Thứ sáu, 20/12/2024

Trong thời gian gần đây, khi nhân dân ta đang chào đón những ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2015, thì trên internet lại thấy xuất hiện một số ý kiến xuyên tạc và phủ nhận lịch sử, phủ nhận những thành quả cách mạng của nhân dân ta. Bản chất và giá trị của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (Cách mạng Tháng Tám) bị xuyên tạc, phủ nhận từ nhiều phía. Họ tiếp tục luận điệu đã cũ rích rằng, nhân dân không cần phải làm cách mạng vì khi đó đã có chính phủ dân tộc rồi, Cách mạng Tháng Tám là "việc không nên làm".

Luận điệu coi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là "việc không nên làm" vốn không có gì mới. Cái lý do mà họ đưa ra cho "việc không nên làm" là vì theo họ, "khi thay thế Pháp, Nhật đã có chính quyền Trần Trọng Kim".

1. Chính phủ Trần Trọng Kim là gì, bản chất, vị trí lịch sử của nó ra sao mà có thể làm được trọng trách giải phóng dân tộc, đáp ứng được khát vọng của nhân dân mà không cần một cuộc cách mạng nhân dân, như họ nói.

Chính họ cũng đã biết, chính phủ Trần Trọng Kim ra đời khi bộ máy hành chính thực dân mà Nhật muốn kế thừa từ Pháp đã tan rã, việc thiết lập một bộ máy cai trị tay sai bản xứ được xem là vấn đề cấp bách đối với Nhật. Ngày 30-3-1945, Trần Trọng Kim đang ở Băng Cốc được Nhật Bản đưa về Sài Gòn, sau đó ra Huế thành lập chính phủ vào ngày 17-4-1945. Trần Trọng Kim đã bày tỏ sự tri ân của mình rằng: "Không thể quên ơn nước Đại Nhật Bản đã giải phóng cho ta", và tin tưởng: "Trên nhờ lòng tin cậy của đức Kim Thượng (Bảo Đại), dưới nhờ sự ủng hộ của quốc dân, ngoài tin vào lòng thành thực của nước Đại Nhật Bản" để "mong nền móng xây đắp được vững vàng để cơ đồ nước Việt Nam ta muôn đời trường cửu"(1). Như vậy, chính phủ Trần Trọng Kim thực tế vẫn nằm dưới sự bảo hộ của quân đội Nhật chiếm đóng Đông Dương.

Những người nói rằng, "khi thay thế Pháp, Nhật đã có chính quyền Trần Trọng Kim", thì hẳn họ cũng đã tự hiểu bản thân chính quyền ấy là ai và nếu có "độc lập", thì sự "độc lập" ấy là trong sự bảo hộ mới của thế lực bên ngoài.

Chính phủ Trần Trọng Kim "được Nhật trao độc lập", rất không thể là biểu tượng cho sự thống nhất, quy tụ ý chí độc lập và khát vọng giải phóng của dân tộc Việt Nam. Vì thế, chính phủ này đã tự đặt mình vào thế đối lập với xu thế phát triển của lịch sử dân tộc và xu thế thời đại. Trên thực tế, nó chỉ là một tổ chức bù nhìn, bất lực trước các nhiệm vụ tự nó đặt ra; là sản phẩm trực tiếp của chính sách chiếm đóng, cai trị của phát xít Nhật trước sự thất bại không tránh khỏi; vì thế sự nhanh chóng cáo chung của nó là một điều tất yếu.

cach-mang-thoi-dai
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh tư liệu.

2. Trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, nhiệm vụ "dân tộc giải phóng" được đặt ra trước hết. Song, cần phải hiểu nhiệm vụ giải phóng đó là giải phóng thực sự và triệt để, phải do nhân dân tiến hành, phải thiết lập chính phủ nhân dân, bảo đảm quyền lực của nhân dân, chứ không phải là tình thế dựng lên một chính phủ nhờ vào "lòng thành thực của nước Đại Nhật Bản", để làm "tay sai bản xứ" cho ngoại bang.

Thực ra, những người đưa ra quan điểm ấy cũng đã biết được những sự kiện lịch sử nêu trên, cũng biết được bản chất và những giới hạn mà Chính phủ Trần Trọng Kim không thể vượt qua. Có điều là họ vẫn cứ cố tình xuyên tạc, cố tình phủ định ý nghĩa và giá trị thực sự của Cách mạng Tháng Tám. Sự phủ định này, đến nay không phải là mới. Ngay khi mới thành công, giá trị và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám cũng đã bị phủ nhận, xuyên tạc. Trong dịp kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Trường Chinh cũng đã trực tiếp phê phán: "Hiện nay, một số người, hoặc chưa từng rỏ một giọt mồ hôi vì cách mạng, hoặc đã và đang hành động phản quốc, chực phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám Việt Nam"(2).

3. Điều quan trọng là cần làm rõ, trước kia cũng như hiện nay, cái ý đồ của những kẻ tung ra luận điệu Cách mạng Tháng Tám là "việc không nên làm" thực chất là gì? Đó không có gì khác hơn là với dụng ý thâm độc, họ nhằm làm méo mó bản chất, tính chất và phủ nhận ý nghĩa, giá trị của Cách mạng Tháng Tám. Ở đây, họ đã cố tình nhập nhằng, cố tình "đánh lận con đen", làm lộn sòng bản chất, tính chất giữa một cuộc cách mạng của nhân dân với một "chính phủ" làm "tay sai bản xứ" cho ngoại bang; giữa một cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc, giành quyền lực cho nhân dân, mở đầu kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với chính quyền hướng "cơ đồ nước Việt Nam" phát triển dựa trên "lòng thành thực của nước Đại Nhật Bản".

Một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do nhân dân ta "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, khác hẳn về bản chất của sự "giải phóng" do "Đại Nhật Bản đã giải phóng". Những người đưa ra luận điệu trên đã cố tình nhập nhằng bản chất, tính chất của hai "kiểu" giải phóng và độc lập này. Từ đó, họ hạ thấp vai trò, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

4. Cũng cần khẳng định cho họ thấy rõ hơn bản chất, tính chất của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Nhiệm vụ cần kíp của cách mạng là "dân tộc giải phóng", sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc là ưu tiên số một, nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Cách mạng "đã đạt được mục đích giành chính quyền, mục đích trực tiếp của mọi cuộc cách mạng"(3); nhưng nó không kết thúc với việc giành chính quyền vào tay nhân dân lao động, mà đó mới chỉ là sự mở đầu. Công việc cơ bản và quan trọng của cách mạng là xây dựng chính quyền mới, củng cố và sử dụng chính quyền ấy vào việc tổ chức, quản lý và xây dựng chế độ xã hội mới, chế độ xã hội chủ nghĩa, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho quảng đại quần chúng nhân dân lao động.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã dẫn đến sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân lao động Việt Nam từ thân phận bị nô lệ, bị áp bức bóc lột vươn lên làm chủ, giành chính quyền về tay mình, đứng ra tổ chức xây dựng xã hội mới. Đó là cuộc cách mạng không phải thay đổi chế độ bóc lột này bằng chế độ bóc lột khác, không phải là thay đổi chế độ bảo hộ này bằng chế độ bảo hộ khác; mà là cuộc cách mạng nhằm thủ tiêu chế độ bóc lột, áp bức, bất công, giành quyền tự do, tự chủ; là cuộc cách mạng đưa nhân dân lao động lên làm chủ, thay đổi căn bản địa vị của họ trong xã hội. Chính vì vậy, Cách mạng Tháng Tám là một sự nghiệp giải phóng sâu sắc và triệt để, là việc làm tất yếu của nhân dân Việt Nam. Luận điệu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là "việc không nên làm" thực chất là luận điệu phi lịch sử, phản nhân dân, phản dân tộc, không thể đánh lừa được ai./.

PGS, TS NGUYỄN MẠNH HƯỞNG

......................

(1) Dẫn theo Phạm Hồng Tung, Nội các Trần Trọng Kim, bản chất, vai trò và vị trí lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, H.2009, tr.191, tr.193.

(2) Trường Chinh, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, tập I, Nxb Sự thật, H.1975, tr.341.

(3) Trường Chinh, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, tập I, Nxb Sự thật, H.1975, tr.375.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: