QĐND - LTS: Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo nhiều văn kiện lịch sử quan trọng. Một trong những văn kiện lịch sử có ý nghĩa mở đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam là tác phẩm “Đường Kách mệnh”, được Bác Hồ viết năm 1927. Trải qua gần 90 năm, đến nay, tác phẩm này vẫn có sức lay động hàng triệu trái tim và trở thành một trong những di sản tư tưởng - văn hóa quý báu của Đảng và dân tộc ta. Tháng 10-2012, tác phẩm “Đường Kách mệnh” đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Báo Quân đội nhân dân giới thiệu vệt bài “Tác phẩm “Đường Kách mệnh”: Giá trị tư tưởng - văn hóa vượt thời gian” của PGS, TS Nguyễn Thanh Tú, nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về những giá trị tư tưởng, văn hóa của Bảo vật quốc gia này.
Bài 1: Tầm nhìn văn hóa vượt thời đại
Căn cứ vào lời Bác Hồ khi Người về thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương,tiền thân của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 2004, tập 5, trang 684), Giáo sư Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước đã đối chiếu với triết lý giáo dục cho toàn thế giới trong thế kỷ 21 của UNESCO là “Học để có kiến thức, học để làm việc, học để biết chung sống, học để làm người”. Nhận thấy về cơ bản, tư tưởng này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ra ngay từ tháng 9-1949, ông viết thư và đề nghị UNESCO công nhận Bác Hồ là người đã đi trước tư tưởng triết lý giáo dục này. Tổ chức văn hóa giáo dục lớn nhất thế giới đã chân thành cảm ơn.
Nhưng theo chúng tôi thì ở tác phẩm "Đường Kách mệnh", rõ nhất là phần mở đầu “Tư cách một người cách mệnh”, ngay từ năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã nêu một cách đầy đủ, cụ thể về triết lý giáo dục con người, đầy đủ, cụ thể hơn và dĩ nhiên là sớm hơn “bốn trụ cột triết lý giáo dục” mà UNESCO đề xướng năm 1996 đã dẫn ở trên.
"Đường Kách mệnh" đặt ra 15 vấn đề lớn thì “Tư cách một người cách mệnh” được đặt ở đầu sách, thậm chí trước cả lời giải thích “Vì sao phải viết sách này?”. Như vậy, vấn đề nhân cách con người được tác giả hết sức coi trọng, coi đó là vấn đề tiên quyết mang tính thành bại, sống còn của cách mạng. Tư tưởng cơ bản của tác phẩm là đặt ra đường lối cho cách mạng Việt Nam, trong đó đề cập một cách sâu sắc và toàn diện việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng, do vậy có thể coi đây là một cuốn cẩm nang về giáo dục đạo đức, nhân cách người cách mạng. Với tính chân lý của nội dung, tính thuyết phục mạnh mẽ của hình thức, đây là cuốn giáo trình đầu tiên về đạo đức cách mạng, tuy là đầu tiên nhưng cho đến nay và mãi về sau vẫn là mẫu mực, kinh điển.
Bìa gốc tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Ảnh: Hoài Như.
Tác giả nêu ra 23 nguyên tắc ứng xử gói trong 3 mối quan hệ cơ bản của một người cán bộ: Đối với mình (Tự mình phải) có 14 nguyên tắc: “Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật”. Đối với người (Đối với người phải) có 5 nguyên tắc: “Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người”. Đối với công việc (Làm việc phải) có 4 nguyên tắc: “Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”.
Đối chiếu với triết lý của UNESCO, chúng ta sẽ thấy Nguyễn Ái Quốc đã cụ thể hóa các triết lý này từ trước đó gần 70 năm (1927 và 1996), là học để có kiến thức: Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét; là học để làm việc: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể; là học để biết chung sống: Hòa mà không tư. Vị công vong tư. Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo; là học để làm người: Cần kiệm. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Chỉ có khác là UNESCO đưa ra 4 luận điểm thì Nguyễn Ái Quốc khái quát vào 3 mối quan hệ, với mình, với người, với công việc. Có thể ví Nguyễn Ái Quốc như một kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà nhân cách người cách mạng có “ba cột chống chắc chắn” nên dù có “bão táp phong ba” nhưng nó vẫn đứng vững vàng, thậm chí càng qua thử thách càng chắc chắn lạ thường.
Lấy hệ quy chiếu của UNESCO soi vào tác phẩm càng cho thấy Nguyễn Ái Quốc có một quan niệm toàn diện về giáo dục mà trước hết là giáo dục tư cách nhân cách con người. Đến đây, ta càng hiểu rõ hơn ý của tác giả vì sao mục này đặt ngay đầu sách: Làm cách mạng là công việc cực kỳ vĩ đại, cực kỳ khó khăn, muốn thắng lợi phải có yếu tố đầu tiên là con người cách mạng, con người cách mạng phải có phẩm chất đầu tiên là “tư cách” đạo đức cách mạng, có như vậy mới có thể tiếp thu được lý luận cách mạng để thực hành cách mạng.
Chúng ta có thể xem xét tính hiện đại của "Đường Kách mệnh" ở phương diện hình thức bằng việc lấy điểm tựa là triết lý giáo dục của UNESCO, dưới đây sẽ đặt qua vấn đề nội dung, nói “đặt qua” vì đây là tác phẩm lớn nên chỉ xin đối chiếu trên nét lớn với triết học văn hóa đương đại, một xu hướng nghiên cứu văn hóa đang rất phát triển trên thế giới trong hoàn cảnh toàn cầu hóa, nhất là ở những năm đầu thế kỷ 21.
Sự gặp gỡ giữa "Đường Kách mệnh" với triết học văn hóa hôm nay ở tầm nhìn văn hóa, cụ thể hơn là tầm nhìn về mẫu con người văn hóa. Thể hiện trước hết là coi trọng chủ thể văn hóa (con người), coi đây là vấn đề quyết định. Rất có chủ ý, Nguyễn Ái Quốc đưa vấn đề chủ thể lên đầu tiên “Tự mình phải” với 14 nguyên tắc không thể bác bỏ bất cứ một nguyên tắc nào. Triết học văn hóa đề cao hiểu biết, sống giản dị, chân thành mà mạnh mẽ, hòa nhập với thế giới, chia sẻ với cộng đồng… Tác giả "Đường Kách mệnh" cũng đưa ra những yêu cầu tương tự: “Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Quyết đoán. Dũng cảm. Vị công vong tư. Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người”… Triết học văn hóa yêu cầu trong thời hội nhập con người cần có bản lĩnh giữ vững bản sắc thì ở Nguyễn Ái Quốc là “Giữ chủ nghĩa cho vững”. Đúng vậy, càng ở ngày hôm nay càng phải giữ vững chủ nghĩa xã hội, vì đó là kết tinh của văn hóa nhân loại!
Hiện nay, người ta nói nhiều về chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, thì điều ấy đã có ở Nguyễn Ái Quốc ngay từ những năm đầu thế kỷ 20. Hạt nhân của chủ nghĩa nhân văn là yêu thương con người-đã có trong "Đường Kách mệnh": “Với từng người thì khoan thứ”; là quý trọng, nâng đỡ con người - đã có trong "Đường Kách mệnh": “Có lòng bày vẽ cho người”… Nói thế để thấy rằng mục đích của Hồ Chí Minh, xét đến cùng là đi tìm độc lập cho nước, hạnh phúc cho dân, là thống nhất một cách trọn vẹn ngay từ khi ở thời điểm Người ra đi tìm đường giải phóng cho dân tộc./.
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ
Theo http://www.qdnd.vn
Thu Hiền (st)