Những hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh được các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh trân trọng, gìn giữ và trở thành kho tàng quý giá, mang tính tư liệu cao.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trái tim bạn bè và các thế hệ người Việt Nam luôn hiện lên gần gũi, bình dị và bao dung. Những hình ảnh về Người được các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh trân trọng, gìn giữ và trở thành kho tàng quý giá, mang tính tư liệu cao.
Những nghệ sĩ nhiếp ảnh như Đinh Đăng Định, Vũ Đình Hồng, Mai Nam, Đinh Quang Thành đã có cơ hội trực tiếp được chụp ảnh Bác Hồ trong nhiều kì hội nghị hay trong những khoảnh khắc đời thường. Với họ, những bức ảnh còn lưu lại là một phần kí ức quan trọng trong sự nghiệp làm báo của mình.
Đôi tay run run ở cái tuổi xế chiều, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam lần giở lại từng thước phim, tấm ảnh trong kho tư liệu 200 bức ảnh ông chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với ông, đó là một phần quan trọng trong suốt cuộc đời làm báo của mình.
Năm 1955, khi về công tác tại Báo Tiền phong, ông mới có dịp được chụp những bức ảnh đầu tiên về Bác. Đó là ngày Bác và Chính phủ ra mắt đồng bào ngày 1/1/1955, sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam tâm niệm: “Tôi có ý thức làm thế nào để chụp Bác Hồ phải thật đẹp với nụ cười tươi, cho nên 80% bức ảnh của tôi chụp Bác Hồ là thấy Bác cười. Tôi nghĩ rằng ở Bác Hồ toát ra một cái gì đó mà chính những hình ảnh ghi lại của tôi cũng chưa thể hiện được hết. Cả cuộc đời làm nhiếp ảnh, chụp được ảnh Bác chừng ấy là điều vinh dự và không phải người nào cũng có”.
Chỉ được gặp Bác trong những hội nghị nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam luôn cố gắng chọn những góc chụp sao cho hình ảnh của Bác gần gũi, dung dị và đời thường nhất. Trong số 200 phim ảnh còn lưu giữ, có khoảng 50-60 bức ảnh tương đối tốt. Trong đó có bức ảnh mà ông cho là may mắn được chụp chân dung Bác lần cuối cùng.
“Một may mắn của tôi là dịp mít tinh vào ngày 1/5 tại Hội trường Ba Đình năm 1969, trước khi Bác mất 3 tháng. Bác ngồi trên Chủ tịch đoàn, còn tôi không biết linh tính thế nào đã mang theo chân máy ảnh (mọi khi không mang), một ống kính tele và nghĩ “mình phải chụp ảnh chân dung Bác Hồ”.
Tôi dùng tele chụp tỉa lên trên và chụp được 5 bức ảnh chân dung, trong đó có 1 bức ảnh Bác đang dặn dò đồng chí Lê Duẩn. Từ sau ngày 1/5 ấy, Bác bị ốm và cũng không có ai có cơ hội được chụp chân dung Bác. Tôi có thể khẳng định đó là may mắn và là những bức chân dung cuối cùng, đến nay tôi vẫn giữ được phim”.
Cuộc đời người nghệ sĩ nhiếp ảnh được đánh dấu bằng những khoảnh khắc bất chợt trong cuộc sống. Nhờ khoảnh khắc đó mà họ đã có những bức ảnh để đời nhưng cũng có khi lại là sự nuối tiếc. Đó là trường hợp của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành, nguyên là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Nam Hà (Nam Định và Hà Nam bây giờ).
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành kể: Trong một lần đi thăm Nhà máy dệt Nam Định, Bác đã nghỉ trưa tại nhà khách công đoàn. Xung quanh nhiều cây cối, ánh nắng chiếu vào lung linh cộng với tiếng chim hót, Bác ngồi trên bậc gỗ nghỉ chân, da dẻ hồng hào, mặc quần áo lụa, tay cầm quạt giấy trông giống như một ông tiên.
“Tôi với anh ruột là Đinh Đăng Định - phóng viên chuyên chụp ảnh Bác Hồ từ kháng chiến chống Pháp, hai anh em không ai nói ai đều lấy máy ảnh ra. Trông Bác lúc đó đẹp quá, nắng lại chiếu trái tạo thành ven sáng chung quanh mái tóc bạc. Bóng nắng chiếu trên vai tạo thành hình dáng như tiên ông. Hai anh em cùng đến chân cầu thang, giơ máy ảnh ra chụp thì Bác nói: “Bác ngồi thế này, các chú chụp dùng làm sao được, phí phim”. Lúc bấy giờ phim ảnh quá hiếm. Thấy Bác nói vậy tôi và ông anh nhìn nhau, đóng máy lại không ai dám chụp. Giờ vẫn tiếc là tại sao lúc đó mình không chụp đi thì chắc là có ảnh rất đẹp về Bác”.
Tuy không chớp được khoảnh khắc hiếm hoi ấy nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành đã có không ít tư liệu ghi lại những giây phút rất đời thường, khi Bác đi thăm công nhân dệt, Bác nói chuyện với dân, vào bệnh viện Nam Định thăm bệnh nhân và nói chuyện với y bác sĩ.
Với những nghệ sĩ có thời gian gắn bó với công việc chụp ảnh Bác Hồ, những khoảnh khắc hiếm hoi như vậy trong cuộc đời luôn là dịp để dùng nghệ thuật khắc họa nên chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại nhưng cũng hết sức giản dị, gần gũi với mọi người./.
Theo VOV
Kim Yến (st)