Thứ sáu, 20/12/2024

nhan-nguon-suc-manh
Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn

Không chỉ khơi dậy nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, tinh thần yêu nước gắn liền với ý thức cộng đồng, đoàn kết dân tộc Việt Nam đã hình thành và củng cố tạo, thành lẽ sống của mỗi người Việt Nam, làm cho vận mệnh mỗi cá nhân gắn chặt với vận mệnh của cộng đồng, với sự sống còn và phát triển của dân tộc. Cùng với thời gian, truyền thống ấy, giá trị tinh thần ấy, nguồn sức mạnh nội sinh từ khối đại đoàn kết ấy được kế thừa và phát triển, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa Thu năm 1945.

1. Mang trong hành trang của mình lòng yêu nước thương dân tha thiết, trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cứu nước theo quỹ đạo cách mạng vô sản. Trên tinh thần của học thuyết Mác, khác với các nhà hoạt động cách mạng đương thời, tránh được sự dập khuôn máy móc về quan điểm giai cấp của Quốc tế Cộng sản, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, ngay từ những năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã xác định rằng ở Việt Nam phải thực hiện "dân tộc cách mệnh" trước. Và theo Người, vì "dân tộc cách mệnh thì chưa phân giai cấp", nên trong khi nêu rõ việc phải xác định rõ công nông là gốc cách mạng thì không quên các "học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ" cũng là "bầu bạn cách mạng của công nông". Từ kinh nghiệm thực tiễn và nhận thức lý luận, Hồ Chí Minh đã cụ thể hoá ý nghĩa của vấn đề "cách mạng chỉ có thể thắng lợi nếu như những làn sóng cách mạng lay động được quần chúng nông dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản" bằng những nội dung cụ thể, sáng tỏ được nêu trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Người soạn thảo (thông qua tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đầu năm 1930).

“Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"[1] là sợi chỉ đỏ, là sự hấp dẫn mà Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định. Song nhiệm vụ lịch sử ấy "là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người"[2], vì vậy phải đoàn kết toàn dân, phải "sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền" trên cơ sở nòng cốt "công nông là người chủ cách mệnh… Công nông là gốc cách mệnh"[3]. Và khối đại đoàn kết toàn dân đó phải được tập hợp vào một mặt trận dân tộc thống nhất, rộng rãi, nhằm huy động sức mạnh của toàn dân tộc, tập trung cho mục tiêu giải phóng dân tộc. Trên một nguyên tắc nhất quán, lấy lợi ích tối cao của dân tộc, quyền lợi của nhân dân lao động làm nền tảng, khi trở về Tổ quốc sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước, Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (10 - 19/5/1941). Hội nghị đã quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; thành lập Mặt trận Việt Minh; đề ra chủ trương tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho dân cày nghèo, giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng; chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ mỗi nước ở Đông Dương; thành lập, phát triển và tăng cường lãnh đạo các tổ chức vũ trang và nửa vũ trang, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang; khởi nghĩa từng phần đến Tổng khởi nghĩa... có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là sự lãnh đạo và trực tiếp chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên tinh thần: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thày. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng”[4], sự ra đời, phát triển của Mặt trận Việt Minh đã không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố không ngừng, mà còn là phương tiện nâng nguồn sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc lên gấp bội lần khi được tổ chức trong một tổ chức có sức chiến đấu cao. Chương trình cứu nước gồm 44 điểm mà tinh thần cơ bản là cốt thực hiện được hai điều: “Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn được độc lập. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do” và Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn” đã quy tụ được sức mạnh đoàn kết của mọi người dân Việt Nam yêu nước cho ngày vùng lên của toàn dân tộc.

Đầu năm 1945, tình hình thế giới có sự chuyển biến nhanh lẹ và ở trong nước, phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển mạnh mẽ. Trước sự kiện Nhật đảo chính Pháp, ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" nhằm phát động cao trào kháng Nhật cứu nước (thay đổi hình thức tuyên truyền, tổ chức đấu tranh để thích hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa, tập dượt quần chúng tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền). Tháng 8/1945, khi thời cơ giành thắng lợi đã tới, đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1: Hiệu triệu toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Ngày 16 - 17/8/1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng... Thực hiện lời kêu gọi của Người: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, cả dân tộc Việt Nam muôn người như một đã vùng lên, giáng một đòn quyết định vào các cơ quan đầu não, làm tê liệt mọi sự kháng cự của phát xít Nhật và bọn tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua Mặt trận Việt Minh, dân tộc ta không những đã đoàn kết lại mà lần đầu tiên đoàn kết có hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, tất cả những quyết định của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh đều được tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân, kể cả các lực lượng vốn đứng ngoài Mặt trận Việt Minh ủng hộ. Sức mạnh vật chất, lực lượng vật chất của nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được hun đúc, bồi đắp trong lịch sử, được phát triển và thực hiện theo nguyên tắc: không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, mọi thành phần kinh tế, mọi giới và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam quy tụ trong Mặt trận Việt Minh đã góp phần làm lên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.

2. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã không chỉ kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mà còn kết hợp nguyên lý mácxít về vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong lịch sử nhằm nâng tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc lên một tầm cao mới. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, Người và Đảng đã không ngừng thực hiện và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở lấy dân làm gốc, kết hợp truyền thống với hiện đại, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Nhận thức sâu sắc rằng, đoàn kết là nguyên nhân,"đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của mọi thành công”, Hồ Chí Minh đã luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết, thống nhất trong Đảng -  hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân. Không phải ngẫu nhiên, ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc mà Hồ Chí Minh giương cao lại hấp dẫn tất cả những người dân Việt Nam yêu nước và cả những người dân yêu chuộng hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới. Lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam và Hồ Chí Minh hơn 85 năm qua đã chứng minh rằng: sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ có được từ yếu tố truyền thống, đó còn là quá trình củng cố, bồi đắp và nhân nguồn sức mạnh nội sinh của cả dân tộc trên cơ sở kiên định mục tiêu, đó là độc lập dân tộc và CNXH.

Triết lý nhân sinh - hành động của Hồ Chí Minh “làm cho đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" và tấm lòng yêu nước, thương dân, tin dân, kính trọng dân của Người đã quy tụ xung quanh Người hết thảy những người Việt Nam yêu nước, không phân biệt trẻ, già, trai, gái, tôn giáo, đảng phái. Không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi "đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng tâm" hay "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết", Hồ Chí Minh - linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã cảm hoá, tập hợp, quy tụ mọi người dân Việt Nam yêu nước qua mỗi chặng đường cách mạng bằng tấm lòng trung với nước, hiếu với dân của mình. Uyển chuyển, hài hoà, bao dung trong cả tư tưởng - hành động - đạo đức, đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh không đơn giản chỉ là phương pháp tập hợp, tổ chức lực lượng cách mạng, mà cao hơn thế, đó là một bộ phận hữu cơ, gắn bó trong đưòng lối chiến lược của Đảng Cộng sản, đồng thời trở thành động lực của cách mạng. Vì vậy, cuộc cách mạng Hồ Chí Minh lựa chọn và kiên trì thực hiện "không chỉ đấu tranh cho một lá cờ, cho một sự giải phóng bề mặt bên ngoài. Người muốn tiến hành một cuộc chiến đấu cho phẩm giá con người, cho sự giải phóng và phúc lợi của toàn dân"[5] đã hấp dẫn hết thảy mọi người.

Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn cờ đoàn kết, thống nhất cho nhân dân Việt Nam ở mọi thế hệ, mọi thành phần dân tộc là bởi rằng, Hồ Chí Minh là Người luôn chủ trương "bỏ qua những dị biệt nhỏ, giữ lấy cái tương đồng lớn". Nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm xử lý trong các vấn đề quốc gia và quốc tế. Hồ Chí Minh "hoà mà không tư", nên những lời kêu gọi, những khẩu hiệu về đại đoàn kết mà Người nêu ra đã nhanh chóng đi vào lòng người. Hồ Chí Minh - Người bắt nhịp bài ca Kết đoàn, Người chỉ huy dàn hợp xướng đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam đã luôn sáng suốt, sử dụng có hiệu quả các hình thức vận động quần chúng trên cơ sở xoá bỏ thành kiến, thật thà hợp tác, cô lập lực lượng thù địch, nhằm tạo ra nguồn sức mạnh vô địch của dân tộc Việt vẫn luôn có sức sống bất diệt.

3. Xuyên suốt trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định: Đoàn kết là một chính sách dân tộc, là phương pháp cách mạng, là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, bài học về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết trong Cách mạng Tháng Tám không chỉ thể hiện tính cách mạng triệt để mà còn kết tinh giá trị văn hóa, tinh thần, ý chí quật cường của một dân tộc anh hùng với truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Không chỉ khơi dậy nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

70 năm trôi qua kể từ thắng lợi của cuộc cách mạng vĩ đại mùa thu năm 1945 ấy, một dân tộc Việt Nam đoàn kết “đồng tâm, đồng chí, đồng lòng” vượt qua mọi hiểm nguy, thách thức đã giành thắng lợi trong các cuộc trường chinh chống thực dân và đế quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia đã, đang ngày một phát triển trong hành trình hướng tới tương lai, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, có thể và cần thiết phải điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp quần chúng cho phù hợp, nhưng đại đoàn kết toàn dân tộc luôn luôn được thấu triệt là vấn đề sống còn của cách mạng. Đại đoàn kết toàn dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng, được xây dựng trên cơ sở lấy lợi ích tối cao của đất nước và quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động làm nền tảng; kết hợp hài hoà lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, lợi ích gia đình với lợi ích xã hội, lợi ích giai cấp với lợi ích dân tộc.

Trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế, đứng trước cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhất là khi các thế lực thù địch thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với thủ đoạn hết sức thâm độc, nguy hiểm nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta; lợi dụng các vấn đề “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ta; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... thì hơn bao giờ hết bài học về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám 1945 lại càng có ý nghĩa biết nhường nào. Để nhân nguồn sức mạnh nội sinh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nguồn sức mạnh đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững môi trường hòa bình cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, thì “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”[6], xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.

Thấu triệt tinh thần của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) về xây dựng khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ra đời đã nhấn mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp đó, Đại hội XI của Đảng (1/2011) tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu bài học thứ 2 trong 5 bài học kinh nghiệm là: "Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Trong toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”[7]…

Từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân”[8] và quán triệt sâu sắc bài học kinh nghiệm về đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám, thiết thực đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, để nhân nguồn sức mạnh của lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, ý thức trách nhiệm và quyền làm chủ của nhân dân, vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, cần phải chú trọng những nhiệm vụ sau:

Một là, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn; nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phẩm chất của cán bộ, đảng viên để Đảng luôn đoàn kết, thống nhất, thực sự trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nghiêm túc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quí báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết của Đảng như giữ gìn con người của mắt mình”, làm cơ sở của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, các cấp ủy đảng từ Trung ương xuống địa phương cần phải thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác vận động quần chúng, nhất là Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về yêu cầu, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chiến lược đại đoàn kết.

Ba là, nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân các cấp trong việc vận động nhân dân, thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của nhân dân; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia tích cực trong thực hành dân chủ, giám sát quyền lực nhà nước...

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội sâu rộng trong nhân dân, cách thức tổ chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ; thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội… tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Năm là, đẩy mạnh cuộc đấu tranh và ngăn chặn có hiệu quả tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân và sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Hướng về cơ sở, chú trọng cơ sở, từng bước giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc… để phòng và chống âm mưu “diễn biến hoà bình”, chống lại thủ đoạn quyết liệt của các thế lực thù địch nhằm tranh giành quần chúng, chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1996, t.3, tr.1

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.262       

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.266       

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.198

[5] Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. KHXH, H, 1990, tr.42

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, H, 1987, tr.213

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, H, 2011, tr.65

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.698

TS. Văn Thị Thanh Mai

Theo Tạp chí của Ban Tuyên giáo

Bùi Hảo (st)

Bài viết khác: