt hỏa lực đánh phá ác liệt, liên tục suốt hai ngày 14 và 15 tháng 7 vào các trận địa của ta trong khu vực thị xã. Riêng pháo binh, trung bình mỗi ngày chúng bắn 15.000 viên, các loại máy bay chiến thuật và máy bay ném bom chiến lược B52 đều tăng số lần đánh phá so với trước. Chúng sử dụng các loại bom đạn có sức công phá lớn như: Bom hơi, bom dù, bom từ trường, pháo khoan và cả chất độc hóa học đánh vào các trận địa, nhằm phá vỡ tường thành, hủy diệt các trận địa chốt giữ của ta và chặn các đường chi viện từ phía sau vào thị xã. Trong khi dùng hỏa lực đánh phá quyết liệt, địch tăng cường lực lượng, bố trí lại thế trận chuẩn bị tiến công vào thị xã: tiểu đoàn 5 dù và 2 đại đội biệt kích ở khu vực Tri Bưu chuẩn bị tiến công chiếm Tri Bưu và đánh vào góc đông bắc Thành cổ; tiểu đoàn 6 dù triển khai ở khu vực quận Mai Lĩnh; tiểu đoàn 11 dù triển khai xung quanh khu vực Long Hưng; tiểu đoàn 9 dù triển khai xung quanh khu vực La Vang; tiểu đoàn 7 dù làm lực lượng dự bị, triển khai ở khu vực Đại Nải, sẵn sàng tăng cường cho hướng đông bắc; các hướng đều có xe tăng và phi pháo yểm trợ chiến đấu.

Ngày 16 tháng 7, được phi pháo chi viện mạnh, quân dù của địch tiến công vào thị xã trên tất cả các hướng. Trên hướng đông bắc, các tiểu đoàn 5, 7 dù có xe tăng chi viện tiến công đánh chiếm các làng Tri Bưu, Hành Hoa; khi địch tiến vào trong làng, chúng tạm dừng lại thăm dò lực lượng ta. Theo dõi chặt chẽ từng hành động của địch, Ban chỉ huy bảo vệ Thành cổ lệnh cho các trận địa pháo, cối thuộc quyền và yêu cầu pháo, cối cấp trên bất ngờ bắn dồn dập vào đội hình tạm dừng của địch. Khi pháo cối của ta chuyển bắn sâu về phía sau quân địch, chiến sĩ các Đại đội 5, 6 của Tiểu đoàn 2 và các Đại đội 1, 3 của Tiểu đoàn 1 từ các hầm chốt xuất kích ngắn đánh vào cạnh sườn, phía sau quân địch. Bị đánh trả bất ngờ, địch rối loạn tháo chạy, ta truy kích chiếm được nhà thờ Tri Bưu và đẩy chúng ra xa 400m. Trong trận này, Đại đội 5 Tiểu đoàn 2 bố trí ở gần khu nhà thờ Tri Bưu đã thực hiện đánh gần, chờ địch vào sát chốt mới đồng loạt nổ súng diệt 25 tên, có tên gục xuống cách hầm chiến sĩ ta khoảng 5m.

Hướng đông nam, Tiểu đoàn 6 dù từ bàn đạp ở Mai Lĩnh, được xe tăng chi viện, tiến công vào khu vực đông nam thị xã. Các Tiểu đoàn 3, 8 bộ đội địa phương hiệp đồng chặt chẽ với pháo binh cấp trên và các đơn vị hỏa lực của Trung đoàn 48 bố trí trong thành chi viện, tích cực xuất kích nhỏ đánh bại các đợt tiến công trong ngày của địch. 15 giờ ngày 16 tháng 7, một đại đội địch có xe tăng đột nhập vào trận địa của Đại đội 5 Tiểu đoàn 3 địa phương ở khu vực Mỹ Đông; Ban chỉ huy bảo vệ Thành cổ lệnh cho Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 tiến hành phản kích. Tiểu đoàn bộ binh 4 nhanh chóng tổ chức bám địch và sử dụng Đại đội bộ binh 3 lợi dụng thời cơ địch đứng chân chưa vững, táo bạo tập kích giữa ban ngày, tiêu diệt hơn 100 tên, số địch còn lại ngay đêm 16 tháng 7 phải rút về quận Mai Lĩnh. Đại đội 3 của Tiểu đoàn bộ binh 4 Trung đoàn 95 đã lập công đầu xuất sắc và được trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Theo thông báo của cơ quan tham mưu chiến dịch, địch thú nhận ngày 16 tháng 7 chúng bị tiêu diệt hơn 400 quân và mất nhiều vũ khí do quân lính vứt bỏ để chạy thoát thân.

Cùng ngày 16 tháng 7, Tiểu đoàn bộ binh 4 Trung đoàn 88 Sư đoàn 308,  sau khi vào khu vực La Vang được 2 ngày đã sử dụng các Đại đội 2 và 3 tập kích Sở Chỉ huy Tiểu đoàn 9 dù gần đồi Gia Long, diệt 60 tên, làm chủ trận địa. Trận đánh đã tạo bàn đạp cho đội hình Trung đoàn 88 đang từ Động Ông Do tiến xuống nam bờ sông Thạch Hãn.

Ngày 17 tháng 7, Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ thấy cần phải đánh bồi vào lực lượng của Tiểu đoàn 5 dù để đẩy chúng ra xa khu vực Tri Bưu, đã hạ quyết tâm sử dụng Tiểu đoàn bộ binh 1 Trung đoàn 48 làm nhiệm vụ tiến công, Tiểu đoàn bộ binh 9 Trung đoàn 64 và Đại đội 5 Tiểu đoàn bộ binh 2 Trung đoàn 48 triển khai chặn địch từ hướng Tri Bưu để bảo vệ bên sườn trái đội hình Tiểu đoàn 1. Khi thực hành tiến công, Tiểu đoàn 1 đã nhanh chóng tiêu diệt một bộ phận lực lượng tiểu đoàn 5 dù, chiếm được khu nhà tôn và góc đông bắc làng Tri Bưu. Nhưng khi Tiểu đoàn 1 chưa kịp triển khai lực lượng phòng giữ khu vực nhà tôn (đông nam làng Tri Bưu) thì bị 2 đại đội của tiểu đoàn 7 dù của địch phản kích từ bãi tha ma vào. Trong khi đó, Tiểu đoàn bộ binh 9 Trung đoàn 64 và Đại đội bộ binh 5 Tiểu đoàn 2 do hiệp đồng không chặt, không kịp thời triển khai ngăn chặn địch và không có lực lượng chi viện cho Tiểu đoàn 1. Tiểu đoàn 1 đã chiến đấu ngoan cường, ngăn chặn được lực lượng địch phản kích, nhưng do lực lượng ta còn quá ít, (toàn tiểu đoàn chỉ còn 10 người) nên bị địch đẩy lui. Địch chiếm lại nhà thờ Tri Bưu và áp sát cách đông bắc Thành cổ 500m. Trong trận này, Tiểu đoàn bộ binh 1 đã tiêu diệt 230 quân địch, bắn rơi 1 máy bay trực thăng nhưng ta cũng bị thiệt hại nặng. Ngay đêm đó, Tiểu đoàn 1 được đưa về phía sau củng cố.

Trên hướng đông bắc, mặc dù Tiểu đoàn 7 dù của địch có áp sát được khu vực Thành cổ, nhưng lực lượng chủ yếu ở hướng này là Tiểu đoàn 5 dù đã bị thiệt hại nặng, các hướng khác bị lực lượng ta đẩy lui; đặc biệt các đơn vị của ta ở vòng ngoài thị xã đã tổ chức những đợt hoạt động mạnh khiến địch không thể rảnh tay đánh chiếm thị xã.

Trên hướng nam - tây nam, Trung đoàn bộ binh 36 tiến công địch ở Tân Téo, Trung đoàn bộ binh 88 tiến công địch ở ngã ba Long Hưng Nam, ngã tư đường sắt; Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 đánh địch chốt giữ Phú Long, Trung đoàn 24 Sư đoàn 304 đánh địch chốt giữ cầu Nhi, cắt quốc lộ 1; Trung đoàn bộ binh 9 Sư đoàn 304 đánh địch ở khu vực bến Đá - núi Trường Phước buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, không thể tập trung hết lực lượng vào thị xã.

Cùng ngày 17 tháng 7, trên cánh Đông, địch dùng 3 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, có xe tăng, xe thiết giáp chi viện, tiến công vào khu vực Ngô Xá - Thanh Lê, chuẩn bị mở đường vào thị xã theo đường 68, nhưng đã bị Tiểu đoàn bộ binh 1 Trung đoàn 27 đẩy lùi, tiêu diệt hàng trăm tên, bắn cháy 12 xe tăng, xe thiết giáp. Sau chiến thắng này, Trung đoàn 27 tiếp tục giữ khu vực Nại Cửu, Chợ Sãi, tổ chức 15 trận tập kích lớn nhỏ diệt 2 đại đội lính thủy đánh bộ, bắn cháy 7 xe tăng, xe thiết giáp, loại khỏi vòng chiến đấu 1 tiểu đoàn của lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ, giữ vững trận địa. Cùng thời gian, từ ngày 16 đến 25 tháng 7, Tiểu đoàn bộ binh 7 Trung đoàn 64 tiến hành 12 trận tập kích và phản kích, diệt khoảng 540 tên địch, bắn rơi 1 máy bay. Ngày 22 tháng 7, tiểu đoàn 5 lính thủy đánh bộ đổ bộ đường không xuống Lệ Xuyên, nhưng bị lực lượng cánh Đông đánh bại, phải chạy khỏi Lệ Xuyên.

Ngày 19 tháng 7, Ban chỉ huy bảo vệ Thành cổ chủ trương tiếp tục phản kích địch trên cả hai hướng. Hướng đông bắc sử dụng Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 và Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64. Hướng đông nam sử dụng Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị. 14 giờ, pháo ta bắn cầm canh vào các vị trí bố trí của địch để lấy phần tử bắn chính xác, đến 17 giờ, pháo ta bắn cấp tập vào Tri Bưu. Rạng sáng 20 tháng 7, các hướng phản kích đẩy địch về phía sau từ 300m đến 500m, diệt hơn 200 tên, bắn cháy 2 xe tăng; ta tổ chức chốt giữ những nơi chiếm được. Những ngày tiếp sau, địch khẩn trương bổ sung lực lượng, một mặt dùng bom pháo đánh phá ác liệt vào Thành cổ và đánh chặn các bến vượt sông, các đường tiếp tế của ta vào thị xã; một mặt dồn quân lên phía trước củng cố các bàn đạp mà chúng đã chiếm được ở Tri Bưu, Đệ Ngũ. Phía ngoài, chúng dùng các lữ đoàn lính thủy đánh bộ liên tục đánh lấn ra các khu vực An Tiêm, Nại Cửu, Chợ Sãi (hướng bắc); cho quân dù tiếp tục tiến công Tích Tường, Như Lệ (hướng nam và tây nam) nhằm hình thành thế trận bao vây ta ở thị xã. Lực lượng của ta trong thị xã lúc này gồm Trung đoàn 48 (thiếu Tiểu đoàn 1), Tiểu đoàn bộ binh 3 và Tiểu đoàn bộ binh 8 bộ đội địa phương Quảng Trị, Tiểu đoàn bộ binh 9 Trung đoàn 64, Tiểu đoàn bộ binh 4 Trung đoàn 95 và một số đơn vị hỏa lực khác, tổng quân số 1.178 người. Ngày 21 tháng 7, Tiểu đoàn bộ binh 3 Trung đoàn 48 đã bàn giao việc phòng giữ La Vang cho Trung đoàn 88 và về bố trí ở đông nam Thành cổ, quân số còn 90 người (riêng Đại đội 9 Tiểu đoàn 3 vẫn chốt giữ khu vực Cầu Sắt).

Để tăng cường việc phòng ngự thị xã, sau khi Sư đoàn 312 vào tác chiến ở mặt trận Quảng Trị, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định đưa toàn bộ Trung đoàn bộ binh 95 Sư đoàn 325 vào chiến đấu trong thị xã. Lúc này Trung đoàn bộ binh 95 đã có Tiểu đoàn 4 đang chốt giữ thị xã, Tiểu đoàn 6 đang chiến đấu ở khu vực An Tiêm, Nại Cửu, từ đêm 19 tháng 7 được đưa về giữ làng Cổ Thành và các trận địa trên hướng bắc thị xã thay thế Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 rút ra củng cố. Tiểu đoàn bộ binh 5 đang đứng chân ở khu vực Nhan Biều được lệnh sẵn sàng tiếp ứng cho thị xã.

Do các lực lượng của Trung đoàn 95 Sư đoàn 325 đã vào thị xã chiến đấu đầy đủ, ngày 22 tháng 7, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định tổ chức Ban Chỉ huy hỗn hợp và chỉ định Ban cán sự khu vực thị xã gồm các cán bộ đang chỉ huy đánh địch của Trung đoàn bộ binh 48, bổ sung Chính ủy Trung đoàn bộ binh 95 vào thị xã. Trung đoàn trưởng Trung đoàn bộ binh 48 được chỉ định làm Chỉ huy trưởng, Chính ủy Trung đoàn 95 làm Chính ủy - Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chính ủy Trung đoàn 95 làm Phó Chính ủy; các Phó Trung đoàn trưởng các trung đoàn 48, 95 làm Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 48 làm Tham mưu trưởng. Vị trí Ban chỉ huy bảo vệ Thành cổ vẫn bố trí ở dưới hầm nhà dinh tỉnh trưởng ngụy cũ.

4 giờ ngày 23 tháng 7, địch mở đợt tiến công mới, phi pháo địch bắn phá tới tấp vào các trận địa ta, sau đó lính dù, lính biệt động tiến công vào các trận địa ta trên tất cả các hướng. Trên hướng đông bắc, ở Tri Bưu địch tập trung 4 tiểu đoàn liên tục tiến công vào các trận địa của Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48, một bộ phận địch đã bám được vào góc tường đông bắc Thành cổ, Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ ra lệnh Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị từ Thành cổ cơ động ra phối hợp với Tiểu đoàn 2 phản kích. Nhưng địch có ưu thế về lực lượng và hỏa lực, bộ đội ta chưa đẩy được chúng ra khỏi trận địa, trận đánh giằng co, kéo dài dưới chân tường thành. Trong khi đó trên hướng đông và đông nam, địch mở nhiều đợt tiến công vào trận địa của Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48; do lực lượng cơ động thiếu, Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ quyết định cho Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 vào thành làm lực lượng phản kích. Để kịp thời ngăn chặn đợt tiến công mới của địch, 10 giờ ngày 23 tháng 7, Tiểu đoàn bộ binh 5 Trung đoàn 95 được lệnh vào gấp thị xã, tiểu đoàn tổ chức vượt sông Thạch Hãn giữa ban ngày, dưới hỏa lực phi pháo của địch, từng bộ phận của tiểu đoàn vừa bơi tới bờ bên thị xã lập tức được đưa ngay tới chốt tăng cường sức chiến đấu ngăn chặn địch; các đại đội 6, 7 và Đại đội 8 hỏa lực tiến lên phản kích địch ở Tri Bưu, Đại đội 5 tăng cường cho Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 ở hướng đông nam. Có lực lượng tăng cường, trên các hướng ta tiếp tục phản kích, cuối buổi chiều địch núng thế, bị đánh bật khỏi công sự và lui dần, trên cả 3 hướng ta khôi phục lại trận địa. Đến tối 23, Tiểu đoàn 5 tổ chức lại đội hình, bố trí ở phía bắc và tây bắc Thành cổ làm lực lượng cơ động, riêng Đại đội 5 tăng cường cho Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 phòng giữ phía đông nam thị xã. Đêm 23 tháng 7, Đại đội 10 Tiểu đoàn bộ binh 6 Trung đoàn 88 Sư đoàn 308 vào chốt giữ trường Bồ Đề ở tây nam thị xã để đánh địch.

Các ngày 24 và 25 tháng 7, địch tập trung bom đạn đánh phá liên tục suốt  ngày đêm chi viện cho các tiểu đoàn dù tiến công vào hướng đông bắc và đông nam Thành cổ. 12 giờ ngày 24 tháng 7, trên hướng đông bắc, Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 7 dù cùng với 2 đại đội biệt kích đã chiếm được làng Tri Bưu và một phần làng Hành Hoa, đồng thời chúng cho một bộ phận (khoảng 2 trung đội) lao vào chiếm góc đông bắc Thành cổ. Bị các chốt của các tiểu đoàn bộ binh 2 và 3 Trung đoàn 48 cùng Tiểu đoàn 3 địa phương Quảng Trị phối hợp chặt chẽ, chia cắt địch ra từng cụm, bắn tỉa từng tên; đến 15 giờ, toán địch này bị tiêu diệt toàn bộ. Hướng đông nam, tiểu đoàn 6 dù mở nhiều đợt tiến công vào trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48, Tiểu đoàn bộ binh 4 và Đại đội 5 Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95, nhưng bị các lực lượng của ta đánh chặn. Trên hướng tây nam, sáng 24 tháng 7, sau khi phát hiện có lực lượng ta ở trường Bồ Đề (nơi có tầm quan sát tốt), địch đã sử dụng hỏa lực bắn phá ác liệt và cho xe tăng, bộ binh tiến công vào trận địa chốt của Đại đội 10 Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 88 suốt cả ngày 24, chúng bị tiêu diệt hơn 40 tên, đến tối quân địch mới tìm cách lấy xác đồng bọn và kéo những tên bị thương ra phía đường số 1. Sau 1 ngày chiến đấu, Đại đội 10 bị tổn thất nặng, để giữ vững điểm chốt quan trọng này, đêm 24 tháng 7, Trung đoàn 88 đưa Đại đội 9 Tiểu đoàn 6 vào thay; đồng thời trung đoàn tổ chức một bộ phận hỏa lực chi viện cho Đại đội bộ binh 9, đưa tên lửa chống tăng B72 vào đầu cầu sắt sẵn sàng đánh xe tăng địch. Theo mệnh lệnh chiến đấu của sư đoàn, chiều 26 tháng 7, toàn bộ đội hình của Trung đoàn 88 Sư đoàn 308 vào chốt giữ khu vực phía nam thị xã: Tiểu đoàn bộ binh 4 chốt giữ khu vực trại Gia Long, La Vang; Tiểu đoàn bộ binh 5 chốt giữ khu vực đông nam cầu sắt; Tiểu đoàn bộ binh 6 chốt giữ khu vực trường Bồ Đề, ngã ba Long Hưng; Sở Chỉ huy nhẹ của trung đoàn ở làng Tích Tường 2. Cũng như nhiều đơn vị khác, lúc này lực lượng của Trung đoàn 88 bị suy giảm nhiều, mỗi đại đội bộ binh chỉ còn 10 đến 15 tay súng; hỏa lực của trung đoàn chỉ còn 4 khẩu ĐKZ, 4 khẩu 12,7mm, 8 khẩu cối 82mm v.v...

Sau 2 ngày dốc toàn lực để chiếm Thành cổ vẫn không được, bị thiệt hại nặng, quân dù giở trò lừa bịp dư luận. Tối 25 tháng 7, Đài Phát thanh Sài Gòn phát một bài tường thuật: Quân dù Mũ nồi đỏ đã tràn vào chiếm được Thành Quảng Trị, họ đang chuẩn bị ngày mai long trọng làm lễ kéo cờ trong Thành cổ. Tiếp đó, 9 giờ ngày 26 tháng 7, địch tổ chức cắm cờ có cố vấn Mỹ, có phóng viên báo chí, có quay phim nhưng không phải ở thị xã mà là ở bức tường đổ của nhà thờ Trầm Lý, cách thị xã 3km về phía đông. Nhưng trò lừa bịp của địch, ngay từ đầu đã bị lực lượng trinh sát của ta phát hiện và gọi pháo binh bắn vào vị trí trên, địch hoảng loạn, vội vã lên máy bay trực thăng chuồn thẳng.

Ngày 27 tháng 7, tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh quân khu 1 - Quân đoàn 1ngụy phải hạ lệnh đưa lực lượng lữ đoàn dù 2 ra củng cố, giao nhiệm vụ cho sư đoàn lính thủy đánh bộ vào thay, đảm nhiệm tiếp tục tiến công vào thị xã. Cùng ngày 27 tháng 7, ta phát hiện lực lượng biệt kích và tiểu đoàn 5 dù đang gặp khó khăn về quân số, đạn dược và lương thực; Ban chỉ huy bảo vệ Thành cổ quyết định sử dụng Tiểu đoàn bộ binh 9 Trung đoàn 64 và lực lượng của Tiểu đoàn bộ binh 2 Trung đoàn 48 tập kích hai đại đội biệt kích địch ở khu nhà thờ Tri Bưu và tiểu đoàn 5 dù ở khu nhà tôn trên đông nam Tri Bưu, diệt hơn 100 tên địch, bắt 2 lính dù, nhưng ta hết đạn nên phải lui ra bao vây địch ở vòng ngoài, làm cho địch tiến công cũng không được, lui quân cũng không xong. Vì vậy, mặc dù được lệnh rút khỏi Tri Bưu, nhưng 3 ngày sau khi có lệnh rút, tiểu đoàn 5 dù mới lui quân xong. Trong trận này, số phù hiệu của những tên chết ta thu được gồm phiên hiệu của cả 5 tiểu đoàn dù (4, 5, 6, 7, 9) và lực lượng biệt kích 81, chứng tỏ lúc này quân dù cũng phải chắp vá nhiều. Như vậy, 2 tuần cuối tháng 7, với mật độ hỏa lực tăng gấp hơn 2 lần so với đợt 1, địch mở nhiều mũi đánh chiếm khu đông bắc thị xã, tổ chức tiến công liên tục, thay đổi hướng tiến công chủ yếu, nhưng địch chẳng những không thực hiện được việc cắm cờ lên Thành cổ vào ngày 18 hoặc 27 tháng 7 như dự định mà còn bị các lực lượng ta trong thị xã tiêu diệt 1.702 quân, bắt 2 tên, bắn rơi 4 máy bay, diệt 3 xe tăng và 3 ô tô. Bản tin của hãng AFP phát đi ngày 27 tháng 7 năm 1972 đưa: “Trong cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị, quân dù Nam Việt Nam đã bị đánh quỵ. Trong những ngày chiến đấu đẫm máu tại đây mỗi ngày họ chết 150 người, các cố vấn Mỹ cho rằng thật chẳng đáng bám lấy cái thị xã Quảng Trị nguy hiểm ấy làm gì, lính dù đã bị thương vong quá nặng, họ cần có thời gian để tổ chức và hồi phục lại”. Hãng UPI ngày 22 tháng 7 đưa tin: “...họ đang băm nhỏ lực lượng giỏi nhất của Sài Gòn...”. Còn báo Figarô của Pháp viết: “Ở Quảng Trị mỗi tuần có mấy trăm người chết, mà lại là lực lượng tinh nhuệ nhất của quân lực Việt Nam cộng hòa...”.

Về ta, các lực lượng trong thị xã, nhất là các đơn vị chốt giữ, từ đầu đã chịu đựng một khối lượng bom đạn khổng lồ, với mật độ dày đặc và liên tục của địch; lực lượng bị tiêu hao khá nhanh, nhưng đã ngoan cường chốt giữ, tích cực phản kích, tập kích liên tục, không có ngày nào không có lực lượng ta xuất kích đánh địch, khiến cho quân dù tuy được bổ sung quân nhanh cũng không đủ khả năng tiến công dứt điểm theo lối tốc chiến, tốc thắng của chúng. Trong đợt này, các lực lượng giữ Thành cổ Quảng Trị, được sự cổ vũ, động viên rất lớn của hậu phương bằng những lá thư, các chuyến hàng chuyển vào chi viện cho các lực lượng chiến đấu trong Thành cổ đều đặn nhất là các loại đạn cối, đạn B40, B41 v.v... Ngày 27 tháng 7, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch gửi điện động viên cán bộ chiến sĩ toàn mặt trận và các chiến sĩ chiến đấu giữ thị xã, bức điện có đoạn viết:

“Sau một tháng chiến đấu cực kỳ anh dũng, ta đã chặn đứng cuộc tiến công của địch, tiêu diệt hơn 9.000 tên, giữ vững thị xã Quảng Trị - La Vang. Đây là một thành công cổ vũ nhân dân cả nước. Ngày 25 tháng 7, địch cố gắng rất cao đánh vào thị xã Quảng Trị, nhưng chúng đã bị thất bại. Địch buộc phải thay quân và thay kế hoạch. Chúng đã bị suy yếu nhưng chưa từ bỏ âm mưu đánh chiếm thị xã.

Cuộc chiến đấu còn quyết liệt, nhưng ta đã có thêm nhiều điều kiện thuận lợi mới để giữ vững thị xã và đánh bại cuộc hành quân của địch. Tình hình đang chuyển biến có lợi cho ta. Trên hướng đường 12, ta vừa đánh chiếm Động Tranh, Quảng Nam đang đánh mạnh ở Quế Sơn, các chiến trường đang phối hợp tốt với ta.

QT phan 2 anh 6
Nữ du kích làm nhiệm vụ tuần tra canh gác thị xã Quảng Trị

Tất cả cán bộ chiến sĩ trên toàn mặt trận hãy nhận rõ thời cơ, nhận rõ trách nhiệm, thấy hết khả năng của ta và sự suy yếu của địch, nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ ác liệt, tiêu diệt thật nhiều địch hơn nữa, chiếm địa bàn có lợi, kiên quyết đẩy lui địch một bước, tiến lên đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân của địch”.

Tuy nhiên, ta cũng còn nhược điểm như việc hiệp đồng trong từng trận tập kích chưa thật chặt chẽ, một số mục tiêu đã chiếm được nhưng không tổ chức chốt giữ ngay để địch phản kích chiếm lại... Mặc dù các lực lượng của chiến dịch tiến hành đợt phản kích thứ 2 ở vòng ngoài đã tiêu diệt được nhiều địch, buộc chúng phải phân tán đối phó, không thể dồn lực lượng để đánh chiếm thị xã và thành cổ như dự định, nhưng do mật độ hỏa lực của địch quá cao, sức chiến đấu của ta giảm sút nhanh, một số đơn vị phải lui về phía sau củng cố, do đó ta đã để mất một số vị trí chiến thuật quan trọng ở làng Tri Bưu, ở khu vực Chợ Sãi gây khó khăn không ít cho việc tiếp tế và chốt giữ thị xã, Thành cổ. Thị xã vẫn bị địch bao vây từ ba mặt.

1. Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 lúc này tăng cường cho Sư đoàn 308.

2. Trung đoàn 88 Sư đoàn 308 lúc này tăng cường cho Sư đoàn 304.

3. Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 lúc này tăng cường cho cánh Đông.

4. Quang Sơn là mật danh của Trung đoàn 48 khi vào chiến đấu bảo vệ thị xã - Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Kim Yến (st)

Còn nữa

Bài viết khác: