Ở Pháp có một địa chỉ quen thuộc và gần gũi mà bất kỳ người Việt Nam nào khi đặt chân đến Pháp cũng đều mong được ghé thăm, đó là Không gian Hồ Chí Minh và tượng Bác tại thành phố Montreuil, cách trung tâm Paris khoảng 15km về phía Đông.
Không gian Hồ Chí Minh, nơi trưng bày nhiều hiện vật lịch sử về những năm tháng Bác hoạt động tại Pháp đầu thế kỷ 20
Không gian Hồ Chí Minh là một phòng trưng bày nhỏ đặt tại Bảo tàng Lịch sử sống và tượng Bác ở công viên Montreau tạo thành cụm di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người hoạt động tại Pháp cách đây tròn một thế kỷ.
Không gian Hồ Chí Minh được khánh thành ngày 19/5/2000 nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi trưng bày nhiều hiện vật lịch sử liên quan đến Bác Hồ và cũng là nơi trưng bày thường trực duy nhất của Bảo tàng Lịch sử sống. Trên một diện tích rộng chừng 10m², chính quyền thành phố Montreuil đã phục dựng theo nguyên bản căn phòng nhỏ nhà số 9 ngõ Compoint nơi Bác Hồ từng sống và làm thợ ảnh trong thời gian từ năm 1921 đến 1923.
Cánh cửa và tấm biển nhà số 9 ngõ Compoint được trưng bày tại Không gian Hồ Chí Minh
Căn phòng gác 2 tồi tàn, giá lạnh năm xưa đã bị phá đi cùng tòa nhà cũ vào năm 1987. Khi đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã đề nghị thành phố Montreuil nhận về lưu giữ những di vật thuộc căn phòng cũ của Người. Trong căn phòng được phục dựng còn lưu giữ chiếc bồn rửa mặt, cánh cửa và tấm biển là hiện vật gốc của nhà số 9 ngõ Compoint. Một số đồ vật khác như chiếc bàn làm việc, cầu thang và ván lát sàn, chiếc giường con quá cũ đã được làm mới hoặc thể hiện một cách tượng trưng bằng hình vẽ.
Bút tích của Bác qua những bức thư gửi lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp
Trên tường dọc hành lang dẫn vào căn phòng nhỏ còn lưu dấu bút tích của Người qua những bức thư Bác gửi Liên đoàn Đảng Cộng sản Pháp và các đồng chí của mình là lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp như Maurice Thorez, Jacques Duclos. Trong cuốn sổ vàng lưu niệm, không chỉ có bút tích của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước mỗi khi đi công tác tại Pháp mà còn có cả những dòng cảm tưởng mộc mạc, giản dị của những người dân từ trong nước sang, xúc động khi được gặp Bác trong không gian đầy ắp hình ảnh gợi nhớ quá trình tìm đường cứu nước gian nan của Bác trong những năm đầu thế kỷ 20.
Tượng Bác tại công viên Montreau, thành phố Montreuil, ngoại ô Paris
Bên ngoài tòa nhà Bảo tàng Lịch sử sống, giữa không gian rợp bóng cây xanh của công viên Montreau là bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tượng được chính quyền thành phố Montreuil dựng ngày 19/5/2005, nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh nhật Bác. Đây là nơi cán bộ các cơ quan đại diện Việt Nam và kiều bào tại Pháp đến dâng hương tưởng nhớ Bác vào mỗi dịp 19/5, là nơi các đoàn cán bộ trong nước sang công tác đến bày tỏ lòng thành kính trước anh linh vị lãnh tụ đã hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây cũng là nơi bạn bè Pháp đến bày tỏ sự khâm phục và ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh-“Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa của Việt Nam” như lời của Nghị quyết UNESCO năm 1987. Tượng Bác cũng đồng thời là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp.
Tượng Bác là nơi con cháu tụ họp về để dâng hương vào mỗi dịp ngày sinh nhật Bác
Trao đổi với phóng viên TTXVN bên tượng Bác nhân lễ kỷ niệm Ngày sinh nhật lần thứ 124 của Bác, ông Jean-Pierre Brard- Thị trưởng thành phố Montreuil từ năm 1984 đến năm 2008, người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Không gian Hồ Chí Minh và triển khai việc đặt tượng Bác khẳng định: “Với Việt Nam, chúng tôi dành một sự thủy chung không gì lay chuyển được. Nhân dân Việt Nam là biểu tượng của lòng dũng cảm và tinh thần quyết tâm giành độc lập dân tộc. Con người Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết hợp tuyệt vời giữa chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng thế giới nhằm phục vụ quyền lợi cho nhân dân Việt Nam, đóng góp vào cuộc đấu tranh trên toàn thế giới để mọi người đều được hưởng quyền tồn tại bình đẳng và hy vọng vào một thế giới ngày một tốt đẹp hơn”./.
Tin, ảnh theo Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)
Theo http://thegioi.baotintuc.vn
Đặng Tuyết(st)